Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Cổ Nhơn - trò chơi dân gian độc đáo ở Bình Định


(TNO) Cổ Nhơn là một trò chơi trong dịp tết âm lịch của người dân H.Hoài Nhơn (Bình Định), bắt đầu từ sáng 30 tết (nếu tháng thiếu thì 29 tết) kéo dài đến chiều mùng 5.

Đến nay chưa có một tài liệu chính thống nào nói rõ nguồn gốc xuất xứ của Cổ Nhơn, chỉ biết nó đã có từ rất lâu đời, được nhiều thế hệ truyền nhau. Giờ đây, Cổ Nhơn gần như đã trở thành một “món ăn” ngày tết cổ truyền đặc sắc, hấp dẫn, khó có thể thiếu của người dân ở mảnh đất Hoài Nhơn.
Háo hức chờ... Cổ Nhơn
Về Hoài Nhơn, chừng 25 tết trở đi, mọi người không chỉ bắt đầu tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa mà còn nôn nao một tâm trạng khác. Thanh niên lập nghiệp ở tỉnh xa về quê đón tết, sau phần tay bắt mặt mừng bà con hàng xóm là những cái vỗ vai “chuẩn bị Cổ Nhơn nào…”. Ai cũng háo hức chờ đợi Cổ Nhơn như chờ đợi hội làng dịp tết.
Người chơi Cổ Nhơn không phân biệt tầng lớp, tuổi tác, trình độ học vấn... Hình ảnh một cậu bé hăng say lý giải suy đoán của mình và một cụ ông đeo kính ngồi chiêm nghiệm, cân nhắc lựa chọn ấy đã trở nên rất quen thuộc ở nơi đây. Mọi người lắng nghe, tranh luận và ghi nhận ý kiến lẫn nhau để giải đáp được trò chơi.
Nói về lý do Cổ Nhơn thu hút đông đảo người chơi trong dịp tết, nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch cho biết: “Giới doanh nhân thì muốn thử vận may đầu năm mới, giới trí thức thì muốn thử khả năng bàn luận, suy đoán của mình, trẻ em thì xem đây là một trò chơi đông vui trong dịp đầu xuân”. 
Không chỉ tại những điểm chơi Cổ Nhơn mà khi đến nhà chúc tết, đi chơi, họp lớp, thậm chí ngồi vào bàn nhậu cũng bàn luận, hỏi nhau í ơi về Cổ Nhơn. “Có Cổ Nhơn ngày tết rạo rực hẳn lên, không có buồn lắm mà mình cũng chẳng biết làm gì, đi đâu”, anh Nguyễn Văn Nhất (48 tuổi, ở xã Hoài Đức) bày tỏ.
Ai ơi về chơi Cổ Nhơn 1
Người dân tập trung chờ ban tổ chức mở đáp án Cổ Nhơn - Ảnh: Khải Nam
Ai ơi về chơi Cổ Nhơn 2
Đáp án được mở ngay tại cây nêu - Ảnh: Khải Nam
Ai ơi về chơi Cổ Nhơn 3
Trò chơi Cổ Nhơn thu hút nhiều tầng lớp tham gia - Ảnh: Khải Nam
Ai ơi về chơi Cổ Nhơn 4
Nghiên cứu Cổ Nhơn mọi lúc mọi nơi - Ảnh: Minh Úc
Tại Bình Định, ngoài Hoài Nhơn, ở TX.An Nhơn cũng có Cổ Nhơn, tuy nhiên về sức thu hút, sự hưởng ứng và không khí vui chơi thì Hoài Nhơn vẫn đặc biệt hơn cả.
Đi tìm gốc tích Cổ Nhơn
Theo nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch, trò chơi Cổ Nhơn đã xuất hiện khoảng thời nhà Nguyễn do du nhập từ bên ngoài. Khi về Việt Nam, cụ thể là ở Hoài Nhơn, Bình Định, Cổ Nhơn đã phát triển, biến hóa thành một trò chơi tao nhã trong dịp tết cho mọi tầng lớp người dân.
Trò chơi này có một ban tổ chức, gọi là Hội xổ Cổ Nhơn. Hội này chịu trách nhiệm ra đề, thu tịch và sẽ chung tiền cho những người giải đáp chính xác. Tỷ lệ chiến thắng 1 đồng nhận 25 đồng. Tính đến nay, Cổ Nhơn Hoài Nhơn đã truyền qua nhiều đời hội chủ, nhưng chỉ khoảng 10 năm trở lại đây mới thật sự phát triển rộng rãi, lan tỏa đến từng ngóc ngách ở thôn quê.
Tịch của trò chơi này gồm có 36 con vật, dùng để ghi số tiền mà người chơi mua. 36 con trong bảng Cổ Nhơn được chia thành 9 nhóm: Tứ trạng nguyên: cá trắng, ốc, ngỗng, công; Ngũ hổ tướng: trùn, cọp, heo, thỏ, trâu; Thất sinh lý: rồng bay, chó, ngựa, voi, mèo, chuột, ong; Nhị đạo sĩ: hạt, kỳ lân; Tứ mỹ nữ: bướm, hòn đá, én, cu; Tứ hảo mạng: khỉ, ếch, quạ, rồng nằm; Tứ Hòa Thượng: rùa, gà, lươn, cá đỏ; Ngũ khất thực: tôm, rắn, nhện, nai, dê; Nhất ni cô: con yêu.
Cứ một ngày hai lần, 6 giờ sáng và 14 giờ chiều, hội chủ sẽ chọn một trong 36 con cho vào một chiếc hộp gỗ có khóa, niêm phong, rồi mang đến nơi treo đề. Hộp gỗ sẽ được treo trên ngọn cây tre (cây nêu) trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương, các cổ đông trong hội và người dân.

Cây nêu này cao hơn 5 m thường được đặt trước sân của trụ sở chính quyền. Dưới sân lúc nào cũng có dân quân trực canh gác. Cũng với sự có mặt đó, đến 12 giờ trưa và 18 giờ tối, đại diện hội sẽ có người kéo hộp gỗ xuống, mở và công bố đáp án.
Mỗi đề của trò chơi này là 4 câu thơ lục bát (còn gọi là câu thai). Người chơi dựa vào ý nghĩa của những câu thai đó mà luận ra đáp án. Đây chính là phần sôi nổi nhất. Nội dung của 4 câu thai thường về danh lam, thắng cảnh, các chiến thắng lịch sử, câu chuyện văn học, cuộc sống đời thường,... Đáp án cũng bám vào những ý đó, tuy nhiên không phải ai cũng là người chiến thắng.
Chưa chắc người luận hay đã thắng, cũng chưa hẳn người chọn bừa sẽ thua. Đây giống với câu nói vui, đúng nhưng không trúng. Vì đã là thơ thì luận kiểu nào cũng có lý, cũng đúng nhưng để trúng (trùng) với lựa chọn của ban tổ chức thì không hề đơn giản.
Chẳng hạn đề ra: Thương Kiều ở chốn lầu xanh/ Yêu chàng Kim Trọng hóa thành mộng mơ/ Thương anh Từ Hải đợi chờ/ Trai tài gái sắc trong thơ đoạn trường. (Đáp án là con ngựa, tên gọi Quang Minh)
Người chơi Cổ Nhơn đông không phải vì tính thắng thua mà chính vì cái tao nhã, bình dị của nó, phấn khởi, rồi tiếc nuối là những cảm xúc rất hay trong ngày tết. Chính sức hút của trò chơi này đã trở thành một nét văn hóa mà bất kỳ du khách nào cũng phải tò mò và thích thú khi ghé đến Hoài Nhơn những ngày tết.
 Minh Úc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét