Cùng đoàn báo chí khảo sát các tuyến điểm du lịch vùng Tây Bắc do Tổng cục Du lịch giao báo Du lịch tổ chức, chúng tôi ghé Sin Súi Hồ, còn gọi là bản Suối Hồ của tỉnh Lai Châu.
"Nàng sơn nữ" Sin Súi Hồ với vẻ đẹp mộc mạc nhưng đằm thắm tuyệt vời mới được phát hiện từ năm 2013, lập tức trở thành điểm du lịch trọng tâm miền biên viễn. Đây là nơi mà chỉ cần đến một lần, bạn sẽ muốn quay trở lại, bởi sự hoang sơ cùng tính cách Mông chất phác, hồn hậu và cách làm du lịch chuyên nghiệp đến khó tin.
Vợ chồng anh Hảng A Sà. |
"Sạch" từ trong ra ngoài
Các bản Mông, cũng như người dân tộc Mông, không xa lạ gì với tôi. Cách đây hơn hai mươi năm, khi còn là sinh viên mỹ thuật Yết Kiêu, trong các đợt đi thực tế lấy tư liệu sáng tác, tôi đã từng ở nhà đồng bào dân tộc thiểu số hàng tháng trời nên tôi biết khái niệm "ăn Mông, ở Thái" (người Mông chỉ chú trọng ăn sao cho ngon, người Thái thì chỉ thích ở sao cho sạch) từ xưa dường như vẫn không thay đổi.
Vậy mà lần này, tôi vô cùng ngạc nhiên và tò mò khi nghe Huyền, cán bộ Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Lai Châu giới thiệu về Sin Súi Hồ, một bản thuần Mông thuộc huyện Phong Thổ: "Em biết các anh chị đã đi khá nhiều bản du lịch của người Mông, nhưng em tin chắc rằng lên đến bản Sin Súi Hồ, các anh chị sẽ hoàn toàn bất ngờ bởi ba điều: thứ nhất, vệ sinh cực kỳ sạch sẽ; thứ hai, phong tục người dân vẫn giữ được nguyên vẹn, không hề bị mai một cũng không bị thương mại hóa như một số điểm du lịch khác và thứ ba, các anh chị sẽ được hưởng trọn một bầu không khí trong lành mát mẻ bởi bản nằm ở trên độ cao gần 1.500 m".
Con đường lên bản cũng tương đối dễ đi, xe ô tô 29 chỗ có thể vào tận nơi. Từ thành phố đến bản Thèn Sin 12 km chỉ có một số đoạn gồ ghề, từ Thèn Sin rẽ phải đến UBND xã Sin Súi Hồ 19 km, đường đèo dốc quanh co, hai bên núi non hùng vĩ ôm lấy các thửa ruộng bậc thang uốn lượn, cảnh đẹp như tranh. "Hôm nay, thực sự em có một chút tiếc nuối, nếu các anh chị đến sớm hơn, tầm từ tháng 8 cho đến tháng 10, con đường mà chúng ta đang đi đây rất đẹp bởi sắc màu của những thửa ruộng bậc thang. Các hãng lữ hành lên đây đều nhận định, ruộng bậc thang ở Sin Súi Hồ đẹp chả kém gì Mù Cang Chải", lời giới thiệu đầy lôi cuốn của Huyền trên xe càng khiến chúng tôi thêm phần sốt ruột trên hành trình.
Từ UBND xã vào bản khoảng 2 km, đường đã đổ bê tông kiên cố. Bản sạch sẽ, con đường uốn lượn quanh co qua những vườn lan. Cả bản như một vườn lan khổng lồ với hàng nghìn chậu địa lan tươi tắn khoe sắc với hoa dã quỳ vàng rực lối đi, trải kín ven rừng. Sin Súi Hồ tựa một khu du lịch sinh thái. Thời gian này địa lan đang nụ chuẩn bị chờ đón Tết, đây cũng là thời gian dân bản thường ở nhà thêu thùa, may vá.
Bản Sin Súi Hồ có hơn 100 ngôi nhà trình tường, lợp ngói truyền thống Mông. Mỗi nếp nhà lại được gia chủ chăm chút theo cách riêng bằng cây xanh, cây ăn trái và những chậu lan rừng, đặc biệt, trong nhà, ngoài sân vườn, đường sá phong quang, tuyệt đối không thấy rác hay chất thải của gia súc, một điều cực kỳ hiếm thấy nếu so với các bản người Mông bình thường khác.
Ngạc nhiên hơn nữa khi được biết đây là sự lột xác hoàn toàn của Sin Súi Hồ, rượu ngô Mông Pê Hoàng Liên Sơn, rượu thóc Sin Súi Hồ từng được coi là "thiên hạ đệ nhất tửu" vùng Tây Bắc, thứ "nước trời ban" ấy cùng làn khói "nàng tiên nâu" từng khiến nhiều chàng trai bản chìm đắm suốt một thời gian dài, nhiều người bỏ bê ruộng nương, con trâu, con dê chui qua lỗ điếu bàn đèn mà hết, ngô, lúa nấu rượu mãi cũng cạn. Ấy vậy mà đã gần chục năm nay, được sự vận động, đấu tranh kiên quyết của Hảng A Sà, người uy tín nhất bản cùng Trưởng bản Vàng A Chỉnh, người Mông ở đây đã đồng lòng, quyết tâm bỏ rượu, cai thuốc phiện, xây dựng bản mình trở thành bản Mông "sạch", phát triển du lịch cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tự tin làm du lịch chuyên nghiệp
Trong số gần trăm bản du lịch cộng đồng xuất hiện hơn chục năm nay ở vùng Tây Bắc, Sin Súi Hồ là "bé sơ sinh" theo đúng nghĩa đen, khi mới được công nhận từ tháng 6/2015. Nhưng chính vì sinh sau đẻ muộn nên Sin Súi Hồ lại rút được kinh nghiệm từ các anh chị đi trước để xây dựng cho mình một hướng đi chuyên nghiệp và bài bản. Ấn tượng về sự chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ nét mộc mạc đáng yêu của Sin Súi Hồ ngay từ khi xe lăn bánh vào bản. Trên tấm biển bằng lưới đen nẹp bằng hai thanh tre gộc ở cổng bản có hàng chữ thêu bằng thừng: "Điểm du lịch cộng đồng, bản Sin Súi Hồ" cùng một hàng chữ tiếng Anh "Resort Community Ecology" nhỏ hơn ở bên dưới.
Thay vì đánh số nhà như ở Bản Lác, Mai Châu (Hòa Bình), nhà ở Sin Súi Hồ ghi hẳn tên chủ nhà lên những tấm biển trước cửa, hoặc trên cánh cổng to như cổng chào. Những tấm biển này làm bằng gỗ xẻ nguyên tấm từ thân cây, to nhỏ tùy vào sự sung túc của gia chủ, trên có đầy đủ nội dung mà du khách quan tâm: Tên chủ nhà, số điện thoại di động, một số chi tiết như homestay, Wi-Fi (nếu nhà làm dịch vụ du lịch), đặc sản mà gia đình bán... gắn bằng những hòn cuội nhỏ màu trắng, hoặc sợi thừng uốn thành chữ. Phong cách này được thống nhất trong toàn bản, tất cả các biển chỉ dẫn hay biển quảng cáo các gian hàng trong chợ đều được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, văn minh mà lại rất thô sơ này, cảm giác hệt như trong các bộ phim cowboy miền Tây của Hollywood.
Ở Sin Súi Hồ có 6 hộ gia đình làm homestay có thể đón khách du lịch ăn, nghỉ tại nhà. Các gia đình đã chủ động học hỏi, đầu tư các trang thiết bị vật dụng, tự lắp internet, xây dựng công trình phụ sạch sẽ để phục vụ khách du lịch. Khi tôi tò mò muốn biết du khách có thể làm gì trong thời gian lưu lại đây, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở VH-TT&DL tỉnh Lai Châu Lê Quang Minh hào hứng giới thiệu: "Có rất nhiều "việc" cho du khách chị ạ, với những người trẻ, họ có cả một khu rừng già nguyên sinh, núi cây cảnh và thác Trái tim ngay cạnh bản để chinh phục.
Mùa hè ở đây khí hậu mát mẻ, ruộng bậc thang vào mùa nước đổ, có thể trải nghiệm đi cấy ruộng lúa. Đó cũng là lúc đào, mận, táo mèo cho thu quả, họ có thể theo chủ nhà đi hái quả, bắt cá được nuôi trên đỉnh núi cao. Mùa thu là mùa lúa vàng đẹp nhất và thảo quả đến kỳ thu hái, mọi người có thể học cách hái và sấy thảo quả luôn tại chỗ. Thời điểm đó Sin Súi Hồ vui lắm, tất bật người, ngựa, xe thồ với những gùi thảo quả nặng trĩu".
Đi một vòng quanh bản, bất kể gặp ai, từ trẻ con, người già, phụ nữ… ai ai cũng chào hỏi, tiếp chuyện vui vẻ. Gây cho chúng tôi ấn tượng mạnh nhất có lẽ là hai điều: một là sự chăm ngoan, lễ phép của các em nhỏ, dù đang làm bất cứ việc gì, hễ thấy có khách là các em đứng dậy khoanh tay trước ngực chào, sau đó lại hồn nhiên chơi tiếp hoặc làm nốt công việc đang dở dang. Điều thứ hai là các hộ dân ở Sin Súi Hồ khá sung túc. Các ngôi nhà khang trang, rộng rãi, khu nhà ở được dựng riêng biệt với khu bếp, khu chăn nuôi, khu vệ sinh… Nước sạch được lấy từ suối về, theo hệ thống ống dẫn thẳng đến từng nhà, trong sân vườn mỗi nhà đều có 2 đến 3 vòi nước sạch phục vụ cho sinh hoạt.
Vào chơi nhà trưởng bản Vàng A Chỉnh, sau bữa cơm ngon miệng với toàn thực phẩm sạch: lợn cắp nách, gà đồi, cá suối và các loại rau rừng… được chế biến theo cách rất riêng của người Mông, thong thả bên chén trà nóng, A Chỉnh chia sẻ bằng vốn tiếng Kinh khá sõi: "Thu nhập của dân bản chủ yếu từ hai nguồn chính, thảo quả và hoa địa lan. Nghề làm thảo quả thì có từ lâu rồi, thảo quả được trồng dưới tán rừng nguyên sinh ngay cạnh bản, phải trồng 5 năm mới được thu hoạch.
Mỗi năm, mỗi nhà thu nhập hơn 100.000 triệu đồng từ thảo quả. Còn nghề trồng hoa địa lan thì mới có từ hai năm nay thôi nhưng cho thu nhập tốt lắm. Lúc đầu, khi đi làm thảo quả thấy địa lan rừng đẹp, mình mang về trồng làm cảnh cho đẹp nhà đẹp cửa thôi, rồi nó ra hoa đẹp quá, khách Kinh lên chơi cứ đòi mua, bán được giá mình liền tuyên truyền cho bà con cùng trồng, thế là có thu nhập. Bây giờ địa lan là nguồn thu đáng kể của các gia đình trong bản".
Ngoài thảo quả, địa lan, A Chỉnh còn thu nhập từ nuôi dê, lúa nương, chuối, ngô… Mỗi năm đàn dê nhà A Chỉnh cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Đời sống khấm khá nên A Chỉnh tự trang bị Internet, lắp Wi-Fi, mua sắm nhiều vật dụng tiện nghi trong gia đình. "Wi-Fi á, mình tự lắp đấy nhé, có hơn một triệu thôi, mình sử dụng được máy tính, dùng Facebook của con trai để tự giới thiệu về nhà mình, bản mình với khách du lịch. 6 gia đình làm homestay ở đây mỗi nhà có thể phục vụ 8 đến 10 khách mỗi ngày, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối", A Chỉnh tự tin giới thiệu.
Trên đường từ Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Lai Châu lên đây, ngay từ những lời giới thiệu đầu tiên, thấy cô bé Huyền nhắc đến tên Vàng A Chỉnh quá nhiều, anh chị em đoàn đùa hỏi: "Có phải em mê chàng trưởng bản người Mông không đấy?". Cô bé hồn nhiên trả lời: "Vâng, em mê cả đất và người Sin Súi Hồ!". Quả thật, sau chuyến đi, chàng trai người Mông này và cả bản Sin Súi Hồ đã khiến cả đoàn mê mệt! Nhất định tôi sẽ quay trở lại.
Theo HNM / Báo Sài Gòn Đầu Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét