Truyền nhân của thầy mo
Trong một lần đến nhà một đại gia ở Hà Nội, anh đã mở căn hầm chứa hàng trăm bình rượu ngâm đủ các loại kỳ hoa dị thảo, trong đó, có những bình rượu sâm Ngọc Linh trị giá hàng trăm triệu đồng, rồi những chai rượu ngoại trị giá cả ngàn USD, để khách tham quan.
Thế nhưng, thứ rượu mà anh nâng niu, trân trọng, chỉ mời khách quý, không phải là những bình rượu đắt tiền, mà lại là chum rượu ngâm những rễ cây kỳ quái. Anh bảo rằng, từ ngày uống thứ rượu này, gần như anh không động đến những loại rượu khác.
Điều lạ nữa, là thứ rượu này được ngâm từ bài thuốc của một nữ lang y người Thái, ở tận Tây Bắc Tổ quốc, mà theo anh là rất xinh đẹp.
Công việc bốc thuốc tại nhà của lương y Hoàng Tuyết Minh |
Tò mò với câu chuyện của vị đại gia nọ, tôi đã tìm lên Sơn La, để diện kiến nữ lang y xinh đẹp, với bài thuốc kỳ lạ, độc đáo, khiến cánh mày râu mê mẩn.
Từ thị trấn Hát Lót của huyện Mai Sơn, phải vượt qua rất nhiều đèo dốc, với các đường cua tay áo của núi cao vực thẳm, quãng đường hơn 30km, mới đến trường mầm non chìm nghỉm giữa rừng già, nơi cô giáo Hoàng Tuyết Minh đang công tác.
Cô giáo, kiêm nữ lang y quả thực xinh đẹp, dịu dàng trong bộ trang phục của người Thái. Ánh mắt như biết nói và nụ cười tươi có thể làm tan biến bao mệt nhọc của những bệnh nhân vượt quãng đường xa xôi để được chị bốc thuốc.
Hỏi chuyện về bài thuốc khiến "ông uống bà khen", nữ lang y xinh đẹp của núi rừng Tây Bắc cười bẽn lẽn bảo: "Thực ra, chị có nhiều bài thuốc độc đáo chữa bệnh lắm. Chị học được ở bố chị, thầy lang nổi tiếng của người Thái hầu hết các bài thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, chẳng hiểu sao, mọi người chỉ biết đến chị qua bài thuốc cường dương. Chị không có ý định đi sâu vào bài thuốc này đâu, nhưng bố truyền cho, thì chị phải bảo tồn nó.
Chị Minh phải tự tay bốc từng thang thuốc |
Trước đây, chị thường bốc thuốc cho những cặp vợ chồng khó có con, với mong muốn họ có con cái, chứ đâu phải mục đích để tăng cường sinh lý cho họ. Nhưng, bài thuốc của bố chị giúp họ tăng cường sinh lý mạnh quá, nên cứ người nọ mách người kia, thành ra chị cứ phải đi thu hái những cây thuốc ấy.
Ngày nay, áp lực công việc nhiều, rồi ăn uống bừa bãi ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nên nhiều ông bị yếu lắm. Đến là mệt cho chị. Thay vì đi lấy thuốc chữa bệnh cứu người, thì cứ phải đi bốc thuốc bổ dương. Cứ người nọ mách người kia, toàn là người quen, nên chị cũng không biết tìm cách nào để chối".
Theo lời chị Hoàng Tuyết Minh, tổ tiên chị, rồi đến đời ông, đời bố, đều là thầy cúng nổi tiếng đất Sơn La. Những thầy cúng đều giỏi về bốc thuốc và đều là những thầy thuốc dân gian. Mỗi vùng thường có một vài thầy lang và giỏi một vài bài thuốc.
Tuy nhiên, tổ tiên chị làm nghề thầy cúng và nghề thuốc nhiều đời, nên tích tụ được nhiều bài thuốc quý. Tuổi thơ chị Minh quanh năm suốt tháng theo bố lên rừng đào thuốc, chặt thuốc. Trong nhà chị lúc nào cũng có cả chục bệnh nhân chầu chực, cầu cạnh để có được thuốc dùng.
6 tuổi, bố chị đã sai con gái ra sau vườn, sau đồi hái những cây thuốc quen thuộc để ông chế vào bài thuốc chữa bệnh. 10 tuổi, chị đã đeo gùi, thuổng, dao vào rừng lấy thuốc. Mấy anh chị em mỗi người đi một hướng, tìm một vài loại cây thuốc khác nhau, rồi hẹn đúng lúc mặt trời xuống núi ra khỏi rừng đem thuốc về nhà.
Chị Minh lấy rễ một loài cây quý làm thuốc |
Năm 2005, bố chị Minh qua đời, người học được nhiều nghề nhất lại là chị. Chị Minh tiết lộ: "Người Thái không quan niệm truyền cho con trai hay con gái, mà hễ con nào có đam mê, học được nghề, thì sẽ theo nghề của bố. Chị mê cây thuốc từ bé, nên bố nói gì là chị nhớ ngay và ngấm lâu.
Mặc dù theo nghề giáo, nhưng ngoài giờ dạy chị vẫn bốc thuốc quanh năm suốt tháng cho mọi người. Hầu hết các thảo dược chị phải đi thu hái, chỉ có một số loại phổ biến thì mới thuê người.
Điều mà chị giấu mọi người lâu nay, là máu thầy cúng, thầy mo vẫn chảy trong huyết quản của chị. Chị đang lo ngại một ngày nào đó, tổ tiên sẽ bắt chị tiếp nối công việc thầy cúng. Em biết đấy, chị đang làm giáo viên, đang bốc thuốc, thân nữ giới lại đi cúng bái nữa thì buồn cười lắm. Những nếu được tổ tiên chọn, thì không có cách nào khác, khi đến 50 tuổi, chị sẽ trở thành thầy mo".
Tôi thắc mắc, không hiểu vì sao tổ tiên chị Minh lại có thể "bắt" chị làm thầy cúng, trong khi họ đã qua đời từ bao năm nay rồi, thì chị giải thích: "Gần đây, chị cảm nhận thấy trong người mình có nhiều thay đổi, đầu óc nhạy cảm với những chuyện tâm linh. Mấy năm nay chị không dám đi đám ma, vì lần nào đến đám ma cũng nhìn thấy… ma.
Chuyện ma quỷ, linh hồn, thì chỉ các thầy cúng nhìn thấy và nói được mà thôi. Trước khi qua đời, bố chị có nắm tay chị dặn rằng: "Con không được nguyền rủa, nói điều ác cho ai. Lời thầy cúng nói ra là sẽ thành sự thật đấy!".
Lương y Minh bên một cây thuốc |
Theo lời chị Minh, không hiểu do trùng hợp thế nào, mà những lời "nguyền rủa" của chị dù là vô thức đều thành sự thật, khiến chị dựng cả tóc gáy.
Đã có 3 lần, trong vô thức của chị buông lời "nguyền rủa" và cả 3 lần đối tượng bị chị "rủa" một cách vô thức đều gặp tai họa, thậm chí chết chóc thảm khốc.
Lần kinh dị nhất, khi chị và mấy đồng nghiệp mượn được chiếc U-oát chở củi khô về làm chất đốt, thì bị ông K. là kiểm lâm huyện giữ xe lại. Ông này đã phạt mất một phần ba tháng lương giáo viên của chị, nhưng không ghi biên lai, mà bỏ tiền vào túi mình.
Lúc lên xe, chị nói với anh lái xe một cách vô thức: "Anh Vinh ơi, ông này tham lam, độc ác. Em nói thật với anh, 3 tháng sau ông ấy chết".
Không ngờ, đúng 3 tháng sau, ông K. bị xe ben kẹp tan xương nát thịt. Kiểm nghiệm những điều cha dặn, chị Minh rất sợ hãi. Mặc dù, chị biết rằng, lời chỉ nói chỉ là vô thức, là cảm nhận và tiên đoán, nhưng chị cứ có cảm giác nó như "ác khẩu".
Từ bấy đến nay, không bao giờ chị dám rủa ai, dù là kẻ thù, hay dù ai đó làm điều xấu với chị. Trên gương mặt nữ lương y này, lúc nào cũng chỉ có nụ cười rạng rỡ, ánh mắt gần gũi mọi người.
Rễ cây kỳ quái này là vị chính trong bài thuốc bổ dương |
Tận mắt những thảo dược cường dương trong rừng thẳm
Quay trở lại câu chuyện về những cây thuốc cường dương, lương y Hoàng Tuyết Minh, lương y người Thái nổi tiếng ở Sơn La, hẹn tôi vào rừng để đi tìm những kỳ hoa dị thảo đó. Theo giờ hẹn, sáng sớm tinh sương, tôi cùng nữ lang y xinh đẹp và chàng trai bản địa tên Phú lên đường, tiến về phía quả núi Nà Ớt, nằm ở đuôi dãy Mường Hung hùng vĩ chìm trong mây mờ. Quả núi này nằm ở cuối huyện Mai Sơn, giáp với huyện Sông Mã xa xôi diệu vợi.
Hoàng Văn Phú là người Thái, năm nay 23 tuổi. Phú nhà nghèo, sống với người mẹ tật nguyền cụt chân từ nhỏ, được chị Minh tạo công ăn việc làm bằng cách thuê đi hái thuốc. Giờ Phú biết khá nhiều cây thuốc quý do chị Minh chỉ cho. Phú thồ nửa tạ thuốc trên lưng, leo phăm phăm như con dê núi trên vách đá.
Theo chị Minh, hầu hết những cây thuốc bổ dương đều nằm trong rừng già, trên các dãy núi đá, là những loài cây bám vào đá để sống. Một số loài thì mọc ở những khe suối ẩm ướt, tối om.
Leo núi đá chừng vài tiếng, thì chị Minh và Phú dừng lại, ngồi nghỉ trên vách đá. Khu rừng này toàn đá tai mèo sắc nhọn như dao lam, nhìn mãi chẳng thấy vạt đất nào, nhưng cây cối vẫn bám vào đá, luồn rễ vào khe mọc lên.
Lương y Hoàng Tuyết Minh và một loài thảo dược kỳ quái |
Trên những thân cây gỗ rêu mốc, nấm linh chi màu mận chín xòe ra to bằng bàn tay người. Thấy linh chi, tôi định hái, thì chị Minh ngăn lại. Chị bảo, nếu lấy nấm linh chi, thì sẽ thu được cả tạ, không có sức để vác thứ khác về.
Theo lời chị Minh, sự phân bố của các loài thảo dược rất kỳ lạ. Có những khu rừng, chị vào lấy đủ mười mấy vị thấp khớp, có khu rừng lấy đủ các vị dạ dày, đại tràng, có khu rừng thì có đủ các vị chính trong bài thuốc bổ dương.
Hồi đi lấy thuốc, bố chị bảo rằng, hầu như cây gì trong rừng cũng đều là cây thuốc cả, nhưng mỗi thầy thuốc có hiểu biết riêng về nó, và dùng nó trị các bệnh khác nhau. Tạo hóa rất kỳ lạ, khi phân bố những cây thuốc có cùng tác dụng trong một quần thể, do đó, nếu hiểu rõ nhiều loài cây thuốc trong rừng, thì việc đi lấy thuốc đỡ vất vả hơn.
Khi tôi đang nghỉ ngơi, thì Phú xách dao chặt bồm bộp một loại dây leo bấu vào vách đá. Cây dây leo chỉ bằng bắp tay, mà Phú phải chém một hồi mới đứt. Theo chị Minh, đây là vị thuốc quan trọng trong bài thuốc bổ dương. Chị không biết tên khoa học của nó là gì, nhưng bố chị gọi là lon tu.
Loài thảo dược này rất kỳ lạ, nửa thân gỗ, nửa dây leo, chỉ có mặt ở rừng sâu, núi đá tai mèo trên độ cao khoảng 1000m so với mặt nước biển. Nếu không có cây cổ thụ nào bên cạnh, thì chúng bấu vào đá bò loằng ngoằng vài mét, rồi dựng đứng thân lên. Nếu có cây lớn, thì chúng bám vào trèo lên.
Có hai loại lon tu đỏ và lon tu trắng. Chúng giống hệt nhau, chỉ khác màu nhựa đỏ và trắng rỉ ra từ vỏ. Loại lon tu đỏ có tác dụng mạnh hơn. Để khai thác được một cây lon tu, phải mất cả trăm năm.
Khi khai thác một cây cổ thụ, chị Minh thường khấn vái xin thần linh, thổ địa |
Theo chị Minh, ngày bé chị theo bố vào rừng, thấy cây lon tu to bằng bắp tay và bây giờ chị vẫn thấy chúng y nguyên như vậy, chẳng lớn lên tí nào. Chị Minh và Phú chỉ khai thác một đoạn thân, để lại phần gốc cho chúng tiếp tục sinh trưởng. Muốn khai thác tiếp cây này, phải chờ vài chục năm nữa.
Hành trình qua con suối chảy róc rách trong những kẽ đá, chúng tôi tiếp tục cuốc bộ về phía dãy Mường Hung hùng vĩ. Lội qua con suối nơi cửa hang đá, chị Minh như bắt được vàng khi nhìn thấy bụi đín hành mọc ở khe đá, ngay cửa hang.
Theo chị Minh, đây là cây thuốc cường dương cực mạnh và bí truyền trong gia đình nhà chị. Chị đã mang cây thuốc này hỏi nhiều thầy lang, nhưng đều không biết. Đín hành có 2 loại, một loại lá như lá lúa, một loại như lá sả. Chúng đều mọc thành bụi ở khe đá, chỗ cửa hang ẩm ướt, tối om. Chúng bám vào khe hai tảng đá, hoặc chỗ tảng đá nứt để mọc lên, hút dinh dưỡng trong lớp mùn bám trong khe đá.
Đín hành mọc thành bụi, khóm như bụi xả và ra củ rất kỳ quái. Củ chỉ bằng cái đũa. Mỗi năm ra vài đốt. Từ đốt đó, mọc lên một thân cây. Từ củ đó ra nhiều rễ li ti nhỏ như cái tăm, nhưng cứng như thép, có thể làm thủng da tay. Củ đín hành cứ mọc ngang, chạy trong khe đá, rồi mọc ra những thân cây. Thế nên, nhổ cả bụi đín hành, chỉ lấy được một củ bằng ngón tay, nhưng kéo dãn ra thì dài đến cả mét.
Những củ dài cỡ một mét, thì tuổi của nó phải hàng trăm năm rồi. Khi một củ đứt ra, thì lại hình thành củ mới và chúng mọc quyện vào nhau, thành một bụi củ. Nếu nhiều củ hình thành, thì thu được một bó, có khi đến cả kg. Củ đín hành cứng như thép, nhưng chặt ra thì dậy mùi thơm dễ chịu như nước hoa.
Chị Minh trực tiếp đào thuốc |
Theo chị Minh, đín hành trong tiếng cổ có nghĩa là "thức dậy". Nó có tác dụng tăng bơm máu đến bộ phận sinh dục, làm cho các hang giãn ra. Đây chưa phải là vị có tác dụng mạnh nhất trong bài thuốc bổ dương, nhưng nó lại rất quý hiếm, không thể thiếu nó nếu muốn tăng cường sinh lực một cách nhanh chóng. Vì quý hiếm, nên mỗi thang thuốc chị Minh chỉ cho vào vài đốt mà thôi.
Sau khi thu được nửa bao đín hành, đủ lượng cho cả trăm thang thuốc, thì chúng tôi tiếp tục đến khu rừng toàn những cây nghiến khổng lồ, to mấy người ôm. Tôi có cảm giác như cánh rừng này chưa có dấu chân người. Chị Minh và Phú thì bảo rằng, đây là khu rừng rất quen thuộc với hai người, vì nó có quần thể thảo dược quý nhất trong bài thuốc bổ dương mà bố chị Minh truyền cho.
Chị Minh dùng con dao chém vào một rễ cây mọc ngay chỗ tôi đứng, con dao liền nảy ra và lưỡi dao vỡ nham nhở. Chị Minh hỏi: "Em đi rừng nhiều, có biết đây là cây gì không?". Tôi chột dạ, nghĩ là loài si ra máu đỏ, vì nhìn rất giống. Loài cây ấy hiện đang được Trung Quốc thu mua với giá bạc triệu một kg và bị người dân săn lùng ráo riết, đến mức tuyệt chủng. Tuy nhiên, chị Minh bảo không phải.
Cây to hai người ôm, ra rễ tua tủa dưới gốc. Nhiều rễ thả từ giữa thân xuống, bấu vào đá hút dinh dưỡng. Chúng là thân gỗ, nhưng lại không phải thân gỗ, mà như kiểu cây bụi rất kỳ quái. Rừng sâu núi thẳm cây cổ thụ thường lên thẳng, vươn cao, thân nhẵn, nhưng cây này lại khá thấp, trông như cây si, chấp nhận nằm dưới tán những cây nghiến khổng lồ. Lá của chúng màu xanh thẫm, bóng nhẫy, trông như lá quất hồng bì như lại mọc cả chùm lá.
Rễ lan co sai cứng đến nỗi mẻ cả lưỡi dao |
Theo chị Minh, để chúng to đến mức hai người ôm, thì cũng phải ngàn năm rồi. Toàn bộ gốc cây bám trên một tảng đá, nhìn mãi không thấy có tí đất nào, mà chúng vẫn mọc lên được thì quả thực là kỳ quái. Rễ của chúng mọc từ thân, lúc nhỏ xòe như bàn tay người, thả xuống đất, thì những "ngón tay" ấy tỏa ra, dài thêm, bò trên đá để tìm khe đá chui vào lấy dinh dưỡng.
Chị Minh bảo, bố chị gọi nó là lan co sai. Theo tiếng Thái, thì nó có nghĩa là "dây của cây lan". Vị thuốc cường dương chính là rễ (tức dây) của cây này. Theo chị Minh, rễ càng già thì dược tính càng cao. Điều kỳ lạ, là rễ cây lan co sai cứng như thép, nếu dao không tốt, chặt không đúng cách thì vỡ lưỡi dao ngay.
Thêm một điều đặc biệt nữa ở rễ cây này, là phần dương (mọc trên mặt đất) dùng trong bài thuốc bổ dương, còn phần âm (mọc trong đất), thì không dùng được. Bản thân chị Minh cũng không hiểu vì sao lại thế, nhưng bố chị dặn thế nào thì chị cứ làm theo như vậy. Theo chị Minh, những hoạt chất trong cây thuốc này có tác dụng làm "thức dậy", kể cả với những nam nhi đã gần như "hỏng hẳn".
Theo chị Minh, nếu chỉ sử dụng những cây thuốc chủ lực bổ dương, thì không tốt cho sức khỏe. Vì thế, trong bài thuốc mà tổ tiên chị truyền lại, có thêm cả chục vị có tác dụng bổ khí huyết, bổ gan, bổ thận, đặc biệt là giúp sản sinh hoóc môn nam… tức là giúp tăng cường thể lực một cách toàn diện.
Vì thế, nhiều đấng nam nhi không những không cương cứng được, mà còn không có tinh trùng trong tinh dịch, sau khi sắc thuốc uống vài tháng, thì đã trở thành đàn ông đích thực, sinh liên tiếp hai đứa. Chỉ tính riêng ở đất Sơn La, nữ lang xinh đẹp Hoàng Tuyết Minh đã giúp cho cả trăm gia đình tìm được niềm vui con cái.
"Hồi trẻ, bố dạy chị bài thuốc cường dương, chị vừa ngại vừa xấu hổ lắm, không muốn học đâu. Nhưng bây giờ, chị mới hiểu tầm quan trọng của những loại thảo dược này. Nó không chỉ mang lại hạnh phúc cho gia đình, giúp các đấng nam nhi đỡ tủi hổ, mà quan trọng hơn là giúp họ có được niềm vui con cái. Ngày tết, thấy cảnh các cặp vợ chồng dắt con cái đến nhà chơi, chị xúc động lắm. Thế nên, dù bận rộn với vị trí lãnh đạo ở trường học, chị vẫn cố gắng vào rừng tìm cây thuốc, vừa bảo tồn bài thuốc cha ông, vừa để giúp mọi người", chị Minh cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét