Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Ngã Ba Giồng - nơi ghi lịch sử oai hùng

Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (còn được gọi là giồng Bằng Lăng) nơi đây lịch sử đã ghi lại: Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra vào đêm 22 rạng 23 tháng 11 năm 1940 ở 18/21 tỉnh thành ở Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo có qui mô lớn ở Việt Nam kể từ khi Đảng ra đời và trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Đây là khởi nghĩa được đánh giá là cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở Nam Kỳ từ sau khởi nghĩa Trương Định. Trong đó, Hóc Môn là nơi phát nguồn đầu tiên, nơi  diễn ra cuộc họp Xứ ủy Nam Kỳ (tháng 9-1940) đã quyết định thời gian diễn ra khởi nghĩa. Lần đầu tiên ở Nam Kỳ, chính quyền cách mạng đã được thành lập ở một số tỉnh thành với thời gian khá lâu (như Mỹ Tho 49 ngày) và lá cờ đỏ sao vàng đã được treo ở nhiều nơi ngay sào huyệt của thực dân Pháp.

 Tượng đài chiến sĩ vô danh - Ảnh N.TÝ
Ngã Ba Giồng- một trong 3 trường bắn của thực dân Pháp dựng ở Hóc Môn. Hóc Môn là nơi có nhiều đồng chí, cán bộ của ta bị địch xử bắn. Họ là những chiến sĩ cộng sản nổi tiếng như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Đỗ Văn Dậy, Phạm Công Bỉnh, Nguyễn Thị Thử, Phạm Văn Sáng… 

 Địa danh 18 thôn Vườn trầu - Ảnh N.TÝ
Hóc Môn còn là quê hương của 18 thôn Vườn trầu. Bà con Hóc Môn cùng bà con Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Sài Gòn có những trận đánh đã làm khiếp vía thực dân Pháp cho đến đế quốc Mỹ.


Vì sao lại gọi Ngã Ba Giồng ?
"Giồng" là gì ? Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, chủ biên): Giồng "là dải đất phù sa nổi cao lên, thường là ở ven sông. Đất giồng. Lập làng xóm trên giồng" (NXB Đà Nằng, Trung tâm Từ điển học, trang 403).



 Cụm tượng đài  Sống vĩ đại-chết vinh quang - Ảnh N.TÝ
Có một điều lý thú, Giồng là một từ của phương ngữ Nam Bộ. Đây là biến âm của từ Vồng trong tiếng Việt toàn dân. Do đó, tất cả các địa danh này chỉ xuất hiện ở vùng đất mới phía nam. Ngoài từ giồng này, người Nam Bộ còn phát âm và viết sai các từ: chuối và (do hai loại chuối mang từ đảo Java về nên có tên là chuối chà vàchuối và) à chuối già; sấm vãn à sấm giảng (của ông Huỳnh Phú Sổ),...(Theo khoavanhoc-ngonngu.edu.vn).
Ở TP.HCM chúng ta bắt gặp nhiều địa danh như Giồng Ông Tố ở quận 2, Giồng Cháy là khu vực sát biển Cần Giờ, Giồng Ao là rạch ở ấp Miễu Ba, xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Giồng Cát là ấp của xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi từ sau 30-4-1975. Sau lại chia thành hai ấp Giồng Sao và Láng Cát (1994)... xuất hiện nhiều còn có Giồng Trôm ở TP.HCM, Tiền Giang, Tây Ninh… Đặc biệt Giồng Trôm là một huyện của tỉnh Bến Tre...

 Trầu ở Hóc Môn - Ảnh N.TÝ
Sở dĩ gọi Ngã Ba Giồng vì Khu Tưởng niệm nơi đây được bao bọc bởi ba con đường Phan Văn Hớn, Dương Công Khi, Nguyễn Văn Bứa (trước là làng Xuân Thới Tây xưa) nay thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.
Vào Google gõ cụm từ "Ngã Ba Giồng" sẽ xuất hiện 138.000 kết quả. Đây cũng lại là điều thú vị mỗi khi dịp lễ, tết... về nguồn. Và vì sao Ngã Ba Giồng nhiều năm được chọn là nơi bắn pháo hoa dịp Giao thừa, cũng bởi đó là niềm tự hào không chỉ riêng người dân Hóc Môn, người Nam Bộ mà còn là của cả dân tộc Việt Nam.
Ngày 31-12-1940, theo báo cáo chính thức của Thống đốc Nam Kỳ thì riêng tại vùng Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Sài Gòn, Biên Hòa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, thực dân Pháp đã bắt và xử bắn 903 cán bộ, đảng viên, nhân dân đã tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 (theo nhandan.com.vn).

Khu Tưởng niệm liệt sỹ Ngã Ba Giồng được khởi công xây dựng lại ngày 30- 4- 2005 trên tổng diện tích qui hoạch 73.708 m2. Trong đó có các công trình chính như: Đền thờ, nhà truyền thống, quảng trường, các cụm tượng đài, hệ thống cây xanh, hồ phun nước… Công trình cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 vào dịp tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (22-23/11/2010). Khu tưởng niệm được đưa vào sử dụng để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu lượt du khách, đồng thời nhằm lấy ý kiến đóng góp để bổ sung cho bước hoàn thiện toàn công trình.  Trước đó, ngày 30-12-2002, Di tích này được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.
NGUYỄN TÝ

Văn bia tại Đền Tưởng niệm Ngã Ba Giồng

(PLO) - Hóc Môn là nơi phát nguồn đầu tiên, nơi diễn ra cuộc họp Xứ ủy Nam Kỳ (tháng 9-1940) đã quyết định thời gian diễn ra khởi nghĩa. Ngày nay đến viếng thăm Đền tưởng niệm chúng ta sẽ được đọc Văn bia ghi nhận công lao và sự hy sinh lớn lao của các Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống tại nơi đây.
Đền Liệt sĩ Ngã Ba Giồng tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn- niềm tự hào của người dân 18 thôn vườn trầu
Lởi kêu gọi của Bác Hồ ngày 27-7-1948
Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra vào đêm 22 rạng 23 tháng 11 năm 1940 ở 18/21 tỉnh thành ở Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo có qui mô lớn ở Việt Nam kể từ khi Đảng ra đời và trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Đây là khởi nghĩa được đánh giá là cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở Nam Kỳ từ sau khởi nghĩa Trương Định
.





Di tích Khu Đền tưởng niệm Liệt sĩ được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. 

Các nhà văn chăm chú xem sử liệu

Nhà văn Trần Xuân An chăm chỉ ghi chép sử liệu để viết bài

Danh sách 18 thôn vườn trầu

(PL-NS)- Ông ĐỖ CHỈN CHÍA, 44/5 khu phố 6, thị trấn Hóc Môn, TP.HCM, hỏi: "Địa danh “Mười tám thôn vườn trầu” chính xác ở đâu, cụ thể bao gồm những thôn nào?".
ANH PHÓ trả lời: Thưa ông Đỗ Chỉn Chía,

Trước hết, cần xác định ở thời gian trước và sau khi người Pháp xâm chiếm nước ta (1858-1859), vùng đất Gia Định có cấp hành chính cơ sở gọi bằng tên chung là xã, thôn. Đa số được gọi là thôn. Trên cấp xã, thôn là tổng; trên cấp tổng là huyện. Theo một danh sách các xã, thôn vào khoảng năm 1880 (do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sưu tầm từ địa bạ) thì hạt Sài Gòn lúc ấy có 19 tổng với 206 xã, thôn. Lãnh thổ thường gọi là “Mười tám thôn vườn trầu” nằm ở phạm vi tổng Bình Thạnh Hạ thuộc địa phận huyện Hóc Môn ngày nay, một phần tổng Bình Thạnh Trung thuộc địa phận huyện Củ Chi ngày nay và một phần tổng Bình Trị Thượng thuộc địa phận huyện Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Thạnh ngày nay.
Vườn trầu cau Hóc Môn - Bà Điểm. Ảnh: NGNGHAI


Danh từ “Mười tám thôn vườn trầu” được xác định là vùng Bà Điểm-Hóc Môn. Sở dĩ gọi vùng này là những “thôn vườn trầu” vì nơi đây có trồng nhiều trầu - một loại dây leo bám trên thân cây cau, như Trịnh Hoài Đức đã chép trong Gia Định thành thông chí: “Khi trước có mười tám thôn phụ giữ nơi ấy, dân cư ở đây đông đúc, tạo thành một chợ lớn (...). Dân nơi đây đều có sản nghiệp, phần nhiều là vườn trầu, họ thường gánh trầu đi bộ từng nhóm ba, bốn mươi người xuống bán ở hai chợ Sài Gòn và Bến Nghé. Nơi đây còn nhiều rừng rậm, cọp dữ thường hay bắt người ăn thịt nên có câu: “Dữ như cọp Vườn Trầu”.

Nhắc tới địa danh “Mười tám thôn vườn trầu” cũng cần nhắc lại cuộc khởi nghĩa ở vùng này do Phan Văn Hớn (Quản Hớn) và Nguyễn Văn Quá lãnh đạo diễn ra vào đêm 30 rạng mùng một tết năm Ất Dậu (ngày 8 rạng 9-2-1885). Cuộc khởi nghĩa thất bại, Tòa án Gia Định xét xử vụ khởi nghĩa này từ ngày 31-8 đến 3-9-1885 có kể tên các thôn phải bồi thường thiệt hại do cuộc khởi nghĩa gây ra.

Tôi đọc thấy có tài liệu liệt kê danh sách các thôn ấy như sau: 1. Bình Hưng; 2. Vĩnh Lộc; 3. Tân Thới Thượng; 4. Tân Đông Thượng; 5. Trung Chánh (Quán Tre); 6. Tân Thông Tân; 7. Tân Thông Tây; 8. Tân Thới Tam; 9. Tân Thới Nhì; 10. Tân Thới Tứ; 11. Tân Đông; 12. Tân Thành; 13. Tân Đông Trung; 14. Xuân Hòa; 15. Bình Hưng Đông; 16. Bình Nhạn; 17. Mỹ Hạnh.

Thời gian cách xa, thôn xã cứ tách nhập luôn qua các thời kỳ nên đến nay việc xác định tên và vị trí các thôn ấy quả không đơn giản chút nào! Nên có ý kiến cho địa danh gọi là “Mười tám thôn vườn trầu” chỉ là nhắm chừng, con số ước lệ, chứ không hẳn là đúng tuyệt đối như thế, vì cụ thể theo như danh sách trên đây thì cũng không đủ con số 18, chỉ có... 17 thôn mà thôi?!

Kính chào ông.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét