Một triều đại trị vì ngót 200 năm, qua 13 đời Vua thì số ông Hoàng bà Chúa nhiều phải biết. Cùng với quần thể kiến trúc cung đình triều Nguyễn, Huế còn có một mảng kiến trúc nghệ thuật vừa mang dấu ấn cung đình, vừa hòa hợp trong lối sống dân dã, đó là những kiến trúc phủ đệ mà các Hoàng tử, Công chúa, con của các Vua triều Nguyễn khi đến tuổi trưởng thành được Vua cha cho ra lập phủ đệ để ở riêng.(1)
Vườn sau phủ (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Phủ đệ là nơi ở của các hoàng tử, công chúa lúc sinh thời. Khi các bậc ấy qua đời, con cháu dùng làm nơi thờ tự được gọi là phủ thờ. Theo Nguyễn Phước tộc thế phả, ở Huế có tất cả 95 phủ đệ của 62 hoàng tử và 33 công chúa. Hiện nay, số phủ đệ còn lại không nhiều, trong số có phủ thờ Công Chúa An Thường, tọa lạc tại 63 đường Nguyễn Công Trứ, Huế.
Theo sử sách, Công Chúa An Thường hiệu là Mỹ Thục, húy Lương Đức, hựu húy Nhật Tam Xuân. Công Chúa sinh ngày 13 tháng 6, năm Đinh Sửu (tức ngày 26 tháng 7, 1817). Là con thứ tư của Vua Minh Mạng, các chị của bà đều mất sớm, bà được xem là công chúa trưởng. Bà lập gia đình với phò mã Phan Văn Uýnh (Oánh) - tước hiệu Cáo Thọ Phấn Dõng Tướng Quân Đô Úy, con trai của Đô Thống Chưởng Phủ sự Chương nghĩa hầu Tăng Thiếu Bảo Phan Văn Túy (Thúy) - người để lại công trình sông đào Đông Ba- Huế. Vợ chồng công chúa sinh nhiều con nhưng chỉ còn một người là Phan Văn Huy. Từ đó đến nay, dòng dõi đã qua 5 đời kế tục.
Cổng phủ Công Chúa Từ (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Công chúa An Thường nổi tiếng là người con hiếu hạnh.
Theo sách Đại Nam liệt truyện: Năm 9 tuổi, nhân tiết Vạn Thọ, các công chúa được vào hầu cơm vua. Khi được vua ban sâm, bà ngậm lại định gói đem về cho mẹ đang ốm. Vua biết ý ngợi khen, truyền cho lấy phần khác để bà cất dâng mẹ. Sau đó vua xuống dụ cho tất cả các công chúa được đến học tại điện Trinh Minh, thầy giáo là quan nữ sử chuyên dạy Thi, Sử, và nữ công gia chánh. Bà học đâu nhớ đó; rất minh mẫn, chuyên cần. Cũng từ đấy, ngoài việc học chữ, cùng xướng họa thơ văn, bà còn để tâm nghiên cứu kinh Phật; bởi từ nhỏ, bà rất mộ đạo. Về sau bà có pháp danh là Thanh Từ.
Lư nhang (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Năm 24 tuổi (1814) được lệnh hạ giá. Chồng bà là ông Phan Văn Oánh, con thứ của Chương nghĩa hầu Phan Văn Thúy. Khi về nhà chồng, bà rất mực lễ phép, chăm lo việc phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi dạy con cái... không hề cậy mình là con cháu vua chúa. Tiếng đồn về cung, bà được phong là An Thường Công Chúa. Khi vua Minh mạng băng hà (1840), bà lên ở tại lăng chịu trọn hiếu ba năm.
Phía sau điện thờ (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Năm Nhâm Tuất (1862) chồng bà mất, bà dâng sớ xin xây mộ sẵn dành cho mình để sau này được nằm bên chồng. Văn bài sớ ấy, do bà tự tay viết bằng chữ Hán. Lời Văn cô đọng khúc chiết, rất cảm động. Tiếc rằng bài sớ đã bị thất lạc.
Nhà thơ Tuy Lý Vương, ông hoàng nổi tiếng hay thơ, là em của Công Chúa An Thường đã có thơ ca ngợi chị mình:
“Tốt đẹp thay chị ta
dịu dàng thành thực
đội mũ, gài tóc, khoan thai
nói không ra ngoài bực cửa
là con vua tôn quí
mà cần kiệm, khiêm nhường...”
Cũng giống như các em của mình, công chúa là một người rất yêu thơ văn. Rất tiếc, hiện nay tài liệu lưu lại không bao nhiêu. Cũng may, hậu duệ của bà vẫn còn cất giữ được một số bản khắc gỗ. Đó là những bản kinh Phật bà đã thực hiện trong thời gian tu hành vào những năm tháng cuối đời. Những bản kinh này, bà in ra cúng dường các chùa và dành cho anh chị em bà con để học đạo làm việc thiện.
Tuy có cuộc sống quyền quý, cao sang nhưng bà luôn giữ một đời sống bình thường và làm việc, hành thiện như bao nhiêu người khác. Phẩm hạnh của bà đã trở nên nổi tiếng trong giới hoàng tộc. Con cháu bà đã noi gương tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, và nhiều người học hành, đỗ đạt thành tài, làm rạng danh dòng họ.
Bản khắc kinh Phật (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Phủ thờ Công Chúa Từ nằm ngay khu cư dân đông đúc, đủ mọi thành phần buôn bán, dịch vụ du lịch, ngày đêm huyên náo xe cộ qua lại, chợ búa ồn ào (chợ Cống). Tuy là di tích lịch sử nhưng không nằm trong qui hoạch khai thác về du lịch nên ít người biết đến. Cá nhân tôi cũng phải dò hỏi mãi mới tìm ra.
Cổng phủ của các Vương tôn (Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương...) thường xây gạch to lớn, hoa văn trang trí màu sắc và phù điêu rất tỉ mỉ công phu. Nhìn vào là thấy ngay tầm vóc vị thế của chủ nhân. Trái lại cổng phủ Công Chúa Từ làm bằng gỗ, nhỏ nhắn hiền lành, trông rất khiêm nhường không khác gì tư chất con người của công chúa lúc sinh thời. Cổng phủ làm bằng gỗ quí, cột kèo đà ngang trau chuốt công phu, ráp mộng theo lối nhà rường. Cổng rộng chừng 1.50 mét, cao hơn 3 mét, ngói lợp lâu ngày đã sứt mẻ quanh rìa. Trên xà ngang có gắn bảng đỏ khắc 5 chữ vàng: An Thường Công Chúa Từ. Nét đặc trưng của nhà ở hay phủ đệ xứ Huế là cổng và lối vào nhà. Cổng thể hiện phong cách, nề nếp gia phong, lối vào nhà càng dài càng tăng phần quí phái.
Nghe nói đây là chiếc cổng được con cháu phục hồi vào năm 2004 theo đúng như kiểu mẫu, kích thước ngày xưa. Từ ngoài nhìn vào, chiếc cổng gỗ cổ xưa và hai hàng chè tàu xanh mát dẫn vào nhà là một kiểu kiến trúc nhà vườn truyền thống của Huế xưa. Lối đi rộng vừa cổng mở, hai bên trồng “chè tàu” lên cao chừng hơn mét nhưng lâu ngày chưa cắt xén, chẳng khác gì đầu tóc dài phủ ót phủ mai. Chè tàu là loại cây trồng hàng rào lá xanh dày quanh năm, nhưng phải xén thường xuyên mới đẹp.
Trong sân phủ (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Từ cổng nhìn thẳng vào nhà thờ, không bình phong như thường thấy, chỉ có một bồn hoa mà toàn hoa cỏ linh tinh tự phát chứ chẳng phải do bàn tay người vun trồng. Một phần mái điện thờ thấp thoáng sau tán lá cây xanh. Vào đến trong sân, tôi vẫn không thấy ai, bầu không khí sớm mai trong mát và thật yên tĩnh. Điện thờ ba khoang cửa bàn khoa đóng kín, gỗ cửa thuộc loại quí và được lau chùi nổi màu véc ni nâu sạch sẽ. Trước có bồn hoa tròn, có lư nhang cao cả mét nhưng không một chân nhang.
Tôi dạo quanh chụp một ít ảnh. Khuôn viên phủ khá rộng, đằng sau bên cánh phải còn một hai công trình phụ mà không sử dụng, lâu ngày cửa ngõ xuệch xoạc, cỏ rác không ai dọn, tưởng như chốn hoang phế. Lần qua cánh trái có mấy gian nhà xây để ở, song cũng không một bóng người. Thấy gian ngoài mở cửa, tôi lên tiếng, một người đàn ông trạc 30 ra chào. Trao đổi với anh Niệm việc thăm viếng của tôi, anh vui vẻ nhưng rất tiếc anh không mở điện thờ cho tôi xem vì chìa khóa người chú giữ. Chú anh ở căn trong, đi vắng. Anh cho tôi số phone để liên lạc sau.
Tôi dạo quanh chụp một ít ảnh. Khuôn viên phủ khá rộng, đằng sau bên cánh phải còn một hai công trình phụ mà không sử dụng, lâu ngày cửa ngõ xuệch xoạc, cỏ rác không ai dọn, tưởng như chốn hoang phế. Lần qua cánh trái có mấy gian nhà xây để ở, song cũng không một bóng người. Thấy gian ngoài mở cửa, tôi lên tiếng, một người đàn ông trạc 30 ra chào. Trao đổi với anh Niệm việc thăm viếng của tôi, anh vui vẻ nhưng rất tiếc anh không mở điện thờ cho tôi xem vì chìa khóa người chú giữ. Chú anh ở căn trong, đi vắng. Anh cho tôi số phone để liên lạc sau.
Hàng hiên điện thờ (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Bốn bức tường trong phòng khách đều treo những bức vẽ phác họa bằng bút chì về nhiều chủ đề. Anh cho biết đây là lớp dạy hội họa, anh tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Huế và mở lớp dạy tư. Hỏi anh Phủ Công Chúa Từ có nằm trong danh mục của công ty du lịch, anh cho biết họ có yêu cầu nhưng gia đình từ chối, vì chẳng lợi gì bao nhiêu mà đời sống bị khuấy động phiền phức.(2)
Anh Niệm cũng mô tả sơ cấu trúc điện thờ: “... bộ giàn trò bằng gỗ quí với những hoa văn họa tiết chạm trổ công phu, kiểu trang trí chạm lộng và đặc biệt là những hình chạm nổi thường thấy ở kiến trúc cung đình. Những bức tranh gương đã nhạt màu vì thời gian nhưng vẫn còn nhận ra đề tài mà hội họa xưa thường sử dụng: Tây Thi bên cầu giặt lụa. Chiếc hộp đựng sắc phong của Vua ban vẫn được giữ gìn cẩn thận. Vật chất có thể bay theo thời gian nhưng giá trị tinh thần, gia phong vẫn luôn được gìn giữ.”
Năm sau trở lại, tôi xin vào điện thờ Công Chúa Từ để được nhìn tận mắt những gì còn lại của một công chúa nổi tiếng hiếu hạnh đã hơn 200 năm qua. Lại “ông chú đi vắng.” Lần thứ ba tôi gọi phôn cho anh Niệm, người chú vẫn không có nhà. Tôi biết, chủ nhân không muốn tiếp (ăn giải gì). Thôi thế cũng tạm đủ, biết đủ là nhàn.
Lối vào nhà thờ (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Bao nhiêu năm qua đã đi nhiều nơi đã gặp nhiều người, không phải ai cũng dễ cảm thông với mình. Có khi còn giở “pháp lệnh” đe dọa như mấy năm trước đến Phủ Trịnh ở Thanh Hóa.(3) Ngược lại khi đến Phủ Tuy Lý Vương, chủ nhân là anh Vĩnh Phú hậu duệ đời thứ 6, tôi được tiếp rất niềm nở. Không những được xem những bảo vật quí hiếm mà còn được đãi bữa cơm với món đặc biệt “thịt ba chỉ, dưa giá mắm tôm” của Huế.
Trần Công Nhung (2015)
(1) Phủ Tuy Lý Vương trang 59 QHQOK tập 16
(2) Hầu hết các phủ đệ đều như thế, hoặc đóng cửa, hoặc mở buôn bán cá nhân (giải khát, ăn sáng v.v.)
(3) Phủ Trịnh trang 132 QHQOK tập 12
(2) Hầu hết các phủ đệ đều như thế, hoặc đóng cửa, hoặc mở buôn bán cá nhân (giải khát, ăn sáng v.v.)
(3) Phủ Trịnh trang 132 QHQOK tập 12
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét