Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

BÍ ẨN LĂNG MỘ VUA QUANG TRUNG

Lăng Ba Vành: mộ của ai ?

TT -  Có phải lăng vua Quang Trung có tên là Đan Dương. Đan Dương lăng chính là lăng Ba Vành?
Lăng Ba Vành: mộ của ai ?
Lăng Ba Vành với ngôi mộ hình mai rùa. Ba vòng thành bao quanh đã bị cây bụi phủ kín - Ảnh: Ngọc Dương
""
Vua Quang Trung - vị hoàng đế có số phận rất đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Sự đặc biệt không chỉ ở sự xuất thân của vua từ một người nông dân áo vải cờ đào, không chỉ ở tài năng quân sự kiệt xuất, mà ngay cái chết của nhà vua cũng khác thường. Cho đến bây giờ đã qua hơn 200 năm kể từ khi vua băng hà (1792), vẫn không rõ vua mất vì lý do gì, lăng mộ của vua nằm ở đâu. Hồ sơ này muốn trình bày lại toàn cảnh cuộc giải mã “bí ẩn lăng mộ vua Quang Trung” kéo dài ròng rã 75 năm qua.
Từ một gợi ý của linh mục Léopold Cadière - chủ bút tập san Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H) của Hội Những người bạn của Huế xưa, nhà khảo cứu Nguyễn Thiệu Lâu, giáo sư sử địa Trường trung học Khải Định (tức Trường Quốc Học Huế), đã tìm thấy một ngôi mộ hoang ở vùng đồi núi phía tây nam Huế vào năm 1941.
20 năm sau (1961), ông Lâu đã công bố kết quả cuộc tìm kiếm này trên tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) số 99 ngày 15-2-1961 với một khẳng định gây sửng sốt: đó là lăng mộ vua Quang Trung!
Gợi ý của linh mục Cadière
“Sở dĩ tôi đi tìm lăng ngài Quang Trung là do cha Cadière, một nhà khảo cứu, đã bảo tôi: “Le tombeau de Nguyễn Huệ est dans la région montagneuse, a l’Ouest de Hue. Cherchez le et vous en ferez une étude”. Dịch ra tiếng Việt như sau: Lăng Nguyễn Huệ ở trong miền núi, phía tây thành phố Huế. Ông hãy đi tìm lăng ấy và ông sẽ khảo cứu”.
Tại vùng đồi gần lăng Khải Định, giáo sư Lâu đã tìm thấy một ngôi mộ hoang bị đào bới, bao quanh là ba vòng thành, có một tấm bia bằng đá bị ai đó dùng búa rập lên các chữ Hán. Giáo sư Lâu khẳng định đây là lăng vua Quang Trung đã bị vua Gia Long cho đào bới, đập phá.
Bài báo được viết theo kiểu bút ký nên không đưa ra các phân tích, đối chiếu tư liệu. Vì vậy, hơn hai tháng sau, cũng trên tạp chí Bách Khoa (số 101 ngày 1-4-1961), tác giả Bửu Kế - bấy giờ là quản thủ thư viện Viện Đại học Huế (sau này là một nhà Huế học rất nổi tiếng) - đã phản biện bằng bài báo “Từ lăng Sọ đến lăng Ba Vành”.
Số là sau khi đọc bài báo của nhà nghiên cứu Nguyễn Thiệu Lâu, ông Bửu Kế đã đi khảo sát các lăng mộ ở phía tây nam Huế, trong đó có lăng Ba Vành và xác định: ở Huế không có lăng của triều Tây Sơn.
Điều khiến người ta lưu ý nhất là việc tác giả Bửu Kế đã tìm thấy trong tu viện Thiên An, nơi cất giữ toàn bộ tư liệu của linh mục L.Cadière (trước khi ông qua đời năm 1955), một tài liệu quan trọng liên quan đến lăng Ba Vành.
Ba Vành là lăng của Ý đức hầu Lê Quang Đại?
Tài liệu quan trọng mà tác giả Bửu Kế tìm thấy là lá thư của linh mục L.Cadière gửi ông R.Orbanb - bấy giờ là quan hội lý Bộ Hộ (một chức quan cai trị của người Pháp làm việc trong Bộ Hộ của triều Nguyễn), trợ bút của tạp chí B.A.V.H - nhờ xác minh: ai là người được chôn trong lăng Ba Vành; vì sao có việc đào và đốt người dưới mộ, đập phá bia; ngôi mộ sau này đưa vào đó là của ai?
Ông R.Orbanb yêu cầu Bộ Lễ triều Nguyễn xác minh và bộ này đã trả lời bằng phúc thư, cho biết đã giao phủ Thừa Thiên hỏi làng Cư Chánh (địa bàn tọa lạc lăng Ba Vành). Lý trưởng làng Cư Chánh trả lời: vào năm Thành Thái 13 (1901), lý trưởng của làng là ông Nguyễn Bút đã cho phép ông Vũ Bá Khương, một vị quan của Cơ mật viện triều Nguyễn, đưa người thân của mình vào chôn ở đó (tức ngôi mộ nhỏ mới chôn sau này, nằm phía trước ngôi mộ bị đào - PV).
Ông Khương khai lăng Ba Vành nguyên là của vị quan thượng thư Hộ Bộ kiêm Binh Bộ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, tên là Lê Quang Đại, tước hiệu Ý đức hầu, người làng Đồng Di (huyện Phú Vang).
Từ các tư liệu này, tác giả Bửu Kế đi đến kết luận: “Ta tạm tin rằng lăng Ba Vành không phải là lăng của vua Quang Trung”. 13 năm sau, trên tạp chí Đại Chúng số 1-1974, tác giả Lê Văn Hoàng (thư ký hội đồng kiểm kê, sắp xếp văn thư của nội các triều Nguyễn thời Bảo Đại) lại tiếp tục “Nói về lăng Ba Vành”. Bài báo này tiếp tục khẳng định: “Ngôi mộ (Ba Vành) chắc chắn trăm phần trăm không phải là mộ của vua Quang Trung”.
Với lời khẳng định “chắc như đinh đóng cột” của hai học giả uy tín về lăng Ba Vành, tưởng rằng việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung phải chuyển sang hướng khác. Nhưng không phải như vậy!
Lăng Ba Vành: mộ của ai ?
Công trình nghiên cứu của ông Nguyễn Hữu Đính
Lời giải đầu tiên về lăng Ba Vành
Năm 1975, ngay sau ngày giải phóng, kỹ sư lâm học Nguyễn Hữu Đính - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Huế - đã trở lại khảo sát lăng Ba Vành mà theo lời ông là “có vị trí, hình dáng và quy mô rất kỳ lạ”. Đến thời điểm này đã có bảy bài báo viết về lăng Ba Vành, nhưng có đến sáu bài phủ nhận là lăng Quang Trung. Điều đó lại thôi thúc ông Đính vào cuộc một cách quyết liệt và bài bản hơn.
Niềm tin của ông Đính nhân lên khi ông gặp được một nhân chứng rất quan trọng, đó là cụ Hoàng Viếng - thư ký riêng của linh mục L.Cadière vào những năm cuối đời. Cụ Viếng cho biết một lần vào năm 1955, linh cảm vị linh mục này sắp ra đi, ông Viếng đã hỏi: “Thưa cha, người ta nói lăng Ba Vành là lăng Quang Trung phải không?”.
L.Cadière trả lời: “Phải, phải”. Độ một tháng sau thì L.Cadière qua đời (6-7-1955, tại Huế, thọ 86 tuổi). Ngày 17-4-1986, ông Đính hoàn tất công trình khảo cứu “Lăng vua Quang Trung ở đâu? Lăng Ba Vành ở làng Cư Chánh, Huế có phải là lăng vua Quang Trung không?”.
Một ngày đầu năm 2016, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cho chúng tôi xem bản thảo công trình nghiên cứu của thân phụ mình. Tác giả Nguyễn Hữu Đính đi đến kết luận: lăng Ba Vành không phải của vị quan có tên Lê Quang Đại.
Bởi vì quy mô lăng của một vị quan Hộ Bộ kiêm Binh Bộ không thể lớn hơn cả lăng các chúa Nguyễn, cũng như các vị quan đương thời có chức tước to hơn ông ta. Lăng Ba Vành là một ngôi lăng ngụy trang.
Theo ông Đính, ý đồ ngụy trang thể hiện qua việc sửa ngày tháng, niên hiệu phụng lập lăng ghi trên bia, khiến người ta tin rằng đó là lăng của Ý đức hầu Lê Quang Đại. Lăng Ba Vành chính là lăng của vua Quang Trung. Vua Gia Long khi chiếm lại ngôi từ nhà Tây Sơn đã cho quật mồ, lấy xác vua Quang Trung lên để trừng trị. Dấu vết ngôi mộ bị đào bới vẫn còn ở lăng Ba Vành.
Ông Đính còn đưa ra một phát hiện mới. Đó là các bài thơ của Ngô Thì Nhậm - một vị quan cận thần của vua Quang Trung - có một câu trong bàiCảm Hoài nhắc đến: “Đan Dương cung điện nhật tam thu”, một bài khác có tựa đề Khâm vãn Đan Dương lăng.
Như vậy, theo ông Đính, lăng vua Quang Trung có tên là Đan Dương. Đan Dương lăng chính là lăng Ba Vành. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cho biết ông Đính đã gửi bản thảo công trình nghiên cứu lăng Ba Vành đến các cơ quan chức năng. Nhưng ông không nhận được một phúc đáp nào cả cho đến khi qua đời năm 1995.
__________
Tưởng rằng lời giải bài toán lăng Ba Vành cũng chìm vào quên lãng cùng với sự ra đi của cụ già Nguyễn Hữu Đính, nhưng đã có một người trẻ tuổi hăng hái nhập cuộc. Đó là một thầy giáo vật lý...

Cuộc kiếm tìm 30 năm

TT - Có một thầy giáo vật lý đã gác hết mọi việc để lao vào giải bài toán Ba Vành mà anh gọi là “phương trình nửa thế kỷ”. 
"Nghe đọc bài: Cuộc kiếm tìm 30 năm"
Bí ẩn lăng mộ vua Quang Trung - kỳ 2: Cuộc kiếm tìm 30 năm
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền thuyết minh về tấm bia đã bị đục sửa ở lăng Ba Vành - Ảnh: Ngọc Dương
Đó là thầy Trần Viết Điền, giảng viên khoa vật lý Trường đại học Sư phạm Huế.
Năm đó (1986), sau khi hoàn thành công trình nghiên cứu lăng Ba Vành và gửi đi các nơi, cụ Nguyễn Hữu Đính nhắn Trần Viết Điền đến gặp và trao tập nghiên cứu cho anh đọc.
Không ngờ công việc nghiên cứu lăng vua Quang Trung đã khiến anh giảng viên vật lý theo đuổi cho đến tận hôm nay. Nếu công trình của cụ Đính rơi vào im lặng, thì lời giải Ba Vành của Trần Viết Điền lại tạo ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa.
Lăng Ba Vành không phải của Lê Quang Đại
Sau khi đọc xong công trình của cụ Đính, Trần Viết Điền đã tiến hành các cuộc nghiên cứu thực địa lăng Ba Vành, thuê người phát quang cây cối, vạch tìm từng viên đá, từng dấu vết hiện trạng.
Trần Viết Điền đồng ý với lập luận của cụ Đính: lăng Ba Vành không thể của ngài Lê Quang Đại, vì một vị quan của chúa Nguyễn không thể làm lăng to lớn hơn cả lăng chúa; về phong thủy, hướng huyệt mộ, quy mô, kiến trúc, trang trí, bia mộ... đều mang đặc điểm của lăng mộ đế vương
Tuy nhiên, Trần Viết Điền không đồng ý với cụ Đính ở lập luận: triều Tây Sơn đã ngụy trang lăng vua Quang Trung thành lăng Lê Quang Đại. Một triều đại lừng lẫy như Tây Sơn không thể làm cái việc trái khoáy đó.
Trần Viết Điền đặt vấn đề: nếu không ngụy trang thì dứt khoát ngài Lê Quang Đại phải có một cái lăng ở chỗ khác. Hay nói cách khác, muốn xác định lăng vua Quang Trung thì phải đi tìm lăng Ý đức hầu Lê Quang Đại.
Năm 1988, Trần Viết Điền đã tìm thấy trong khuôn viên của đình làng Xuân Hòa (xã Hương Long, TP Huế) có một ngôi mộ có kiến trúc đồng đại với hàng chục ngôi mộ của các vị quan thời chúa Nguyễn.
Cụ thể có hai vòng thành, một bia đá có dòng văn tự khắc rõ nét: “Bổn thổ Hộ Bộ kiêm Binh Bộ hành hạ Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ Lê Quý Công chi mộ”.
Rà soát thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, có bốn vị quan Hộ Bộ kiêm Binh Bộ, trong đó có ngài Lê Quang Đại. Trần Viết Điền cho rằng lăng của ngài Lê Quang Đại chính là đây.
Chuyên gia về Tây Sơn Đỗ Bang (lúc đó giảng dạy ở khoa lịch sử Trường đại học Tổng hợp Huế) và chuyên gia Hán - Nôm Trần Đại Vinh (giảng viên khoa văn Trường đại học Sư phạm Huế) đều bác bỏ lập luận này.
Một cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra giữa Trần Viết Điền và hai nhà nghiên cứu này. Hội thảo “Đi tìm lăng mộ Quang Trung” do UBND TP Huế chủ trì vào ngày 22-9-1988 đã kết luận: lăng Ba Vành chưa rõ chủ nhân, đề nghị tiếp tục nghiên cứu.
Bí ẩn lăng mộ vua Quang Trung - kỳ 2: Cuộc kiếm tìm 30 năm
Sơ đồ lăng Ba Vành do nhà nghiên cứu Trần Viết Điền vẽ
Lăng Ba Vành đã bị trừ yểm?
Một ngày cuối năm 2015, chúng tôi cùng nhà nghiên cứu Trần Viết Điền trở lại khu lăng mộ đã cuốn hút ông suốt 30 năm qua. Ngôi lăng Ba Vành được nhắc đến suốt hơn nửa thế kỷ, giờ lau sậy bụi bờ đã bao phủ. Nhưng đứng từ xa đã nhìn thấy quy mô khá lớn của lăng.
Hiện trạng cho thấy ngôi lăng có ba vòng thành hình móng ngựa. Cổng tam quan dẫn vào lăng đã bị sụp đổ, chỉ còn lại hai trụ lớn. Cấu trúc khu lăng có đầy đủ các yếu tố phong thủy: tả long - hữu hổ (rồng chầu bên trái, hổ phục bên phải), tiền trì - hậu chẩm (trước có hồ, sau có gò đất để gối lên).
Ông Điền chỉ vào hồ nước trước mặt lăng đã bị bồi lắng qua thời gian nhưng vẫn còn nhìn thấy hình dạng như nửa hình tròn.
“Chỉ lăng vua hoặc mẹ vua mới được phép có tân nguyệt trì tức hồ trăng non và cổng vào lăng là tam quan, còn lại thì chỉ một cửa. Hướng chính của huyệt mộ này là hướng đế vương.
Quy mô của lăng lớn hơn hẳn tất cả các lăng chúa Nguyễn. Hãy quan sát toàn cảnh, sẽ thấy phong thủy này không thể của một người bình thường được” - ông Điền say sưa thuyết minh.
Đi vào trong lăng, thấy có một ngôi mộ đắp hình mai rùa đã bị vạt một mảng lộ ra một hố như dấu hiệu của sự đào bới.
“Không phải người ta đào lấy hài cốt đâu, vì hố đào rất nhỏ và cạn. Đây là một trong những dấu hiệu của việc trấn yểm. Một cách phá hủy khôn ngoan hơn mà người xưa thường hay làm” - ông Điền nói và chỉ cho chúng tôi xem những dấu trấn yểm khác trên tấm bia đá trước mộ.
Góc trái phía trên tấm bia đã bị chém đứt. Trên mặt bia, phía trái dòng lạc khoản (dòng chữ nhỏ viết tên họ, ngày tháng trên các bia, bức họa hay đối trướng) có khắc một chữ La (thiên la địa võng), trên đầu bia lại đục hình một lưỡi mác nhỏ.
Ông Điền nói đó là dấu hiệu yểm trừ, có nghĩa là “đã bắt được”.
Không bỏ cuộc
Những lập luận và phân tích của ông Điền vẫn chưa thể thuyết phục giới chuyên môn, khiến ông quyết tâm cao độ hơn.
Ông tiếp tục trở lại làng Đồng Di, nơi được cho là quê hương của ngài Lê Quang Đại, để tiếp tục chứng minh vị quan này có lăng mộ ở làng Xuân Hòa.
Ông chỉ ra những điểm mâu thuẫn, sai lệch, mơ hồ trong việc đưa vào lăng Ba Vành một ngôi mộ mới, đắp lên tấm bia đá nguyên gốc một lớp vữa và ghi lại nội dung khác.
Ông cho rằng bộ hồ sơ về Ý đức hầu Lê Quang Đại (mà các nhà nghiên cứu trước đó dẫn ra) là hồ sơ giả, khớp với tấm bia đá giả, và những dấu hiệu bất thường trên mộ, bia và cửa tam quan bị phá...
Các ý kiến của ông Điền trên các diễn đàn đều bị phản bác quyết liệt, thậm chí phủ nhận toàn bộ. Ông quyết định chứng minh bằng phương pháp khảo cổ học.
“May mắn cho tôi, mới đây các đồng nghiệp vật lý báo tin Viện Khoa học vật liệu đã nhập được máy đo niên đại bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang quang phổ, với sai số 5%. Tôi sẽ dành số tiền dành dụm cuối đời cho việc này”.
Tuy nhiên, ông Điền nói trước khi làm việc đó thì cần phải thực hiện một cuộc khai quật khảo cổ học khu lăng mộ Ba Vành, mà việc này cá nhân ông không thể làm được.
Trong các cuộc hội thảo về lịch sử tại Huế, ông Điền luôn tha thiết đề nghị GS Phan Huy Lê cho thực hiện một cuộc khai quật lăng Ba Vành, nhưng GS Lê vẫn im lặng một cách rất thận trọng.
“Chỉ cần một cuộc khai quật là mọi chuyện sẽ rõ ngay, vì mọi bí ẩn đều đang nằm dưới đó. Nếu không phải là lăng vua Quang Trung thì sẽ giúp nhiều người an lòng mà chuyển sang hướng tìm kiếm khác!” - ông Điền nói như thể là lời cuối cùng.
Ông Điền đã mất nhiều công sức để rà soát tấm bia và phát hiện người ta dùng búa để sửa “Cảnh Thịnh nguyên niên tứ nguyệt” (tháng tư năm Cảnh Thịnh thứ nhất, tức năm đầu tiên vua Quang Toản lấy niên hiệu Cảnh Thịnh 1793, tạo lập lăng vua cha) bị sửa thành “Cảnh Hưng thất niên tứ nguyệt”, tức năm 1746 là năm mất của Lê Quang Đại.
“Phải chăng vua Gia Long đã cho làm việc đó thay vì cho đập phá bình địa thì vẫn để lại một đống đổ nát. Chỉ cần vài nhát búa sửa lên văn bia là sẽ tạo ra một sự sai lệch, xem như đã bị xóa bỏ tận gốc” - ông Điền giải thích.
__________
Trong khi ông Đính và ông Điền bỏ hết công sức để chứng minh lăng Ba Vành là lăng vua Quang Trung, thì nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lại đi tìm ở một hướng khác.

Những phát hiện ở chùa Thiền Lâm

TT - Cùng một nỗi khắc khoải “lăng mộ vua Quang Trung nằm ở đâu?”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã vào cuộc tìm kiếm và cũng theo hướng lăng Ba Vành. 
"Nghe đọc bài: Những phát hiện ở chùa Thiền Lâm"
Những phát hiện ở chùa Thiền Lâm
Sơ đồ vị trí chùa Thiền Lâm trên trục Phu Văn Lâu - đàn Nam Giao - Ảnh do nhà nghiên cứu N.Đ.X. cung cấp
“Nhưng may sao tôi sớm phát hiện được nhiều thông tin lịch sử hé lộ cho biết lăng mộ vua Quang Trung có tên là lăng Đan Dương, với những yếu tố mà thực tế lăng Ba Vành không hội đủ” - ông Xuân mở đầu như thế trong công trình nghiên cứu về lăng vua Quang Trung mà ông đã miệt mài theo đuổi một cách quyết liệt suốt hơn 30 năm qua.
Bí ẩn ở chùa Thiền Lâm
Cuộc tìm kiếm 30 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã mang lại kết quả mà ông đã thông báo rộng rãi, lần mới đây nhất là cuối tháng 11-2015: vua Quang Trung có một cung điện tên là Đan Dương, được xây dựng trên nền phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn, là nơi ông sống và làm việc lúc làm vua ở Phú Xuân.
Khi chết, thi hài ông được mai táng ngay tại cung điện này, được gọi là lăng Đan Dương. Lăng nằm gần chùa Thiền Lâm xưa, thuộc ấp Bình An, là khu vực bao quanh cồn Bông Sứ, các chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước (Huế) và khu dân cư lân cận bây giờ...
... Một ngày cuối tháng 11-2015, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa đoàn chuyên gia gồm GS Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN - cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử trong nước đến thực địa khu vực mà ông cho là “nơi tọa lạc của cung điện Đan Dương”.
Điểm tập kết là ngôi chùa có tên Thuyền Lâm ở 150 đường Điện Biên Phủ (Huế), nằm ngay phía trước bên phải chùa Từ Đàm. Một ngôi chùa vắng lặng, nhưng nghe ông Xuân giới thiệu thì mới hay chùa đang chồng chất nhiều bí ẩn.
Ông Xuân cho biết chùa Thuyền Lâm hiện nay được dựng trên khuôn viên chùa Thiền Lâm xưa. Đó là ngôi chùa rất nổi tiếng trong sách sử, được khai sơn vào cuối thế kỷ 17 dưới thời chúa Nguyễn, lúc đầu chỉ là một thảo am thuộc phủ Dương Xuân.
Năm 1695, hòa thượng Thích Đại Sán từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang hoằng đạo xứ Đàng Trong theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu và lưu trú tại đây. Chúa đã cho xây dựng lại chùa với quy mô lớn như “một tòa phương trượng”.
Đến thời Tây Sơn chiếm Phú Xuân, Bùi Đắc Tuyên (sau này là thái sư dưới triều vua Quang Toản) chiếm chùa Thiền Lâm làm dinh thái sư. Năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị quân “đảo chính” bắt giết, chùa trở thành kho than.
Thời Gia Long, Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu đã cho trùng tu. Đến cuối thế kỷ 19, người Pháp cho mở con đường Nam Giao Tân Lộ (tức đường Điện Biên Phủ bây giờ) đi xuyên qua khuôn viên nên chùa phải dời qua phía tây, tại vị trí chùa Thuyền Lâm bây giờ.
Từ đó, theo ông Xuân, chùa Thiền Lâm rơi vào hoang phế, cho đến năm 1990 mới được thượng tọa Thích Chơn Trí đến gây dựng lại (và gọi tên chùa là Thuyền Lâm).
Điều bí ẩn mà ông Xuân cho biết liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung chính là vô số gạch đá mà thượng tọa Thích Chơn Trí đã phát hiện dưới mặt đất khi đào móng xây nhà và cuốc đất làm vườn.
Nhà sư cho biết có rất nhiều đá đủ kiểu: đá táng cỡ lớn (dùng kê dưới chân cột nhà), đá lát nền, chân bia, gạch vồ có khuôn dấu... Các hiện vật đó hiện vẫn còn bảo lưu ở sân chùa, một số đã được chùa tận dụng xây nhà.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng khi mở đường Nam Giao, chùa Thiền Lâm đã di dời về xây dựng trên nền của một công trình kiến trúc đã bị triệt phá và vùi lấp bên dưới.
Tiếp tục khảo sát thực địa tại đây, ông Xuân còn phát hiện một số bia mộ của các vị tổ sư chùa Thiền Lâm bị mài đục.
Những phát hiện ở chùa Thiền Lâm
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (đeo máy ảnh) giới thiệu về những hiện vật được phát hiện dưới lòng đất chùa Thiền Lâm - Ảnh: Minh Tự
Dấu vết của một quần thể kiến trúc lớn đã bị triệt phá
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề nghị chúng tôi rời khỏi khuôn viên chùa Thuyền Lâm để xem những dấu vết của một quần thể công trình kiến trúc mà theo ông là đã bị triệt hạ và vùi lấp dưới mặt đất.
Dấu vết đó nằm bao quanh cả một khu vực gồm chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước, cồn Bông Sứ và khu dân cư quanh các chùa này.
Năm 1988, sau khi tiếp cận những hiện vật mới phát hiện ở chùa Thuyền Lâm, ông Xuân đã mở rộng nghiên cứu cả khu vực xung quanh và tiếp tục phát hiện những hiện vật gạch, đá, móng thành, những đống gạch đá vụn, rải rác đá táng và đá lát trên dọc đường đi...
Ông Nguyễn Hữu Oánh, nhà ở phía sau chùa Thuyền Lâm, cho ông Xuân biết khi đào vườn làm nhà đã gặp hàng trăm viên gạch vồ và đá lát.
Bà Nguyễn Thị Liên, em ông Oánh, nhà ở ngay bên cạnh, cho biết năm 1945 gia đình bà đào hầm tránh bom đã phát hiện một đường hầm nằm sâu dưới đất. Ông Xuân nghi vấn: có thể đây là huyệt mộ.
Từ những phát hiện đó, ông Xuân quyết định mở một hố khai quật ngay đầu hè nhà bà Liên vào tháng 12-1988, với sự chứng kiến của các nhà nghiên cứu quan tâm đến lăng mộ vua Quang Trung.
Tại độ sâu 2m, ông Xuân phát hiện nhiều vôi vữa mà sau đó đem đối chiếu thì đồng dạng với vôi vữa ở các công trình xây dựng trong giai đoạn xuất hiện lăng mộ vua Quang Trung.
Ông Oánh còn cho ông Xuân biết vào khoảng năm 1938, cụ thân sinh ông đào được bốn tấm đá có kích thước rất lớn, hình chữ nhật, dài 2,72m, rộng 0,67m, dày 0,35m.
Ông Xuân đưa chúng tôi vào chùa Vạn Phước nằm gần nhà ông Oánh, ngoài tấm đá lớn nói trên, tại đây còn có nhiều viên đá táng dùng kê cột nhà, nhiều viên đá lát, đá trang trí.
Trước chùa Vạn Phước là một cồn mồ gọi là cồn Bông Sứ, trải rộng trên một sườn đồi. Phía trước có một khe nước chảy ra tên là suối Tiên, chếch về bên trái có một hồ rau muống đã bị lấp một phần.
Ông Xuân cho biết năm 1988 khi ông đến đây nghiên cứu thì hồ này có hình bán nguyệt. Ông Xuân đã mời bác sĩ Dương Văn Sinh - một chuyên gia về dịch học và phong thủy ở Huế - đến cồn Bông Sứ.
Sau khi xem xét và đo đạc hiện trường, ông Sinh cho biết cuộc đất này có đủ các yếu tố “cát địa” của đế vương.
Ông Xuân đưa chúng tôi sang phía đối diện cồn Bông Sứ, ở đó có ngôi chùa tên là Kim Tiên. Ông Xuân cho biết đây là ngôi chùa Tiên mà công chúa Lê Ngọc Hân, tức Bắc cung hoàng hậu của vua Quang Trung, đã lưu trú sau khi vua qua đời và viết bài Ai tư vãn (khóc vua Quang Trung) tại đây.
Ông Xuân còn tìm thấy thêm một số giếng và mồ hoang ở các chùa Diệu Đức, Tuệ Lâm trong khu vực này...
Từ những phát hiện trên đây, ông Xuân đi đến kết luận: đó là dấu vết cung điện Đan Dương - lăng Đan Dương của vua Quang Trung - và trước đó là phủ Dương Xuân. Cung điện này nằm gần cạnh chùa Thiền Lâm, trên nền của phủ Dương Xuân, tức cung điện mùa đông của các chúa Nguyễn.
Khi vua chết đã được an táng ngay tại cung điện này, gọi là lăng Đan Dương. Năm 1802, vua Gia Long đã cho quật mồ, lấy thi hài lên để “tận pháp trừng trị” và triệt phá lăng Đan Dương. Giếng hoang là dấu vết sinh hoạt của quân Tây Sơn và “mã loạn” là mồ của họ sau khi bị nhà Nguyễn tiêu diệt...
Kết luận này đã tạo ra những cuộc tranh luận kịch liệt giữa ông Nguyễn Đắc Xuân với những nhà nghiên cứu theo giả thiết lăng Ba Vành và những người không đồng tình với cả hai giả thiết này, kéo dài cho đến tận hôm nay

Có không cung điện Đan Dương?


TT - “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Đó là câu chú thích trong bài thơ Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm - một vị cận thần của vua Quang Trung. 
Có không cung điện Đan Dương?
Tư liệu duy nhất có ghi về mộ vua Quang Trung. Đó là một dòng trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện - Ảnh do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cung cấp
"Nghe đọc bài Có không cung điện Đan Dương?"
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân xem như là “chiếc chìa khóa vàng” mở ra toàn bộ bí ẩn lăng mộ vua Quang Trung, vốn là nơi sống và làm việc của vua thời ở Phú Xuân có tên là cung điện Đan Dương.
Cung điện Đan Dương: gần chùa Thiền Lâm
Dữ liệu mà ông Xuân sử dụng để giải mã “lăng mộ vua Quang Trung” gồm hai nguồn chính là: tư liệu thành văn và kết quả khảo sát thực địa (khu vực ấp Bình An, Huế).
Tư liệu thành văn là các sách sử của triều Lê, chúa Nguyễn, vua Nguyễn, Tây Sơn, đặc biệt là ghi chép của người Pháp vào thời điểm vua Quang Trung đang ở kinh đô Phú Xuân, các bài thơ của hai vị cận thần vua Quang Trung là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích.
Năm 1793, Ngô Thì Nhậm được cử sang Trung Quốc báo tang với triều Mãn Thanh. Trong những ngày đi sứ, ông nhớ về vua Quang Trung và viết bài thơCảm hoài với câu kết: “Đan Dương cung điện nhật tam thu”.
Đặc biệt có câu chú giải bên dưới mà ông Xuân cho rằng đó là lời chú của Ngô Thì Nhậm: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.
Ông Xuân nhấn mạnh đây là thông tin vô cùng quý giá, cho thấy có một cung điện mang tên Đan Dương của vua Quang Trung; khi vua băng hà thì trở thành nơi an táng (phụng chứa bảo y tức là chôn cất thi hài); nằm ở nơi có địa hình đồi núi (sơn lăng).
Hành động “tận pháp trừng trị” của Gia Long, trong đó có việc tiêu hủy toàn bộ tài liệu liên quan đến nhà Tây Sơn, khiến việc tìm kiếm thông tin liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung trở nên vô cùng khó khăn.
Các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy duy nhất thông tin ghi trong sách Đại Nam liệt truyện của triều Nguyễn, phần “Truyện chép về Ngụy Tây”: “táng vu Hương Giang chi nam” (chôn ở phía nam sông Hương).
Thông tin đó xác định lăng mộ của vua Quang Trung táng ở Huế chứ không phải là nơi nào khác. Việc còn lại là phải xác định vị trí nào trong một vùng bao la phía nam sông Hương.
Ông Nguyễn Đắc Xuân xác định tọa độ của lăng Quang Trung bằng yếu tố “phía nam sông Hương” và giả thiết là nằm trên trục Phu Văn Lâu - đàn Nam Giao. Ông Xuân lại tìm thấy trong bài thơ Mùa xuân ở công quán ghi việc của Phan Huy Ích có câu chú dẫn: “nhà của thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ, nằm ở phía nam sông Hương...”.
Tìm trong tập thơ Dật thi lược toản của Phan Huy Ích, ông Xuân tiếp tục thấy một thông tin vô giá là câu nguyên chú trong bài thơ mang số thứ tự 266: “Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu”.
“Trời ơi, tôi có cảm giác như Phan Huy ích đã gửi lại cho tôi một thông tin vô giá khác” - ông Xuân thốt lên.
Ông cho biết Phan Huy Ích làm bài thơ này trong giai đoạn 1792-1794, khi ông đang làm quan dưới trướng thái sư Bùi Đắc Tuyên, lúc Quang Trung vừa mất. Như vậy, theo ông Xuân, lăng mà bọn tiểu giám giữ đó chính là lăng vua Quang Trung.
Kết hợp các yếu tố trên đây, ông Xuân xác định: lăng mộ vua Quang Trung nằm gần chùa Thiền Lâm, phía bắc đàn Nam Giao.
Có không cung điện Đan Dương?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân giới thiệu với GS Phan Huy Lê (thứ tư từ trái) và giới sử học về một hiện vật đá với hoa văn rất đẹp, phát hiện tại cồn Bông Sứ. Tại đây có khá nhiều hiện vật như thế - Ảnh: Minh Tự
Trước kia là phủ Dương Xuân?
Rất may các tài liệu của những người Pháp đến Phú Xuân thời chúa Nguyễn và thời vua Quang Trung miêu tả khá rõ về phủ Dương Xuân - cung điện mùa đông của chúa Nguyễn và nơi làm việc của vua Quang Trung.
Nghiên cứu các tài liệu này và tham chiếu những sách sử của triều Nguyễn, ông Xuân tách ra được các dữ liệu liên quan giữa phủ Dương Xuân và cung điện Đan Dương. Cung điện Đan Dương và phủ Dương Xuân ở phía nam sông Hương, cùng ở phía bắc đàn Nam Giao, gần chùa Thiền Lâm...
Kết quả khảo sát thực địa ấp Bình An với vô số gạch vồ, các loại đá táng, đá lát, đá trang trí... cho thấy tại đây từng có những kiến trúc cung điện đã bị triệt phá chôn vùi.
Với tất cả dấu hiệu thu thập được, ông Xuân đi đến kết luận sâu hơn: phủ Dương Xuân tức cung điện mùa đông của các chúa Nguyễn đã được vua Quang Trung tiếp quản và chuyển thành cung điện Đan Dương.
Đây là nơi vua sống và làm việc suốt thời gian trị vì ở Phú Xuân. Đây cũng là nơi chôn cất thi hài của vua khi băng hà (năm 1792), gọi là Đan Dương lăng. Quan điểm của ông Nguyễn Đắc Xuân nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà nghiên cứu, nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí phản bác kịch liệt.
Ở hội thảo “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” tổ chức ngày 31-11-2015, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy (Huế) cho rằng các tư liệu thơ văn của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích mà ông Xuân đã tham khảo là không chuẩn.
Cụ thể là câu “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” do người đời sau viết, vì thi sĩ ngày xưa viết thơ văn không bao giờ chú thích nên không thể lấy đó làm căn cứ.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Huế) khẳng định: không có cung điện Đan Dương nào cả mà chỉ có một lăng Đan Dương, nơi an táng thi hài của Thái tổ Võ hoàng đế Quang Trung!
Ông Vinh cũng như nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đều xác nhận có lăng Đan Dương, nhưng bác bỏ lập luận của ông Xuân rằng tiền thân lăng Đan Dương là phủ Dương Xuân, gần chùa Thiền Lâm.
Ông Vinh, ông Điền và trước đó là các nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, Lê Nguyễn Lưu, Nguyễn Anh Huy đều cho rằng: phủ Dương Xuân nằm ở một nơi khác, dù đã mất tích nhưng cũng không khó để xác định.
Vua Quang Trung mất khi mới 39 tuổi
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên của triều Nguyễn, Nguyễn Huệ mất vào đêm 29-7 Nhâm Tý, nhằm đêm 15-9-1792. Vua mất khi mới 39 tuổi (theo tuổi âm lịch là 40), sau khi lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Quang Trung được năm năm.
Theo lời dặn của vua cha, con trai Quang Toản đã giữ bí mật thông tin vua mất, bí mật an táng và hai tháng sau mới báo tang.
Sau khi vua mất, con trai trưởng Quang Toản mới 10 tuổi đã phải lên ngôi, triều Tây Sơn bắt đầu suy yếu. Tháng 5-1801, Nguyễn Ánh từ Gia Định kéo quân ra đánh chiếm lại Phú Xuân. Vua Quang Toản và quần thần chạy ra Bắc trú ẩn.
Cuối năm 1802, Nguyễn Ánh hành hình vua Quang Toản cùng con cháu và tướng lĩnh triều Tây Sơn; giã nát hài cốt Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc; nhốt sọ đầu của Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Quang Toản vào ngục thất (theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện).
Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ rơi vào tay quân Pháp, ba chiếc vò đựng sọ đầu của các vua Tây Sơn đều biến mất.

Đi tìm phủ Dương Xuân


TT - “Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào” - sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn chép như thế về phủ Dương Xuân - cung điện mùa đông của các chúa Nguyễn. 
Đi tìm phủ Dương Xuân
Đình Dương Xuân Hạ nằm trên gò Dương Xuân, nhìn xuống khu Ruộng Phủ và cách bờ sông Hương khoảng 800m - Ảnh: Ngọc Dương
Tòa phủ này đã trở thành một ẩn số quan trọng trong việc giải mã lăng mộ vua Quang Trung từ khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra lập luận: phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn là tiền thân của cung điện Đan Dương và là lăng Đan Dương của vua Quang Trung sau khi băng hà.
Phủ Dương Xuân nằm trên gò đồi, gần bờ nam sông Hương
Căn cứ vào các nguồn sử liệu nói trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy (bác sĩ, ở Huế) xác định phủ Dương Xuân được xây dựng vào năm 1691, khi chúa Nguyễn Phúc Chu mới lên ngôi.
Đến năm 1700, chúa Nguyễn Phúc Chu cho trùng tu, phát hiện một ấn đồng nên phủ có tên khác là phủ Ấn.
Năm 1740, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho trùng tu lớn phủ Dương Xuân to đẹp hơn, làm cung điện mùa đông, nơi sống và làm việc của chúa (và gia đình chúa) vào mùa mưa để tránh lụt. Năm 1754, lấy phủ Tập Tượng phía trên phủ Dương Xuân làm điện Trường Lạc, là cung điện mùa hè.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (nguyên giảng viên khoa văn Trường đại học Sư phạm Huế), từ năm 1766 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, phủ Dương Xuân không được chăm sóc nên hư hỏng dần.
Suốt 12 năm chiếm đóng ở Phú Xuân (từ 1775-1786), nhà Trịnh bỏ trống các phủ Dương Xuân, điện Trường Lạc nên càng làm cho nó rơi vào điêu tàn. Năm 1776, Lê Quý Đôn đã đến đây và ghi nhận tình trạng này trong sáchPhủ biên tạp lục.
Cũng theo ông Vinh, đến khi Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân năm 1786 thì các phủ điêu tàn này không phải là mối quan tâm của ông để tái thiết.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy phân tích từ tám nguồn sử liệu liên quan để lấy ra các chi tiết mô tả phủ Dương Xuân về: địa điểm, quy mô, cấu trúc, cảnh quan, cự ly của các công trình, đối chiếu thực tế... Từ các chi tiết đó, ông Huy lắp ráp lại để hình dung ra phủ Dương Xuân.
Mô tả toàn cảnh: vương phủ này có cung điện chính nằm trên một gò; tổng thể toàn cung điện cả thành quách; nằm ở bờ (nam) sông Hương, đối diện với một hòn đảo;
Nhánh bên phải cung điện nhìn ra con kênh; nằm gần phường thợ đúc; rộng 1-2 dặm (khoảng 1,5 cây số vuông) và chứa được cả ngàn quân lính đứng canh; là khu vực riêng biệt, có cung nữ ở, tấu nhạc, huấn luyện voi, duyệt binh...
Mô tả cận cảnh: gần cổng phủ có một cái phòng nhỏ nền thấp hơn để tiếp khách; một nhánh cung điện ở tầng cao hơn phòng tiếp khách, đối diện với một cái hồ, nơi chúa đã giăng lưới bắt cá.
“Mô tả của thương gia James Bean cho thấy phủ Dương Xuân là một nơi rất rộng lớn, có tàu ngựa, tàu voi, cung môn, súng thần công, chứa được cả 1.000 binh lính, cung phi mỹ nữ. Mô tả khá chi tiết, nhưng không hề thấy chi tiết nào của chùa chiền cả!” - ông Huy nói.
Vậy phủ Dương Xuân được mô tả khá chi tiết đó nằm vị trí nào? Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh xác định: trước hết, nó phải ở gần nhà thờ Thợ Đúc (khoảng cách chừng một cây số) và phải nằm ở trên đồi để tránh lụt lớn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy nhấn mạnh hai chi tiết mà theo ông là rất quan trọng: cả giáo sĩ P. Koffler và thương gia Pierre Poivre đều mô tả phủ Dương Xuân: nằm ở bờ sông (nguyên văn tiếng Pháp: “sur la rive”, “sur le bord du fleuve”).
Cả Pierre Poivre và James Bean đều mô tả: đối diện với một hòn đảo. “Đối chiếu với các tiêu chí khác được mô tả thì bờ sông này chính là sông Hương và hòn đảo đó là cồn Dã Viên” - ông Huy xác định.
“Chúng tôi đã đi điền dã khu vực này và nhận thấy gò Dương Xuân đáp ứng các đặc điểm này. Trên gò đó hiện đang có ngôi đình của làng Dương Xuân Hạ, nhìn ra cánh đồng Bàu Vá.
Phủ Dương Xuân vốn tọa lạc tại vị trí của ngôi đình này. Hãy đến hiện trường sẽ hình dung rõ ràng hơn” - ông Vinh nói và đưa phóng viên Tuổi Trẻ đến hiện trường.
Đi tìm phủ Dương Xuân
Một con rồng đắp bằng gạch và vữa, nằm cạnh lối đi lên đình Dương Xuân Hạ. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng đó là một hạng mục của một công trình trước đó đã mất - Ảnh: Ngọc Dương
Đó là vị trí đình Dương Xuân Hạ
Từ ga Huế đi theo đường Bùi Thị Xuân ven bờ nam sông Hương hơn một cây số sẽ thấy một con đường bên trái dẫn vào khu ruộng Bàu Vá (hiện đã san lấp một phần làm khu dân cư).
Ông Vinh cho biết đây chính là Ruộng Phủ mà học giả L.Cadière đã nhắc đến trong bài khảo cứu “Phường Trường Súng” đăng tạp chí B.A.V.H. năm 1925. Tiếp giáp với khu ruộng là gò Dương Xuân, phía trên đó đang tọa lạc ngôi đình của làng Dương Xuân Hạ.
Chúng tôi theo những bậc cấp đi lên ngôi đình nằm ở lưng chừng gò đồi, trên một mặt bằng rộng chừng vài ngàn mét vuông. Dọc các bậc cấp dẫn lên đình vẫn còn một hình rồng đắp bằng gạch đã bong tróc lớp vữa, có những viên gạch nhỏ mà ông Vinh cho biết là kiểu gạch thời chúa Nguyễn.
Trên sân đình vẫn còn nhiều viên đá granite vuông, đá táng lót chân cột; trong khuôn viên đình có nhiều gạch ngói vụn vỡ. Các vật liệu này khác hẳn vật liệu xây dựng đình, nên dễ dàng nhận ra dấu hiệu của một công trình kiến trúc trước đó đã bị hạ giải.
Đứng ở cổng đình có thể nhìn bao quát cả vùng xung quanh, sông Hương nằm trước mặt với khoảng cách hơn 500m. Phía chân gò ngay bên trái đình là một ao nước, mới bị san lấp một phần. Phía bên kia ao tiếp liền với chân gò đồi khác là khu dân cư cũ của làng.
Nhìn sang phía đối diện chếch về phía tây bắc là đình Xuân Giang, đã được xác định nguyên là vị trí của điện Trường Lạc. Khu ruộng trước mặt điện Trường Lạc vẫn còn rõ dấu tích khu vực thao diễn của voi ngựa và binh lính chúa Nguyễn.
“Những đặc điểm này cho phép nhận định nơi đây có khả năng là mặt bằng của phủ Dương Xuân ngày xưa.
Sau khi phủ Dương Xuân điêu tàn, vào cuối đời Tự Đức dân làng Dương Xuân Hạ đã xây dựng đình làng của mình trên một phần mặt bằng của phủ. Các phế tích gạch đá chính là vật liệu của phủ Dương Xuân” - ông Vinh nói.
Các nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, Lê Nguyễn Lưu, Hồ Tấn Phan và Nguyễn Anh Huy cũng có quan điểm tương tự nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh.
Vị trí của phủ Dương Xuân mà các vị này xác định cùng nằm trên gò Dương Xuân với chùa Thiền Lâm, nhưng cách chùa này một khoảng chừng 500m và gần phía bờ sông Hương.
Phủ Dương Xuân mất tích trên thực tế, nhưng may mắn thay đã được ghi chép khá rõ trong nhiều tài liệu lịch sử.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy đã thống kê có đến 8 nguồn tài liệu của: nhà sư Thích Đại Sán (người Trung Quốc, tài liệu chép năm 1695), giáo sĩ P. Koffler (người Pháp, từ 1740-1755), thương gia Pierre Poivre (người Pháp, từ 1749-1750), linh mục Lefebvre (người Pháp, 1750), thương gia James Bean (người Anh, 1765), các sử thần Lê - Trịnh và Lê Quý Đôn (1776), Phan Huy Chú (từ 1809-1819), Quốc sử quán triều Nguyễn (sách Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí).
Ngoài ra còn có thư của giáo sĩ La Bartette (1788), bài nghiên cứu của linh mục L. Cadière trên tạp chí B.A.V.H. năm 1925.

Câu trả lời đang nằm dưới lòng đất


TT - Nhiều thông tin mới về lăng mộ vua Quang Trung ở các nơi khác, khiến cuộc tìm kiếm càng trở nên kịch tính hơn. Lăng mộ vua Quang Trung thực sự ở đâu?
Câu trả lời đang nằm dưới lòng đất
Tượng đài vua Quang Trung ở Huế - Ảnh: Ngọc Dương
Trong khi dư luận đang dõi theo hai hướng tìm kiếm lăng vua Quang Trung ở Huế (lăng Ba Vành và khu vực chùa Thiền Lâm), thì xuất hiện nhiều thông tin mới về lăng mộ vua Quang Trung ở các nơi khác, khiến cuộc tìm kiếm càng trở nên kịch tính hơn.
Khuân Sơn, Phan Thiết hay núi Quyết?
Tháng 10-2005, tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học lịch sử VN công bố một phát hiện của hai nhà nghiên cứu Hồng Phi và Nương Nao liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung, khiến giới nghiên cứu sử học cũng như dư luận hết sức quan tâm.
Đó là bài thơ Kiến Quang Trung linh cữu nằm trong tập thơ Liên Khê Nam hành tạp vịnh của nhà nho Lê Triệu, người Thanh Hóa, sống vào thời Tây Sơn và triều Nguyễn (1771-1846).
Hai nhà nghiên cứu dịch tên bài thơ là: Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trungvà dựa vào câu thơ: “Khuân Sơn họa tại bách niên phần”, để giả thiết rằng trong chuyến Nam hành, Lê Triệu đã đến thăm phần mộ của hoàng đế Quang Trung tại một ngọn núi có tên là Khuân Sơn.
Các tác giả này suy đoán Khuân Sơn có thể là Thương Sơn, tức núi Kim Phụng nằm ở phía tây Huế. Ngày 8-2-2006, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế đã mở cuộc tọa đàm để bàn về công bố này với sự tham gia của hai tác giả Hồng Phi và Nương Nao. Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đã bác bỏ giả thiết này.
Giả thiết “Khuân Sơn” vừa tạm khép thì lại xuất hiện thông tin tìm thấy mộ vua Quang Trung ở Phan Thiết. Báo Thanh Niên ngày 31-7-2006 cho biết cô giáo Võ Thị Minh Liêm, sinh năm 1956, là con gái nhà văn Võ Hồng, đã bỏ ra 16 năm để tìm sự thật một ngôi mộ cổ nằm trong khu vườn cách TP Phan Thiết gần 10km.
Bà Minh Liêm cho rằng mộ vua Quang Trung ở Huế chỉ là mộ giả, và giả thiết rằng ngôi mộ ở Phan Thiết là mộ vua Quang Trung, do hoàng hậu Ngọc Hân bí mật đưa thi hài vua theo đường biển vào đây để mai táng. Nhưng giả thiết này rơi vào im lặng, có lẽ chưa đủ căn cứ để thuyết phục.
Trong khi các nhà nghiên cứu tập trung chủ yếu ở tọa độ Huế, thì tại Nghệ An ra đời một nhóm tìm mộ vua Quang Trung do ông Nguyễn Hữu Bản - nguyên chủ tịch UBND TP Vinh - làm trưởng nhóm.
Nhóm này giả thiết rằng mộ vua Quang Trung được chôn cất ở núi Quyết, nay thuộc địa phận phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An. Địa điểm mai táng này gắn liền với việc vua Quang Trung chọn nơi này để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô - kinh đô của triều Tây Sơn.
Đồng tình với giả thiết này còn có nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật (TP.HCM), các nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Siêu, Nguyễn Thiện Đức.
Tại cuộc hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô” tổ chức tại TP Vinh ngày 31-5-2011, đại diện nhóm tìm mộ vua Quang Trung ở Nghệ An đã đưa ra lập luận: mộ của hoàng đế Quang Trung tại Huế chỉ là mộ giả; thi hài của vua đã được đưa bằng đường biển, sau đó theo đường sông vào an táng tại Phượng Hoàng Trung Đô.
Sau đó, đích thân chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã gửi công văn cho thủ tướng đề nghị xúc tiến việc tìm kiếm lăng mộ hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An.
Câu trả lời đang nằm dưới lòng đất
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thuyết minh với GS Phan Huy Lê (người ngồi) về cung điện Đan Dương - Ảnh: Minh Tự
Có thể lăng vua vẫn chưa bị quật phá?
Trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay ngày 10-5-2007, TS sử học Phan Văn Hoàng cho biết có người cho rằng lăng mộ vua Quang Trung nằm ở núi Kim Phụng (phía tây Huế).
Đó là nơi an nghỉ cuối cùng của bà Phạm Thị Liên - chính cung hoàng hậu của vua Quang Trung - mất trước vua một năm. Lại có giả thiết khác nói mộ vua không nằm ở đâu cả mà chính tại quê ông ở Bình Định. Một giả thiết nữa đưa ra một địa chỉ thật lạ: ấp 5, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế).
Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế cho hay tại Huế có đến sáu điểm được quan tâm: lăng Ba Vành, ấp Bình An (chùa Thiền Lâm - Vạn Phước), núi Ngọc Trản (có điện Hòn Chén), núi Kim Phụng, khu vực xã Bình Điền (huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), núi Chóp Vung (gần đường tránh Huế).
Một buổi sáng tháng 8-2015, có vị sư tìm đến Văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Huế, chuyển cho báo một số tư liệu liên quan đến lăng vua Quang Trung và khẳng định: mộ vua đang nằm tại một khu vườn trong kiệt (hẻm) 15 đường Minh Mạng - Huế (phía sau đàn Nam Giao).
Chúng tôi đã tìm đến đó và thấy có một ngôi mộ tháp, rêu phong phủ kín, dân chúng không biết mộ của ai. Nhà sư tự giới thiệu pháp danh là Thích Chơn Niệm từ Bình Định tìm ra Huế. Ông cho hay văn bia ngôi mộ này ghi là mộ của bà Duệ Toán phu nhân, người sáng lập nên chùa Thiên Thai, là khu vực có ngôi mộ tháp này.
Theo nhà sư, thực chất đó là văn bia giả để che giấu thi hài của vua Quang Trung được chôn bên dưới. Vị sư cho biết ông đã gửi thư cho các vị lãnh đạo và các nhà nghiên cứu, đề nghị cho khai quật ngay kẻo muộn.
Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN - cho biết kết quả thẩm định các giả thiết trên đây đều cho thấy chưa có căn cứ xác đáng.
“Rất có thể mộ vua Quang Trung chưa bị quật phá?” - đó là ý kiến của ông Hoàng Xuân Định, một cán bộ hưu trí tại Huế rất quan tâm đến cuộc tìm kiếm này, được đưa ra tại hội thảo về vua Quang Trung vào tháng 6-2008 (tại Huế).
Ông Định đưa ra những điều vô lý: trong tình thế cấp bách, phía bắc quân Quang Toản kéo vào đòi chiếm lại Phú Xuân, phía nam thì quân Tây Sơn uy hiếp ở Quy Nhơn, làm sao Nguyễn Ánh lại đủ tâm trí và thời gian để đi tìm mộ Quang Trung mà quật phá?
Vua Quang Trung mất năm 1792, đến mười năm sau (1801) thì thi hài đâu còn nguyên vẹn để Nguyễn Ánh quật lên bêu đầu ở chợ? Từ nghi vấn đó, ông Định cho rằng thi hài của vua Quang Trung vẫn còn đâu đó dưới lòng đất Huế.
Tuy nhiên, cuộc hội thảo mới đây nhất về cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế (tháng 11-2015) cho thấy giới sử học có vẻ nghiêng dần về giả thiết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.
Kết luận cuộc hội thảo này, GS Phan Huy Lê ủng hộ lập luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: có cung điện tên là Đan Dương của vua Quang Trung trong thời gian ở Phú Xuân. Khi vua băng hà, đã mai táng ngay tại cung điện đó.
Nhưng vị trí cung điện đó ở đâu còn phải tiếp tục nghiên cứu, không chỉ tại khu vực chùa Thiền Lâm mà phải mở rộng ra vùng xung quanh.
“Tôi trân trọng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho Sở VH-TT&DL hay Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức một đợt điều tra khảo cổ học. Trên cơ sở đó, có thể đề xuất khai quật khảo cổ học một vài địa điểm cần thiết” - GS Lê nhấn mạnh.
Một ngày đầu xuân 2016, phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ trở lại với GS Lê để hỏi bao giờ thực hiện cuộc khai quật này, ông cho biết điều đó tùy thuộc vào sự nhập cuộc của chính quyền và các cơ quan chức năng.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng đây là việc quốc gia đại sự, một việc cần làm của hậu thế với vị tiền bối có nhiều công trạng với đất nước như vua Quang Trung.
Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu, việc lớn này cần phải có sự vào cuộc của Nhà nước, bằng việc xây dựng một dự án và huy động các cơ quan chuyên môn triển khai dự án đó.
MINH TỰ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét