Bánh củ cải
Bánh củ cải có nguồn gốc của người Hoa. Đi vào chợ Bạc Liêu, đánh một vòng, bạn sẽ thấy có một vài chỗ bán bánh củ cải. Bánh củ cải có bao ngoài làm bằng bột mì trắng pha với ít bột củ cải trắng nghiền nhuyễn, cán mỏng ra như bánh ướt. Nhân bánh - phần quyết định chất lượng của bánh. Trong nhân có tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất lột vỏ, đâm dập vừa phải, cùng ít thịt nạc bằm với vài hạt đậu xanh hột hấp. Tất cả được xào chín, nêm nếm vừa ăn.
Bánh củ cải. |
Pha nước mắm chanh, đường, tỏi ớt cho vừa ăn như nước chấm ăn bánh xèo. Bánh củ cải ăn kèm với rau thơm, giấp cá, húng nhủi, húng cây, quế và ít xà lách. Bánh thơm, hăng hăng và đặc biệt ngọt vị của con tôm đất - khác xa con tôm sú, tôm bạc.
Ba khía Bạc Liêu
Ba khía muối là món ăn phổ biến trong đời sống hàng ngày của người Bạc Liêu, có nguồn gốc từ dân tộc Khmer. Ba khía là một loại cua theo cách gọi của người Việt, có hình thù giống cua đồng, nhưng nhỏ hơn đôi chút và sống chủ yếu ở vùng nước mặn.
Gỏi ba khía. |
Ba khía là món ăn khá phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào Khmer. Đây là món mặn, được ăn kèm các món canh, nhất là canh chua. Trước khi dùng, ba khía có thể được thêm một số gia vị như đường cát, ớt, tỏi, bột ngọt, nước chanh để tăng vị ngọt của nó. Người ta xé nhỏ ba khía rồi trộn đều gia vị, để khoảng 15 phút cho gia vị ngấm là ăn được. Đôi khi cũng có thể không trộn gia vị. Ai đã một lần ăn ba khía muối thì khó mà quên được vị đậm đà khó tả của món ăn tuy bình dân nhưng thấm đậm tình quê hương của một vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Cốn xại, xá bấu
Không biết món cốn xại, xá bấu có tự khi nào, nhưng người Hoa ở Bạc Liêu sử dụng cốn xại (cải muối), xá bấu (củ cải muối) trong bữa ăn hàng ngày. Xuất phát từ tiết kiệm nên nguyên liệu để làm cũng đơn giản. Muốn làm cốn xại ngon, thì cải làm cốn xại (cải tùa xại dùng để làm dưa cải) phải thật tươi non. Đầu tiên, cải được cắt thành miếng nhỏ hoặc để nguyên bắp, rồi đem phơi cho đến héo, nếu không khi làm cải dễ bị hư, đây được coi là khâu quan trọng nhất. Cải sau khi phơi xong, sẽ đem trộn với muối hột, đường, rượu và nhất định không thể thiếu củ riềng để tạo mùi. Cốn xại tính từ khi muối, đến khi ăn được cũng mất trên hai tuần.
Củ cải được phơi trước khi chế biến. |
Đối với xá bấu thì cách làm đơn giản hơn. Xá bấu mua về chỉ cần rửa sạch, xắt từng cọng nhỏ phơi khô. Lúc muối, chuẩn bị các thứ gia vị như: đường, bột ngũ vị hương, rượu rồi trộn đều với nhau. Khi nào thấy đường tan, thấm hết vào cọng xá bấu là ăn được. Món này ăn với cháo trắng thì thật tuyệt vời.
Bún bò cay
Bún bò cay chỉ nấu với thịt bò và sa tế, tạo cho món ăn có hương vị đặc biệt và cay nồng. Đặc biệt, cách trình bày món ăn khi phục vụ thực khách mang phong cách đặc trưng của người Nam bộ, rất hào phóng. Các món ăn khác như hủ tiếu, phở, bún bò Huế, cao lầu… chỉ có thịt bò hoặc thịt heo cắt lát mỏng nhưng với món bún bò cay, thịt bò có thể sử dụng phần thịt hay nạc, nạm, gàu, gân… cắt dày và to gần bằng ba ngón tay.
Bún bò cay. |
Gia vị nêm nếm khi ăn là muối hột giã với ớt đỏ, có kèm lát chanh. Thịt bò chấm với muối ớt có chanh sẽ tạo hương vị ngon, lạ, đặc trưng. Các loại rau sống ăn kèm là rau quế và các loại rau thơm khác.
Bánh tằm bì
Bạc Liêu vốn có nhiều món bánh truyền thống nổi tiếng, trong đó bánh tằm bì là món ăn thuần Việt rất được nhiều người ưa thích, nhất là giới lao động bình dân và bà con sống ở nông thôn.
Bánh tằm bì. |
Bánh tằm bì khi được trang trí cầu kỳ. |
Cách làm bánh tằm rất công phu, trước hết phải xay gạo, lấy bột đem nấu chín rồi cho vào cối ép bằng tay, sau đó đem hấp mới có được những vỉ bánh thơm ngon. Món bì cũng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, khéo tay. Đầu tiên là chọn da heo và thịt đem luộc trước khi bằm nhỏ thành sợi, mịn và đều, xong đem trộn chung với thính và ít gia vị. Riêng nước mắm chan phải là thứ nước vừa chua, cay, mặn, ngọt mới tăng độ đậm đà, ai thích cay thì cho thêm tí tương ớt, vừa ăn vừa hít hà mới đã. Còn rau nhất thiết phải có xà lách, húng, giá và dưa leo xắt nhỏ. Nhìn dĩa bánh vun đầy, tươm tất và đầy đủ hương vị, màu sắc, ai cũng phát thèm. Chính mùi thơm của rau cải hòa quyện với mùi thơm của bì và vị béo của nước cốt dừa càng kích thích thêm vị giác.
Nguyễn Nhung (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét