Trong lúc dẫn chúng tôi đến bên cây gạo cổ thụ ở bên bờ sông Chảy, anh Đỗ Quang Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Lào Cai) không ngớt xuýt xoa:
“Tôi dám đảm bảo rằng, ở khắp miền núi rừng Tây Bắc không thể có cây gạo nào to và cổ kính hơn cây gạo ở đền Trung Đô này. Tôi cũng đã đi xem nhiều cây pơ lang, mộc miên (tên gọi khác của cây hoa gạo) ở các tỉnh Tây Nguyên, nhưng thú thực, tìm một cây thứ hai sánh ngang về tầm vóc là rất khó”.
Nhìn từ thôn Trung Đô (xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, Lào Cai) ra phía sông Chảy, cây gạo vươn cao hơn hẳn những lùm cây lớn khác. Đang mùa xuân, cây bắt đầu ra hoa trước khi mọc lá non. Nhưng nhìn những cành cây mọc chi chít, dám chắc rằng bến thuyền này hoàn toàn được phủ mát bởi tán lá màu xanh trong ngày hè.
Cây gạo Nàng Niến soi bóng bên dòng sông Chảy. Ảnh: Nam Trung. |
Ngước nhìn lên thân cây, cả khối gỗ lớn thẳng tắp vươn dài chừng hơn 40m, không có cành nhánh phụ. Phía trên cùng của cây bỗng tỏa ra 9 nhánh lớn, tương đối đều nhau, do chưa dày lá nên cong queo đen sạm như những con rắn khổng lồ.
Ông Lục Văn Tỉnh, trưởng thôn Trung Đô, nơi có cây gạo cổ thụ này cho biết: “Lúc đã ngoài 80 tuổi, ông nội tôi kể lại rằng ông đã chơi dưới gốc gạo từ tấm bé. Có nghĩa là cây gạo này đã có hàng trăm năm tuổi.
Điều kỳ lạ nhất ở cây gạo này, khác hoàn toàn những cây gạo cổ thụ khác trong làng hoặc dọc bờ sông Chảy, là nó không có ngọn. Cả cây có 9 cành lớn, mọc sát phía trên, nên tán lá trông như một chiếc lọng thiên tạo khổng lồ.
Tầm vóc khổng lồ của cây gạo Nàng Niến |
Ông Lục Văn Tỉnh cũng là Trưởng ban quản lý Khu di tích đền Trung Đô, nên nắm rất rõ thần phả và truyền ngôn trong vùng. Theo đó, nàng Niến là con gái của An Tây vương Gia Quốc công Vũ Văn Mật, còn gọi là “Chúa Bầu”, người chủ tướng cầm quân cai quản cả mạn biên giới phía Bắc vào thời Lê Trung Hưng và đang được thờ cúng tại đền Trung Đô.
Tiếp nối cơ nghiệp của anh trai là Khánh Bá hầu Gia Quốc công Vũ Văn Uyên, ông phò Lê diệt Mạc, có công trạng rất lớn trong việc bảo vệ biên giới nên khi mất được tôn làm phúc thần của vùng. Chính ông cũng cho xây dựng “thành nhà Bầu”, cùng những đồn lũy chống giặc suốt một dải biên giới.
|
Do là người gốc Hải Dương, nên những công trình kiến trúc ông Vũ Văn Mật để lại đều mang dáng dấp tinh hoa nền văn hóa Kinh Bắc, nhưng lại rất hài hòa với văn hóa bản địa. Lựa chọn Trung Đô nằm trên bãi đất bồi giữa vùng thung lũng của ngã ba sông Chảy, hai bên có các dãy núi lớn, khiến ai đến đây cũng phải trầm trồ khen phong thủy tuyệt đẹp.
Hoa của cây gạo Nàng Niến. Ảnh: Nam Trung. |
Theo ông Lục Văn Tỉnh, ở thôn Trung Đô vốn có hai cây gạo cổ thụ, tuổi suýt soát nhau, là cây gạo Nàng Niến và một cây khác ở cuối làng. Cây gạo kia có ngọn khá to, nhưng do cành lá hay gãy rơi vào nhà người dân, rất nguy hiểm, nên bà con đã đốn hạ.
Nhưng đối với cây gạo Nàng Niến, bà con đều có sự kính cẩn, không ai dám xâm phạm. Trước đây, mỗi khi đi qua bến sông, những người đang cưỡi trâu, cưỡi ngựa đều phải xuống dắt từ xa, khi đi qua một quãng mới dám trèo lên cưỡi tiếp. Ai đi qua cũng cúi đầu bước gấp, không dám bỡn cợt bao giờ.
Đền Trung Đô |
Dấu tích chân tảng của ngôi đền Trung Đô cổ |
Hiện nay, dấu tích thành lũy, ngôi mộ đôi đắp đá của vợ chồng Phó tướng Hoàng Vần Thùng, cây sui cổ thụ… đang là những điểm nhấn quan trọng trong khu di tích đền Trung Đô.
Những phát hiện thú vị từ những chân tảng, gạch ngói của ngôi đền cổ hơn 300 tuổi, hay khẩu súng thần công trên núi… góp phần minh chứng cho một thời vàng son của Trung Đô một thời hào hùng nơi ải Bắc.
Cây gạo Nàng Niến cũng có một vị trí trang trọng trong quần thể di tích ấy.
Gia Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét