Nguyễn Thế Lượng
Dù “nhà quê” vậy nhưng để có chén chè sen long nhãn người dân miền trung du tỉnh Phú Thọ phải mất cả năm tích góp để đến hè mới nấu ăn. Từ bao đời nay, thường cứ chuyển mùa thì nhà nhà thi nhau nấu món chè này như một phương cách xua tan cái nóng mùa hạ.
Người dân vùng trung du hay nấu chè sen với long nhãn để giải nhiệt những ngày hè, cả khi chuyển sang mùa thu. Muốn nấu được món chè dân dã này người ta phải chuẩn bị nguyên liệu ngay từ mùa hè trước. Hạt sen được hái về từ dưới đầm sen của làng vào mùa hè trước, rồi bóc bỏ vỏ cứng, cả vỏ lụa quanh hạt sen, cho lên sàng đem phơi nắng gắt. Chỉ khi nào đưa lên miệng cắn thấy hạt sen giòn mới yên tâm cho vào chum hay lọ để dành dùng vào mùa sau.
Khi tu hú kêu khắp vườn quê, cũng là lúc nắng hè về trên mùa nhãn; người dân đeo giỏ đi hái về thưởng thức và không quên làm long nhãn dành cho những nồi chè. Long nhãn được sấy hay phơi cho khô đến độ vàng óng như những cục mật ong mới cho vào túi hay lọ để sang năm mới dùng.
Mới hơn cả và đang ở độ nồng thơm là những mẻ sắn dây vừa mới đào sau tiết tháng Giêng. Người ta hì hục, cạo vỏ, xay xay giã giã rồi vắt lấy những cục bột trắng ngần.
Bằng ấy nguyên liệu từ vườn quê, người dân miền trung du quê tôi chế biến được bát chè thơm ngon, đậm đà. Cách nấu chè sen long nhãn cũng khá tinh tế, hạt sen cho vào đun sôi chừng 30 phút cho mềm, sau đó mới cho long nhãn vào nấu cùng và chỉ vừa chín tới, còn độ giòn, ngọt. Vốn khô queo lại nhưng gặp nước nóng, long nhãn nở xoe như những nụ hoa. Tiếp theo nêm đường trắng cho nồi chè ngọt thanh và giữ được màu tươi trắng đẹp mắt. Khâu cuối cùng, cho bột sắn dây với lượng vừa phải để bột giữ vai trò chất kết dính, tạo độ sánh của chè.
Dù ngày nay, các chợ từ thôn quê đến tỉnh thành hầu như đều có ba nguyên liệu chính này để nơi đâu cũng có thể nấu chè “tam hợp”: sen-long nhãn-sắn dây. Nhưng quê tôi ngoài ấy vẫn cứ “mùa nào thức nấy”, dành dụm thực phẩm từ mảnh đất vườn nhà.
Thưởng thức chè sen long nhãn có những dư vị thật ngon lạ so với các món chè khác. Vị bùi bùi của hạt sen, vị giòn ngọt của long nhãn, hương thơm thanh của sắn dây. Không riêng gì lớp trẻ, người lớn tuổi, các cụ già đều khoái khẩu cái món chè quê dân dã này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét