TT - Cuối tháng 12-2015, UNESCO đã trao công nhận Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang gồm vườn quốc gia Bidoup -
núi Bà và đỉnh Lang Biang đã trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ chín của thế giới tại Việt Nam.
Thân cây pơ mu nhiều năm tuổi nhưng chỉ to thế này - Ảnh: Hoàng Điệp |
Thật ngạc nhiên khi ở đây có những loại cây thường sống trong rừng nhiệt đới hàng ngàn năm tuổi lại thấp lè tè
(cao 2 - 7m) và thân nhỏ tới mức có thể ôm trọn chỉ với
đôi bàn tay chụm tròn.
Đèo Hòn Giao cao 1.948m là nơi chúng tôi chọn làm nơi xuất phát để đi xuyên Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), tìm ra buôn của những người già dân tộc Cil.
Chúng tôi đi ở nơi chưa có đường, mây vờn qua tay và để đến được buôn lạ kỳ ấy, đoàn phải xuyên qua trảng rừng lùn độc đáo.
Rừng mây đè
Chỉ tay về đỉnh núi đang ngập trong mây trắng, anh Phạm Hữu Nhân, trạm phó trạm kiểm lâm Hòn Giao, bảo chúng tôi hãy quyết định hướng đi. Anh Nhân “khiêu khích”: “Đi theo hướng chúng tôi hay đi tuần tra thì đi vào lòng mây, nếu muốn thư thả hơn cứ đi theo viền của những đám mây kia”.
Đêm trước, trên đường lên đèo Hòn Giao để ghé trạm kiểm lâm, chúng tôi bị mây vây khi trời vừa sập tối. Đi giữa đám mây trắng đặc, nếu không khéo nhìn vạch đường có thể sẽ bị mất phương hướng và việc lái xe trở nên nguy hiểm.
Ngồi trong xe không có cảm giác mưa nhưng thò tay qua cửa kính lòng tay ướt đẫm kiểu như đi qua một khối nước lơ lửng. Chính cảm giác sờ sợ khi đi qua đám mây đêm và sự tò mò sau lời “khiêu khích” của anh Nhân đã khiến chúng tôi chọn cung đường đi vào lòng mây.
Phủ kín chân bằng cách lồng quần vào trong đôi tất (vớ) dài, cả đoàn lên đường theo chân những kiểm lâm viên của trạm Hòn Giao. Chúng tôi đi vào khu rừng nguyên sinh có những cây cả ngàn năm tuổi nhưng chỉ cao chưa tới 10m. Ở đây nếu vào giờ trưa, ngước mặt có thể nhìn thấy bầu trời xanh một cách dễ dàng.
Điều này không thể thấy ở nhiều khu rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ to đến vài người ôm và tán rộng đan vào nhau. Đem câu chuyện hỏi kiểm lâm Nhân, anh cười bảo: “Không biết nói sao vì chưa có nghiên cứu nào cụ thể nhưng... mây đè thế thì cây nào lớn nổi”.
Rừng lùn trên đỉnh Hòn Giao là rừng nguyên sinh nhưng không có ghi nhận nào cho biết cây nào nhiều tuổi nhất ở cánh rừng này. Tuy nhiên, theo lời anh Nhân, có lần một cây sồi già mục thân ngã xuống. Những cán bộ nghiên cứu rừng của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cưa ngang thân để đếm vòng sinh trưởng.
Đếm hết những vòng chi chít trên thân cây cũng không dám khẳng định chính xác số tuổi cây “cổ thụ” chỉ to bằng bắp chân vì quá khó đếm. Do đó, nhóm nghiên cứu đã thống nhất ước lượng rằng cây sồi ấy đã già quá 1.000 tuổi.
Do những tính toán này mà Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà thể hiện trong một số báo cáo đa dạng sinh học rằng cánh rừng lùn trên đỉnh Hòn Giao còn nhiều cây hơn nghìn năm tuổi.
Ông Tôn Thất Minh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới (Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà), cho rằng những cây trong rừng lùn phát triển đến một mức độ nào đó rồi chựng lại, không lớn thêm nữa mà chỉ có già đi.
Ông Minh nói thêm có thể những cây nhiệt đới vốn cao to “chọn” cuộc đời èo uột, nhỏ thó để thích nghi với khí hậu lạnh ẩm, khắc nghiệt của Hòn Giao. Đấy cũng là điều bình thường.
Chụp ảnh tư liệu của các loại thực vật trong rừng lùn để xây dựng đa dạng sinh học - Ảnh: Hoàng Điệp |
“Dầm mây” giữ rừng
Anh Đinh Bá Kha, trưởng trạm kiểm lâm Giang Ly, bảo: “Nghe mây phủ sương giăng, mưa phùn suốt ngày tưởng lãng mạn lắm nhưng khắc nghiệt vô cùng. Cây cối èo uột, cong queo”. Anh Kha lấy chuyện cây để kể chuyện người, anh bảo anh em giữ rừng ở đây xương cốt nhức hết, cái lạnh thấm theo mỗi bước chân đi len vào lòng mây.
Ở độ cao hơn 1.800m mưa gần như suốt ngày, độ ẩm thường xuyên trên 90% thì đất đá còn phải rã ra, anh Kha cười. Anh Kha và anh Nhân cho chúng tôi xem lòng bàn tay, những vết chai sần nổi đều lên theo những ngón tay. Không vết sần nào lành lặn, thậm chí nứt đôi ra. Anh Nhân kể đấy là dấu vết của những lần “dầm mây” đi tuần dài ngày trong rừng.
Anh nhấn mạnh chữ “dầm mây”. Làm gì có mưa vì mình đã đi vô lòng mưa, lòng của đám mây ôm Hòn Giao quanh năm. Nước nguyên khối lơ lửng, chạm vào người, đất và mọi thứ trong rừng. Đoàn người mặc áo mưa lần theo khe hở giữa hai cây đi theo hướng đã xác định. Phía trước mờ sương, nếu cách quá 5m sẽ khó thấy được nhau.
Chúng tôi thắc mắc về những chuyến đi tuần dài ngày vì rừng cây èo uột thế này ai thèm đụng vào. Anh Nhân bảo: “Hơn 20.000ha rừng lùn có 18 giống lan quý hiếm và hơn 60 loại cây nằm trong nhóm cấm khai thác như du san, pơ mu, bách xanh, thông năm lá, đỉnh tùng... Lơ là chút thôi lâm tặc cuỗm đi ngay”.
Một lý do khác khiến khu rừng lùn này trở nên hấp dẫn với lâm tặc là những thân cây nghìn tuổi chậm lớn người ta đồn rằng có chứa những điều siêu nhiên. Cũng vì tin vào cây rừng nghìn năm linh thiêng, cuối năm 2012 nhóm 19 “lâm tặc” ở vùng giáp ranh giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa đã mang cưa máy vào rừng hạ cây và bị bắt quả tang.
Anh Nhân bảo: “Đoàn đi tuần tra rừng mang theo võng dù, thức ăn đủ dùng cho 10 ngày rồi lần bước đi”. Mỗi lần đi tuần là mỗi lần ăn đói do không thể mang theo nhiều thức ăn và việc nấu nướng ngay trong lòng mây cũng không phải là điều dễ dàng. Những kiểm lâm của hai trạm Giang Ly và Hòn Giao phải dùng tấm áo mưa che bếp rồi đánh lửa. Phải đánh hơn chục lần lửa mới bừng lên, mỗi người mỗi tay nấu thật nhanh kẻo lửa tắt lịm.
“Khổ nhất là chuyện ngủ, không phải chui vô võng là ngủ yên. Nước thấm theo dây võng chảy vào. Phải có cách thắt dây đặc biệt. Có lính mới vào nghề không biết cách cột võng, nửa đêm nước lạnh như băng chảy vào khiến giật mình rớt xuống đất” - anh Kha cười kể lối sinh hoạt đặc biệt của những người giữ rừng trên đỉnh Hòn Giao.
Những người đi tuần bảo vệ cánh rừng lùn đặc biệt kể không cần phải tắm khi hành quân, chỉ thay đồ là xong vì có lúc nào được khô ráo. Đi riết rồi những kiểm lâm viên biết cách nhai lá rừng để tránh một số bệnh do rừng lạnh gây ra. Đối với họ, vắt rừng là thứ quá thường. Anh Nhân tâm sự: “Đi không mong bắt quả tang lâm tặc, đi tuần để họ không vác cưa vào rừng. Đâu có mong cây ngã xuống rồi bắt người”.
Hướng dẫn chúng tôi lấy con vắt đang bám cứng vào ống chân sau khi chui qua được lớp vớ (tất) dày, anh Nhân bảo: “Ngồi nghỉ chút rồi hạ độ cao, xuống độ cao chừng 900m sẽ tìm đường đi vào buôn Dưng Iar Giêng”. Nghe anh nhắc, chúng tôi mới thoát ra khỏi câu chuyện rừng lùn, sực nhớ đến ngôi làng cô đơn giữa rừng.
Ngôi làng cô đơn
TT - Gần một ngày chúng tôi trèo non lội suối băng qua hết tán rừng lùn. Khi mọi người bắt đầu dùng nước trong các khe rừng để uống thì buôn Dưng Iar Giêng hiện ra.
Bà Cil Pan Ka Nhiên nấu ăn bằng nồi do các kiểm lâm viên tặng sau những lần ghé buôn - Ảnh: Hoàng Điệp |
Buôn có 16 hộ dân người Cil đang sinh sống, nằm sâu trong lõi rừng, gần một con suối lớn.
Sống với hồn xưa
Từ rừng xuống, qua một con suối nước trong vắt, chảy ầm ào là con đường dốc dựng đứng dẫn vào buôn. Hơn chục nóc nhà, ở rải rác dưới thung lũng, quanh những vườn cây ăn trái và ruộng lúa nước đang chuẩn bị cho một vụ cấy mới.
Khắp buôn chỉ toàn người già, có khoảng 50 người, nhiều người không nhớ tuổi của mình. Tha Ny, một bạn trẻ người Cil có người thân sống trong buôn đi cùng chúng tôi, bảo người ít tuổi nhất hiện đang sống ở buôn khoảng 56 tuổi, còn người lớn nhất khoảng 80 tuổi.
Ngôi nhà của ông Cao nằm lọt thỏm giữa màu xanh của các loại cây mít, xoài, ổi, cà phê, dứa, ca cao, cà ri.
Ông Cao nói vườn thì cây gì cũng trồng nhưng chín ăn không hết, rồi trái cây tự rụng xuống gốc, cây con lại mọc lên.
Cứ thế, mảnh vườn vốn xanh lại xanh thêm mãi. Ông Cao đã lớn tuổi nhưng ở trong căn nhà này một mình. Thỉnh thoảng người con trai út từ thị trấn Đa Nhim mới vào thăm cha.
Lý do để ông Cao gắn bó với mảnh đất này, xa rời cuộc sống ngoài kia là bởi đất này ông bà tổ tiên đã ở từ rất lâu đời. Sau này do chiến tranh, có một quả bom ném gần buôn khiến nhiều người chết. Người dân bị buộc phải ra khỏi rừng.
Thế nhưng dù sống ở ngoài thị trấn, là nơi an toàn thì cũng vẫn có những người âm thầm trở vào buôn để canh tác, trồng cấy. Họ đi tìm hố bom ngày xưa rồi lập lại làng.
Đến năm 1991 thì đồng loạt các gia đình trở lại bản, đắp lại bờ ruộng, phát đi bãi cỏ tranh, vun thêm vào gốc cây ngô, cây đậu... và những mái nhà lần lượt lại mọc lên. Cạnh những căn nhà mới lập là những thanh gỗ, thân cây cháy, dấu vết của trận bom oan nghiệt khi xưa.
Ông Cao kể quả bom phát nổ bất ngờ ở nơi vốn không có dấu vết bom đạn. Khi đó ông đã 18 tuổi. Ông không còn nhớ rõ bao nhiêu người đã chết, chỉ nhớ hơn 30 người, họ được chôn rải rác trong những đồi cỏ tranh.
Ông Nguyễn Lương Minh, giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nhắc đến những người già buôn Dưng Iar Giêng bằng sự trìu mến của một người hiểu được quy luật “hổ chết quay đầu về núi”.
Ông bảo tỉnh Lâm Đồng đã sắp xếp chỗ ở mới cho gia đình và con cháu của họ ở ngoài xã Đa Nhim nhưng những người già đi ra rồi quay trở lại rừng.
Chỉ những thanh niên mới lớn chấp nhận lời kêu gọi của chính quyền. Ban đầu những thanh niên như Tha Ny cũng đi vào rừng sống như những người già nhưng sau đó họ lần lượt rời rừng.
“Quen với nước rừng, lúa rừng rời đi không quen nhưng có một lần con mình đau, phải ôm con băng rừng một ngày ra phố nhờ bác sĩ. Nhờ vậy mà được cứu sống.
Từ đó mình mới quyết định ra xã mà sống, chủ yếu là lo cho con. Mình không giống cha mẹ mình, không biết nuôi cho con lớn giữa rừng” - Ha Lâm kể.
Con gái của Cil Pan Ly Huyên là đứa trẻ duy nhất của buôn Dưng Iar Giêng - Ảnh: Mai Vinh |
Đứa trẻ trong bản
Cách nhà ông Cao chừng vài trăm mét, cùng trên một thoải đất trù mật ấy là ngôi nhà của ông Sa. Ông Sa đã 80 tuổi, cũng đi làm đồng. Bà Cil Pal Ka Nhiên (76 tuổi) đang phụ đứa cháu gái trông đứa chắt 1 tuổi rưỡi, vừa giã cối thóc để lấy gạo ăn nay mai.
Bà Nhiên cũng bảo bà không nhớ được đã sống ở đây bao lâu, chỉ biết rằng ngôi nhà sàn này trước đây đã có, rồi nắng mưa, sập xuống, đến năm 1991 thì cả nhà lại bỏ phố ngược vào đây để dựng lại: “Không ai nhớ ai là người lập làng, chỉ biết cây mít ở đầu làng kia đã có hàng trăm năm tuổi rồi. Tôi lớn lên ở đây và đã thấy cây mít”.
Đứa trẻ trên tay bà Nhiên được mẹ nó (cháu ngoại của bà Nhiên) gửi để hai vợ chồng đi cuốc ruộng.
Cil Pan Ly Huyên và Đơngura Hiệp là cha mẹ của đứa trẻ, đều mới chỉ 20 tuổi. Vì người Cil theo tục mẫu hệ nên Huyên bắt Hiệp về nhà mình làm chồng từ gần ba năm trước, khi đó Huyên đang học lớp 11, còn Hiệp học lớp 10.
“Nó bắt về thì em theo nó về luôn, ở với nó từ bấy đến giờ, có con rồi mà chưa làm đám cưới” - Hiệp kể.
Lý do để hai vợ chồng đã có con hơn 1 tuổi vẫn chưa làm được đám cưới, theo Huyên thì bởi em vẫn chưa có tiền để sắm lễ mang sang nhà cha mẹ chồng.
Chuyện bắt chồng của phụ nữ Cil theo tục mẫu hệ, là người con trai theo về sống ở nhà của người con gái, giống như phụ nữ người Kinh đi làm dâu vậy.
“Bắt” đi một người con trai trong nhà của người ta, vậy nên các cô dâu phải có lễ vật để mang sang nhà trai làm đám cưới. Nhưng sống với nhau rồi, nếu người chồng không lo làm việc mà mải chơi, say xỉn rượu chè thì có thể bị người vợ đuổi trả về cho cha mẹ.
“Khi đó thì nhà trai phải trả lại lễ vật mà nhà gái đã mang sang. Có nhiều người ở đây đã bị như thế rồi”. Bà Nhiên thủng thẳng nói khi thổi lại bếp lửa trên sàn nhà để nấu thức ăn cho đứa bé.
Huyên sống với gia đình tại thị trấn Đa Nhim nhưng lại là người “thừa kế” trong ngôi nhà của bà Nhiên nên Huyên được chia ruộng, chia rẫy và các loại nông sản trong nhà của bà. Bởi vậy, Nhiên và chồng vào mùa vụ vẫn vào trong bản để canh tác.
Không khác gì những người già đã làm bao đời, Huyên và Hiệp cũng canh tác thủ công với những nông cụ đơn giản. “Hôm nay hai đứa cuốc ruộng cho xong, chờ mấy hôm nữa ngấu rạ, rồi bỏ phân vào cấy lúa thôi”.
Đó là lý do đứa trẻ cũng bám theo váy mẹ vào buôn. “Nó còn bé thì cho vào theo để tiện chăm sóc, cho bú, chứ lớn chút nữa thì cho đi học ở ngoài thị trấn” - Huyên nói. Khi cha mẹ đi làm, đứa trẻ tha thẩn chơi với bà cố. Nó có đôi mắt to, tròn và trong vắt.
Nó là đứa trẻ duy nhất hiện diện trong hàng chục nóc nhà ở đây. Ngoài đứa trẻ chưa tròn 2 tuổi hiện đang sống cùng cha mẹ và ông bà, Tha Ny đoan chắc với chúng tôi không còn ai thanh niên nữa.
Theo các tư liệu lưu tại Thư viện tỉnh Lâm Đồng, tổ tiên người K’Ho những năm 1960 đã lập chín ngôi làng trong vùng rừng Bidoup - Núi Bà, gồm: Bon Rum, Đạ Tý, Đạ Mur, Đơn Balang, Cha Rông, B’Tang, Kon Ơlang, Lin Ka và Dưng Iar Giêng. Năm 1961, khi chính quyền Sài Gòn lập “ấp chiến lược” thì tất cả làng đều bị đốt phá, người Cil bị buộc phải dồn lại Dưng Iar Giêng với hơn 1.000 người bị giam lỏng trong làng.
Sau năm 1975, cả làng sinh sống ở nhiều nơi như xã Đạ Nhim, Đa Ra Hoa, Đạ Chais và các vùng lân cận giáp Đà Lạt.
Những người lớn của làng Dưng Iar Giêng cũ vẫn không quên được nơi họ đã từng sống trong rừng sâu và họ lần lượt tìm về lập làng Dưng Iar Giêng như hiện nay.
|
Luật của người Cil
TT - Trước khi lên đường vào buôn Dưng Iar Giêng, ông Ngọc Lý Hiển (Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng) đã cho chúng tôi biết về hình phạt “dã man” nhất của tộc người Cil sống ở buôn.
Người trong buôn chia nhau mật ong rừng vừa lấy được - Ảnh: Mai Vinh |
Câu chuyện về hình phạt của người Cil trong buôn cũng được anh Tha Ny nhắc đến trong đêm chúng tôi nằm trên sàn nhà đợi trời sáng.
Hòn đá bên bờ ruộng
Tha Ny nói tiếng Việt lơ lớ. Anh nói chậm và hỏi chúng
tôi có thấy đầu mỗi bờ ruộng hay thửa vườn của buôn có hòn đá không.
Anh bảo hòn đá chỉ để thơ thớ vậy thôi, không cần vùi sâu xuống đất nhưng bao nhiêu năm trôi qua hòn đá ấy cũng nằm đó làm ranh giới cho những thửa ruộng, khu vườn. Không ai muốn và cũng không ai chuyển nó đi đâu cả.
Trong đêm lạnh, tiếng tàn lửa nổ lép bép nhè nhè góc bếp, giọng Tha Ny trầm ngâm: “Không phải hòn đá ấy thiêng mà luật của buôn này thiêng lắm”.
Chúng tôi đã thắc mắc với Tha Ny về những hòn đá đặt trên mỗi thửa đất trong buôn từ chiều nhưng Tha Ny chỉ im lặng và giờ mới kể ngọn ngành.
Anh bảo những hòn đá đều cũ, từ khi lập làng đến giờ vẫn nằm im vậy. Nếu vì lý do canh tác thì cứ nâng, hoặc hạ bờ ruộng cho phù hợp nhưng không được thay đổi hòn đá đã thành chứng nhân. Một ranh giới vô hình được dựng lên bởi những hòn đá.
Già Cao nằm cạnh đó góp chuyện: “Người của buôn thật thà mà. Đất đai nhà bên cạnh cũng như của mình, mình phải giữ. Mình đói sẽ được chia gạo, không lo chết đói”.
Ông kể có lần ông ra xã Đa Nhim thăm vợ bị bệnh đang ở nhà con. Ông nghe gần đó có người Cil đánh nhau ngoài rẫy cà phê giành đất. Ông ra xem rồi bỏ về rừng. Ông bảo: “Người Cil không có vậy. Bụng phải thật”.
Cái bụng phải thật nên nghe chuyện cháu con người Cil đánh nhau ở bìa rừng vì thửa đất, ông Cao xót bụng. Với ông, việc ấy chẳng khác nào đã động chạm đến tổ tiên người Cil.
“Ở buôn khổ hơn mà không giành đất, ngoài đó có điện, có muối mà sao lại giành. Nếu trong buôn nhất định bị phạt” - ông Cao nhắc lại như chuyện mới xảy ra.
Sáng sớm chúng tôi gặp trưởng buôn Ha Moi Rơ Sac và hỏi về những điều làng này kiêng kỵ. Ông bảo luật của làng đơn giản lắm. Những người Cil sống đơn giản khác những nhánh người khác cùng dân tộc K’Ho, không kiêng kỵ gì nhiều.
“Cùng làm rẫy một vạt/ Cùng sống một buôn/ Cùng ăn chung một bến nước/ Không có muối chia nhau/ Không có gạo chia cùng” - ông đọc bằng giọng lơ lớ và khàn nhẹ.
gười Cil cứ vậy mà sống bao nhiêu năm ở buôn Dưng Iar Giêng cũ và mới lập lại sau. Những điều ấy ăn sâu vào tâm trí người trong buôn và đọng lại rõ rệt nhất ở nơi chỉ toàn người già sống.
Chúng tôi chứng kiến họ không mua bán gì với nhau, mang gạo bắp đổi cho nhau để sống. Rổ rá tự đan rồi đổi cho nhau.
Bắt được tổ ong mật, người chạy đi hái lá môn hứng mật, người kiếm dao xẻ tổ ong rồi chia ra mang về. Xúc được mớ tép, mớ cá họ mang đi khắp buôn mà chia. Chia cả cho kiểm lâm đang đi tuần.
Nhà ông Sơ Ao A Chú (61 tuổi) trong buôn Dưng Iar Giêng - Ảnh: Hoàng Điệp |
Nếu anh sai...
Đó là những điều tốt đẹp không chỉ truyền miệng khuyên nên làm theo mà đã thành luật tục. Nó buộc người Cil sống trong buôn Dưng Iar Giêng phải tuân theo để duy trì một ngôi làng độc lập giữa rừng. Người sống trong buôn răm rắp tuân thủ từ xưa đến nay.
Ông Ngọc Lý Hiển, một người nghiên cứu về phong tục người Cil và các tộc người thuộc dân tộc K’Ho, nhận định: “Sức mạnh ấy sinh ra từ hình phạt đánh thẳng vào lòng tự trọng của người Cil”.
Hình phạt nặng nhất của người Cil không hề man rợ, đơn giản là đuổi người ấy ra khỏi buôn và không cho mang họ. Chỉ vậy mà người trong buôn sợ như thể họ bị giết chết.
Một người khác sẽ từ buôn chạy đến những buôn khác thông báo về chuyện buôn mình đang xử phạt ai đó bằng hình phạt nặng nhất.
Bị đuổi ra khỏi làng tức những làng khác sẽ không công nhận và không cho tá túc. Mặt khác, sự ra đi đó đồng nghĩa với việc tội lỗi được lan truyền và nỗi nhục sẽ tăng lên. Người bị đuổi sẽ chết dần chết mòn ở một khu rừng nào đó khi không được cộng đồng công nhận.
Hình phạt đó bây giờ có vẻ nhẹ nhàng nhưng ngày xưa thì đó là hình phạt quá nặng cho người vi phạm những điều cấm kỵ. Xâm phạm mồ mả và thiếu thật thà là những điều cấm kỵ của người trong buôn.
Ha Trái, một hướng dẫn viên cộng đồng của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cũng là con cháu của buôn Dưng Iar Giêng, bảo tổ tiên tạo ra luật và hình phạt nghiêm khắc
vì họ muốn giữa rừng được sống thong thả như dòng
suối.
Nhà nhà không phải làm hàng rào. Bao nhiêu đời luật vẫn còn được duy trì ở buôn này dẫu giờ chỉ còn những người già.
Bà Ka Huệ (71 tuổi), người phụ nữ già nhất làng, kể lại khi bà còn nhỏ từng chứng kiến một người đàn ông bị phạt vì lén dắt một con ngựa sang buôn Đạ Mur cách xa khoảng ba vạt rừng.
Bà còn nhớ như in giữa đống lửa lớn được đốt giữa buôn, người đàn ông bị bắt quỳ xin lỗi cả làng. Trưởng buôn hỏi ý mọi người rồi đuổi người ấy đi giữa đêm. Ông bị bịt mắt và bốn thanh niên dẫn ông ra khỏi làng đến một cánh rừng không có đường mòn.
Bà còn nhớ vợ con ông ấy khóc, nhưng khi hỏi có chịu hình phạt không thì họ gật đầu. Ba tháng sau người đàn ông ấy quay về, quỳ gối ở con suối gần buôn, người héo quắt. Ông xin được buôn cho trở về và hứa sẽ nộp vạ một con ngựa.
Bà Ka Huệ bảo người ấy còn may mắn, cha bà kể trước đó có người bị đuổi đi và tháng sau người ta tìm thấy xác giữa rừng. Bà lặng thinh giữa câu chuyện hồi lâu rồi nói tiếp: “May mắn tôi không phải chứng kiến câu chuyện này thêm lần nào nữa”.
Trưởng buôn Ha Moi Rơ Sac nói những hình phạt như đánh roi, phạt vạ cũng có ở người Cil nhưng có đánh đau đến mấy cũng là hình phạt nhẹ.
“Cái bụng mà xấu thì phải xử thật nặng. Thấy cháy nhà không dập, thấy người chết không cứu, ăn trộm của nhà khác là cái bụng hỏng mất rồi” - ông Ha Moi Rơ Sac nói.
Ông Ngọc Lý Hiển nói rằng tội trộm cắp được người Cil đánh giá con người ấy không còn uy tín với cộng đồng, nếu không loại bỏ sẽ làm làng bị thần linh quở trách, trừng phạt cả buôn đến tiệt nòi giống. Người tự đánh mất lòng tự trọng mang tội nghiêm trọng như xâm phạm mồ mả.
Những người trẻ là con cháu của buôn sống ngoài xã Đa Nhim vẫn duy trì luật tục nhưng có phần nhạt nhòa. Hình phạt đuổi đi khỏi làng và lấy lại tên họ không còn mấy ý nghĩa. Tuy nhiên, với những người già sống giữa rừng sâu, luật tục ấy vẫn mang một giá trị thiêng liêng.
Luật của người Cil tôn trọng sự uy tín đến tận cùng nên họ hứa giữ từng vạt rừng Bidoup - Núi Bà thì họ sẽ giữ cho bằng được. Khi Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cần họ giúp sức hồi sinh, họ và con cháu đã ra tay...
“Đội đặc nhiệm” giữ rừng
TT - Một đêm trời tối đen như mực, gió ầm ào rít qua những rặng thông già. Những nhân viên kiểm lâm trạm Dưng Iar Giêng tranh thủ thời gian ca trực ghi chép một số thông tin tuần tra.
Con cháu người trong buôn Dưng Iar Giêng đi tuần tra rừng - Ảnh: Mai Vinh |
Họ nghe tiếng ai đó gõ dồn ổ khóa vào cổng sắt. Nhìn ra, họ thấy con trai trưởng buôn Sa đứng thở dốc.
“Đi mau đi, chiều này có tiếng xe máy kéo cả đoàn phía sau lưng buôn, cả chục người đó” - Đơngura Hiệp hối thúc. Cả trạm vội lên đường. Hiệp dẫn mọi người đi theo hướng anh nghi có “lâm tặc” vừa vào. Lúc này chân anh phải đi cà nhắc, tay rách do té trong đêm.
Danh dự người Cil
Chiều hôm đó, Hiệp đi làm ruộng về chuẩn bị lên nhà sàn ăn cơm chiều. Bất ngờ trưởng buôn đến bảo: “Mày chạy về trạm báo động đi. Mày nghe đi, có tiếng xe máy chạy vào đây, tiếng rát lắm”.
Ra đầu hồi lắng tai một hồi, Hiệp xỏ đôi ủng nhựa vọt đi ngay. Muốn đi tới nơi phải mất bốn giờ vừa đi vừa chạy nhưng Hiệp vẫn không chần chừ. Đêm đen kịt, cây đèn đội đầu quá nhỏ để soi rõ lối đi trong rừng. Hiệp kể lại: “Vội quá nên em té mấy lần, may mà không bị lăn xuống vực”.
Nhờ có Hiệp dẫn đường nên rạng sáng lực lượng kiểm lâm trạm Dưng Iar Giêng đã đến được nơi “lâm tặc” hạ trại, nằm giữa một khu rừng có hàng chục cây bạch tùng, du san - toàn những loại cây quý có tên trong Sách đỏ.
Kiểm lâm viên Lê Hoàng Phong bảo những loại cây này phải giữ như giữ vàng. May mà có mặt kịp thời yêu cầu họ giải tán. Cây đó mà ngã xuống thì họ cũng khó mà “thoát án”...
Những câu chuyện người Cil ở buôn Dung Iar Giêng giúp ban quản lý Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà giữ rừng nhiều như những ngày tháng họ đã sống ở vùng lõi của rừng.
Và lần nào sự nhiệt tình cũng không hề giảm đi. Như già Sa nói thì đó là cách họ biết ơn những người đã cho họ được sống trên mảnh đất tổ tiên.
Già Ha Klas bảo rằng chúng tôi ở đây từ lâu đời, cán bộ giữ rừng không dời chúng tôi đi đâu để mình được gần tổ tiên vậy là phúc rồi. Để minh chứng lời mình nói, già Sa đưa chúng tôi ra cánh rừng bọc xung quanh buôn. Rừng trồng xanh ươm.
“Khi chúng tôi tới đây, nguyên cả vạt rừng đó cháy trụi rồi, không biết ai phá nhưng chúng tôi nhận trồng, Nhà nước cho giống” - già Sa kể.
Ông bảo: “Cả buôn toàn những người già đã nói với cán bộ là mình chỉ ở quanh trảng đất bằng này thì chỉ ở đó thôi, không lấn một xà gạc đất rừng. Chúng tôi có chết đi thì lời vẫn truyền lại, con cháu không dám lấn một cây rừng”.
Nhưng đôi khi họ mang nỗi oan. Những cây rừng hạ xuống ở đâu đó trong rừng, nhiều lời đổ vấy cho họ.
“Chúng tôi không hạ cây rừng nhiều như vậy, cây già đổ ngã chúng tôi dùng nhưng không bao giờ chúng tôi tự hạ cây. Tổ tiên chúng tôi giờ hóa thành cây rồi. Sao dám chạm vào cây?” - già Sa nói rồi lấy cây rựa cứa nhẹ lên thân cây, một dòng nhựa đỏ ứa ra.
Ông Ha Clas (67 tuổi) dựng một chòi để canh cháy rừng ngay trên nền đất buôn Dưng Iar Giêng - Ảnh: Hoàng Điệp |
Cho rừng thêm xanh
Ông Nguyễn Lương Minh, giám đốc Trung tâm sinh thái Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, gọi những người ở buôn Dưng Iar Giêng và con cháu họ đang sống tại xã Đạ Nhim là những người giữ rừng chuyên nghiệp. Thi thoảng ông ví von họ là “đội đặc nhiệm” giữ rừng.
Ông Minh bảo vườn có 32 loài động vật, 62 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ nên sức hấp dẫn của rừng với “lâm tặc” không thể đo đếm được.
Già Kơ Sá Ha Thanh bảo ban đầu chỉ những người trong buôn Dưng Iar Giêng nhận làm liên lạc và đi tuần tra rừng cùng cán bộ kiểm lâm.
Nhưng sau này cán bộ cần thêm người để trồng những khoảnh rừng đã mất đi khắp Bidoup - Núi Bà thì con cháu người trong buôn đang sống ngoài Đa Nhim cùng tham gia.
Chúng tôi có mặt trong mùa đốt cỏ để chống cháy lớn. Già Kơ Sá Ha Thanh cùng hai người cháu mình nhận dọn một khoảng rừng hơn 30ha.
Đốt cỏ thì dễ nhưng đốt sao để những cây thông con mới trồng chỉ cao ngang gối không bị chết mới là điều khó. Già Thanh cùng hai cháu trai cuốc lật đất rồi đè những cây thông con xuống bên dưới.
“Lửa cháy cỏ nhưng không cháy được cây thông nhờ lớp đất ẩm phủ bên trên. Lửa cháy qua rồi chúng tôi bới đất để kéo cây thông con ra” - già Thanh kể lại công việc của mình.
Việc này cứ lặp đi lặp lại với chục nghìn cây thông trong nhiều năm liền. Ông vòng tay vỗ vào lưng mình, bảo: “Nâng niu cây thông muốn gãy cái lưng này, chỉ mong mưa xuống tới đâu thông lên tới đó. Chết một cây là uổng công buôn làng”.
Già Thanh là người trồng và giữ được khoảnh rừng thông 40ha đã được 10 năm tuổi.
Già Sơ Ao Ha Klas thuộc từng gốc thông đỏ trong phạm vi 8km đường chim bay. Ông thuộc từng cây bạch tùng, kim giao cổ thụ trong rừng.
Mỗi ngày ông đi đến một đỉnh núi cao, vươn tầm mắt ra xa nhìn tán cây thuộc phạm vi bảo vệ của mình. Có động tĩnh bất thường ông sẽ đi báo kiểm lâm hoặc tới tận nơi xem chuyện gì đang xảy ra.
Già Klas kể có lần đứng từ xa nghe tiếng thậm thình từ khoảnh rừng ông đang trông coi. Ông cắt rừng chạy tới thì thấy một đám lố nhố người đang đốn hạ một cây thông và đang làm khung chuẩn bị hạ bạch tùng.
Nhắm sức mình không thể ngăn được vụ bức tử cây rừng, ông lẳng lặng chạy về hướng trạm kiểm lâm. Đang chạy thì gặp một thanh niên cũng là con cháu người trong buôn đi bằng xe máy.
Ông nhắn thanh niên này chạy xe theo đường mòn và cấp báo cho kiểm lâm. Nhờ đó, vụ phá rừng đã được chặn đứng.
Ông Võ Hồng Dương, trạm trưởng trạm kiểm lâm Dưng Iar Giêng, nhắc lại câu chuyện này. Ông bảo chỉ cần chậm khoảng nửa giờ thì cây bạch tùng quý gần trăm tuổi đã bị đốn hạ.
Những ngày đầu mùa khô cao nguyên, không khó để gặp toàn bộ “đội đặc nhiệm” thân thiết với vườn quốc gia.
Sáng đầu tuần, những thanh niên trai tráng con cháu của người trong buôn tập trung trước trạm kiểm lâm Dưng Iar Giêng để nắm địa điểm tuần tra rừng, trồng rừng. Trên xe đầy đủ rựa phát, cuốc thuổng.
Cứ thế họ đi hàng giờ vào rừng. Đi ngang qua buôn Dưng Iar Giêng, ghé vào nhà người thân mang thêm gạo cho cả tuần rồi cứ thế đi sâu vào rừng.
Có nhóm đi theo con đường mòn dẫn vào khoảnh rừng xanh mướt để kiểm tra, chăm sóc. Có nhóm đi vào khoảnh rừng nhiều phần trơ trụi. Họ ở đó cả tuần rồi đi ra. Vài năm sau, nơi ấy rừng lên xanh.
Ông Lê Văn Hương, giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cho biết ban đầu đã có những ý kiến quyết liệt đưa những người buôn Dưng Iar Giêng ra xã. Nhưng sau nhiều thời gian quan sát, họ sống như một thực thể gắn bó với rừng.
Họ đã trở thành một phần đặc sắc của vùng lõi vườn quốc gia và chúng tôi tạo điều kiện để họ tiếp tục sinh sống. Có họ khoảnh rừng quanh nơi họ sống xanh tốt.
“Họ giữ rừng bằng uy tín của người Cil trọng danh dự” - ông Hương nói.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét