Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Chùa Keo Hành Thiện


TPO - Chùa Keo nằm ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.

Không gian chùa là là cả một khu kiến trúc cổ to lớn, bề thế với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau soi bóng xuống mặt hồ lung linh huyền diệu. Hai bên đường kiệu lát gạch, kề liền hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 40 gian bề thế.
Tương truyền, nguyên thủy chùa do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng ở ven sông Hồng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông, tại hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).

Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.
Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, nơi có chùa. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định).

Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình, về sau cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng).
Ban đầu, chùa được xây dựng tạm trên nền đất của làng. Năm Hoằng Định thứ 13 (1612), chùa được tu sửa hoàn chỉnh và có dáng dấp như ngày nay. Trong 400 năm tiếp theo, chùa nhiều lần được tu bổ lớn như vào các năm Cảnh Trị thứ 9 (1671), Chính Hoà thứ 25 (1704), Thành Thái thứ 7 (1896) và đặc biệt từ năm 1962 chùa Keo đã được nhà nước công nhận là tích lịch sử văn hoá, nên đã được tôn tạo nhiều lần.

Được khởi công xây dựng trước, kiến trúc chùa Keo Hành Thiện có ảnh hưởng rất lớn đến chùa Keo ở Thái Bình. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt nước trong xanh, soi bóng tháp chuông mái cong uy nghiêm, thơ mộng.

Tuy không có gác chuông chồng diêm 3 tầng 12 mái đồ sộ như chùa Keo Thái Bình, gác chuông chùa Keo Hành Thiện cũng là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7m50.
Dáng vẻ thanh thoát với mái cong, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn. Phía dưới là 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn cánh hoa sen nở.

Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ 17 thời Hậu Lê. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoàng văn phi đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo.

Sau chùa là đền Thánh thờ Đức Thánh Tổ Đại pháp thiền sư Không Lộ, người chữa khỏi bệnh cho vua Lý Nhân Tông.
Lê Đạt

Ngôi chùa hơn 1.000 năm không có sư trụ trì


Ngôi chùa Keo cổ kính ở làng Hành Thiện, xã Nam Hồng, huyện Xuân Trường (Nam Định) đã có niên đại hàng ngàn năm tuổi. Điều kỳ lạ, ngôi chùa chưa từng một lần có sư trụ trì. Nhiều giai thoại cho rằng, ngôi chùa này nếu vị sư nào đến đều có kết cục không hay?!

Từ những giai thoại...
Bà Nguyễn Thị Cháu, 87 tuổi cho biết, bà đã 41 năm bán hàng nước ở cạnh chùa. Bà kiêm luôn công việc hướng dẫn du khách tham quan, lễ phật. "Thường ngày ngôi chùa vẫn luôn đóng then cài cửa, chỉ ngày lễ tết, rằm thì mới có người thường xuyên túc trực tại chùa. Điều kỳ lạ, ngôi chùa này đã có niên đại hàng ngàn năm nay nhưng vẫn chưa có một vị sư nào trụ trì.
Ngày lập xong chùa, dân làng đã soạn thảo ra "bản tự". Theo hương ước này của làng, mỗi nhóm có 5 hộ dân thay phiên nhau trông nom, quét dọn và hướng dẫn du khách tham quan, lễ phật trong thời gian một tháng. Trong trường hợp gia đình có công việc phải nhờ người trong nhóm trông coi giúp", bà Cháu cho biết.
Theo ông Vũ Nguyên Giới, Phó ban quản lý khu di tích cho biết: "Chùa Keo thờ Đức thánh Thiền sư Không Lộ. Theo sử sách còn ghi lại, ngài sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới, vì nặng tình nhân thế, ngài đã bỏ đi theo đạo Phật. Theo những truyền thuyết còn lưu lại trong dân gian, ngài đã trải qua bao năm tụng kinh niệm phật và sống hành thiện, tích đức và một mực hướng Phật. Được biết ngài đã cùng Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh đi Thiên Trúc (Ấn Độ) để học Phật pháp. Sau khi đắc đạo người đã có nhiều pháp thuật kỳ lạ. Ngài có thể đi trên mặt nước giống như sư tổ Đạt Ma và đi vào rừng sâu, vượt núi hùng vỹ, ngài đi đến đâu thì muôn loài ác thú đều cúi đầu xám hối và xin tha tội. Ngoài ra ngài còn có khả năng hết sức đặc biệt là có thể tiên đoán được tương lai, ngài có thể hoá giải được mọi thiên tai trong tự nhiên và bệnh tật trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi vua Lý Thánh Tông bị bệnh nặng đã được ngài chữa khỏi và được vua phong làm Quốc sư.
Theo sử sách còn ghi lại, có rất nhiều những câu chuyện đồn thổi ly kỳ khi thiền sư viên tịch: Khi thiền sư mất, các sư sãi đã làm lễ hỏa táng và sau đó xây một tháp và có tạc tượng ngài để thờ. Những người dân nơi đây đã nhìn thấy một cảnh tượng hết sức ly kỳ. Bức tượng tạc bằng đá đó đã hóa thành gỗ trầm hương. Khi người dân lấy áo phủ trùm khúc gỗ rồi mở ra lại thấy khúc gỗ biến thành tượng. Từ đó tượng Thánh được lưu giữ trong hậu cung.
Được biết nơi cất giữ này quanh năm khóa kín cửa và thờ phụng một thiền sư đức độ và có phật pháp cao siêu. Nơi cất giữ pho tượng đó không ai được mở trừ những người được phân nghĩa vụ chăm sóc tượng Thánh. Cứ 12 năm một lần, những người trong làng lại cử ra một người hội chủ và bốn viên chấp sự để làm lễ trang hoàng tượng Thánh. Những người này phải ăn chay, mặc quần áo mới. Sau khi rước tượng Thánh từ cấm cung ra rồi dùng nước dừa pha tinh dầu bưởi để tắm và tô son lại cho tượng Thánh. Công việc này phải làm theo một nghi thức được quy định rất nghiêm ngặt, những người chấp sự phải tuyệt đối giữ kín những gì đã thấy trong khi trang hoàng tượng Thánh. Chính vì sự bí mật đó, mà chính những người dân làng cũng chẳng ai biết được dung nhan của ngài.
Chùa Keo (Nam Định).
Những người dân nơi đây chỉ được nghe các cụ kể lại câu chuyện kỳ lạ về việc ngôi chùa không có sư. Khi Thiền sư Không Lộ dựng nên chùa, dân chúng nơi đây không mấy mặn mà khói nhang, nên Đức Thánh Tổ nổi giận. Trong một đêm mưa gió bão bùng, vị thiền sư đó đã đan rất nhiều rọ tre, đan xong rồi ngài bỏ tất cả tượng phật vào đó. Sau đó ngài lấy nón làm thuyền vượt sông Hồng sang đất Thái Bình. Khi bơi thuyền ra đến giữa dòng, ngài ngoảnh mặt lại và gieo lời nguyền rằng sẽ không có vị sư nào đến ở ngôi chùa trên. Tuy nhiên, khi những lời đồn này lan rộng nó đã bị biến thể khác đi như chuyện sư không sống được ở chùa là do không quen với thổ nhưỡng, chướng khí...
Đến nơi hợp lưu của ba dòng sông
Theo ông Giới: Thời kỳ Lê Sơ, Nhà nước phong kiến ban hành sắc lệnh "Chùa quán nào không có ngạch cũ thì không được tự tiện làm mới". Chính quyền phong kiến đã ngăn cấm việc dựng chùa, đúc chuông, tạc tượng mà đẩy mạnh xây dựng cung điện đền đài, lăng mộ, văn miếu. Chính vì vậy, việc tuyển chọn những vị sư làm tăng nhân, sư sãi hết sức khó khăn. Bất kỳ ai muốn đi tu hành ở các chùa đều phải trải qua nhiều cuộc thi tuyển chọn rất kỹ. Họ chỉ tuyển những người đã qua tuổi 50. Ngoài ra phải thông kinh bác sử. Có thể những cấm đoán đó đã gây ảnh hưởng đến việc tuyển sư ở chùa Keo?
Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, việc dựng ngôi chùa này đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Người xưa đã phải nhờ đến các nhà địa lý giỏi để tìm vị trí đắc địa, có phong thủy đẹp, có hướng thoáng mát. Được biết, ngôi chùa Keo được xây dựng trên mình con cá chép, nằm ở nơi hợp lưu của 3 dòng sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Thái Bình. Do phù sa bồi đắp, khí hậu trong lành, nên cây cối sinh sôi nảy nở, tươi tốt. Nơi đây có thiên nhiên tươi đẹp và khí hậu trong lành đã ảnh hưởng rất tốt đến sức khỏe của con người. Điều đó bác bỏ lời đồn đại về vùng đất có nhiều chướng khí, không hợp với cơ địa con người nên các nhà sư đã bỏ đi.
Ngoài ra còn có một giả thiết khác để lý giải cho việc ngôi chùa “sát sư” này. Làng Hành Thiện là một vùng đất có truyền thống hiếu học và khoa cử và bị ảnh hưởng rất mạnh của nho giáo. Do tư tưởng của hai đạo này có nhiều điểm không tương đồng, nên những nhà sư yếu thế đã không thể tồn tại được ở địa phương này? Tuy nhiên, giả thiết này không đủ sức thuyết phục vì trên những tấm bia ghi công đức thì vẫn ghi nhận công sức đóng góp của các cụ đồ, quan chức.
Phật tại tâm
Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Vũ Thịnh, chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, ông Thịnh cho rằng: Ngôi chùa Keo ở làng Hành Thiện không có sư cũng chẳng có gì lạ. Có thể đây là một phong tục tập quán lâu đời của những người dân nơi đây. Họ có thể đóng góp của cải, công sức để xây dựng nên một ngôi chùa để thỏa lòng hướng Phật của mình. Mới đây người dân địa phương đã góp tiền hàng chục tỷ đồng để dựng thêm một ngôi chùa mang tên là chùa Đĩnh Lan để đáp ứng lòng thờ phật của họ. Họ tự cắt cử người trông coi, quét dọn chùa chứ không có một vị sư nào trụ trì vì họ luôn quan niệm rằng "phật tại tâm".
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Đại đức Thích Thạch Thuận, một vị sư thường làm lễ trong những ngày hội ở chùa Keo cho rằng, việc tu hành không nhất thiết phải cạo sạch đầu rồi đến chùa tu, chỉ cần mỗi người chúng ta có tấm lòng hướng phật và tu tâm dưỡng tính thì cũng có thể tu thành chính quả. Hơn nữa, chùa Keo lại theo phái Đại thừa, điều đặc biệt của phái này là những người tu hành không nhất thiết phải xuất gia. Chính vì vậy, việc có sư hay không ở ngôi chùa cũng không quan trọng.            
Hàng ngàn người tìm về chùa Keo
Ngôi chùa hàng nghìn năm không hề có một vị sư, không vãi lạy, không tiếng mõ âm vang nhưng vẫn thu hút hàng vạn khách thập phương đến thành tâm lễ Phật ở ngôi chùa kỳ lạ này. Nhất là những ngày lễ, dòng người kéo đến chật kín cả vùng. Họ đến chùa để cầu an, tìm cảm giác thư thái trong tâm hồn. Họ đến với chùa bằng quan niệm "phật tại tâm" chứ không phải lễ vật cao sang.         
Thế Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét