Qua bao năm thăng trầm, chợ Hàng Heo ở sau chợ Cồn vẫn lưu giữ những hình ảnh đẹp chân quê, dân dã còn sót lại chút ít ở thành phố biển xinh đẹp này.
Nằm trên đường Ông Ích Khiêm, chợ Cồn (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) có vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố. Chợ Cồn còn là một trong những chợ lâu đời và lớn nhất của thành phố biển Đà Nẵng.
Đã có thời, chợ Cồn là chợ bán sỉ lẻ lớn nhất Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam. Chợ có tên đặc biệt như vậy là do xây dựng trên một cồn đất cao giữa phố từ những năm 1940.
Chợ đã đổi tên chợ thành Trung tâm Thương nghiệp từ năm 1984, nhưng mọi người vẫn trìu mến sử dụng cái tên chợ Cồn như trước kia. Nơi đây có đủ thứ thượng vàng hạ cám mà giới tiểu thương Đà Nẵng tự hào là "thứ gì cũng có" phục vụ khách gần xã mỗi lần ghé chợ.
Khung cảnh tấp nập của chợ Hàng Heo.
|
Nằm ngay bên hông chợ Cồn là "Chợ Hàng Heo" - nối liền từ đoạn đường Ông Ích Khiêm thông ra đến tận sân vận động Chi Lăng. Con hẻm dài chừng 100 mét, rộng khoảng 4,5 mét ấy trở thành điểm tập kết heo từ các nơi chuyển về trước khi bán cho lò mổ hoặc cho người có nhu cầu chăn nuôi ở những ngày đầu thành lập chợ.
Từ đó cái hẻm nhỏ gắn liền với cái tên Hàng Heo đến tận bây giờ, giống như tên gọi Hàng Bạc, Hàng Mành, Hàng Than... ở phố cổ Hà Nội vậy. Xã hội ngày càng phát triển, nhiều con đường mới xuất hiện khang trang đẹp đẽ xứng tầm với "thành phố đáng sống".
Nhiều con đường quy hoạch đặt tên, song con hẻm nằm giữa đường Ông Ích Khiêm - Chi Lăng vẫn vô danh như thế. Chỉ các bà, các mẹ, các chị vẫn gọi là Hàng Heo với sự hoài niệm, trân quý giá trị chân quê gắn liền bao thế hệ người dân Đà Nẵng suốt 70 năm qua.
Nằm ngày đầu chợ Hàng Heo, ki ốt của chị Hoàng Thị Lê Thanh (sinh 1960, trú phường Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã 29 năm tồn tại ở đây. Chị Thanh vốn học nghề dược liệu rồi mở cửa tiệm thuốc nam buôn bán ở đây bao năm qua.
Bà Lê Thanh gần 30 năm gắn bó Chợ Hàng Heo. Ảnh: PV.
|
"Giờ đã qua tuổi ngũ tuần rồi, tôi gắn bó với chợ Hàng Heo từ những ngày còn tấm bé. Chẳng biết chợ có từ khi nào, cha mẹ tôi chỉ kể chợ có từ lâu lắm rồi. Hồi nó còn lợn chuyên tập kết heo, ngày cũng như đêm, những xe hàng: xe lam, xe ba gác, xe máy, xe đạp nối đuôi nhau đỗ xịch nơi đầu hẻm, tiếng người trả giá, tiếng í ới gọi nhau chuyển heo vào, đưa heo ra vào", chị Thanh kể lại những câu chuyện những người đi trước kể lại cho mình.
Chị bảo thời ấy ai bước qua đây cũng dễ dàng ngửi thấy cái mùi không lẫn vào đâu được "Chợ Hàng Heo". Chợ càng tấp nập sự ô nhiễm tăng cao. Đến độ sau ngày giải phóng 1975, chính quyền cấm cánh "Hàng Heo" hoạt động. Các ki ốt thay thế bằng cửa hàng thuốc Nam, buôn hành, tỏi, là điểm tập kết các loại rau từ Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hay các huyện lỵ phía bắc Quảng Nam đều đổ về đây.
"Gia đình tôi cũng buôn bán các cây thuốc Nam gần 30 năm qua. Dược liệu đủ loại để dành cho bà đẻ xông hơ, hay lá thuốc về chữa trị bệnh cho người già, trẻ nhỏ... Tôi nhớ có thời điểm chờ Hàng Heo phồn thịnh, người ta mở cửa từ lúc 1 giờ sáng để phục vụ người mua. Bây giờ khoảng 4 giờ sáng, các ki ốt ở khu chợ này đã sáng đèn. Chợ lúc nào tấp nập kẻ bán người mua như chợ quê vậy", bà chủ cửa tiệm thuốc Nam hồi tưởng.
Nhiều người bước vào hẻm được gọi cái tên "Chợ Hàng Heo" bất giác thấy không gian như thay đổi một cách chóng mặt. Từ sự xô bồ, ồn ã náo nhiệt phía ngoài, "Chợ Hàng Heo" gợi nhớ đến phiên chợ quê với những quán hàng xén nằm la liệt 2 bên. Mới bước vào chợ, giọng chào hàng ngọt như mía lùi từ người bán như hút du khách, người mua vào thế giới rất riêng của "Chợ Hàng Heo".
Người đi chợ ghé quán ăn món bánh canh nóng hổi. Ảnh: PV.
|
Cửa hàng bán bao than, mớ lá xông, niêu đất chất, trong khi phía đối diện lại mớ lá chè vằng, dủ dẻ đun nước uống cho lợi sữa, mát cơ thể. Hay ở góc chợ kia lại quán bán hàng ăn, khi người đi chợ xì xoạt húp bát cháo canh nóng hổi, để xua tan cơn đói dạ dày rồi tiếp tục đi chợ mua đồ.
Ngồi bên gánh hàng xén bán bó sả, chục chanh, mớ ớt xanh, bồ kết, lon nén cùng đủ loại rau củ quả đậm chất quê mộc mạc, bà Nguyễn Thị Tí (sinh 1938, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) nhẩm tính cũng 37 năm mưu sinh ở chợ Hàng Heo.
Bà Tí 77 tuổi vẫn cần mẫn đi bán hàng 34 năm qua. Ảnh: PV.
|
Bà Tí kể, người chồng của mình mất 20 năm nay, những đồng tiền kiếm được từ chợ Hàng Heo giúp bà nuôi lớn con cái trưởng thành. "Đến giờ con cái lập gia đình, những đồng tiền kiếm được giúp tôi nuôi sống bản thân mình. Giờ già rồi, không lên chợ một ngày tôi nhớ không chịu được. Xã hội ngày càng hiện đại, chợ quê dần mất đi nhưng cái chợ cóc này như mảnh hồn quê còn xót lại mà chúng tôi gắng giữ gì".
Nhiều người thừa nhận việc ghé thăm "Chợ Hàng Heo" như thói quen khó bỏ. Không chỉ đắm chìm không khí ồn ã chân phương giống phiên chợ quê trong những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính, họ thừa nhận sợ có ngày phiên chợ đặc biệt của Đà Nẵng sẽ biến mất khi UBND TP Đà Nẵng quy hoạch lại chợ Cồn, chợ Hàn trở thành trung tâm thương mại.
"Trước đây chính quyền địa phương từng đưa "Chợ Hàng Heo" nằm trong danh sách "chợ cóc" cần phải dẹp bỏ. Nhưng "Chợ Hàng Heo" vẫn tồn tại giữa lòng đô thị bởi tính đặc biệt, nét riêng của nó. Chúng tôi chỉ lo đến khi quy hoạch mới thông qua, giới buôn bán quanh chợ phải di dời địa điểm. Buồn nhất là "Chợ Hàng Heo" cũng có thể biến mất. Đó là sự mất mát không gì đánh đổi được với chúng tôi lẫn người dân Đà Nẵng" - một tiểu thương trong chợ lo lắng.
Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét