Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Sơn La: Món ngon nhớ lâu…

(HNMO) - Tối 12-12, đoàn khảo sát các điểm du lịch khu vực Tây Bắc đã có mặt tại Sơn La khuôn khổ hành trình tìm kiếm những điểm nhấn chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia năm 2017 ở các tỉnh Tây Bắc.

Sau lộ trình dài qua các cung đường đèo ở Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên liên tiếp mấy ngày trước đó, có thể cảm nhận phần nào sự mỏi mệt của các thành viên. Nhưng tất cả những mỏi mệt ấy đều như tan biến trước sự nồng hậu của người, cảnh vật và những món ăn hấp dẫn ở Sơn La.

Nhà tư vấn ẩm thực Trần Ngọc Quang

Ẩm thực ở các tỉnh miền núi Tây Bắc có những điểm chung nhất định, chế biến tinh tế, sử dụng các gia vị quen thuộc như mắc khén, các loại lá cây rừng đậm hương vị, nhưng “gia vị” khiến các món ngon ở Sơn La khiến nhóm thành viên đoàn khảo sát nhớ lâu hơn trong hành trình này chính là sự tận tình giải thích cặn kẽ, chu đáo từ cách thức chế biến từng món, cho đến những câu chuyện thú vị và dí dỏm quanh từng món ăn của “gã đầu bạc” Trần Ngọc Quang. Là một kỹ sư điện, nhưng công tác tại Sở VH-TT&DL tỉnh Sơn La ở khá nhiều vị trí, từ mảng văn phòng đến thanh tra, rồi kế hoạch – tài chính, những câu chuyện của Trần Ngọc Quang quanh các món ngon của Sơn La lại đầy dí dủm và đậm chất văn học. Chỉ vào món canh đuôi bò, da bò hầm với lá vón vén có vị chua dịu thanh mát, “Quang bạc” cười, mắt hấp háy: “Nom vẻ ngoài, lá vón vén rất giống lá ngón, chỉ khác là một có vị chua, khiến món ăn thêm hấp dẫn, một khiến người ăn… “đi” luôn! Nếu không phải người bản địa, khó có thể phân biệt được, vì người mới đến, mấy ai dám đưa lên miệng nếm thử”!

Canh da bò, đuôi bò hầm lá vón vén

Chỉ tay vào món giản dị, mộc nhất là su su luộc, người tư vấn của mâm chúng tôi thủng thẳng: “Nom này, người Sơn La không ăn quả to, mà chỉ thích thú với những quả su su nhỏ bên trong không hề có một chút xơ nào, còn nguyên lớp phấn trắng mỏng, để nguyên vỏ không cần gọt, hấp lên, ăn rất mát và ngọt đậm. Thử xem!”. Cầm đĩa xôi cuộn nướng thơm lừng, vàng giòn mời chúng tôi, anh không quên tư vấn: “Một chút xôi, quấn miếng thịt lợn sấy khô, chấm với chẩm chéo, sẽ rất tuyệt nhé”! Chúng tôi lần lượt thử, ai cũng gật gù: Đúng là có vị riêng, rất hay!

Những đĩa “pho” bọc lá chuối nướng xém, thịt bê hấp vừa ráo vừa mềm, rau tầm bóp xào tỏi thơm ngọt đậm, bê chao trong mềm ngoài giòn, canh bon ninh nước xương hầm cà tím dại thơm lừng lá lốt, thịt trâu ướp sả, mắc khén nướng, cá nướng nức mũi khiến ai cũng nhiệt tình ăn… thun thút. Món ngon, lời giới thiệu lại hấp dẫn, ân cần khiến ai cũng hào hứng thử hết món này đến món khác, cảm thấy dư vị món như đậm hơn, ấn tượng hơn và cũng thú vị hơn.

Quả là món ngon nhớ lâu!

Dưới đây là một số món ăn:

Món bê hấp

Nộm da bò

Xôi nướng

Trâu nướng.

Bê chao

Chả nhau bò

Rau tầm bóp xào

Thịt lợn sấy
Sau khi thăm Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, trong ngày 13-12, đoàn công tác đã trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch với các thành viên Sở VH-TT&DL tỉnh Sơn La, khảo sát một số điểm du lịch ở Mộc Châu như thác Dải Yếm, nông trường chè Mộc Châu, rừng thông bản Áng… Hầu hét các điểm du lịch này đều thu hút rất đông du khách, nhất là các bạn trẻ, đến chụp ảnh với chè xanh, hoa cải trắng, dạo chơi giữa núi rừng, thưởng thức mận trái mùa, me chua, lợn bản nướng, cá suối nướng…, mua rau sạch, hồ lô tươi, các chậu dâu tây về làm quà. Những em gái nhỏ xúng xính trong các bộ trang phục dân tộc với nụ cười xinh xắn, hồn nhiên chắn chắn để lại nhiều hình ảnh đẹp trong lòng du khách.
Mai Hoa - Nguyệt Thơ

7 món ăn ngon nổi tiếng ở Sơn La

  • Không chỉ sở hữu vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang hay cao nguyên đẹp mơ màng, Sơn La còn có nền ẩm thực phong phú với những món ăn mang hương vị của bản địa
1. Thịt gác bếp
Thịt gác bếp

Món thịt gác bếp vốn là đặc sản của vùng núi Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Đến vùng đất này, tiết trời se lạnh và ngọn lửa bập bùng, thưởng thức những miếng thịt gác bếp ngòn ngọt, dai dai, vẫn còn ngai ngái mùi khói  là trải nghiệm ẩm thực khó quên.

Thịt gác bếp là thịt heo thả rông trên đồi núi, thịt trâu hoặc thịt bò và được chế biết đơn giản. Các miếng thịt được róc ra từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Khi thịt đã thành phẩm. Mùi khói gần như vẫn còn nguyên trên từng thớ thịt và tạo nên sức hấp dẫn riêng của món ăn của vùng núi.

2. Pa pỉnh tộp (cá nướng gập)

Cá nướng gập

Được chuẩn bị cẩn thận, cầu kỳ từ nguyên liệu đến thanh tre nướng, pa pỉnh tộp chứa đựng biết bao tình cảm, sự khéo léo của người Thái.

Để chế biến được món pa pỉnh tộp, người ta cần đến rất nhiều các loại gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng… Nhưng món ăn này nhất thiết không được thiếu mắc khén, một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Cá chép, cá trắm hoặc cá trôi sau khi bắt về được mổ dọc sống lưng, để nguyên nội tạng và tẩm ướp các loại gia vị cho ngấm đều. Sau đó người ta gập đôi cá lại, cho vào một đoạn tre để kẹp chặt rồi nướng trên than củi đã hồng.

Người nướng cá phải rất khéo léo để làm sao cho cá chín không bị ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên. Ăn pa pỉnh tộp đúng vị phải kèm chút xôi nếp chấm với chẩm chéo, thêm chút rượu ngô cay cay, tê tê. Món ăn này sẽ khiến những thực khách khó tính nhất “phải lòng” ngay từ miếng đầu tiên.

3. Nậm pịa

Món nậm pịa có màu sắc không bắt mắt được ăn nóng kèm rau sống.
Nguồn ảnh: vnexpress.net

Nếu như người Mông có món đặc sản thắng cố thì người Thái có món nậm pịa nổi tiếng. Món này yêu cầu nguyên liệu rất cầu kì và đòi hỏi sự khéo léo trong khâu chế biến.

Nguyên liệu làm món nậm pịa gồm tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò gọi là “pịa”. Người ta ninh xương và lục phủ ngũ tạng lên để lấy nước, sau đó họ đổ pịa vào, có nơi còn cho thêm chút mật bò. Tất cả các nguyên liệu được băm nhỏ, trộn kèm rau thơm, bột mắc khén, tỏi, ớt, mùi tàu… rồi đun sôi lên đến khi sánh, sền sệt lại là được.

Khi chế biến xong, nậm pịa thường có màu nâu không bắt mắt, mùi khó chịu và vị đắng.

Nó có vị đắng của lá mắc khẹt, lòng và pịa cũng đắng, tuy nhiên sau khi ăn sẽ để lại vị ngọt trong cuống họng. Nậm pịa có tác dụng giải rượu rất tốt. Ai ăn được nậm pịa sẽ rất thích vì vị đắng dịu nơi cuống lưỡi. Món nậm pịa thường ăn kèm với rau chuối và bạc hà. Món Nập  pịa Sơn La không phải là món dễ ăn tuy nhiên, nếu đã đến vùng đất này thì bạn nên trải nghiệm.

4. Cá hồi

Gỏi cá hồi. Nguồn ảnh: thethaovanhoa.vn

Loại đặc sản này mới xuất hiện ở Mộc Châu – Sơn La vài năm nay, giá trị dinh dưỡng và độ ngon của nó thì khỏi phải bàn tới, nhưng cái thú ăn cá hồi ở Mộc Châu vào một ngày lạnh nó khác ăn vào mùa hè. Đó là khi món gỏi, món xông khói, hay chả… được chấm với bát nước chấm cay nồng mù tạt. Vừa xít xoa vì cay xộc lên mũi, vừa thấy người ấm hẳn lên. Những người ăn được cay quả là rất thú với món này, cay xộc, tê lưỡi nhưng sướng cái là không bị toát mồ hôi, người thấy thanh thanh chứ không bí bách vì nóng bức.

5. Nộm da trâu

Nộm da trâu

Da trâu rất dày, cứng và dai nên thường là nguyên liệu để làm mặt trống và ít ai nghĩ thứ này có thể trở thành đặc sản. Tuy nhiên, ở mảnh đất Sơn La, da trâu lại là một món đặc sản vô cùng lạ miệng và độc đáo.

Món da trâu được làm mềm bằng cách hơ qua lửa rồi ngâm với nước lã. Sau khi đến mức cần đủ người ta dùng dao thật sắc để thái da. Lúc này, miếng da trâu dày bịch, thô kệch ban đầu trở nên hấp dẫn với màu vàng của quả chanh Tây, bên trong là màu vàng nhạt, cắn thử lại thấy sần sật, giòn giòn, khá vui miệng.

Cũng như nhiều món nộm khác của người Thái, nộm da trâu cần gia giảm thêm nhiều gia vị và chút hạt mắc khén đặc trưng. Đặc biệt, sức quyến rũ của nộm da trâu nằm ở chính vị chua chua, thanh thanh của nước măng chứ không phải của chanh hay giấm.

6. Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc

Mỗi dân tộc Sơn La đều có vốn văn hóa truyền thống đặc trưng tạo nên vườn hoa đầy hương sắc. Trong đó, văn hóa ẩm thực truyền thống của người Dao được thể hiện rõ nét qua hương vị của xôi ngũ sắc. Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng (co khảu, khảu đen) để nhuộm màu, tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để tạo ra 5 màu khác nhau, tạo thành một cỗ tiệc xôi bắt mắt của người dân tộc vùng núi.

7. Cháo mắc nhung

Cháo mắc nhung

Quả mắc nhung- loại quả màu xanh cùng họ với cà chua nhưng chỉ bé bằng hạt đu đủ chín, có vị cay, đắng ngọt, rất phổ biến ở Sơn La. Sau mùa gặt, loại quả gieo vãi trên nương này bắt đầu chín mọng. Các bà, các mẹ chỉ việc hái về rửa sạch rồi đem chế biến món ăn.

Cháo ngon là do được nấu bằng loại gạo tẻ thơm với nước ninh xương và xương sườn lợn nướng hoặc thịt băm. Khi cháo gần nhuyễn, người ta mới cho mắc nhung vào cùng một chút gừng, xả và quấy đều cho đến khi được một nồi cháo sánh. Nồi cháo sôi lục bục trên bếp than đỏ lửa, chỉ chờ khi mâm rượu đã chống chếnh là được múc ra bát sì sụp vừa thổi vừa ăn. Món cháo mắc nhung thơm nồng, đặc sánh, vị thơm ngầy ngậy, đắng đắng rất lạ miệng nhưng ngon.
Theo baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét