Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Chợ Lớn rong chơi


Sài Gòn hơn 300 năm vẫn giữ vị trí trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam. Nói về thương mại, không thể không kể đến những người Hoa ở Chợ Lớn.
Trong 5 chợ được người Sài Gòn và du khách cho là thú vị nhất TP.HCM (theo cuộc bình chọn năm 2012 do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức), đã có 3 thuộc khu vực Chợ Lớn: Bình Tây, An Đông và Soái Kình Lâm (thương xá Đồng Khánh). Điều đó đủ thấy Chợ Lớn ghi dấu ấn thương mại đến đâu trong ý nghĩ của nhiều người.
Người Hoa vốn có khiếu kinh doanh. Một số người đến đất Sài Gòn lập nghiệp vào những thập niên đầu thế kỷ XX, khi dư dả bèn nghĩ đến chuyện lập chợ để có nơi tập trung buôn bán. Theo họ, nơi buôn bán càng náo nhiệt càng dễ thu hút khách, dễ phát triển kinh doanh.
Ông Quách Đàm, người Triều Châu, sang Việt Nam làm ăn một thời gian đã mở hãng buôn Thông Hiệp. Năm 1928, chính quyền tỉnh Chợ Lớn dự định xây Chợ Lớn mới. Hay tin, họ Quách mua miếng đất sình lầy rộng 2,5 mẫu ở thôn Bình Tây, cho san lấp và đề nghị xây tặng ngôi chợ bê tông lớn để người dân buôn bán với điều kiện ông được cất mấy dãy phố lầu xung quanh để cho thuê và được dựng tượng mình ở chợ. Chính quyền chấp thuận, thế là chợ Lớn mới ra đời năm 1930, sau này gọi là Bình Tây. Ông Quách được tiếng hào phóng, lại có lợi nhuận từ các dãy phố. Trong khi đó, tiểu thương mang ơn ông vì đã giúp họ có nơi buôn bán.
Khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo B – Phùng Hưng ngày nay là chợ Lớn cũ trước kia. Theo Ban Quản trị Nhị phủ miếu (chùa Ông Bổn), những người Hoa gốc Phước Kiến sang Việt Nam sinh sống theo hội đoàn rất tốt. Thương xá Đồng Khánh do Ban Quản trị Nhị phủ miếu xây năm 1958 để có chỗ cho dân bán vải. Người Phước Kiến buôn bán ổn định, lấy được tiền sang sạp và hàng tháng có khoản thu hoa chi. Thời bấy giờ, quản trị thương xá Đồng Khánh có 21 người gồm các thương gia giàu có, làm không lương. Khi mãn nhiệm kỳ, họ phải hùn tiền làm một công trình có ý nghĩa để lưu danh như bệnh viện, trường học…
Chợ An Đông được xây dựng năm 1954, cũng từ nhu cầu quần tụ mua bán của người Hoa. Biết thế mạnh giỏi kinh doanh của người Hoa, một số thương gia người Việt từ Bắc di cư vào Sài Gòn năm 1954 đã chọn chợ An Đông làm nơi buôn bán. Họ chia sẻ nơi buôn bán và thuê người Hoa phụ coi sóc việc kinh doanh. Chợ An Đông bấy giờ là địa chỉ quen thuộc của du khách Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore và Việt kiều đến để ăn uống, mua sắm nữ trang, quần áo, thực phẩm.
Nói đến chợ đầu mối và chuyên kinh doanh một mặt hàng ở Sài Gòn thì không đâu nhiều như Chợ Lớn. Ngoài thương xá Đồng Khánh chuyên mua bán vải, chợ Bình Tây là đầu mối đủ loại hàng công nghệ phẩm và thực phẩm, chợ An Đông toàn vàng và thời trang, chợ Lớn còn có thương xá Đại Quang Minh chuyên hàng phụ liệu may mặc, chợ Thiếc đầu nguồn hàng mã, chợ Ngô Nhân Tịnh buôn bán đồ chơi…
Có lẽ chợ chưa đủ thuận lợi cho việc buôn bán một số mặt hàng nên người Hoa ở Chợ Lớn còn hình thành những khu chuyên doanh một mặt hàng theo phố và tồn tại thời gian dài. Những khu phố cổ Chợ Lớn đã được đưa vào chương trình City tour của các công ty du lịch ở TP.HCM không chỉ bởi kiến trúc mà còn bởi đặc thù kinh doanh hàng hóa của từng nơi.
Người Hoa ở quận 5 – TP.HCM có nhiều cửa hàng đông y, nhiều nhất là trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Trước năm 1975, Chợ Lớn không có phố đông y dù thuốc bắc rất thịnh hành. Người Việt có nhiều lương y giỏi nhưng bán dược liệu lại là người Hoa. Nhiều nhà thuốc một thời nổi tiếng, bán khắp Đông Dương như Nhị Thiên Đường, Thiên Hòa Đường, Du Thái, Sanh Ký… Nhiều tiệm ở các phố khác ế ẩm, thấy khu Hải Thượng Lãn Ông buôn bán được nên lần lượt về đây, dần dần tạo thành phố thuốc sầm uất.
Phố kéo trên đường Triệu Quang Phục trước năm 1975 là điểm chuyên mài kéo Tàu cho các thợ may và những người bán vải ở thương xá Đồng Khánh, sau thấy nhiều người hỏi nên thợ mài cũng mua về bán. Thợ kéo người Hoa sau này không cạnh tranh nổi tay nghề của thợ kéo từ Hà Nội vào nên không sản xuất nữa, chuyển sang mua bán.
Phố hàng tre trên đường Tạ Uyên hiện chỉ còn chừng 10 hộ sản xuất so với 100 hộ cách nay khoảng 50 năm. Tuy nhiên, mặt hàng cần xé cung cấp cho tiểu thương các vựa trái cây, vựa trứng và chổi tre cho các tiệm ăn vẫn giúp các hộ người Hoa kiếm sống được.
Vào dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, những khu phố Chợ Lớn đông vui hẳn. Tết Trung thu, người dân TP.HCM cũng như du khách thường đến khu phố cổ Chợ Lớn để hòa vào sự nhộn nhịp của những chợ lồng đèn mọc lên theo thời vụ ở nhiều đường phố. Cha mẹ có con nhỏ thì chọn mua lồng đèn cho trẻ, còn người lớn thì chụp ảnh, trở thành một nếp sinh hoạt vào rằm tháng Tám.
Các Ngọc
(Theo NLĐ Xuân Quý Tỵ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét