Điều đặc biệt, lễ hội có một "đêm trời cho", món quà tặng tuyệt vời dành riêng cho những cặp tình nhân, những đôi trai gái của núi rừng được tự do đến với nhau trong đêm trăng tình tự.
Tưng bừng đêm hội Đập trống
Trên mảnh đất vùng biên này, người dân (chủ yếu là người Ma Coong, Arem, Vân Kiều) vẫn còn đốt nương làm rẫy, sống phụ thuộc vào thiên nhiên, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhưng hàng năm, một lễ hội tưng bừng, mang đậm bản sắc dân tộc vẫn được tổ chức ngay sau đêm rằm tháng giêng, trên đỉnh Trường Sơn "bên nắng đốt, bên mưa quay" này.
Đây chính là dịp để người dân trong vùng cùng nhau vui chơi, nhảy múa bên những ché rượu cần chưa uống đã say, bên những đống lửa ấm tình biên giới để quên đi những nhọc nhằn trong năm cũ và cầu mong mọi điều tốt đẹp.
Dưới ánh trăng rừng, anh Đinh Xon (Trưởng thôn Cà Roòng 1) cùng các già làng vừa say sưa trong men rượu nồng nàn, vừa nhắc lại những tích truyện xưa.
Theo lời kể của những người già nhất trong vùng thì ngay cả ông cha của họ cũng không biết chính xác hội Đập trống có từ khi nào. Chỉ biết rằng nó đã tồn tại từ nhiều đời nay với những nét văn hóa riêng, độc đáo nguyên sơ như thủa ban đầu, chưa hề bị lai tạp.
Kể về nguồn gốc của lễ hội, có nhiều cách giải thích khác nhau vô cùng phong phú và sinh động. Theo đó, một số người cho rằng, xưa kia, vùng đất của người Ma Coong đang ở bỗng xuất hiện một con khỉ vàng. Hàng đêm, khỉ vàng thường vào rẫy ăn hết ngô lúa của bà con trong dân bản.
Từ khi khỉ vàng xuất hiện, người Ma Coong liên tục bị mất mùa. Nạn đói, bệnh dịch xảy ra liên miên và lan rộng ra khắp nơi. Không thể để tình trạng đó kéo dài thêm nữa, dân bản họp nhau lại, quyết tâm lập mưu đánh đuổi con khỉ quái ác.
Mọi người đang thay nhau Đập trống |
Nhờ vậy mùa màng năm ấy bội thu, dân bản được no ấm. Từ đó trở đi, cứ đến ngày 16 tháng giêng, người Ma Coong lại tổ chức hội Đập trống để xua đuổi thú dữ, cầu cho mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no, hạnh phúc.
Một số người khác thì cho rằng, chính khỉ vàng quái ác đã dùng một chiếc trống thần để đánh cắp hết thóc lúa của dân bản. Hàng năm, cứ đợi đến khi ngô chín đầy đồng, lúa vàng đầy rẫy, khỉ lại mang trống thần ra đánh.
Bao nhiêu thóc lúa, ngô khoai lập tức theo tiếng trống bay vào rừng, chui vào bao của khỉ. Bà con dân bản phải phát rẫy, làm nương, lao động vất vả dưới thời tiết khắc nghiệt cả năm trời nhưng cuối cùng lại chẳng thu được một hạt thóc, hạt ngô nào, cái đói hoành hành khắp nơi.
Cuối cùng, dân bản lập mưu đánh cắp được chiếc trống thần của khỉ vàng và đánh trống gọi lúa về. Và hội Đập trống bắt đầu có từ ngày ấy.
Trưởng thôn Đinh Xon cho biết, theo tục của người Ma Coong, mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác. Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như thế.
Người chịu trách nhiệm làm cỗ phải là người nhà của các già bản. Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm. Đây là khúc ngăn của con suối Aky. Hàng năm, vào khoảng tháng 5, dân bản ngăn con suối Aky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và được quản lý hết sức nghiêm ngặt.
Nếu ai vào đó đánh cá thì bị phạt rất nặng. Khúc suối này chỉ được đánh bắt cá tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra. 3h sáng ngày 16 tháng giêng, trưởng thôn Đinh Xon được dân bản tín nhiệm là người thả lưới bắt cá cúng Giàng tại khúc suối cấm.
Trong những ngày trước và sau ngày 16 tháng giêng, dân bản Cà Roòng ai ai cũng bận rộn chuẩn bị cho lễ hội. Đàn ông thì lo phần chuẩn bị trống còn đàn bà thì chuẩn bị thức ăn để tiếp đón bà con từ nơi khác đến. Trống hội được làm từ buổi sáng ngày 16.
Trống của người Ma Coong không giống như trống của người dưới xuôi. Tang trống được làm từ cây chi cúp, một loại cây thuốc rỗng, sống hàng mấy chục năm trong rừng sâu và có thể dùng hết năm này sang năm khác. Mặt trống được bịt bởi da một con trâu to khỏe.
Trống trong lễ hội được chằng bằng sợi dây mây rừng xâu chéo với nhau, rồi lấy những nêm tre nêm chặt lại. Chiếc trống khi đã hoàn thành có hình dạng gần giống như một quả cầu gai, nhìn khá lạ mắt.
Người dân ở đây tự hào bảo, tiếng trống là hiện thân của tâm linh, của tiếng nói thần kỳ, như tiếng của người Ma Coong giữa rừng xanh không bị khuất phục bởi gió, mưa, thú dữ.
Sau phần lễ cúng với những quy định khắt khe, phần hội Đập trống chính thức bắt đầu trong không khí tưng bừng, náo nhiệt. Dưới ánh trăng, từng tốp người thay nhau đập trống, nhảy múa, uống rượu bên ánh lửa bập bùng.
Không chỉ người Ma Coong mà người dân ở khắp nơi cũng đến đây cùng chung vui trong ngày hội. Ai cũng cố tranh cầm cái dùi để đập trống và háo hức đập hết sức để cho tiếng trống thật to, thật vang, vọng vào những vách đá, xuyên qua những cánh rừng già, làm lay động cả dãy núi Trường Sơn trùng trùng điệp điệp.
Giữa sân bản, đống củi được chất cao, ngọn lửa cháy phần phật, soi rõ từng khuôn mặt phấn chấn, đỏ bừng vì men rượu và ngọn lửa. Đám thanh niên cứ xong một chầu rượu cần lại tiếp tục đánh trống, vừa nhảy múa hát hò vừa đồng thanh reo vang những tiếng Zoa lữ Giàng ơi! Zoa lữ Giàng ơi!" (Vui lắm trời ơi! Sướng lắm trời ơi!) đầy sảng khoái làm nghiêng ngả cả đêm trăng đại ngàn.
Cứ như thế, họ vui vẻ cho đến khi trống bị đập vỡ toang, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, chung sức chung lòng bảo vệ dân làng. Mọi người cho rằng, trống càng được đập vỡ sớm bao nhiêu thì năm ấy, dân bản càng được nhiều điều tốt lành bấy nhiêu.
Đêm trăng tình yêu
Khi trống vỡ cũng là lúc trăng đã lên cao quá đỉnh đầu. Không khí ồn ào, náo nhiệt của lễ hội cũng lắng dần như tan vào tiếng suối Aky đang tấu lên những bản tình ca của núi rừng. Và những đôi tình nhân theo tiếng gọi của trái tim, bẽn lẽn tìm nhau, tay nắm tay, vai kề vai, dập dìu đưa nhau đến những nơi tình tự.
Vừa mới đây thôi, bao nhiêu người còn đang nhảy múa tưng bừng, nói cười náo nhiệt. Vậy mà, chỉ trong thoáng chốc, người ta rủ nhau đi đâu hết, chỉ còn lại những cụ già răng rụng ngồi ngả nghiêng vì rượu, những đứa trẻ con ngoan ngoãn rúc vào lòng mẹ ngủ ngon lành.
Biết tôi là khách dưới xuôi, thầy Hào, một thầy giáo đã có 30 năm gắn bó với công việc dạy học ở đây vui vẻ giải thích "Đêm nay là "đêm trời cho" cơ mà! Trai gái yêu nhau không kể già trẻ, người Ma Coong hay người Arem, Vân Kiều, người trong bản hay ngoài bản, kể cả những vị khách đến từ nước bạn Lào đều dắt nhau đến những nơi chỉ có hai người mà thôi.
Ở đó, họ sẽ nói với nhau những lời đường mật, sẽ trao nhau những cử chỉ ân cần, những hành động âu yếm, những lời thề non hẹn biển".
Theo thầy Hào thì điều đặc biệt ở đây là có cả những người đã có gia đình nhưng trước đây yêu nhau mà không lấy được nhau cũng được tự do trọn một đêm với người mà mình ngày đêm mơ tưởng mà không ai được quyền cấm đoán.
Mỗi năm chỉ có một đêm duy nhất. Đêm của yêu đương nồng nàn, đêm của đam mê cháy bỏng, không ghen tuông, không giận hờn, chỉ có những chuyện tình bất tận sáng như ánh trăng, bí ẩn như núi rừng và ngọt ngào như tiếng suối đêm.
Cho đến sáng hôm sau, khi tiếng gà gáy vang rừng, khi mặt trời đỏ rực sau dãy núi đằng đông, họ mới lưu luyến trở về với gia đình để bắt đầu một ngày lao động mới, không quên trao nhau một lời hẹn cho mùa trăng tới.
Trưởng thôn Đinh Xon với đôi mắt mộng mơ soi bóng ngọn lửa hồng bập bùng bên những vòi rượu cong vút đang nhớ lại mối tình đẹp như mơ của mình hơn 20 năm về trước. Mùa Đập trống năm ấy, trong một đêm trăng đẹp như bao đêm rằm tháng giêng khác trên mảnh đất biên cương này, anh cùng nhiều chàng trai khác đã tìm được một nửa yêu thương.
Đinh Xon thầm thì kể trong thơm hương rượu cần: "Mùa đập trống năm ngoái, Đinh Vai ở bản Cà Roòng đã tìm được Y My ở bản Nự, Y Phớt ở bản Nồm đã gặp được Đinh Túi ở bản Cờ Đỏ. Bao nhiêu đôi trai gái đã trao lời ước hẹn thề nguyền trọn đời bên nhau, không bao giờ cách xa dưới ánh trăng như dát vàng, dát bạc. Và đêm nay lại có biết bao trai làng, gái bản nhờ ánh trăng mà thành đôi lứa quên đi những khắc khoải yêu thương?".
Theo ĐS&PL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét