Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Sìn Súi Hồ - điểm du lịch bí ẩn vùng Tây Bắc

(Dân trí) - Nằm vắt vẻo trên đỉnh núi quanh năm phủ trắng sương mù, trải qua hành trình hơn 30 km từ thành phố Lai Châu, đường lên Sin Súi Hồ vắt vẻo quanh co qua những con đèo dốc. Là điểm đến còn giữ nguyên nét thuần chất mộc mạc của người Mông, nơi đây thôi thúc bước chân người lữ khách tới khám phá.

Điểm bản Sin Súi Hồ thuộc xã Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, cách trung tâm thành phố chừng 35 km. Nếu tới đây vào thời điểm tháng 9 đến tháng 10, du khách sẽ đi qua những cung đường đẹp mê mải với thửa ruộng bậc thang dài hút mắt.
Sin Súi Hồ hay còn gọi với tên khác là Sin Suối Hồ, được người bản địa cắt nghĩa là “suối có vàng”. Nằm ở độ cao hơn 1500m, điểm bản của người Mông có bầu không khí trong trẻo thoáng đãng quanh năm.
Sin Súi Hồ nhìn từ trên cao
Sin Súi Hồ nhìn từ trên cao
Dường như mùa nào, Sìn Súi Hồ cũng mang nét quyến rũ riêng. Mùa xuân mận đào nở rộ, sang hè là tới mùa sim. Thu đến, từng chùm thảo qua đỏ rực, hương thơm rạo rực khắp đất trời. Tới dịp gần tết, cả bản bừng lên như một khu vườn địa lan khổng lồ. Đặc biệt, dọc ven con đường đất lên bản là những bụi dã quỳ nở vàng ruộm, xua đi cái lạnh mùa đông.
Cổng vào Sin Súi Hồ do chính tay người dân làm bằng những nguyên liệu tự nhiên
Cổng vào Sin Súi Hồ do chính tay người dân làm bằng những nguyên liệu tự nhiên
Điểm bản gồm 103 hộ dân với gần 600 nhân khẩu đều là người Mông. Nếu từng trải nghiệm với điểm bản du lịch khác, đến với Sin Súi Hồ, du khách không khỏi ngạc nhiên bởi nơi đây vẫn giữ vẹn nguyên nét văn hóa cổ xưa, không hề bị thương mại hóa. Sự khác biệt hấp dẫn ngay từ lối cổng vào. Với nguyên liệu gỗ đá tự nhiên, cổng chào toát lên sự mộc mạc mà chuyên nghiệp.
Đường vào bản nhỏ nhưng cũng đủ để ô tô 16 chỗ vào trong. Dọc theo đường đi là biển chỉ dẫn một số hộ dân có dịch vụ homestay với số điện thoại chủ nhân ngay trên cổng. Những chậu hoa địa lan xếp từng hàng ngay ngắn ngay phía lối đi, cũng là cách để người dân “tiếp thị” về loại cây mang lại khoản kinh tế không nhỏ hàng năm.
Thác trái tim – địa điểm du lịch thuộc bản Sin Súi Hồ
Thác trái tim – địa điểm du lịch thuộc bản Sin Súi Hồ
Làng bản đơn sơ với những nếp nhà giữ nguyên nét truyền thống của người Mông nhưng được quy hoạch gọn gàng. Hầu như hộ gia đình nào cũng có nhà vệ sinh khá sạch sẽ với nguồn nước từ đường ống dẫn từ trên núi về. Bà con người Mông hiền lành, chất phác trong trang phục truyền thống, nhiệt tình chia sẻ nếu du khách nào ngỏ ý muốn xin được giúp đỡ.
Cảnh lao động của người dân
Cảnh lao động của người dân
Trước cửa nhà nhiều hộ là những dãy cây hoa địa lan
Trước cửa nhà nhiều hộ là những dãy cây hoa địa lan
Đời sống người dân khấm khá thấy rõ nhờ nguồn thu từ nhiều thứ: trồng địa lan, thu hoạch thảo quả, trông lúa ngô và nuôi trâu nuôi dê. Cây địa lan được trồng ở bản từ năm 2010. Người đầu tiên mang giống cây từ rừng về trồng là anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Súi Hồ. Trong lần đi rừng trồng thảo quả, anh phát hiện địa lan nở hoa rất đẹp. Xuống chợ Phong Thổ, thấy cây bán với giá cao, anh quyết định mang về trồng, rồi tuyên truyền cho bà con nhân rộng giống cây.
Với tiếng Kinh khá sõi, anh Trưởng bản sinh năm 1975 chia sẻ với phóng viên Dân Trí: “Nhà trồng nhiều 500 chậu, ít cũng 6-7 chậu. Như nhà mình trồng 300 chậu, bán với giá chừng 3.5-4 triệu/chậu. Khách từ Sa Pa Lào Cai đánh xe đến tận bản mua về chơi hoặc mang về xuôi bán dịp Tết”. Ngoài nguồn thu địa lan, người dân trong bản còn trồng thảo quả, chăn nuôi trâu, dê, nên thu nhập hàng năm cũng khá ổn định. Năm 2014, Sin Súi Hồ có 39 hộ nghèo. Đến 2015 giảm xuống còn 28 hộ.
Thảo quả, một trong những loại cây mang lại kinh tế cao cho người dân trong bản
Thảo quả, một trong những loại cây mang lại kinh tế cao cho người dân trong bản
Hiện Sin Súi Hồ có 6 hộ làm dịch vụ homestay, mỗi gia đình có thể đón tiếp chừng 6-10 khách ngủ qua đêm với nhà gỗ sạch sẽ, thoáng mát. Ngoài việc trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người Mông, khách còn được thưởng thức những món ăn độc đáo của dân bản địa như gà bản, lợn cắp nách, cá suối, xôi nếp nương… Mức phí ngủ qua đêm là 80 nghìn/người/đêm; phí ăn uống: 80 nghìn/người/suất. Nếu có nhu cầu, du khách cũng có thể thuê người hướng dẫn thăm bản với phí 200 nghìn-300 nghìn/người/ngày.
Bài và ảnh
Việt Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét