Nhật ký một đêm phố cổ
Phố cổ, một đêm đông rét mướt cuối tháng 12-2012. Ngõ 44 Hàng Buồm - một trong những con ngõ nhỏ hẹp thuộc dạng “top ten” phố cổ - phủ một màu tối đen như mực.
Điểm sáng duy nhất là ánh sáng hắt ra từ tận sâu cuối con ngõ - khu vực bể nước tập thể.Hết cái này lại đến cái kia
Trước khi đi ngủ, anh Hoàng Văn Xuân (một người dân trong ngõ) dẫn chúng tôi đi “tiền trạm” nhà vệ sinh và xem công tắc. Công tắc điện nằm ở ngay phía ngoài. Muốn đi vệ sinh phải bật công tắc điện ở ngoài này trước vì bên trong khu vực nhà vệ sinh rất tối. Đã thế, đường đi vào có một đoạn trần nhà chỉ cao chừng 1,3m, phải khom lưng chui vào.
Nhà anh Xuân thật ra là một căn buồng nhỏ nằm lọt thỏm trên gác xép, dài chưa đến 3m, ngang 2,5m! Một phần của nhà cơi nới ngay trên lối đi tập thể. Phòng bên cạnh là nhà vợ chồng em trai anh. Tối nay gia đình người em về nhà ngoại ngủ.
Một cô gái gội đầu ở khu bể nước tập thể tại ngõ 15 Hàng Điếu. Dọc theo bờ tường là những máy giặt được để trong thùng, khóa lại cẩn thận bằng ổ khóa riêng - Ảnh: My Lăng |
Chúng tôi nằm thẳng đuột, chân quay ra vuông góc với lối đi lên nhà. Cái tĩnh lặng của đêm trong lòng phố cổ thỉnh thoảng lại bị xé nát bởi tiếng còi xe, tiếng động cơ chạy qua lại vọng xoáy vào tận trong nhà, âm âm xuống nền bêtông nơi chúng tôi nằm. Khi chúng tôi đang thiu thiu thì tiếng dép lê dài loẹt quẹt, tiếng guốc lọc cọc, tiếng đồ vật chạm vào nhau lạch cạch, tiếng đóng mở hộc tủ gỗ phầm phập, tiếng cười nói chộn rộn xôn xao cả lối đi ngay phía dưới nhà. Anh Xuân bảo: “Nhà chị Bảy bán xôi gà dọn hàng về đấy. Mùa đông bán xôi ế nên hơn 12g đêm mới dọn”.
Khó mà chợp mắt đánh liền một giấc vì vừa hết cái thanh âm của chén đũa va vào nhau lách cách mãi một hồi lại đến tiếng loa công an phường nhắc nhở đám đông giải tán lao xao; đang mơ màng thì tiếng bước chân, tiếng đồ vật như là inox rơi xuống sàn nhà, tiếng xả nước ào ạt từ phía trên trần nhà dội xuống rõ mồn một. Anh Xuân nói như “thuyết minh”: “Đấy, người ta đang đi vệ sinh đấy. Nghe tiếng nước chảy là biết đàn ông hay đàn bà đi. Ở trên làm gì là ở dưới này nghe thấy hết”.
Đang chập chờn, chúng tôi lại mở choàng mắt khi nghe tiếng giày vọng lên phía dưới nhà. “Anh Thái làm nghề lái xe ở trên gác hai mới đi làm về đấy. Vậy là tầm một rưỡi, hai giờ sáng rồi”, anh Xuân cho hay. “Ở đây một là lăn ra ngủ như chết thì mới ngủ được. Tôi bao nhiêu năm nay chả đêm nào ngủ no giấc. Một đêm dậy 2-3 lần. Cứ nằm một chốc lại nghe tiếng chân loạt xoạt, lạch cạch thế này đố ngủ được”, anh Xuân vừa nói vừa ngáp dài, mắt díu lại. Dường như ở cái ngõ này chỉ cần nghe tiếng bước chân anh đã biết là ai và lúc đó là mấy giờ.
Tầm 3g sáng, tiếng lục cục, lạch cạch mở thứ gì đó như là nắp gỗ, rồi tiếng múc nước, rồi tiếng mẹ anh Xuân khàn khàn gọi vọng lên gác xép: “Xuân ơi, mở khóa nước bơm không sáng ra lại hết nước đấy”. Cụ đã hơn 80 tuổi, nằm ngủ ở căn buồng dưới trệt. Anh Xuân lại lọ mọ bật dậy leo xuống dưới...
Đủ thứ mùi vị
Trằn trọc mãi không ngủ được, thấy ánh sáng nhấp nháy, mở mắt ra tôi thấy anh Xuân đang... bật tivi, tắt hết tiếng. Nhìn đôi mắt anh trĩu xuống rõ mệt mỏi. Đã 3g25 sáng.
Mới diu díu mắt được một lát, chúng tôi lại bị đánh thức khi nghe tiếng dép đi loẹt xoẹt, tiếng bước chân gấp gáp phía dưới đường đi. “5g, 5g30 rồi đấy. Nhà chị Hoan đi chợ lấy hàng về làm bún chả trưa bán đấy”, anh Xuân nói khi thấy chúng tôi trở mình. Những âm thanh chộn rộn ngay dưới đường đi khiến chúng tôi không thể chợp mắt được nữa. Buổi sáng ở phố cổ bắt đầu từ rất sớm như thế.
Mùi than tổ ong quyện đặc làm khen khét cả không khí trong trẻo của sớm mai. Chúng tôi còn nhớ khi lần trước đến, vào buổi chiều, khu sinh hoạt tập thể này vốn đã nhỏ hẹp lại càng trở nên chật chội mỗi khi chiều đến. Người đi làm, đi học về, các chị lo việc nấu nướng... tất cả dồn vào con ngõ nhỏ. Ở góc cầu thang dẫn lên những hộ gia đình trên gác này, 4-5 bếp than tổ ong đỏ rực lửa. Người luộc rau, người thì luộc trứng, rán cá, kho thịt... chen chúc nhau ở cái khoảng không chưa đến 2m2.
Dưới khu bể nước, thau chậu, rổ rá bày la liệt. Các bà các chị nhặt rau, làm cá, thái thịt, vo gạo... cứ người này đứng lên là người kia bước vào. Nền nhà nhớp nháp ướt rượt. Mùi tanh tanh của thực phẩm tươi sống quyện vào mùi khen khét của gần chục bếp than tổ ong cùng hàng tá thanh âm hỗn độn, những bước chân vội vã... tạo nên một thứ không gian rất lạ, rất riêng của chiều trong lòng phố cổ.
Dù sao ở đây mỗi nhà đã có nhà tắm riêng cũng không còn cảnh chờ đợi đánh răng, rửa mặt mỗi sáng như khu tập thể đường sắt 15 Hàng Điếu. Ở đó, chờ đợi được coi như nguyên tắc trong sinh hoạt hằng ngày. Ông Phạm Đức Ninh, một người dân ở tầng hai, cho biết: “Tầm 6-7g sáng, mọi người ngồi thành dãy múc nước đánh răng, đi vệ sinh, giặt giũ. Mọi nhà đến giờ cơm nước đều vo gạo, rửa rau, làm cá... cũng ở sân tập thể này.10-11g trưa mọi người lại tập trung nấu nướng. Đông nhất là tầm 4-5g chiều. Hãi nhất là mùi bếp than, bếp dầu và mùi thức ăn lùa vào”. Điều đặc biệt nữa là các nhà ở đây đều... không có giường. Họ ngủ trên chiếu trải trên nền đất.
Ở đây chỉ có hai hộ trên gác hai làm được nhà vệ sinh khép kín trong nhà do có cống nước sẵn. 19 hộ còn lại dùng chung hai nhà vệ sinh tự hoại từ thời Pháp. “Nói là hố xí tự hoại nhưng không có chế độ tự động mà phải giội nước. Có người không ý thức, giội bẩn hoặc chả thèm giội. Trước chỉ có một cái, sau thấy nhà để đi tiểu rộng quá, cải tạo thành một hố xí ngồi xổm. Giờ không thể cải tạo vì nhà này đã 100 năm, đục vào tường sợ sập mất”, ông Ninh cho hay.
Khu tập thể có 70 con người nhưng chỉ có một nhà tắm công cộng. Bà Vũ Thị Thân, một người dân, cho biết: “Có người tắm lâu người tắm nhanh. Có người đợi lâu quá vừa bỏ vào, ra thì bị người khác xí mất. Thế là cãi cọ. Mùa đông lạnh muốn mắc bình nóng lạnh cũng không được. Chả lẽ mỗi nhà một bình nhưng chỗ đâu mà để hết. Mùa hè nóng nực quá cũng muốn tắm sớm, thế là các bà phải rủ nhau... tắm chung cho tiết kiệm thời gian. Có khi phải đến 12g đêm mới được tắm. Ở phố cổ khổ thế đấy...”.
Sống trong “địa đạo”
“Ngõ chung kiểu cha chung không ai khóc nên không ai cắm bóng điện. Ngõ không có chỗ vấp nên cứ thế mà đi. Nhìn quen rồi. Người mới đến không dám đi vào vì tối quá”, anh Thành (ngõ 94 Hàng Buồm) giải thích về con ngõ tối hun hút không ánh sáng dù là ngày hay đêm nơi mình ở.
Ở phố cổ không biết bao nhiêu con ngõ như thế. Ngõ nhỏ thành “địa đạo” dài hàng trăm mét, có ngõ chạy dích dắc chia thành 2-3 nhánh, mỗi nhánh lại dẫn lên những dãy nhà xếp chồng lên nhau.Những ngõ nhỏ tối tăm
Ban ngày đi vào những con ngõ này như đi vào hầm tối. Thứ duy nhất để phân biệt hai bên tường là ánh sáng lờ mờ hắt ra từ những ô cửa thông gió nhỏ xíu của những nhà dọc một bên đường đi. Nếu không, phải bật đèn pin trong điện thoại mà đi.
Bà Nguyễn Thị Chài (15 Hàng Điếu) chuẩn bị bữa trưa. Góc bếp được đặt ở lối đi chung - Ảnh: My Lăng |
Ông Tùng dẫn khách đi thăm cái bếp - có lẽ là độc nhất vô nhị ở Hà Nội vì nó nằm lọt thỏm ngay trong ngõ phố cổ, trong lòng “địa đạo” và khá rộng. Khói than ám chặt vào bờ tường khiến cả căn bếp từ tường, trần bếp đến vật dụng đều nhem nhuốc, đen kịt màu đen của than, bồ hóng, nhìn như một cái nhà bếp nào đó ở miền quê. “Nhà tôi nấu than tổ ong 20 năm nay rồi. Có khi nấu củi nhưng không thường xuyên vì họa hoằn mới có củi”, ông Tùng cho biết. Sát ngay gian bếp nhà ông là hai nhà vệ sinh tự hoại và một nhà tắm công cộng. “Đây là nhà xí của những hộ không làm được trong nhà, đi xong là khóa lại. Mỗi hộ đều có nhà tắm trong bếp, như nhà tôi vậy. Cũng hơi bất tiện, có khi đang nấu nướng khói bay cả vào phòng tắm...”, ông Tùng chia sẻ.
Góc bếp của gia đình ông Nguyễn Xuân Tùng (47 Hàng Đường) luôn tối tăm, nhem nhuốc. Bên cạnh là nhà vệ sinh của một số hộ gia đình - Ảnh: My Lăng |
Sống hẹp trong phố cổ
Nhà hẹp. Người đông. Những sinh hoạt thường nhật của người dân phố cổ tràn cả ra lối đi chung. Con ngõ nhỏ - lối đi chung là nơi đã “cõng” một phần không gian sinh hoạt của nhiều gia đình sống trong lòng “địa đạo”. Suốt dọc bờ tường của lối đi được khoét lõm để chứa cái bếp, đựng cái tủ bát đũa, là nơi để máy giặt... Như nhiều gia đình ở ngõ 15 Hàng Điếu, bà Nguyễn Thị Chài (69 tuổi) đã tận dụng không gian của một bên tường trong đường đi, tầng trên làm chạn bát đĩa, tầng dưới là bếp.
“Nhà tôi xây trộm lúc ban đêm trong ngày nghỉ, phường không làm việc, không đi kiểm tra. Chúng tôi chả muốn ở như vậy đâu nhưng chật chội quá nên phải chịu thôi”, bà Chài bảo. Con đường đi vốn chỉ rộng gần 1m chật chội là thế, bà vẫn còn tranh thủ làm được cái chuồng con con âm vào tường, nuôi thêm được bốn con gà, nuôi hết lứa này đến lứa khác. Tầng trên chuồng gà là chỗ để nồi niêu xoong chảo, xô chậu... “Nhà chỉ có 12m2, năm con người, chỗ ngủ còn chật vật thì lấy chỗ đâu mà làm bếp” - bà Chài nói như giải thích.
Khi mà đến cái bếp, lọ muối, hũ mắm... cũng phải đặt ở đường đi thì chỗ ngủ trở thành vấn đề mà các ông bố bà mẹ đau đầu nhất khi các con trưởng thành, lập gia đình. Nhà bà Vũ Thị Thân hiện có sáu người sống trong 10,5m2. Nhưng có thời điểm cái không gian ấy chứa đến 10 người.
Năm 1984, khi con cái lớn, ông Ngô Ngọc Diệp (65 tuổi, ở 56 Hàng Buồm) đã xin Nhà nước cơi nới làm thêm trần bêtông rộng một nửa diện tích nhà ở, trên dựng tôn chống nóng. Căn nhà ông chỉ rộng 26m2 nhưng có tới ba cặp vợ chồng, ba thế hệ. Căn nhà của ông nhìn vào không thể phân biệt đâu là phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn hay phòng vệ sinh.
Tất cả chỉ là một. Thế nên chỉ riêng chuyện ngủ cũng làm ông bà nát óc tính toán. Khi con trai lấy vợ, ông phải kê giường xếp ngủ. Vợ chồng cậu con trai được phân chiếc giường đôi, còn vợ chồng con gái chỉ có chiếc giường đơn vì anh con rể đi làm xa, thỉnh thoảng mới về. Rồi đến lúc con dâu sinh cháu đầu lòng, chỗ ngủ của ông Diệp là chiếc ghế dài thường ngày để tiếp khách. Vợ chồng ông phải cơi nới thêm cái tum, ngủ trên đó. “Bất tiện nhất là lúc con cái đi làm về - ông Diệp tâm sự - Nhìn đâu cũng thấy toàn người là người”.
Ông kể ngày trước ít người còn sinh hoạt tắm rửa, nấu nướng, giặt giũ chung ở phía dưới hết. Bây giờ đông quá, các nhà đều đưa vào khép kín, bếp núc, nước nôi sinh hoạt đều bê lên phòng. Bếp gas cũng mang lên gác. “Muốn lắp điều hòa nhưng không có tiền. Mà có tiền thì cửa gỗ, khe hở tứ lung tung thế lắp làm sao. Nhà tôi bao nhiêu năm nay vẫn dùng quạt. Cứ có người trong nhà là phải bật quạt, không thì bí không thở được. Giờ nhiều nhà lắp điều hòa quá, tất cả máy lạnh phả hơi ra, mát người ta nhưng lại nóng mình” - ông mỉm cười khi nói về cuộc sống của mình. Ở trong con ngõ quanh năm không có ánh sáng trời này, quần áo phải dùng máy sấy rồi treo lên dọc cầu thang, mùa hè cũng như mùa đông.
Câu chuyện về không gian sống ngột ngạt không phải là chuyện của một vài gia đình, ở một vài con ngõ phố cổ. Biết bao tình huống dở khóc dở cười và không thể tin nổi lại hiển hiện ở phố cổ. T.V., 28 tuổi, nhà ở phố Hàng Hòm, không dám kể cho bạn bè biết chuyện về ngày rước dâu của mình. Nhà có hai mẹ con, diện tích gần 20m2, không có gác xép. Phòng khách cũng là phòng ngủ, phòng ăn. Ngày nhà trai đến xin rước dâu, T.V. phải đứng trong... phòng vệ sinh đợi chú rể nắm tay dẫn ra.
Phố cổ còn những con ngõ dài hơn trăm mét, thông từ phố này sang phố khác. Có khi chỉ là một ngõ nhưng có đến hai số nhà. Chị Hằng, một người dân sống trong số nhà 25 - 27 Hàng Ngang, cho biết: “Khi con gái tôi thi đỗ, giấy gửi về không nhận được, đợi lâu quá con bé lên mạng tìm kết quả. Lúc đó mới biết đỗ, đến trường đóng tiền học rồi xin tờ giấy xác nhận kết quả để gửi về cơ quan. Trong tờ giấy này ghi giấy báo lần hai nhưng thực tế nhà tôi không nhận được lần nào cả. Ở đây chuyện thư từ, kiện hàng gửi qua đường bưu điện bị thất lạc là chuyện bình thường. Không chỉ ở nhà tôi đâu, nhà số 14-16 Hàng Vôi, 24-26 Hàng Đào cũng chung đường, đầy chuyện buồn cười như vậy”.
Ngõ siêu nhỏ
Ở phố cổ Hà Nội có khá nhiều ngõ ngách chật hẹp. Nhưng mọi sinh hoạt dân phố đều lệ thuộc vào những cái ngõ siêu nhỏ này.
.Người béo phải nghiêng, người cao phải cúi
“Ở cái ngõ này người béo phải đi nghiêng, người cao phải cúi” - bà Nguyễn Thị Huệ (68 tuổi), một cư dân của ngõ 24 Hàng Điếu, cho biết. Con ngõ ấy nơi hẹp nhất chỉ 49,5cm, chỗ rộng nhất 61,5cm, nơi thấp nhất 1,68m. Ngõ không dài nhưng phần phía trong không có ánh sáng trời nên 24/24 tối mù mịt, muốn đi vào trong ngõ phải bật đèn từ ngoài. Đã thế có đoạn lại trồi lên mấy bậc ximăng, đi ban ngày bật đèn pin không cẩn thận vẫn ngã dúi dụi.
Ngõ 24 Hàng Điếu chỉ vừa khít một người đi - Ảnh: My Lăng |
Căn nhà bà Huệ trước là hầm trú máy bay. Vì nhà quá nhỏ nên khi con dâu bà sinh đứa thứ hai, vợ chồng người con út đã xin về nhà ngoại bên phố Khâm Thiên. “Thoắt cái đã 14-15 năm. Ngày đám cưới nó tôi phải mượn nhà người bạn ở 37 Hàng Điếu, mượn luôn cả lối đi dọc phố lấy chỗ đặt bàn” - bà Huệ trầm ngâm hồi tưởng.
Kỷ lục con ngõ nhỏ nhất thuộc về ngõ 34 Hàng Da với chỗ rộng nhất 60cm, nơi hẹp nhất chỉ có 46cm do lồi ra một cột chống ximăng. “Năm 1980, người ta đục bớt một góc cái bờ tường lồi ra ấy, vừa đúng chỗ tầm tay để dắt xe đạp ra chứ nó nhỏ quá, không ngồi lên xe mà đi được” - ông Lê Thanh Bình (45 tuổi), một người dân trong số nhà 34 Hàng Da, cho biết.
“Ở ngõ tôi, tất cả những ai có xe đều đưa hết ra vỉa hè khóa lại, cũng phải đến 10 chiếc. Được cái ở đây rất an ninh, lại gần bar, có người thức đêm bán hàng nước và taxi đỗ nhiều, mười mấy năm nay chưa bao giờ mất xe” - anh Hoàng Văn Xuân, một người dân ở ngõ 44 Hàng Buồm, cho biết.
Cũng có người không dám đi xe tay ga xịn, phải đổi xe khác. Đó là câu chuyện có thật của anh Ngô Văn Tín ở ngõ 80 Đồng Xuân. “Ngày mới về đây tôi đi xe Dylan, ở được 2-3 ngày tôi phải bán rẻ đi mua xe Dream. Người ở đây hạn chế xe tay ga, chỉ mua xe rẻ tiền. Xe tay ga vào đây hay bị sứt sát. Đến cái xe máy nhỏ còn phải tháo núm, bẻ bớt một bên gương, đi vừa khít hai vai”, anh Tín chia sẻ.
Rửa chén bát ngay tại lối đi chung là hình ảnh quen thuộc ở rất nhiều con ngõ trong phố cổ (ảnh chụp ở 14-16 ngõ Gạch) - Ảnh: My Lăng |
Ít ai ngờ phía trên tầng hai của căn biệt thự cổ ở 14-16 ngõ Gạch lại là những căn phòng bằng gỗ, ván ép đã mấy chục năm nay, đêm cũng như ngày, chìm trong bóng tối ảm đạm, hun hút. Bật đèn pin từ điện thoại để dẫn chúng tôi vào thăm nhà, bà Nguyễn Thị Nga (55 tuổi) bảo: “Những nhà ở trên gác này ai cũng mua điện thoại có đèn pin để lên cầu thang, ngày cũng như đêm. Nhà lúc nào cũng phải có điện 24/24. Tắt điện là không nhìn thấy nhau”.
Hai cánh cửa nhà bà Nga chỉ mở được một bên (rộng 40cm), vừa đủ để một người đi vào. Nếu mở thêm một cánh nữa thì chướng ra lối đi chung. “Dân phố cổ ở chật chội vậy đấy. Ngày cưới tôi, nhà trai nhà gái đứng hết ở ngoài, chỉ một số đại biểu vào, nháo nhào một tí rồi về”, bà Nga vừa bước vào nhà vừa nói.
Sáu người, 14m2. Gác xép thì mọt, trở mình một cái là ẽo ọt. Mẹ chồng và mấy mẹ con bà Nga nằm ngủ ngay dưới sàn gỗ, là chỗ đi lại hằng ngày. Bề ngang chỗ ngủ chưa được 2m, xoạc chân là hết. “Mẹ chồng tôi đã 85 tuổi. Hằng tháng mới tắm gội cho cụ một lần vì cụ mắt kém, đi lên đi xuống cầu thang rất nguy hiểm. Mùa hè ở đây nóng như cái lò, nóng hơn ngoài đường, phải đổ hết ra đường tránh nóng. Đêm một người phải hai quạt. Tôi muốn gắn cái điều hòa nhưng không lẽ lại treo máy điều hòa lên liếp” - bà Nga than thở.
Con trai bà Nga năm nay 25 tuổi, làm nhân viên lái xe điện. Anh đã có người yêu được hai năm nhưng chưa dám dẫn bạn gái về nhà. “Có lần nó hỏi tôi: mai này con lấy vợ lễ gia tiên ở đâu. Tôi bảo làm lễ ở nhà gái thôi. Tôi động viên con: lấy vợ rồi mẹ thuê nhà cho ở... Khổ, nhà cửa thì bé tin hin. Cái cầu thang bê một mâm cơm lên phải lượn lách. Ngày 28 tết năm đầu tiên về đây tôi bị trượt chân vì cầu thang gỗ ọp ẹp, sẩy thai đứa đầu lòng”.
Chuyện tang ma ở ngõ nhỏ
Ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày chưa phải là đỉnh điểm cho cái sự chật chội, ngột ngạt ở phố cổ. Khổ sở nhất là khi có người cần cấp cứu hay tang ma.
“Vừa rồi ông Thạch cấp cứu lúc nửa đêm, xe bệnh viện đến đậu ngoài đường nhưng cáng cứu thương không sao lọt vào được, hàng xóm cõng ra cho kịp chứ không thì nguy”, anh Hoàng Văn Xuân kể. Còn ông Nguyễn Trọng Hào, ngõ 51 Hàng Bạc, cho biết: “Cấp cứu phải dùng cáng nhỏ. Còn không vào được thì phải cõng ra đường. Bị ốm chưa sợ bằng trong nhà có người chết. Con ngõ nhỏ đến cái xe đạp mini phải vừa dắt vừa lách mới vào được thì khênh áo quan đi làm sao lọt. Cho nên gia đình nào có ông bà trên 80 tuổi, ốm nặng, con cháu phải đưa ngay đến bệnh viện. Khi mất là đưa về nhà tang lễ Phùng Hưng chứ để trong nhà, mất, liệm rồi đưa thế nào ra ngoài được. Lúc đầu có gia đình có người mất trong nhà, phải quấn lại rồi chờ nhà tang lễ đến, loay hoay mãi mới đưa ra ngoài được. Sau lần đó, những hộ gia đình ở đây đều rút kinh nghiệm”.
Trên bờ tường ngay góc cầu thang của ngôi biệt thự cổ số nhà 14-16 ngõ Gạch vẫn còn dấu vết rất đặc biệt. Đó là một mảng tường hình chữ nhật đứng được trám lại bằng gạch, ngay góc cầu thang dẫn lên những hộ gia đình trên tầng hai. Bờ tường đó là một phần nhà anh Nguyễn Văn Khánh ở tầng trệt. “Ngày ấy trên tầng hai và gác ba còn nhiều ông bà già. Khi có người mất đưa áo quan xuống rất vất vả vì bị kích một phần ở chỗ gấp khúc của cầu thang. Nhà anh Khánh có một phía tường nằm áp vào cầu thang nên khi anh ấy xây nhà, những người trên gác đấu tranh mãi. Cuối cùng anh ấy cũng đồng ý. Đáng lẽ phải xây tường vuông vức nhưng có một khoảng chừa ra, che lại bằng ván liếp, như là tường nhà bị bom rơi trúng một lỗ hổng để lượn áo quan xuống không bị kích. Nghĩ cũng áy náy với nhà anh ấy vì mỗi lần như thế là anh ấy phải tháo miếng ván liếp ra, áo quan đưa vào cả một khoảng trong nhà người ta...” - bà Nga cho biết. Bây giờ người già trên gác không còn nữa. Nhà anh Khánh đã xây kín lại. Nhưng dấu vết của lần trám ấy vẫn còn hằn rõ trên bờ tường.
Nhà không đứng được
Căn hộ ở nhà số 44 Hàng Buồm ấy đặc biệt bởi những thông tin về nó: dài 2,64m, ngang 2,5m, cao 1,19m, người ở trong nhà ấy không bao giờ đứng thẳng được. Chính xác, đó là một căn buồng nằm trên gác xép trong một trong những con ngõ tối ngòm, nhỏ hẹp nhất phố cổ.
Hộp diêm 6,6m2Dẫn khách đi được một đoạn, chủ nhân căn nhà, anh Hoàng Văn Xuân (49 tuổi) dừng lại. Qua ánh sáng hắt từ cửa thông gió một nhà dọc đường đi, tôi thấy một cánh tay gân guốc bám chặt vào những mấu sắt cắm chặt vào bờ tường dựng đứng một bên hành lang, bàn chân leo lên, tay kia nâng một miếng gỗ ra, ánh sáng hắt xuống mặt tôi. Đó là lối đi lên nhà vợ chồng anh, lối đi ngay trên lối đi tập thể tối tăm này. “Cô để dép ở dưới, bám chặt tay vào không ngã đấy” - anh Xuân nói với xuống.
Vừa ló đầu lên khỏi ô vuông leo lên phòng nhà anh là khoảng không gian nhỏ đến mức chỉ vừa lọt đúng một cái nhìn: một chiếc tivi cũ thô treo trên tường, xô gạo, một chiếc quạt, một nồi cơm điện và tủ quần áo nằm dọc trên một rãnh chạy dài theo chiều dài của căn phòng... Cái hộp diêm ấy khi chưa lấy vợ là chỗ ngủ của bốn anh em anh Xuân. Ngày xưa nền nhà chỉ là trần ximăng lám nhám, trải chiếu chứ chưa có tiền lát đá hoa như sau này. Căn nhà bề ngang chỉ 2,5m nhưng có đến ba người ở.
Hỏi nhà chật như vậy ngủ sao, anh Xuân chỉ sáu viên gạch là bề ngang của căn nhà, bảo: “Đây, chỗ ngủ là sáu ô vuông này đây, mỗi người hai ô vuông (30cm/viên) là vừa khít, nằm muốn cựa quậy cũng khó, phải nằm im như tượng, như người nằm trong quan tài. Khi thằng Thủy được 3 tuổi, vợ chồng tôi định đẻ thêm nhưng thôi. Nhà chật chội quá, mới một đứa đã chật cứng chỗ ngủ”.
15 năm không thể đứng vươn vai
Chợt nhớ đến lời người đàn ông giữ xe đầu ngõ “Nhà vợ chồng nó độc nhất vô nhị ở Hà Nội đấy, chả bao giờ đứng được”, tôi lấy ngay sợi thước dây ra đo. Nhà chỉ cao 1,19m. Bởi cái chiều cao chưa đến 1,2m ấy, những thói quen sinh hoạt ở căn nhà này rất lạ. Cởi áo hay mặc áo phải quỳ xuống còn thay quần, mặc quần phải nằm ngửa ra sàn. “Ngay cả tôi quỳ chùng đầu gối mà đầu còn chạm trần nhà thì bảo đứng làm sao được”, anh Xuân vừa nói vừa quỳ xuống, dựng lưng thẳng lên để minh chứng cho khách thấy chiều cao có một không hai của ngôi nhà mình. Dù đã chùng đầu gối nhưng tóc anh vẫn chạm trần nhà.
Con trai anh, Hoàng Xuân Thủy, 15 tuổi nhưng chỉ cao 1,4m. “Suốt 15 năm nay không bao giờ đứng vươn vai lên được thì làm sao nó cao được hở cô! Thằng bé lại đang tuổi ăn tuổi lớn mà cứ như “ép khuôn” thế này bảo cao thêm cũng khó. Nhà chật chội, ngay cả cái cầu thang lên nhà cũng phải chôn dựng đứng vào tường, khi còn nhỏ, cháu đi lên đi xuống ngã mấy lần mới quen”, anh Xuân rầu rĩ nói.
Cũng vì nhà quá chật nên nồi cơm điện ngoài “nhiệm vụ” nấu cơm còn được dùng để luộc rau, nấu canh. Chỉ khi ninh xương, kho thịt, kho cá... vợ chồng anh mới xuống bếp than ở sân tập thể và rửa rau, rửa bát, vo gạo là làm ở dưới bể nước công cộng.
Nhà chỉ có ba vách tường, phía còn lại thông thống nhìn thẳng qua gác xép của nhà em trai anh Xuân. Mọi sinh hoạt riêng tư với nhà bên cạnh ngăn cách bằng mảnh vải mỏng và chiếc tủ quần áo lùn nằm ngang. Đã gần 12g trưa - cái giờ yên tĩnh để nghỉ ngơi - căn phòng của anh ngập đủ thứ tạp âm: tiếng tivi, tiếng băng đĩa với những bài hát rên rỉ hoặc giật đùng đùng, tiếng nói chuyện í ới, cả âm thanh ồn ào của đường phố cũng dội vào. Thanh âm nọ chồng lên thanh âm kia, lộn xộn và ong hết cả đầu.
Lối đi lên nhà anh Xuân là những mấu sắt cắm vào bờ tường dựng đứng - Ảnh: My Lăng |
Câu chuyện lại bị ngưng giây lát khi một mảng vôi rơi xuống lả tả. Ngước lên nhìn lớp vôi trần nhà lởm chởm sùi lên từng vẩy nham nhở, bong tróc, anh Xuân giải thích: “Lại có người đi guốc nện gót mạnh quá đấy. Mỗi khi có người trên gác đi guốc mạnh là lớp sơn bả ra, rơi xuống người từng miếng rất bẩn, bụi”.
Ngay bên trên trần nhà là sân thượng, nơi người ta rửa chén bát, nấu nướng và cả một cống sinh hoạt. “Nước thấm xuống suốt ngày, nhất là trời mưa, nước thoát không kịp thì đọng thành giọt như mái gianh. Ở đây tầm 1-2g sáng ở trên người ta đi vệ sinh nghe rõ cả tiếng nước chảy. Lớp bêtông của cái trần này rất mỏng nên ở trên đêm người ta đi lại, buổi sáng người ta rửa chén bát, ly cốc đặt xuống cũng nghe rõ mồn một. Mùa mưa thì khổ không kể xiết, nằm nghe tiếng mưa rơi lộp độp cả đêm không ngủ nổi” - anh Xuân kể.
Gà trống nuôi con
Khi chúng tôi đến, chị Xuyến - vợ anh Xuân - đã về quê sau ca phẫu thuật u xơ tử cung. “Mới mổ xong, đau quá, không thể leo lên nhà được nên cô ấy phải về quê. Cô ấy mang hết ảnh con về quê để đỡ nhớ con. Giờ bố con tôi phải sống cảnh gà trống nuôi con thế này...” - anh Xuân phân trần.
Bất ngờ, gương mặt người đàn ông chợt rúm ró, giọng nghẹn lại. Mãi anh mới lấy lại được bình tĩnh, nói như mếu: “Nhà cửa chật chội quá, cô ấy đã chịu đựng mười mấy năm nay... Ở cái ngõ này đã mấy cặp bỏ nhau cũng chỉ vì nhà cửa quá chật chội. Từ khi mẹ cháu bỏ về quê, thằng Thủy sa sút tinh thần lắm, mặt lúc nào cũng buồn buồn. Nhiều lần đang ngủ, nó khóc, bảo nhớ mẹ quá. Nghe mà mình tủi thân, thương con chảy nước mắt, cứ an ủi nó rằng mẹ về dưỡng bệnh rồi về lại với bố con mình”.
Người đàn ông gạt nước mắt, bảo: “Cô xem, nhà chật lại còn nghèo. Vợ tôi làm tạp vụ thuê theo giờ, bữa đực bữa cái, một buổi được trả 50.000 đồng tiền công. Tôi chạy xe ôm, khi vắng khách thì đi dọn nhà, bưng bê đồ đạc cho người ta. Thương nhất là đời con mình. Khi thằng Thủy học lớp 3, nó bảo muốn tổ chức sinh nhật nhưng không dám mời bạn bè về nhà. Tôi cho cháu mấy chục nghìn bảo đi mua mấy gói bim bim rủ bạn đi ra phố chơi”.
Thủy đang học lớp 10 Trường dân lập Văn Hiến (Hai Bà Trưng, Q.Hoàn Kiếm). Đã 10 năm nay em đi bộ hàng nửa tiếng đến trường.
“Thương nhất là trưa nắng nó đi bộ về nhà cũng phải 12g15, mặt mũi đỏ bừng, mồ hôi mồ kê đầy người. Cháu nó học hành chán lắm, thi thiếu điểm nhiều quá mới phải vào dân lập, một tháng đóng hết 1,6 triệu đồng. Nhưng được cái cháu học tin học rất tốt. Ở cái nơi như thế này cô bảo làm sao học hành tử tế như con cái nhà người ta được. Muốn mua cái bàn học xếp nhỏ cho con có chỗ học hành đàng hoàng nhưng học xong để vào đâu! Giày dép còn phải để dưới lối đi. Từ lọ đường, mắm muối, dầu... phải để ở đây, bàn học để đâu! Được cái cháu hát hay lắm. Nó là cây văn nghệ của lớp, của trường. Cô cứ gọi điện thoại liên tục xin cho cháu đi tập mãi” - anh Xuân kể, giọng vui hơn một chút.
Cả gia đình trong 3m2
5g chiều. Ðến giờ nấu cơm. Dù đã có bóng điện nhưng màu vàng nhức nhối của cái đèn điện nhỏ càng làm cho không gian bé tẹo dưới gầm cầu thang của một dãy nhà tập thể gần trăm năm ở ngõ 33 Hàng Vải (P.Hàng Bồ) thêm chật hẹp.
Ở ngoài kia là chiều, ánh nắng còn chưa tắt, nhưng trong đây, ở gầm cầu thang này đã là đêm. Tối kịt nếu tắt điện. Trong cái khoảng không gian chỉ hơn 3m2 đó là nơi gia đình bà Hoàng Thị Dung (52 tuổi) ở 18 năm nay.Một người 1m2!
"Ðến ngay cả nấu nước tôi phải đun nước nhờ bên chùa thì làm gì có cái bếp cho đàng hoàng. Có 3m2 bé tẹo, mỗi người được 1m2, chưa kể đồ đạc lỉnh kỉnh" - bà Dung chép miệng bảo. Lấy nhau 18 năm, vợ chồng bà Dung chỉ có mỗi cô con gái năm nay học lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Ðình). "Chỉ vì nhà cửa chật chội quá nên vợ chồng tôi sợ, không dám sinh thêm đứa nữa. Bát cơm sẻ đôi mỗi đứa một nửa còn được, nhưng không thể nằm chồng lên nhau mà ngủ".
Bà Dung là người Hưng Yên. Chồng bà, ông Hà Ðình Thành (56 tuổi), là trai phố cổ. Bố mẹ ông có tám người con. Cả nhà mười người ở trong một không gian chỉ 16m2! Cán bộ phường Hàng Bồ thấy thương, cho mẹ ông được sử dụng gầm cầu thang của dãy nhà tập thể làm nơi để củi.
Cô gái Hưng Yên lấy chàng trai phố cổ thông qua mai mối. Sau ba đêm ngủ trong phòng tân hôn nhỏ nhưng gọn gàng, sạch sẽ, người vợ trẻ hụt hẫng nuốt nước mắt khi biết đó là căn phòng... thuê của một gia đình hàng xóm! Gầm cầu thang vốn dùng để chứa củi mới là chỗ ăn ngủ chính thức của đôi uyên ương. "Nhìn gầm cầu tối om, bẩn thỉu tôi rùng mình, tủi thân chảy nước mắt. Tôi không ngờ lấy chồng Hà Nội lại ở cái chỗ như vậy. Nhưng thân gái như hạt mưa sa, thôi thì đành nhắm mắt mà ở", bà Dung buồn buồn tủi tủi nhớ lại cảm xúc hỗn độn khi đứng trước gầm cầu thang phủ đầy bóng tối, nơi vợ chồng bà sẽ ở.
Mẹ con bà Dung trong căn nhà 3m2 - Ảnh: My Lăng |
Chiều cao của Thủy đã gần bằng chiều cao của nhà. Nhưng không sao, ở góc phòng ai đó đã viết: “Cười lên nào” - Ảnh: My Lăng |
Ðã thế, gầm cầu thang lúc nào cũng ướt lép nhép do gỗ đã cũ, xuống cấp trầm trọng. Người dân ở trên mỗi lần xách nước lại làm tung tóe rơi vãi xuống dưới. Vợ chồng trẻ lãnh đủ. Mùi ẩm mốc xộc thẳng vào mũi. "Phản chưa có, giường cũng không, vợ chồng tôi phải trải chiếu nằm dưới đất. Quần áo chẳng mấy chốc mà mục. Da người còn ẩm mốc huống chi là quần áo" - bà Dung kể.
Mấy tháng đầu ở gầm cầu thang người vợ trẻ khóc mọng mắt. Khổ nhưng cô không dám kể cho một ai trong gia đình biết. Bà Dung nhớ lại: "Khi tôi sinh con Thủy, mẹ tôi ra đây chăm cháu mới biết "nhà" nó ở là cái gầm cầu thang. Ban ngày mẹ tôi chợ búa, giặt giũ, cơm nước cho vợ chồng con gái, đêm đi ngủ nhờ nhà hàng xóm trên cầu thang. Một tháng trời như thế. Về quê, mẹ cũng giấu kín chuyện nhà tôi".
Khi con gái đầu lòng chào đời, ông Thành mới làm gấp một tấm phản vừa khít lòng gầm cầu thang để có chỗ khá hơn cho vợ con nằm. "Trong này chật chội không biết đứng đâu ru con, tôi cứ bế con đi ra ngoài ngõ rồi lại đi lên cầu thang, cứ đi hết bậc lại bế con đi xuống, được mấy vòng thì bé Thủy lăn ra ngủ", bà Dung kể. Trong ký ức tuổi thơ của mình, cô bé Hà Thị Thu Thủy vẫn còn nhớ những hình ảnh không thể quên thời ấu thơ: "Khi em tập đi, mẹ tập đi cho em ở ngoài ngõ vì trong này cầu thang tối quá, em sợ cứ gào lên khóc".
18 năm ngủ không màn
Từ ngày lấy nhau đến giờ, vợ chồng ông Thành chưa một lần mắc màn dù rất nhiều muỗi, nhất là thời gian đầu mới về ở. "Nhà quá chật, mắc màn lên lại tù mù, chui ra chui vào lụng bụng như cá mắc lưới. Nửa đêm muốn đi giải chui vào chui ra đụng chồng con lại mất giấc ngủ. Thôi thì đường nào cũng bất tiện", bà Dung thở dài bảo. Ông Thành góp thêm chuyện: "Mùa tháng giêng, tháng hai - mùa muỗi nhiều, muỗi cắn đỏ sưng chân nhưng gia đình tôi cũng cố chịu. Mỗi lần mưa to nước cống rãnh ngập lên gần nửa mét tràn vào nhà, các thứ bẩn thỉu trôi lềnh bềnh hôi thối không ngửi được, vẫn phải nhắm mắt mà ngủ qua quýt cho xong".
Là dân phố cổ nhưng cách sinh hoạt của ông Thành như chỉ có ở người vô gia cư: tắm công cộng, đi vệ sinh cũng công cộng. Khi bà Dung bị ốm, phải mượn cái ghế đẩu cao kê ngoài bậc cửa, nằm nhoài đầu ra hít được không khí ít nào hay ít nấy. Khi nào thấy bí quá thì sang tựa nhờ cửa nhà hàng xóm ngồi thở, thấy chủ nhà về lại trở vào.
Ban ngày cả nhà đi hết. Ông Thành chạy xe ôm. Bà Dung bán nước trà. Bé Thủy đi học. Buổi tối là lúc đông đúc nhất. Và cũng là lúc căn nhà trở nên chật chội nhất. "Ngày nào dậy tôi cũng tê hết mình mẩy - bà Dung nói - Tôi chỉ nằm đến 5g sáng là phải dậy đi ra đường vì cái phản quá chật, không cựa quậy, không trở mình được, nằm co quắp bất động. Chật chội thế nên nhà tôi không dám may thêm quần áo. May thì treo mắc vào đâu".
Mầm sáng ở trong bóng tối
Bà Dung thoáng chút mãn nguyện khi nói đến cô con gái duy nhất: "Nhà nghèo nhưng được cái nó ngoan lắm. Tôi hỏi nó có muốn uống sữa không, nó bảo: Mẹ có tiền không hẵng mua cho con, không thì con không uống đâu. Không bao giờ nó đòi quần áo, giày dép, đồ chơi đồ hàng, đồ ăn vặt... Tết Trung thu bố chở đi khắp Hàng Mã, con bé về cầm một bông hồng nhựa, hỏi thì nó bảo: Con đã được xem hết rồi, cái gì cũng được xem rồi, con mua bông hồng này về tặng mẹ...".
Bàn học của Thủy là... mặt phản, vốn là giường nằm khi đêm về, cũng là nơi tiếp khách, nơi ăn uống, nơi thay quần áo... Kệ sách vở của Thủy xếp ngăn nắp chạy dọc hết một bên tường. "Khi học lý thuyết thì nó để sách vở trên đầu gối, làm bài tập thì để xuống phản. Có khi nó ngồi gập người hoặc chổng mông, cứ mỏi lưng lại xoay hết kiểu này đến kiểu khác. Nhiều lần thấy thương con quá, tôi bắt nó phải kê cái ghế con mà học. Nó cứ ngồi đều như thế 11 năm nay rồi, nhìn thương con mà chảy nước mắt" - bà Dung kể.
Vậy mà 10 năm liền Thu Thủy đều là học sinh giỏi. Cô bé rất tự tin khi nói về những dự định tương lai của mình: "Hoàn cảnh gia đình là động lực để em quyết tâm học giỏi ngay từ khi mới là cô bé 6 tuổi. Em muốn thi đậu vào Trường ÐH Ngoại thương, sau này đi làm để mua được căn nhà dù nhỏ mười mấy mét vuông nhưng đúng nghĩa là nhà". Cô nữ sinh lớp 11 nói rất chững chạc về dự định ngày mai của mình.
Bên trong những “hộp diêm” khác
Ở các số báo trước, bạn đã cùng phóng viên Tuổi Trẻ ghé thăm những căn phòng có một không hai ở phố cổ Hà Nội. Nhưng, ở phố cổ ấy vẫn còn rất nhiều những nơi như thế..
Đi vệ sinh, sợ giẫm phải bố chồngChỉ vẻn vẹn 5m2 nhưng đại gia đình ông Trần Văn Lợi (80 tuổi, số 4 Hàng Gà) có đến ba thế hệ với sáu người ở: hai vợ chồng ông, vợ chồng người con trai với hai đứa cháu nội. Nhà nhỏ lại đông người nhưng ông không thể làm thêm gác xép vì phía trên là gia đình người khác ở, tường nhà lại thấp. Chiếc nệm đôi trải trên sàn nhà là nơi diễn ra tất thảy sinh hoạt của gia đình anh Cường - con trai ông. Buổi tối, ông Lợi trải chiếu nằm ngủ gần... cửa ra vào. Bà Bốn - vợ ông - nằm chiếc giường một lọt thỏm ở góc trong cùng sát tường. “Ban đêm muốn đi vệ sinh bước ra cửa chỉ sợ giẫm phải bố chồng” - chị Quách Thị Quyên, con dâu ông Lợi, bảo.
Cầu thang dẫn lên căn gác xép của vợ chồng bà Kim Nga (20 Hàng Bè). Mỗi lần muốn lên căn gác xép, người trong nhà phải khom lưng, cúi đầu bò vào - Ảnh: My Lăng |
“Trước cửa nhà tôi phải treo một cái quạt để xua mùi hôi, mùi khai từ dãy nhà vệ sinh tập thể bốc ra. Khốn khổ nhất là mùa hè, cái mùi ấy nồng lên muốn điên người. Mưa thì không nấu nướng được vì bếp nhà tôi để ngoài đường đi, có gì ăn nấy, không thì ra ngoài hàng mua. Cũng có một thời gian phải đội nón nấu cơm, ướt lướt thướt như chuột”.
Nhà anh Hải Anh có gác xép nhưng thấp thảm hại, thấp đến mức leo lên phải bò vào chứ không thể ngồi. Vậy mà căn gác xép ấy chính là phòng tân hôn của vợ chồng anh. “Ngày đó nó còn là cót ép cơ. Tôi cũng trang trí hoa hoét cho đỡ buồn. Vợ tôi tủi thân lắm vì nhà bố mẹ có gần 3.000m2 đất, lấy chồng lại chui rúc vào cái nơi chả ra nhà thế này. Đêm tân hôn vợ tôi khóc ròng, cho đến lúc sinh con đầu lòng một năm. Khi vợ tôi có thai, cô ấy vẫn phải ở trên gác xép vì dưới này không có chỗ ngủ, cứ bò lên bò xuống cái cầu thang dựng đứng nhỏ tí teo này” - anh Hải Anh kể.
Căn nhà nhiều đinh nhất
Căn nhà dài 2,1m, rộng 1,7m với diện tích 3,75m2 ở trong ngõ số 8 Phát Lộc là nơi ăn ở của năm con người: một bà mẹ già, một người anh trai 45 tuổi chưa lập gia đình, một cô em gái ly dị chồng nuôi hai con. “Thật ra nhà tôi còn có hai người nữa. Anh cả tôi lấy vợ rồi ở rể. Chị gái đi xuất khẩu lao động” - anh Lê Anh Dũng, một thành viên trong nhà, giới thiệu.
Căn nhà chưa đến 4m2 này vốn là nhà bếp của bà ngoại anh Dũng. Và đó là phần trong di chúc mà bà để lại cho mẹ anh. Có lẽ đây là căn nhà có nhiều đinh nhất Hà Nội. Tất cả vật dụng đều được treo lên tường hoặc gom vào bao nilông máng vào đinh. Sách vở của mấy đứa nhỏ treo để trên gác. Bát đĩa để trong cái tủ nhôm con con treo ngoài tường. Tủ quần áo cũng phải treo dọc bức tường. Nồi niêu treo ở gờ tường bên ngoài, bị mất trộm mấy lần.
“Trong nhà có cái tivi là đáng giá. Nếu trộm vào chỉ có nước giẫm lên người, chỗ đâu mà len vào” - anh Dũng cười bảo. Anh cho biết thêm: “Mẹ tôi bảo túng thì phải tính. Nhà chật nên mua tủ lạnh mini, mỏng, treo lên để chừa chỗ buổi tối cho mẹ tôi ngủ còn duỗi chân được. Vừa rồi đứa em gái lôi về cái tủ lạnh 150 lít, bà không duỗi chân được, phải nằm nghiêng, co chân”.
Tối, anh Dũng ngủ trên căn gác xép cao gần 60cm, ngồi nhổm là đã chạm đầu. Bốn người ở dưới đất phải xếp lớp nằm nghiêng. “Tất cả phải quay đầu ra ngoài cửa để hít khí trời cho thoáng, chứ quay đầu vào tường thì ngộp, bí không thở nổi. Nhà bé thế nhưng có tới bốn cái quạt cóc con con treo trên tường” - anh Dũng bảo. Gác xép của anh Dũng gần 4m2 nhưng một nửa đã chất đầy đồ đạc của cả nhà. Cái tivi cũ treo hơn 10 năm, chiều cao vừa khít trần gác xép! “Mùa hè tôi nằm trằn trọc đến 1-2g sáng mới ngủ vì nhà chật, nóng đến dại người. 5g sáng đã dậy, xuống cứ đi lang thang ngoài đường. Hôm nào cúp điện thì cả nhà dắt nhau đến nhà nghỉ thuê bừa một phòng ngủ, sáng mai mới về nhà” - anh Dũng tâm sự.
“2g sáng tôi đã dậy, không ngủ được vì bí quá, nằm không cựa quậy được. Tôi phải ra ghế dựa của tiệm cắt tóc ngoài đường nằm dựa lưng vào đấy, mệt quá chợp mắt ngủ rồi lại thao thức tỉnh dậy, cứ như thế cho đến sáng. Ban ngày cũng không muốn vào nhà, cứ ngồi ở đấy cho thoáng” - bà Nguyễn Thị Tỉnh (76 tuổi), mẹ anh Dũng, cho biết thêm.
Thuê nhà chỉ để tối về ngủ
“Nhà tôi chỉ ăn một bữa chính. Bữa trưa toàn bê ra ngoài đường ngồi. Ăn chia thành hai ca: trẻ con ăn trước, người lớn ăn sau. Nhà có cỗ thì một mâm đưa ra đường ngồi, một mâm ngồi trên giường. Trẻ con cho ra ngoài đường ăn hết” - bà Trần Thị Kim Nga (53 tuổi) ở số nhà 20 Hàng Bè cho biết.
Căn nhà của đại gia đình bà chỉ gói gọn 9m2 nhưng có đến hai gia đình với chín người ở. Các cháu nội tối đến được đưa về hết nhà ngoại vì không có chỗ nằm. Vợ chồng bà Nga có hai người con trai. Anh lớn chưa lấy vợ, cũng ở đây. Cũng như vợ chồng em gái bà Nga, người con trai út của bà sau khi lấy vợ phải ra ngoài thuê nhà. Ban ngày ở đây, tối về nhà thuê ngủ. Nhà bà Nga có chiếc đệm ban ngày được gấp lại thành ghế to, có thể dựng sát vào tường để tránh chiếm diện tích. Đó là nơi ngủ của ba người khi đêm xuống. Mảnh chiếu sát cửa là chỗ của hai thành viên khác. Trên gác là chỗ ngủ của bà Nga.
“Cái gác xép này ôtô đi qua cũng rung lên vì làm bằng gỗ ép mỏng. 12g đêm tôi mới ngủ được. Nhà sát đường, lại gần chợ nên 3-4g sáng đã thức dậy vì người ta đi chợ rất ồn ào. 5g sáng vợ chồng tôi đã đi tập thể dục rồi về tranh thủ đi vệ sinh, tắm rửa trước, đỡ phải xếp hàng. Ngủ phân chia đã đành, ngay cả những cái tối thiểu khác cũng phải chia giờ. Nhà 8-9 người chỉ có một nhà vệ sinh. Những người rỗi ở nhà thì tắm lúc 3-4g chiều, ưu tiên cho những người 6-7g tối đi làm về tắm. Đứa út nhà tôi phải dậy sớm làm vệ sinh cá nhân trước vì tắm rất lâu” - bà Nga chia sẻ.
“Đố phóng viên tìm được nhà nào có cầu thang di động như nhà tôi đấy” - ông Nguyễn Minh Cường, chồng bà Nga, chỉ vào chiếc cầu thang dẫn lên gác xép, mỉm cười bảo. Năm 2003, trần nhà bị sụp. Khi sửa lại nhà, ông đã nảy ra sáng kiến làm cầu thang có bánh xe trượt trên đường ray. Khi lên thì kéo cầu thang ra, tạo thành độ dốc đứng leo lên. Khi không sử dụng thì đẩy cầu thang chạy vào sát tường.
“Trẻ con không dám cho leo lên gác vì cửa đi vào gác xép chỉ cao 60cm, phải bò vào, đứng lên là đập đầu ngã ngay xuống đất!” - ông Cường cho biết. Rồi ông thở dài, nhìn đám cháu nội đang chạy rầm rầm trong con ngõ nhỏ bảo: “Đám trẻ con không có chỗ chơi, suốt ngày ra ngoài đường chơi vì vui hơn trong nhà. Kể cả mưa chúng nó cũng ngồi ngoài đường với ông bà ở quán nước chè. Mỗi lần mưa, bọn trẻ vào nhà ngồi phải xếp hàng theo thứ tự, không thì không có chỗ”.
Nét thanh lịch trong “phố khổ”
Giữa không gian ồn ào, chật chội, gò bó trong phố cổ, ta vẫn tìm thấy những không gian và con người lịch lãm, lãng mạn và biết gìn giữ cái hồn Hà Nội xưa.
Sống như người Tràng AnKhi chúng tôi đến thăm, cụ Nguyễn Thị Hiển (94 tuổi, 23 Hàng Bồ) đang giã trầu bằng chiếc cối đồng nhỏ và chiếc chày có răng nhọn để đâm nhuyễn cau rất đặc biệt. Đã 94 cái xuân xanh nhưng nét đài các, nền nã của người con gái Hà thành xưa vẫn chưa phôi phai trên gương mặt và phong thái của cụ. “Cụ vẫn giữ kiểu ăn trầu như người xưa. Cơi trầu và dao lúc nào cũng phải sạch. Miếng trầu têm phải nhỏ, chặt và đẹp, để 2-3 ngày vẫn đẹp, không mất mùi” - bà Lê Thị Chuyên, con dâu cụ Hiển, cho biết.
Cụ Hiển đang têm trầu. Bên cạnh là cơi trầu của người phụ nữ Hà Nội xưa - Ảnh: My Lăng |
“Mẹ tôi ra ngoài lúc nào cũng phải quần áo gọn gàng. Mẹ bảo không phải cứ mặc gấm vóc mới đẹp mà cần nhất là phải gọn gàng, sạch sẽ. Mình muốn trọng mình phải mặc gọn gàng. Mẹ không thích diêm dúa mà chỉ chọn những màu giản dị như màu nâu và đen. Trong tủ quần áo của mẹ vẫn còn những bộ áo dài xưa, mỗi lần đi đám cưới, đám giỗ là mẹ lại mặc” - con dâu cụ Hiển nói với ánh mắt đầy tự hào về người mẹ chồng.
Cụ Hiển vẫn làm trà hoa nhài, hoa sen theo phương pháp thủ công và bằng những bí quyết xưa. “Trà hoa sen, hoa nhài của cụ Hiển độc đáo ở quận Hoàn Kiếm, có mùi thơm thoang thoảng dễ chịu chứ không thơm hắc, thơm sặc như nhiều nhài tu, sen tu có chất hóa học bây giờ. Cụ là người lâu nhất ở quận Hoàn Kiếm làm trà hoa nhài, hoa sen truyền thống” - bà Nguyễn Thị Thành, cựu tổ trưởng tổ dân phố 1, khẳng định. Quen với nếp sinh hoạt của một gia đình người Tràng An, từ khi về làm dâu, bà Chuyên đều đặn 4g sáng dậy nấu nước, pha trà cúng, phần còn lại để uống cả ngày. Rất dễ nhận thấy văn hóa ăn uống của người Tràng An trong bữa cơm hằng ngày của gia đình cụ Hiển. Khi bữa trưa của cụ Hiển dọn lên, chỉ có một đĩa rau bắp cải luộc, chén canh nhỏ, chén nước mắm con, một ít muối vừng, một khoanh trứng kho mắm, một chén cơm. Cái gì cũng nhỏ nhỏ. Cách bài trí món ăn cũng rất tinh tế.
Những gia đình như cụ Hiển ở phố cổ không nhiều. Nhưng len lỏi đâu đó trong tận ngóc ngách thiếu ánh sáng của những con ngõ quanh năm không có nắng trời, những người Tràng An hiếm hoi còn lại vẫn cố giữ lấy một Hà Nội xưa trong cuộc sống xô bồ này. Đã 90 tuổi, ông Quách Mậu Lộc (ngõ 89 Hàng Buồm) vẫn giữ lấy cái duyên viết sớ, viết chữ nho vốn theo mình từ năm 1960. Mùa lễ hội có hôm gần 1g sáng ông mới ngủ. Con cái thành đạt hết, ông vẫn cặm cụi vui vầy với những giấy đỏ, mực tàu. Không phải vì mưu sinh mà tiếc một thời “Bày mực tàu giấy đỏ/Trên phố đông người qua...”. “Nét văn hóa của người Hà Nội xưa quý lắm, giờ cứ mai một dần, xót lắm” - ông Lộc ngậm ngùi bảo.
Chuyện về nhà số 8 ngõ Phát Lộc
“Đây là một trong những nhà cổ nhất nhưng chật nhất phố Phát Lộc này” - anh Nguyễn Bình Minh, thế hệ thứ năm ở ngôi nhà số 8 ngõ Phát Lộc, nói. Chỉ là một số nhà nhưng có đến 11 hộ với 60 nhân khẩu. “Dòng họ nhà tôi ở đây đã bảy đời. Ông bà nội tôi có 10 người con. 10 người con ấy lấy 10 người vợ, đều ở đây rồi cứ thế sinh sôi nảy nở ra. Tất cả đều là anh em họ hàng trong một dòng tộc” - anh Minh giới thiệu.
Ngôi nhà ấy là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống người dân ở phố cổ. Cũng ngõ nhỏ, thiếu ánh sáng; cũng những căn phòng được cơi nới với những lố nhố người; cũng bể nước công cộng với lỉnh kỉnh thùng phuy, xô chậu; cũng nhà vệ sinh và nhà tắm tập thể..., người ta tận dụng từng khoảng không trống để sống. “Đến ngay cả cái bếp, chỗ phơi khăn mặt gia đình tôi còn phải để bên ngoài dưới gầm cầu thang thì chỗ đâu làm nhà vệ sinh, nhà tắm”, bà Trần Kim Thịnh - mẹ anh Minh - nói. Khoảng trống ở dưới gầm cầu thang dẫn lên những hộ bên trên được gia đình bà tận dụng làm nhà tắm, ngay cạnh bếp. “Dân số” gia đình bà Thịnh đông nhất ở số nhà này với bốn người con và 11 cháu nội, cháu ngoại.
Đông đúc. Chật chội. Chật vật chia nhau từng khoảng trống mà sống, mà thở như thế nhưng những người trong số nhà này vẫn tận dụng khoảng không có nắng trời để trồng hoa, nuôi chim và có một đời sống tinh thần rất phong phú, thú vị. Khi bước chân lên cầu thang dẫn vào phòng vợ chồng anh Minh và bên kia là nhà anh Nguyễn Gia Tiến, như bước vào một vườn hoa thu nhỏ, với nắng vàng, trời xanh, những bông hoa thắm màu rung rinh trong gió. Cây hoa giấy đỏ hồng yểu điệu ôm quấn lấy cầu thang dẫn lên phòng vợ chồng anh Minh đã hơn 20 năm tuổi. Bên kia là giàn hoa treo trước cửa nhà của anh Tiến khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ. Anh thợ cắt tóc ngoài ngõ này là người đầu tiên chơi chim ở phố Phát Lộc và khởi xướng phong trào chơi chim ở con phố này. Không có chỗ treo, ban ngày anh treo nhờ nhà hàng xóm, ban đêm mang vào nhà. Đoạn đường gần nhà anh lúc nào cũng ríu rít, lảnh lót tiếng chim.
“Ở nhà này yêu đời, yêu ca hát lắm. Buổi tối chúng tôi vẫn gọi nhau đi hát karaoke, toàn nhạc tiền chiến. Mẹ tôi khi còn sống lẩy Kiều, hát vọng cổ nhất ngõ, thuộc hết tên diễn viên cải lương nổi tiếng miền Nam. Cô tôi (bà Nguyễn Thị Tỉnh, 76 tuổi) lúc nào hứng lên là lẩy Kiều thì thôi rồi. Bố tôi vẫn đi chơi ghita và măngđôlin tay trái rất điệu nghệ” - anh Khôi cho biết. Anh Minh ngồi cạnh nói: “Người trong nhà vẫn gọi vui nhà mình là “làng tám”. Chúng tôi đùa như vậy vì trong nhà ai cũng tinh thần văn nghệ rất cao, biết thưởng thức cái đẹp, yêu ca hát, văn chương, hội họa... Anh Khôi nhà tôi biết diễn kịch câm, sáo dài, sáo ngắn, dạy nhảy cổ điển, hiện đại. Nghệ thuật ở Hà Nội có gì nhà này có hết: âm nhạc, điêu khắc, hội họa. Anh Hùng bán nước trà ngay trước nhà là học viên lớp đầu tiên của Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội về vẽ đấy nhé. Anh có hai cô con gái đều học Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, một cô là sinh viên ngành hội họa, một cô ngành âm nhạc đấy” - anh Minh cho hay.
Điều anh Minh tự hào không kém là không ít người trong nhà mình am hiểu về lịch sử dân tộc, khi cần có thể nói vanh vách. “Người ở nhà này sử Đinh, Lý, Trần..., bao nhiêu đời vua chúa, chuyện Trần Thủ Độ, Trần Cảnh... ra sao thuộc làu làu hết. Cải cách kinh tế của Hồ Quý Ly như thế nào, thành nhà Hồ tồn tại bao nhiêu năm; vua Trần bao nhiêu đời; Bà Trưng đánh giặc năm nào... chúng tôi đều biết hết. Phóng viên hỏi thằng Dũng em họ tôi chạy xe ôm xem, nó nói sử làu làu. Từ bé chúng tôi đã đọc sử như đọc truyện. Ông bà, bố mẹ nói về lịch sử trong cả bữa ăn. Ngày đó học lịch sử rất ngắn, dễ học, không triền miên, tràn lan như giờ”, anh Minh say sưa nói. Thật bất ngờ khi anh bảo mình vốn là học sinh chuyên toán của quận Hoàn Kiếm và sau này học đại học lại theo chuyên ngành về máy móc, không liên quan gì đến nghệ thuật, lịch sử...
Nhà vườn độc nhất ở phố cổ
“Đến nhà số 6 Đinh Liệt chưa, nhà vườn duy nhất ở phố cổ Hà Nội đấy. Mà nhà lại nằm trong con ngõ chứ không phải ngoài đường đâu” - nghe chị Trần Thị Lan (Ban quản lý phố cổ Hà Nội) giới thiệu, người nghe rất ngạc nhiên, bởi ở cái thời buổi tấc đất tấc vàng này, nhất là lại trong ngõ nhỏ phố cổ, tìm đâu ra nhà vườn mấy trăm mét vuông!
Nhà vườn xuyên phố cổXuyên qua con ngõ nhỏ, nơi phía cuối con đường, mắt tôi chạm vào màu xanh từ tàng cây cao vượt qua khỏi bờ tường, cổng vào; xanh từ những dây leo mềm mại bò dưới đất. Ánh nắng vàng tươi của một buổi sáng đầu đông Hà Nội như dịu đi trước mảng màu xanh mướt mắt bao quanh khu vườn. Ngôi nhà vườn hiện ra sau những tầng lá xanh ngắt.
Một góc khu nhà vườn nhìn từ trên cao - Ảnh: My Lăng |
“Ngày mới giải phóng gia đình tôi cho người ta ở nhờ rồi dần dần họ không chịu đi - ông Giao nói như giải thích - Chỉ riêng phần sân vườn này là 180m2, còn tổng diện tích đất nhà chúng tôi rộng 560m2”.
“Điều đặc biệt là vườn nhà tôi vẫn giữ được không gian hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc với tỉ lệ 1, tức vườn sân - nhà tỉ lệ là 1:1. Nhà cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu (chiếu đứng) thì sân vườn phía trước nhà (chiếu bằng) phải tương ứng. Đây là tỉ lệ lý tưởng”, ông Giao tự hào nói.
Gần tiểu đảo giữa vườn là chiếc giếng cổ. Ngay cả những con cháu trong gia tộc họ Phạm ở căn nhà này cũng không biết giếng cổ có tự bao giờ. Chỉ biết rằng khi bố mẹ ông Giao về đây ở và từ đời chủ cũ trước đó đã có giếng cổ. Tính ra tuổi của nó chí ít phải 100 tuổi vì năm nay cụ Tề, mẹ ông Giao, đã bước sang tuổi 98. Giếng miệng tròn, rộng 70-80cm, sâu 3m. Nước rất mát, trong vắt, mạch đứng. Xét về phong thủy, giếng cổ như mắt ngọc của thế đất, là hồn của mảnh đất. Xưa không có nước máy, gia đình ông Giao dùng nước giếng rửa mặt, ăn uống, tắm giặt... hằng ngày.
“Bạn tôi là nhạc sĩ Vĩnh Lai từng ở nhà này và rất thích tắm bằng nước giếng cổ - ông Giao kể - Trước không có tủ lạnh, ngày hè chúng tôi lấy nước nhân trần, cam thảo, vối... đóng chai thả xuống giếng để lấy độ mát âm thay cho làm đá. Chỉ mấy tiếng đồng hồ là mát lạnh”.
Nói đoạn, chủ nhà thân mật mời khách lên bancông trên gác hai của ngôi biệt thự cổ uống trà. Trên bờ tường của dãy hành lang dài ngập nắng nhìn ra khu vườn xanh, không gian yên tĩnh dường như chỉ để cho tiếng chim hót bởi ngay cả bước chân đi cũng rất nhẹ nhàng, tiếng cười cũng trở nên từ tốn, ý nhị. Những ồn ào, xô bồ của cuộc sống sôi động ngoài kia như đã rơi rớt lại ngoài đầu ngõ..
Đi qua hai cuộc chiến tranh, gia tộc họ Phạm của ngôi nhà vẫn giữ được chiếc bình gốm pháp lam thời Nguyễn (hiện được đặt cạnh bàn thờ gia tiên) và bộ bàn ghế cổ hơn 100 năm bằng gỗ núp. Trên gác ba (gác thượng), nơi cao nhất của căn biệt thự là điện thờ mẫu Liễu Hạnh. Chỉ thêm một bước chân thôi là ra khỏi cửa, đến bancông nơi có chín giếng trời. Chín luồng ánh sáng từ nắng trời xuyên thẳng xuống chín giếng trời tạo nên không gian vừa lạ lẫm, vừa huyền ảo thú vị.
“Giếng trời thu được ánh sáng của trời, lấy được âm khí mặt đất - ông Giao cho hay - Đi qua khu vực thờ là nơi âm dương giao hòa làm cho cảm giác của con người luôn biến đổi tự nhiên, làm cho tâm hồn con người khi bước vào đây trở nên thanh thoát, nhẹ bẫng”. Đặc biệt, phần mái nhà có một đỉnh là đầu rồng kép rất độc đáo, để giải thế đất không vuông vức (bị vát cạnh ở phía tây và nam).
Trước đây, căn biệt thự vốn là nhà hình ống, có trước năm 1920, được bố mẹ ông Giao mua năm 1945. Lúc đó ngôi nhà mang số 103 Hàng Bạc (sau đổi thành 115 Hàng Bạc). Ngôi nhà được sửa lại từ năm 1945 nhưng đến năm 1949 mới hoàn thành do chiến tranh nổ ra. Kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ đã biến ngôi nhà ống đơn thuần thành biệt thự hai tầng với 16 phòng.
Ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Pháp và đình làng Việt với hành lang, cầu thang, bờ tường cao thoáng, mái nhà lợp ngói; đầu rồng cách điệu ở đỉnh mái nhà... Sau những lần vật đổi sao dời, khu nhà vườn tổng diện tích gần 600m2 nay chỉ còn gần 300m2.
Níu giữ Hà Nội xưa
“Người Tràng An không thích nghỉ ngơi khi còn có thể làm việc có ích cho con cháu, cho xã hội. Tôi là kỹ sư điện, đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm nghề bốc thuốc gia truyền. 40 năm nay tôi vẫn làm việc tất cả các buổi chiều, sáng làm thuốc. Chị tôi là họa sĩ, đã 73 tuổi nhưng một ngày vẫn dành 4-5 tiếng vẽ. Chị cả tốt nghiệp kỹ sư hóa Trường ĐH Bách khoa có nghề sang sợi Triều Khúc. Em gái Lan Hương nghề thêu...” - ông Giao tâm sự.
Những con người trong ngôi nhà vườn cổ này như sợ nếp sống, gia phong, thần thái và tính cách của người Hà Nội sẽ mai một dần trong thời buổi quá xô bồ này.
“Người Tràng An sống, sinh hoạt, gắn kết với nhau bằng sự khiêm nhường, cần cù, tôn trọng người khác. Chúng tôi luôn nhớ lời dặn của ông bà: trong nhà có quy định không đổi là luôn coi trọng tính công bằng và tính nhẫn, ứng xử không gì bằng khiêm tốn, mềm mại như cành liễu. Ở nhà chúng tôi người lớn rất thích chăm chút con cháu. Trong đêm giao thừa khi cậu tôi còn sống, ông luôn đến thăm các con cháu. Bây giờ thì mợ tôi làm việc này. Sáng mồng 1 con cháu mới đến thăm chúc mừng. Đó là phong tục bao đời nay của gia tộc”, bà Nguyệt Nga, chị gái ông Giao, cho biết.
Chìa chiếc nhẫn vàng trên ngón tay, ông Giao bảo: “Mợ vừa đánh tặng tôi cái nhẫn vàng này. Mợ bảo: con phải nhận đi, đứa nào mợ cũng tặng mà con thì sao lại không nhận. Mợ tôi được coi là điểm tựa về tinh thần của đại gia đình. Mợ sống rất mẫu mực, công bằng”.
Bà Nguyệt Nga nói thêm: “Gia đình tôi từ đời ông bà nội có truyền thống không phân biệt con trai - con gái, cháu dâu - cháu rể. Đến cậu mợ tôi rồi đời chúng tôi cũng vậy. Chú Giao là con trai trưởng nhưng cũng như những người con khác: chỉ được phân hai phòng. Hằng ngày chúng tôi đều vấn an mợ sớm hoặc trước khi đi làm, đi học và sau khi trở về nhà. Chúng tôi xem việc chăm sóc bố mẹ là niềm vui, hạnh phúc nhất cuộc đời. Tôi lo việc ăn uống của mợ. Chú Giao cho cụ uống vitamin E phục hồi trí nhớ và một viên chống lão hóa mắt. Cô em gái lo việc đầu tóc, quần áo. Chị cả lo quà cáp sáng...”.
Những thế hệ con cháu của họ Phạm khi lập gia đình phải ra ngoài ở riêng, không được phạm đến một tấc đất của khu vườn.
“Cậu mợ tôi có tám người con. Hiện ở đây có bảy gia đình, năm thế hệ. Khi con cháu lớn lên, chúng muốn chia nhỏ khu vườn ra để xây nhà. Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc họp đại gia đình căng thẳng, đấu tranh để giữ cho được sự nguyên vẹn của khu vườn. Từng cái cây, viên gạch trong vườn này đều do các thành viên trong gia đình nâng niu, bảo vệ qua hai cuộc chiến tranh. Chỉ cần trồng một cây thôi, chúng tôi cũng hỏi ý kiến, tham khảo nhau. Cho nên con cháu gia đình này không ai được phép đụng đến mảnh đất của tổ tiên để lại”.
Thế nên qua bao dâu bể của cuộc đời, khu vườn cổ kính ở số 6 Đinh Liệt vẫn rợp bóng xanh mát và ríu rít tiếng chim ca...
Theo My Lăng - Đức Hiếu \ Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét