Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Bao giờ được dự Chèo tàu Tổng Gối - Lễ hội 25 năm tổ chức 1 lần?

(Thethaovanhoa.vn) - Một lễ hội 25 năm mới lại được tổ chức một lần, trong 25 năm ấy, những con người tâm huyết cứ miệt mài tập luyện mỗi năm để đến chính hội sẽ có màn biểu diễn trình thánh thành hoàng làng hay nhất.
Chèo tàu là một loại hình nghệ thuật độc đáo chỉ có ở Tổng Gối xưa (nay thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Đây là một loại hình diễn xướng hầu thánh thành hoàng làng – tướng Văn Dĩ Thành.
Di sản văn hóa độc nhất vô nhị 400 năm tuổi
Tích xưa kể lại tướng Văn Dĩ Thành là một người con thuộc dòng dõi quan lại triều Trần, sinh ra ở vùng Tổng Gối xưa. Là một người học rộng tài cao, thông thạo kinh sử, ông đã có công chiêu mộ binh lính, huấn luyện quân nhân cùng chống lại giặc Minh. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, quân giặc đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Sau khi ông hy sinh ngay trên đất Tổng Gối, người dân nơi đây đã sáng tạo ra một loại hình diễn xướng để ca ngợi công lao, ân đức của ông. Đó chính là Chèo tàu.
Chèo tàu! Cái tên có lẽ sẽ khiến cho khá nhiều người băn khoăn. Tại sao lại có tên là Chèo tàu? “tàu” ở đây có nghĩa là gì? Có phải đây là loại hình nghệ thuật có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không? Thực ra, chữ “tàu” ở đây có ý nghĩa hết sức đơn giản, nó ý chỉ những chiếc thuyền, những chiếc tàu thủy...
Điệu hát Chèo tàu là hát chèo thuyền, chở quân đi đánh giặc. Đội nghĩa binh áo đen của tướng Văn Dĩ Thành có cách đánh giặc sở trường đó là chèo thuyền trong đêm bí mật đánh quân địch. Và đội chèo thuyền ấy chính là các bà, các cô thông thạo sông nước. Đó là lý giải hợp lý nhất cho câu hỏi vì sao lại có tên là Chèo tàu và vì sao tất cả những người hát Chèo tàu đều là nữ. Những điệu hát được xướng lên từ những người phụ nữ như một sự ca ngợi về lòng dũng cảm, chịu thương, chịu khó của người con gái đất Tổng Gối.

Những thiếu nữ Tổng Gối ngồi thuyền hát Chèo tàu trình thánh. Ảnh: Liên Việt
25 năm luyện tập cho một lần diễn xướng
Theo truyền thống, Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối cứ khoảng trên dưới 20 năm mới được tổ chức một lần. Sau lần tổ chức cuối cùng năm 1922, 94 năm, một quãng thời gian quá đỗi dài lâu, tưởng chừng như những làn điệu chèo cổ đã mất đi nét đặc sắc và những giá trị quý giá.
Đầu xuân năm Ất Mùi (2015) người dân Tổng Gối hân hoan tổ chức lại lễ hội hát Chèo tàu sau bao nhiêu cố gắng nỗ lực khôi phục những giá trị đang dần bị mất. Để có thể tổ chức được một lễ hội có quy mô lớn đến như vậy, người dân đất Tổng Gối đã đồng sức đồng lòng, cùng nhau tìm tòi khôi phục lại lễ hội xưa.
Câu lạc bộ Chèo tàu Tổng Gối được thành lập cách đây 17 năm. Với mục tiêu khôi phục lại những làn điệu Chèo tàu cổ, phục dựng lại lễ hội đã diễn ra cách đây gần 100 năm. Những con người tâm huyết với giá trị văn hóa của Tổng Gối đã nỗ lực hết mình vì truyền thống của quê hương.

Lễ hội Chèo tàu ở Tổng Gối 25 năm mới được tổ chức một lần. Ảnh: Liên Việt
Ở đất Tổng Gối ngày nay có bốn nghệ nhân hát Chèo tàu hay và hiểu về chèo nhiều nhất. Những nghệ nhân với nỗi trăn trở tìm hướng đi cho Chèo tàu đã không ngại bỏ công sức truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.
Mỗi năm lại tổ chức một khóa dạy học cho những học sinh, thanh niên trong xã. Khóa học sẽ kéo dài trong một tháng. Tính đến nay, các nghệ nhân đã đào tạo được năm khóa dạy hát chèo và chuẩn bị mở khóa thứ sáu. Mỗi khóa sẽ có khoảng 40 đến 50 người theo học.
Mong muốn có thể truyền dạy cho càng nhiều người con quê hương Tổng Gối càng tốt. Cứ từ thế hệ này qua thế hệ khác, thầy và trò cứ miệt mài, miệt mài dạy và học. Mỗi buổi tối, sau một ngày vất vả với công việc, học tập, những con người đam mê, tâm huyết lại cùng nhau đến nhà Văn hóa xã cùng nhau xướng lên những làn điệu chèo chỉ ở Tổng Gối mới có. Để đến ngày trọng đại của 25 năm sau, những nữ tú hát hay nhất, duyên nhất sẽ được chọn lựa để được diễn xướng trình thánh.
Nghệ nhân Đinh Sinh Nhật, 70 tuổi là một trong những những người tham gia giảng dạy Chèo tàu cho thế hệ trẻ. Ông cho biết, do đặc thù của Chèo tàu là chỉ có nữ hát, những cô gái lớn lên có thể sẽ lập gia đình ở nơi khác nên việc truyền dạy được thực hiện nối tiếp từ những thế hệ này qua thế hệ khác. Đã có những đề xuất mong muốn lễ hội chèo tàu Tổng Gối được tổ chức định kỳ năm năm một lần. Tuy nhiên, để tổ chức được một mùa lễ hội thành công phải huy động rất nhiều nhân lực, vật lực, và dân làng muốn giữ thời gian tổ chức theo truyền thống xưa kia. Vây nên, muốn tham dự lễ hội tiếp theo, có lẽ người ta phải đợi hơn 20 năm nữa.
Mỹ Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét