(Dân Việt) Những dịp về quê, sáng sớm nào tôi cũng muốn bị ám vào cái không khí sôi động của bến cá Vạn Giã. Muốn ngửi mùi thuỷ sản và biển. Và shopping hải sản là chuyện không tránh khỏi. Và lần đầu tiên tôi thấy một loại sò lạ… Đó là sò mòng.
Nghiện mùi cá tươi
Mấy chục năm trước từ một cây xộp cổ thụ xum xuê ở cuối làng Tân Mỹ có thể nhìn thông thống trông xuống thấy thuyền, ghe tấp nập. Đó là bến cá Vạn Giã. Trước đây nơi này còn là một bến đò chở hàng và đưa người ra vào các đảo. Dưới gốc cây xộp, hàng quán bày ra, phục vụ người chuẩn bị về đảo sau chuyến đi chợ trong đất liền. Từ khi có con đường ra đảo Đầm Môn khởi điểm ở gần kề chân đèo Cổ Mã, bến đò không còn nữa.
Là dân nhập cư Sài Gòn, chuyện shopping nhằm hải sản như cơm bữa. Nhưng nỗi khát khao gặp đồ biển tươi lúc nào cũng chực trào lên. Nên về quê ắt phải trào. Năm giờ rưỡi sáng, khi “tờ báo” ngày trên trụ điện sang đến trang cuối cùng, tôi đã chuẩn bị chuyến hành hương xuống bến cá. Trời ở quê giữa tháng chín, lúc này đã sáng bạch.
Chợ cá đã tấp nập tự lúc nào. Ở đó hình thành hai khu mua bán hẳn hòi. Nơi bán sỉ và nơi bán lẻ. Ở đây cũng là nguồn cá cung cấp cho chợ cá Vạn Giã nằm cách đó non cây số, sát quốc lộ 1, khúc vừa xây xong cầu vượt qua đường sắt đổ vào ga Giã. Xuống chợ, hôm đó cá ồ và cá cơm nhiều vô kể. Cá liệt con lớn có nhưng không nhiều.
Lần nào tôi cũng đều có ý tìm kiếm những con cá nhái. Thịt ngon nhưng bữa có bữa không. Ngon nhất là bóp gỏi và ăn với nước lèo, mặc dầu dưới con mắt của chuyên gia an toàn thực phẩm, ăn cá sống là một nguy cơ. Ôi miếng cá gỏi chan với nước lèo nấu bằng xương và đầu cá nhái ngọt gì đâu. Thơm và nghe cả hương vị biển ẩn tàng đâu đó tràn về. Má tôi về già, bị khớp nặng, nghe ai nói, không ăn cá nhái nữa, vì “xương nó xanh, ăn nhức mình nhức mẩy”, bà nói.
Cá nhái bán ở đây con nào trên mình cũng mang hai vết thương của chĩa. Ngư dân bắt cá nhái bằng cách soi đèn đâm chĩa. Mới nghĩ vụ “cá ăn kiến, kiến ăn cá”. Tháng tư năm ngoái, có cô gái Nga tên Kalinia Oxana đi tắm biển Nha Trang từng bị cá nhái đâm vào cổ, suýt chết.
Cái mòng vạm vỡ
Tôi lần đến khu bán ốc trong bến cá Vạn Giã, bắt gặp một loại sò là lạ. Thoạt nhìn tưởng sò huyết, nhưng không phải. Hỏi chị bán sò gì. Chị đáp sò mòng. “Sao gọi là sò mòng?”, tôi hỏi. Chị nói: “Thì sò mòng là sò mòng, chớ sao!” Hôm đó con sò lại được nướng ở ngoài trời trên bờ Suối Rễ, con suối cung cấp nước uống cho dân thị trấn và nước làm ruộng cho cả Tân Mỹ và xã Vạn Phú 2. Sò đã tươi, lại nướng ngoài trời, lúc vừa tắm dòng nước lạnh ngắt lên, cái ngon được nâng lên nhiều cấp. Cái ngon đó thật khó mà quên nổi.
Sò mòng lớn hơn sò huyết, nhưng không có huyết. Thịt thơm, dòn, nếu đúng lửa. Giá của chúng ngay tại bến cá không rẻ hơn sò huyết chút nào. Con lớn, tuyển, 60.000 đồng/kg. Con lộn xộn, nhỏ hơn, 50.000. Nói sò mòng chỉ có ở Vạn Giã là sai. Chúng có khắp các vùng biển Khánh Hoà và Phú Yên. Tôi chỉ là một kẻ biết sau, hưởng muộn thôi. Về sau mới biết tại sao dân gọi nó là sò mòng. Vì con sò này nổi bật nhất là cái mòng vàng chái và vạm vỡ của nó. Ăn dai dai, dòn dòn. Nướng lửa than, ta lại có dịp sống lại những ngày xưa. Tiếng nước nhểu xuống than hồng kêu xèo xèo. Khói bảng lảng. Mùi thơm của vỏ sò cháy bởi nhiệt bốc lên. Mùi thơm từ thuở xa lắc tức thời hiển linh. Ăn xong bữa sò mới chín giờ sáng. Nhịp sống quê chậm thật đã!
Ăn con sò mòng mới nhớ đến con sò lông bây giờ đã khan. Sò lông đang bán trong hàng quán hiện nay tôi từng nghe một chủ quán gọi là “sò lá”. Những đường sóng trên vỏ chúng mịn hơn. Sò lông đường sóng dày như sò huyết, thịt bên trong có màu vàng ngả đỏ đặc trưng. Có lẽ sò lông chỉ còn nhiều ở biển Phan Thiết, nguồn cung cấp thức này một thời cho Sài Gòn.
Hồi lại chốn tha hương Sài Gòn, nhớ món sò mòng nơi bến cá Vạn Giã. Chẳng còn cách nào khác là gọi dĩa sashimi sò lông đông lạnh của một cái quán bán hàng Phan Thiết trên đường Trần Quốc Toản. Một phần như thế chừng 30 con sò ép mỏng, màu nửa trắng nửa vàng. Vừa ăn cho đỡ nhớ vừa cầu nguyện cho đừng con nào nhiễm E. Coli.
Theo Ngữ Yên/TGTT
Mấy chục năm trước từ một cây xộp cổ thụ xum xuê ở cuối làng Tân Mỹ có thể nhìn thông thống trông xuống thấy thuyền, ghe tấp nập. Đó là bến cá Vạn Giã. Trước đây nơi này còn là một bến đò chở hàng và đưa người ra vào các đảo. Dưới gốc cây xộp, hàng quán bày ra, phục vụ người chuẩn bị về đảo sau chuyến đi chợ trong đất liền. Từ khi có con đường ra đảo Đầm Môn khởi điểm ở gần kề chân đèo Cổ Mã, bến đò không còn nữa.
Là dân nhập cư Sài Gòn, chuyện shopping nhằm hải sản như cơm bữa. Nhưng nỗi khát khao gặp đồ biển tươi lúc nào cũng chực trào lên. Nên về quê ắt phải trào. Năm giờ rưỡi sáng, khi “tờ báo” ngày trên trụ điện sang đến trang cuối cùng, tôi đã chuẩn bị chuyến hành hương xuống bến cá. Trời ở quê giữa tháng chín, lúc này đã sáng bạch.
Lần nào tôi cũng đều có ý tìm kiếm những con cá nhái. Thịt ngon nhưng bữa có bữa không. Ngon nhất là bóp gỏi và ăn với nước lèo, mặc dầu dưới con mắt của chuyên gia an toàn thực phẩm, ăn cá sống là một nguy cơ. Ôi miếng cá gỏi chan với nước lèo nấu bằng xương và đầu cá nhái ngọt gì đâu. Thơm và nghe cả hương vị biển ẩn tàng đâu đó tràn về. Má tôi về già, bị khớp nặng, nghe ai nói, không ăn cá nhái nữa, vì “xương nó xanh, ăn nhức mình nhức mẩy”, bà nói.
Cá nhái bán ở đây con nào trên mình cũng mang hai vết thương của chĩa. Ngư dân bắt cá nhái bằng cách soi đèn đâm chĩa. Mới nghĩ vụ “cá ăn kiến, kiến ăn cá”. Tháng tư năm ngoái, có cô gái Nga tên Kalinia Oxana đi tắm biển Nha Trang từng bị cá nhái đâm vào cổ, suýt chết.
Cái mòng vạm vỡ
Tôi lần đến khu bán ốc trong bến cá Vạn Giã, bắt gặp một loại sò là lạ. Thoạt nhìn tưởng sò huyết, nhưng không phải. Hỏi chị bán sò gì. Chị đáp sò mòng. “Sao gọi là sò mòng?”, tôi hỏi. Chị nói: “Thì sò mòng là sò mòng, chớ sao!” Hôm đó con sò lại được nướng ở ngoài trời trên bờ Suối Rễ, con suối cung cấp nước uống cho dân thị trấn và nước làm ruộng cho cả Tân Mỹ và xã Vạn Phú 2. Sò đã tươi, lại nướng ngoài trời, lúc vừa tắm dòng nước lạnh ngắt lên, cái ngon được nâng lên nhiều cấp. Cái ngon đó thật khó mà quên nổi.
Ăn con sò mòng mới nhớ đến con sò lông bây giờ đã khan. Sò lông đang bán trong hàng quán hiện nay tôi từng nghe một chủ quán gọi là “sò lá”. Những đường sóng trên vỏ chúng mịn hơn. Sò lông đường sóng dày như sò huyết, thịt bên trong có màu vàng ngả đỏ đặc trưng. Có lẽ sò lông chỉ còn nhiều ở biển Phan Thiết, nguồn cung cấp thức này một thời cho Sài Gòn.
Hồi lại chốn tha hương Sài Gòn, nhớ món sò mòng nơi bến cá Vạn Giã. Chẳng còn cách nào khác là gọi dĩa sashimi sò lông đông lạnh của một cái quán bán hàng Phan Thiết trên đường Trần Quốc Toản. Một phần như thế chừng 30 con sò ép mỏng, màu nửa trắng nửa vàng. Vừa ăn cho đỡ nhớ vừa cầu nguyện cho đừng con nào nhiễm E. Coli.
Theo Ngữ Yên/TGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét