Dừng xe ở đầu phố Hàng Chai - con phố siêu ngắn và bé khuất trong khu phố cổ Hà Nội, bạn có thể thấy ngay dấu hiệu của quán bún ốc "bá đạo" này. Đầu tiên là dãy xe máy xếp dài, choán hết gần nửa phố. Kế đó là cảnh thanh niên nam nữ xếp hàng vây kín trước cửa một ngôi nhà cũ, rồi người hối hả vội vã bưng đồ, kẻ gọi nhau í ới tìm chỗ... những hình ảnh thường thấy ở các "quán ăn khổ" mà đắt khách đất Hà Thành.
Quán không có biển bảng hoành tráng. Quán chỉ bán từ tầm 7h đến 13h. Nơi đây đông nhất là vào ngày cuối tuần, những lúc cao điểm ấy, khách luôn trong tình trạng đứng vòng trong, vòng ngoài và nhân viên thì tất bật từ lúc mở hàng đến khi đóng cửa.
Gọi là quán nhưng ở đây không tiện nghi hơn gánh hàng rong là bao. Với diện tích ngôi nhà chỉ trên dưới chục mét vuông, cô chủ với gánh bún đã chiếm gần một nửa thì việc khách ngồi cúi, ăn bê trong không gian bó hẹp và thiếu sạch sẽ là điều dễ hiểu.
Không chỉ ngồi ăn vất vả, khách muốn thưởng thức bún ốc cô Thêm còn phải "lao động" thì mới có phần. Chẳng hạn như xếp hàng, chầu chực...
... tự bưng bê
... tự đi tìm chỗ
... nhưng "vui" nhất là khâu tự liên hệ mua thịt bò để có bát bút ốc giàu đạm hơn. Lý do vì cô Thêm chỉ bán duy nhất bún với ốc, không có giò tai, thịt bò, đậu rán như những nơi phổ biến. Lợi dụng khiếm khuyết nhỏ này, một số người lập tức kinh doanh thịt bò ăn theo.
Xung quanh quán cô Thêm có vài mối thịt bò cho khách lựa chọn. Họ thường cân sẵn thịt và bán với giá 25.000 đồng một lạng. Ngoài việc ấm bụng, ngon miệng, khách mua thịt bò cũng có chỗ ngồi ăn tử tế hơn.
Công cuộc ăn bún ốc thịt bò vẫn chưa dừng lại. Thú vị nhất là bạn sẽ được chứng kiến cảnh rất nhiều khách nam đứng xếp hàng, trong tay mỗi người là một túi thịt bò...
Khi đến lượt mình, trên nồi nước canh của cô Thêm có sẵn chiếc muôi. Thịt của khách nào...
... khách đó tự xử lý.
Vậy là một tô bún có giá trị không hề rẻ: 5.000 đồng gửi xe, 30.000 đồng/bát bún, 25.000 đồng/lạng thịt bò, chưa kể công chờ đợi, tìm chỗ, tự bê đồ, chần thịt...
Nhiều người nói đùa: Quán bún ốc này quy tụ đầy đủ nhất những "tinh hoa ẩm thực khổ sở" của Hà Thành. Từ không gian phố cổ chật chội, đến văn hóa xếp hàng, tự bưng bê, cho tới trải nghiệm có làm mới có ăn hay phong cách vỉa hè chặt chém... Bất cập nhưng khách vẫn đến đông nghịt mỗi ngày. Điều đặc biệt là rất nhiều nam nữ thanh niên ăn mặc điệu đà, lịch sự cũng sẵn sàng chịu khổ.
Thực tế, khách từ nơi khác đến có thế thấy nhiêu khê, nhưng các khách ruột thì coi đây là những điều hết sức bình thường.
Theo News Zing