Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Mảnh trăng cuối rừng Bum Nưa


Ai đã một lần đến Tây Bắc sẽ mãi say cái mây, cái gió, cái rét mướt, mưa gào của vùng biên cương xa xôi. Đã nhiều năm lang thang qua các nẻo đường Tây Bắc nhưng tôi vẫn chọn Lai Châu là nơi để quay lại bởi vùng đất này gieo vào tâm trí tôi sự huyền bí thẳm sâu, tình người chân tình sâu sắc.
Cung đường khám phá lần này là xã biên giới Pa Vệ Sủ (giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu với hai điểm nhấn quan trọng: thứ nhất là tìm hiểu cuộc sống người La Hủ - một dân tộc đang được bảo tồn đặc biệt với cuộc sống có nhiều điều bí ẩn và thứ hai là chinh phục vùng núi hiểm trở Phu Xi Lùng, nơi có mốc biên giới Việt - Trung số 42 ở cao độ 2.856,5 m - cột mốc cao thứ hai của Việt Nam. 

Tà dương trên núi rừng Bum Nưa
Đối với những người yêu thích khám phá và chinh phục thì Phu Xi Lùng - Mốc 42 là điểm mơ ước bởi sự khó khăn, hiểm trở và những điều kỳ bí của nó. Phu Xi Lùng là đỉnh núi cao thứ ba của Việt Nam với cao độ 3.083 m, sau Fansipan (3.143 m) và Pu Ta Leng (3.096 m).

Tất cả những thông tin về Phu Xi Lùng, Mốc 42 đều là bí ẩn vì ngoài lính biên phòng, chưa có ai đặt chân lên những đỉnh cao này. Người La Hủ truyền miệng rằng, ở đây có những cánh rừng đào cổ thụ đỏ khắp núi rừng, có cả một khu rừng thuốc ngải cứu mênh mông, cao vút đầu người, nhiều cây thuốc giá trị, đặc biệt là rất nhiều nhân sâm quý hiếm.

Mặt trời lặn trên cánh rừng Bum Nưa

Là đỉnh cao nằm trên tuyến biên giới hiểm yếu, đỉnh Phu Xi Lùng - Mốc 42 còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ biên cương lãnh thổ mà ông cha đã nghìn năm gìn giữ. Bấy nhiêu điều ấy đủ để bất cứ ai cũng phải tò mò, háo hức mong được một lần đặt chân đến.

Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Lai Châu là đại tá Nguyễn Văn Tuất ra đón chúng tôi - những người con miền Nam có nguyện vọng được chạm tay vào Mốc 42 của Tổ quốc. Đại tá cấp giấy phép xong vẫn lo lắng nên dặn dò kỹ lưỡng để chúng tôi có thể tác nghiệp đầy đủ và an toàn nhất.

Mây về trong chiều tà trên cung đường Bum Nưa
Và ông cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng về Mốc giới 42: "Đây là một trong những mốc hiểm trở bậc nhất trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung. Chiều dài đoạn biên giới từ mốc 41 qua đỉnh Phu Xi Lùng đến mốc 42 là 10,970 km. Mốc giới số 42 là mốc đơn, loại nhỏ làm bằng bê tông đặt trên đỉnh núi, có độ cao 2.856,5 m". 

Khi chia tay lên đường, tôi vẫn nhớ như in lời tâm sự chân tình của vị đại tá: "Các mốc giới luôn có ý nghĩa lịch sử thiêng liêng. Thêm một tấc đất là thêm một cây lúa, là thêm nhiều hạt gạo. Là người dân thêm no ấm, và thêm tự hào về biên cương Tổ quốc".

Chúng tôi rời Bộ Chỉ huy để kịp lên đường đi Mường Tè, rồi từ Mường Tè sẽ lên xã Pa Vệ Sử. Tình cờ, chúng tôi đi lạc qua cung đường mới mở nối Lai Châu với Mường Tè: Lai Châu - Pa Tần - Nậm Bang - Hua Bum - Bum Nưa - Mường Tè.

Cung đường này gần hơn đường cũ khoảng 70 km, sau khi hoàn thành sẽ giúp cho sự phát triển các xã trong huyện được thuận lợi hơn rất nhiều. Trước khi có cung đường này, đường đi từ Lai Châu đến Mường Tè dài có 200 km, nhưng rất khó đi do dốc cao, quanh co qua nhiều núi với vô số ổ gà, ổ voi..., tới trung tâm huyện có khi mất cả ngày đường! Vào mùa mưa, ít ai mạo hiểm lên Mường Tè vì nguy cơ sạt núi, lũ quét, lở đất, tắc đường.

Cây cầu Lai Hà mới bằng bê tông đã thay thế cầu treo Lai Hà cũ. Từ cuối năm 2010, cùng với việc xây dựng thủy điện Lai Châu là việc thi công hàng loạt công trình hạ tầng cơ sở như đường sá, trường học, bệnh viện..., trong đó có cung đường mà chúng tôi vừa đi lạc.

Được biết, có một tuyến đường chạy dọc bờ phải sông Đà từ Nậm Manh đi Mù Cả và trên con đường này sẽ có 3 cây cầu vượt sông Đà. Hy vọng với những công trình hạ tầng mới này, mai đây, những thôn bản xa lắc, chênh vênh của người Thái, Mường, La Hủ, Hà Nhì, Mông, Dao... có cơ hội đổi đời, không còn heo hút nơi rừng núi đại ngàn Tây Bắc. 

Thế nhưng, qua Pa Tần, vẫn là những vách núi cao một bên và những cung đường ngoằn ngoèo cùng vực sâu thăm thẳm một bên. Thời tiết hôm ấy nắng chang chang nhưng lại rét buốt. Vào Nậm Ban, hết đèo cao, dốc sâu lại vượt suối nước mát lạnh.

Cung đường càng về sau càng lổn ngổn đá hộc, chỉ cần một sơ suất nhỏ là phải trả giá ngay. Những vách đá vừa nổ mìn còn sắc lẻm, những vực thẳm sát bên chân như muốn lôi tuột kẻ ngoại đạo xuống tận thung sâu...

Hùng vỹ cung đường từ Pa Tần đi Bum Nưa

Trời nhanh về chiều, nắng dần tắt giữa mênh mông núi rừng hùng vĩ. Và chắc hẳn những ai đã từng yêu thú lang thang sẽ biết Tây Bắc là nơi có thể ngắm hoàng hôn nhiều lần trong một ngày. Qua một đỉnh núi, xuống một dốc sâu, màn đêm che phủ.

Lên một dốc cao, qua một khúc quanh, Mặt trời lại hiện ra. Tà dương dần buông ánh vàng khắp núi rừng, vầng Mặt trời tiến lại thật gần, thật gần, khẽ chựng lại như lời chào tạm biệt rồi lặn dần qua những tán cây. 

Tôi hối hả chụp hình, như níu kéo cái khoảnh khắc chuyển giao tuyệt diệu của không gian và thời gian. Rồi khi màn đêm hoàn toàn phủ trùm không gian, tôi mới chợt nhận ra rằng mình vừa được ngắm mảnh trăng cuối rừng Bum Nưa.
Theo doanhnhansaigon

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét