Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Độc đáo “tượng say” trong chùa Bà Đanh


- Nói đến chùa Bà Đanh hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến ngôi chùa ở Hà Nam nhưng ít ai biết rằng Hà Nội cũng có một ngôi chùa mang tên Bà Đanh mà theo ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban Di tích đền và chùa Thụy Khuê, Hà Nội thì đây mới chính là nơi “phát tích” nên câu nói “vắng như chùa Bà Đanh”.

Gốc tích câu: “Vắng như chùa Bà Đanh”

Ngõ 199 phố Thụy Khuê nhỏ và sâu hun hút. Ngay đầu ngõ có tấm biển đề “Chùa Châu Lâm”. Đi tiếp chừng 50m sẽ thấy hai lối vào chùa gồm số nhà 11 và số nhà 3. Diện tích của ngôi chùa này trước kia rộng tới 3.175m2, gồm cả ruộng nương để cày cấy. Từ thời kỳ chống đế quốc Mỹ, Xí nghiệp giầy Thụy Khuê mượn một phần đất nhà chùa để làm kho. Sau đó, dân cư vào sinh sống, một số đã chuyển đi, còn một số hộ dân hiện vẫn ở trên diện tích 135m2 đất chùa.

Lý giải về tên gọi của ngôi chùa là chùa Bà Đanh hay chùa Châu Lâm, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, Hà Nội xưa nổi tiếng với 4 chùa là chùa Bà Đá ở Nhà Thờ, chùa Bà Nành và Bà Ngô ở Nguyễn Khuyến, Trần Quý Cáp, chùa Bà Đanh ở Thụy Khuê.

Chùa Bà Đanh được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông. Theo sách Tây Hồ chí, vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng  một thiền viện (vừa là chùa, vừa là trung tâm nghiên cứu) ở gò Phượng Chủy bên bờ nam hồ Tây để cho người Chăm hành đạo gọi là thiền viện Châu Lâm. Chùa được xây dựng ở vị trí gần trường Chu Văn An ngày nay, nhân dân trong vùng quen gọi là chùa Bà Đanh vì gắn liền với tên của vị sư có mặt ngay từ buổi đầu xây dựng và trụ trì chùa. Trong chùa hiện còn lưu tấm bia ghi tên Bà Đanh là vị sư Tổ có công xây cất chùa.

Vì chùa xây dựng theo quy mô kiến trúc và văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm, phục vụ nhu cầu hành đạo của người Chăm nên từ khi xây dựng xong chùa chỉ có bộ phận người Chăm lui tới lễ bái. Khi những người Chăm di chuyển đến nhiều khu vực khác sinh sống và không lui tới chùa lễ bái nữa thì chùa trở nên hoang phế. Do đó, dân gian mới có câu ví von: “Vắng như chùa Bà Đanh”.

Pho tượng Phật Quan Âm Bồ Tát và tượng Tuyết Sơn.
Pho tượng Phật Quan Âm Bồ Tát và tượng Tuyết Sơn.

“Bức tượng say”

Trong quá trình lịch sử của mình, chùa từng được chuyển đến vị trí gần dốc Tam Đa ngày nay, ở chếch phía cửa đền Voi Phục, trên phố Thụy Khuê. Do xung quanh khu vực này lúc bấy giờ chỉ có mênh mông đồng ruộng, dân cư thưa thớt, vắng vẻ nên cảnh chùa càng thêm cô tịch, hiu quạnh. Bài phú Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng có câu “Dấu Bố Cái rêu in nền phủ, cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa”. Đến năm Thành Thái thứ 4 (1892), chùa một lần nữa lại được dời về ngõ 199 phố Thụy Khuê, hợp nhất với chùa Phúc Lâm thành chùa “Phúc Châu Tự”. Trên đại tự của chùa có tấm biển đề “Phúc Châu Tự”, còn tấm biển chỉ đường từ đầu ngõ 199 Thụy Khuê đề là “Chùa Châu Lâm” là không chính xác.
Văn bia cổ còn lưu tại chùa.
Văn bia cổ còn lưu tại chùa.
 
Chùa trước đây nổi tiếng với bức tượng “say”, mô phỏng một người ở tư thế đứng ngả nghiêng như say. Ý nghĩa của pho tượng thể hiện sự linh thiêng, vẻ đẹp như “tiên cảnh” của ngôi chùa khiến chư khách thập phương đến lễ như mê say ngây ngất. Tương truyền bức tượng được chạm khắc tinh tế, sống động, có thần đến mức bất kỳ ai mới nhìn qua cũng giật mình tưởng đó là “người thật việc thật”. Tiếc rằng sau nhiều lần chuyển đổi di dời, pho tượng “say” đã bị thất lạc trong dân gian.

Hiện nhà chùa còn lưu giữ được 2 văn bia cổ ghi lại di tích lịch sử và quá trình tôn tạo chùa. Toàn bộ tượng trong chùa đều là tượng cổ được giữ gìn, lưu truyền qua nhiều đời Tổ. Phía trên cùng thượng điện là 3 pho tượng Tam Thế. Tiếp đến là pho tượng Phật A di đà, tòa Cửu Long (Phật ngự trên 9 con rồng), tượng Phật Quan Âm Bồ tát nghìn mắt nghìn tay và tượng Phật Di Lặc... Riêng pho tượng Tuyết Sơn là một bảo vật được tạc từ thế kỷ XV, mang giá trị nghệ thuật hiếm có, chạm khắc tinh xảo.

Trụ trì chùa hiện nay là Sư Cụ Thích Đàm Dư, 92 tuổi, được biết cụ đã từng làm tiểu ở chùa từ năm 11 tuổi...
 
Hồng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét