Vĩnh Trinh (Theo SKCĐ)
Giữa muôn vàn con đường, công trình nhỏ lớn của Sài Gòn là những địa danh mang tên của các danh nhân nước ngoài như Calmette, Ernst Thalmann, thậm chí là một cái tên phụ nữ rất quen thuộc như Nancy.
Có bao giờ bạn thắc mắc những nhân vật đó là ai và vì sao tên của họ lại được đặt cho địa danh đó không? Nếu chưa thì có lẽ bạn đã bỏ qua một phần lịch sử thú vị về Sài Gòn xưa.
1. Cầu Calmette
Nối liền quận 1 và quận 4 không chỉ có cầu Khánh Hội hoành tráng mà còn một chiếc cầu xưa cũ hơn, đó chính là cầu Calmette. Với chiều dài 300 mét, rộng 22 mét, không như những cây cầu thông thường, cầu Calmette còn tẻ ra 4 nhánh cầu phụ để xe lên xuống Đại lộ Đông Tây, góp phần giảm tải áp lực giao thông vào những giờ cao điểm. Nhưng trước khi trở thành một trong những cây cầu quan trọng ở thành phố Hồ Chí Minh, tiền thân và nguồn gốc của cây cầu có cái tên rất Tây này là gì? Vì sao người ta gọi là cầu Calmette?
Với chiều dài 300 mét, rộng 22 mét, không như những cây cầu thông thường, cầu Calmette còn tẻ ra 4 nhánh cầu phụ để xe lên xuống Đại lộ Đông Tây, góp phần giảm tải áp lực giao thông vào những giờ cao điểm. (Ảnh: Internet)
Thật ra, không có nhiều ghi chép về chiếc cầu Calmette này, cũng như không tìm thấy nó trên các bản đồ xưa của Sài Gòn trước năm 1955. Nhưng theo lời của những cư dân sống lâu năm ở khu vực chân cầu thì đây từng là một chiếc cầu bắc qua kênh Bến Nghé vào thời Pháp thuộc. Không hề rộng và hoành tráng như hiện nay, cầu Calmette khi xưa chỉ là một chiếc cầu cao bằng sắt lót ván, dành cho loại xe nhỏ và người đi bộ từ bờ kênh đầu đường Bourdais (tên cũ của đường Calmette) để sang bên kia bờ.
Toàn cảnh cầu Calmette ngày nay. (Ảnh: Internet)
Đến khoảng đầu những năm 1950 đến 1960, chiếc cầu ọp ẹp, tạm bợ và nhỏ bé bắt qua kênh Tàu Hủ (tức Rạch Bến Nghé ngày nay) này được thay thế bằng một cây cầu bê tông cốt sắt – có thể là cùng thời điểm xây cất cầu Khánh Hộibê tông cốt sắt cố định để thay thế chiếc cầu Quay Khánh Hội ngày xưa. Đời sống quanh khu vực kênh Tàu Hủ cũng như hai đầu cầu Calmette hết sức vui nhộn khi đầu cầu bến Chương Dương tấp nập chợ đồ cũ, còn phía bên Vĩnh Hội là nhà máy sản xuất thuốc lá Bastos - một trong những thương hiệu nổi tiếng trước thập niên 70. Đến tận năm 2006, cầu Calmette lại được tháo dỡ để xây mới. Năm 2009, người Sài Gòn có chiếc cầu Calmette như ngày nay.
Đến tận năm 2006, cầu Calmette lại được tháo dỡ để xây mới. Năm 2009, người Sài Gòn có chiếc cầu Calmette như ngày nay. (Ảnh: Internet)
Nhưng Calmette là ai?
Calmette (1863 – 1933), tên đầy đủ là Léon Charles Albert Calmette, là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học, miễn dịch học nổi tiếng người Pháp, sinh ra tại Nice, Ý. Nếu bạn ngờ ngợ, không biết đã gặp vị bác sĩ này ở đâu thì đó có thể là ở Viện Pasteur đầu tiên của Việt Nam (thành lập năm 1891). Là một học trò xuất sắc của nhà bác học Louis Pasteur, tượng đài Calmette được đặt ở vị trí trang trọng trong Viện này.
Tượng Calmette ở Viện Pasteur đầu tiên ở Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Năm 1890, vị bác sĩ tài ba này lần đầu đặt chân đến Việt Nam và bắt đầu nghiên cứu các phương pháp phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm như bệnh chó dại, bệnh đậu mùa, các bệnh thời khí, kiết lị, sưng gan… Calmette còn hợp tác với bác sĩ Borrel hoàn thiện các tìm tòi của bác sĩ Yersin về vi trùng bệnh dịch hạch, cộng tác với bác sĩ J.Guérin hoàn thành phương thuốc ngừa lao B.C.G.
2. Trường Ernst Thalmann
Nằm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, cứ mỗi khi đến giờ tan tầm là cổng trường Ernst Thalmann lại náo nhiệt bởi tiếng nói cười của các em học sinh. Khó mà hình dung được ngôi trường tươi trẻ này đã từng là một trong những nơi diễn ra phong trào đấu tranh sôi nổi nhất của nhân dân miền Nam ở thời điểm năm 1950.
Cổng chính của trường Ernst Thalmann. (Ảnh: Internet)
Không thể quên đôi nét về nhân vật vĩ đại mang tên ngôi trường có nhiều chiến công này. Ernst Thälmann (16/4/1886 – 18/8/1944) là nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản nước Đức trong thời kì Cộng hòa Weimar. Ông bị Gestapo bắt giam năm 1933 rồi bị biệt giam trong suốt 11 năm, trước khi bị xử bắn tạiBuchenwald theo lệnh của Adolf Hitler vào năm 1944.
Ernst Thalmann (Ảnh: Internet)
Sinh trưởng tại Hamburg, từ năm 1903, Thälmann đã gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội. Từ năm 1904 đến năm 1913, ông làm thợ đốt lò trên một chiếc thuyền hàng. Ông sớm được giải ngũ vì bị xem là thành phần gây rối chính trị. Vào tháng 1 năm 1915, chỉ một ngày trước khi ông bị gọi nhập ngũ trong Thế chiến thứ I, ông kết hôn với Rosa Koch. Đến cuối năm 1917, ông trở thành đảng viên Đảng Xã hội chủ nghĩa Độc lập.
Thälmann đã trải qua 11 năm biệt giam. Tháng 4 năm 1944, ông bị chuyển từ nhà từ Bautzen đến Trại tập trung Buchenwald, tại đó vào ngày 18 tháng 8, theo mệnh lệnh của Hitler, ông bị bắn và xác của ông bị hỏa thiêu ngay sau đó.
Ernst Thalmann (Ảnh: Internet)
Sau năm 1945, Ernst Thälmann, cùng những nhà lãnh đạo cộng sản đã bị sát hại khác được tôn vinh tại Đông Đức, với nhiều tên trường học, đường phố, nhà máy,... được đặt theo tên của họ. Đa số các cơ sở này đều bị đổi tên sau khi thống nhất nước Đức, dù vậy vẫn có thể tìm thấy một vài địa điểm mang tên Thälmann tại các thành phố Berlin, Hamburg và Frankfurt.
Ngôi trường tươi trẻ này đã từng là một trong những nơi diễn ra phong trào đấu tranh sôi nổi nhất của nhân dân miền Nam ở thời điểm năm 1950. (Ảnh: Internet)
Qua các thời đại khác nhau, ngôi trường Ernst Thalmann lần lượt mang những cái tên: Tôn Thọ Tường (một nhà thơ làm việc cho Pháp), Phan Văn Trị, Cô Giang và cuối cùng là Ernst Thalmann từ năm 1979 đến nay. Ernst Thalmanncòn là trường kết nghĩa với trường Hồ Chí Minh của thành phố Leipzig, Cộng Hòa Dân Chủ Đức trước đây.
3. Đường Pasteur
Dễ gây khó chịu cho Sài Gòn – chốn đất chật người đông – có lẽ là những tuyến đường một chiều, vì một khi đi lạc hay đi lố thì chỉ có nước đi hết cả một con đường dài đằng đẵng mới tìm ra được lối “quay đầu”. Nhưng không vì vậy mà con đường “lá me bay” Pasteur lại hết chiếm được cảm tình của người Sài Gòn– đặc biệt là những người con gắn bó với nó gần như suốt bề dày lịch sử thành phố trẻ này.
Con đường “lá me bay” Pasteur. (Ảnh: Internet)
Về nhà bác học vĩ đại Louis Pasteur thì không ai là không biết. Louis Pasteur(1822 - 1895) là một nhà hóa học, nhà vi sinh vật học người Pháp với những phát hiện về các nguyên tắc của tiêm chủng, lên men vi sinh. Chính vì những đóng góp to lớn của ông với nhân loại mà cuối cùng thành phố Hồ Chí Minhquyết định giữ tên đường Pasteur sau khi đã một lần đổi tên lại.
Louis Pasteur (Ảnh: Internet)
Cùng với những biến động của lịch sử, con đường Pasteur cũng trải qua nhiều lần biến đổi. Năm 1865 phía Bến Chương Dương còn là một con rạch. Hai bên rạch có hai con đường đều mang con số 24. Sau con đường bên phải được đặt tên là Olivier, bên trái là Pellerin. Theo thời gian, con kênh bị vùi lấp, tên đườngOlivier cũng mất theo. Ngày 22/3/1955, con đường này được đổi tên thành Pasteur. Sau ngày 14/8/1975, đường Pasteur đổi tên thành đườngNguyễn Thị Minh Khai. Nhưng đến ngày 2/9/1991, Ủy ban nhân dân TP.HCM quyết định lấy lại tên cũ là Pasteur như xưa.
Ngày nay, con đường cổ xưa bậc nhất Sài Gòn này vẫn ngày ngày chứng kiến hàng ngàn người dân hối hả chạy lướt qua nhau. (Ảnh: Internet)
Ngày nay, con đường cổ xưa bậc nhất Sài Gòn này vẫn ngày ngày chứng kiến hàng ngàn người dân hối hả chạy lướt qua nhau. Thời gian trôi, thành phố thay đổi ít nhiều nhưng hàng me dọc hai bên đường vẫn đứng đấy, tô điểm thêm nét xanh cho thành phố, tạo nên một không gian đầy chất thơ cho con đường. Và đâu đó, một phần kí ức của mỗi con người đã sinh ra, lớn lên ở đây đã gửi gắm lại ở góc phố cổ nhưng không già này.
4. Đường Alexandre de Rhodes
Kế bên đường Pasteur là con đường mang tên của một vị danh nhân nước ngoài nữa: Alexandre de Rhodes. Nằm chệch phía trước Dinh Thống Nhất, qua ngã tư Pasteur, con đường Alexandre de Rhodes lặng lẽ, khiêm nhường chứng kiến thành phố trẻ ngày một giàu đẹp hơn.
Con đường Alexandre de Rhodes lặng lẽ, khiêm nhường chứng kiến thành phố trẻ ngày một giàu đẹp hơn. (Ảnh: Internet)
Là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn, đường này từng có tên làParacels (tên gọi cũ của quần đảo Hoàng Sa), nhưng đến năm 1871 được đổi lại thành đường Colombert. Năm 1955, con đường được đổi sang tên Alexandre de Rhodes nhưng đến năm 1985, thành phố lại một lần nữa thay tên đường thành Thái Văn Lung. Tương tự như đường Pasteur, sau biết bao nhiêu đổi thay dưới các thời kì lịch sử khác nhau, con đường trở lại với tên Alexandre de Rhodes.
Đường Alexandre de Rhodes là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn.(Ảnh: Internet)
Lại nói một chút về vĩ nhân Alexandre de Rhodes. Ông là một nhà truyền giáo dòng Tên người Avignon và một nhà ngôn ngữ học, đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng công trình Tự điển Việt-Bồ-La, hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh.
Alexandre de Rhodes (Ảnh: Internet)
Vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc một số tài liệu, sách báo ca ngợi hơi quá về vai trò của Alexandre de Rhodes bằng cách gọi ông là người khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Việc quyết định dùng tên Alexandre de Rhodes để đặt cho một con đường ở khu vực trung tâm thành phố cũng đã phần nào khẳng định tầm quan trọng, sự kính phục và tình cảm của người Việt dành cho ông.
5. Trường Marie Curie
Trường THPT Marie Curie là một trong những trường lâu đời nhất của Sài Gònvà là trường duy nhất không thay đổi tên ban đầu. Trường được đặt tên theo nhà khoa học người Pháp đoạt giải Nobel tên Marie Curie. Trường Marie Curiebắt đầu mở cửa từ năm 1918, là trường đầu tiên dành riêng cho nữ sinh, mang tên Lycée Marie Curie.
Trường Marie Curie ngày nay. (Ảnh: Internet)
Đây từng là ngôi trường nữ sinh đầu tiên ở Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Năm 1970 có một sự thay đổi lớn đã diễn ra: trường Marie Curie phải tiếp nhận các học sinh của trường trung học nam sinh Lê Quý Đôn. Từ sau năm 1975, trường Marie Curie tiếp tục thực hiện nghĩa vụ "trồng người" cao cả của mình mà không bị bất cứ sự can thiệp hay gián đoạn nào như thời chiến tranh nữa.
Về Marie Curie, người dân Việt Nam cũng như thế giới không thể nào quên được nữ danh nhân tài ba này. Marie Skłodowska-Curie (7 tháng 11, 1867 – 4 tháng 7, 1934) là một nhà vật lí và hóa học người Ba Lan - Pháp, nổi tiếng về việc nghiên cứu tiên phong về tính phóng xạ. Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, vật lí và hóa học. Marie Curielà giảng viên đại học nữ đầu tiên tại Đại học Paris, Sorbonne, và vào năm 1995 thi thể của bà được mai táng tại điện Panthéon ở Paris vì những đóng góp to lớn cho nhân loại.
Ảnh chụp Marie Curie năm 1898. (Ảnh: Internet)
Là con út trong số 5 người con của hai giáo viên nổi tiếng ở Ba Lan, Marie biết đọc lúc chỉ có 4 tuổi, lúc nào cũng đứng đầu lớp và có rất nhiều thành tích xuất sắc và học giỏi nhiều môn. Gia đình bà gặp nhiều khó khăn liên tục khi bố củaMarie bị đuổi việc, chị cả và mẹ qua đời vì bệnh tật, tuy nhiên, Marie cố gắng học thật tốt, quên ăn, quên ngủ. Ít lâu sau, Marie đỗ thủ khoa, nhưng do không có tiền, Marie phải đi làm gia sư để có tiền đi học. Bà đã bỏ lại tất cả để chị gái thứ ba được vào Đại học Y ở Paris.
Marie tiếp tục đi kiếm tiền và cuối cùng cũng đến Paris như mong ước của mình. Thời đó, phụ nữ luôn bị coi thường nên Marie cố gắng học tập và thành công đã đến với bà: Marie đỗ đầu trong kì thi tốt nghiệp cử nhân ở trườngSorbonne.
Marie Curie (Ảnh: Internet)
Năm 1903 bà được nhận giải Nobel Vật lí cùng với chồng Pierre Curie và Henri Becquerel cho các nghiên cứu về bức xạ. Tám năm sau, bà nhận giải Nobel hóa học trong năm 1911 cho việc khám phá ra hai nguyên tố hóa học radium và polonium. Bà là một trong hai người duy nhất đoạt hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau (người kia là Linus Pauling).
Ngày 4 tháng 7 năm 1934, bà qua đời ở viện điều dưỡng Sancellemoztại Passy, Haute-Savoie vì thiếu máu không tái tạo được do nhiễm xạ. Trong công việc, Marie Curie thường tiến hành thử nghiệm với các ống có chứa đồng vị phóng xạ để trong túi quần, ngăn bàn. Trong một khoảng thời gian dài làm việc với phóng xạ mà không có biện pháp an toàn nào, bà đã bị nhiễm độc phóng xạ, khiến bà mắc nhiều căn bệnh mãn tính (mù lòa do đục thủy tinh thể) trước khi mất. Năm 1995, tro xương của bà được đưa vào điện Panthéon. Marie Curie trở thành người phụ nữ đầu tiên được an nghỉ tại đây vì cống hiến của mình.
6. Chợ Nancy
Từng nức tiếng gần xa với danh xưng khu chợ bán cần sa duy nhất tại Sài Gòn. Mặc dù giờ đây đã bị giải tỏa nhưng chợ Nancy ở quận 5 vẫn còn mãi trong kí ức của nhiều người với những câu chuyện về đời, về người, cả những thăng trầm trong suốt khoảng thời gian tồn tại và gắn bó với lịch sử Sài Gòn.
Từ thời xưa, khu vực này vốn nổi danh là nơi cư ngụ của những thành phần "cộm cán" trong giang hồ, cùng những góc khuất về tệ nạn.
Chợ Nancy thời vàng son. (Ảnh: Internet)
Nhưng có duy nhất một điều, đó là không ai rõ nguồn gốc tên gọi Nancy, lại càng không biết Nancy là ai. Theo lời chia sẻ của nhà văn Mạc Can - một người đã gắn bó và am hiểu khu vực chợ Nancy, thì cái tên Nancy có lẽ do ngườiPháp đặt có lẽ là tên của một người phụ nữ. Người ta nói rằng vùng Nancy vào thời trước khi có khu chợ là một nghĩa địa hoang vu cỏ xanh ngập tràn, rồi dần dần có nhiều người đến đây khẩn hoang và sinh sống, hình thành những dãy phố trệt, đặc biệt có dãy phố toàn là người Chà Và (tức người dân ở đảo Java, Indonesia nhập cư vào Sài Gòn).
Và người Sài Gòn đã quen gọi khu vực dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ là chợNancy mặc dù không còn bóng dáng nó ở đây nữa. (Ảnh: Internet)
Chợ Nancy cũng là cái nôi của nhiều giai thoại thú vị đậm chất truyện cổ tích và ngụ ngôn dân gian, như giai thoại về một anh nhà nghèo đi trong khu nghĩa địa thì nghe tiếng súng nổ nên núp vào lùm cỏ. Thì ra, lúc đó có một kẻ trộm đang bị rượt đuổi. Tay này hốt hoảng vứt chiếc bao vải phi tang. Người thanh niên tò mò đi tới lượm và phát hiện ra chiếc bao ấy chứa đầy vàng. Sau đó, anh về mở một lò đúc làm ăn rất khấm khá. Hàng năm cứ đến đám giỗ của tay ăn trộm thì anh ta lại phát chẩn cho những người nghèo.
Lại có chuyện về một ông già mù thường ngồi ăn xin ở đầu chợ. Thấy ông tật nguyền, ai cũng mủi lòng. Thế rồi người ta phát hiện ông có… nhiều vợ. Tiền xin được mang về cho các bà vợ đi đánh bài tứ sắc. Đến giờ, nhiều người còn tranh cãi về “tuyệt chiêu” của ông nhưng vẫn chưa ngã ngũ.
Nay, dù chợ Nancy không còn, dù xô bồ là thế, phức tạp là thế, nhưng người con gái Nancy bí ẩn ấy lại làm bao người nhung nhớ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét