Tết đến là dịp để mọi người sửa soạn lại bàn thờ tổ tiên, trong nhà ngoài ngõ đều có dán đôi liễn đỏ. Vậy trên những đôi liễn đỏ ấy, thời xưa người ta đã viết những dòng chữ gì để nói lên khát vọng của lưu dân trên vùng đất mới?
Trong một bài vè xưa ghi lại khá trung thực:
Ăn mừng năm mới
Chữ an, chữ thới
Dán trước hàng ba
Phú quý vinh hoa
Dán vô trước cửa
Tài lợi lộc phước
Dán trước hàng nhì
Vạn trực duy tân
Dán vô trước cửa.
Ngay cả ông Táo, một “nhân vật” quen thuộc đối với tất cả người Việt - trong ngày Tết cũng được bài trí:
Trên trang ông Táo
Đề chữ hiển linh.
Còn ra ngoài ngõ, trên cây nêu bằng tre đuổi tống tà ma thì bài vè này còn ghi:
Lấy câu thái bình
Dán ngoài cửa ngõ.
Còn nhớ ngày xưa, trước Tết, mấy đứa trẻ trong nhà ngồi chùi bộ lư đồng, o bế cho đến bóng loáng. Một đoạn trong bài viết Vài cảm tưởng về tết trong Nam của cụ Vương Hồng Sển, nói rõ: “Lối năm 1920, bộ lư đồng năm tấc bề cao, giá độ năm chục bạc lớn. Có thứ lư thau trơn dễ chùi, ở trên chóp đỉnh có đặt hai con lân giỡn trái châu, đứng nhe răng cười “cầu phúc”. Có thứ lư gồ ghề chùi cho bóng, vì lư làm theo kiểu “lư mắt tre”, lư “trúc hóa lân”. Trên bàn thờ tổ tiên, người dân Nam kỳ thời xưa chủ yếu “có chi cúng nấy”, miễn là đầy đủ lòng thành đối với người đã khuất. Thông thường chưng cúng trái cây trong ngày Tết đủ “ngũ quả” tượng trưng cho “ngũ phúc” là lê, lựu, đào, mai, phật thủ. Dần dần, người dân ước mơ về một đời sống cụ thể hơn và cũng giản dị chỉ cần “cầu vừa đủ xài” mà thôi. Do đó, họ đặt mâm quả thấy có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thì rõ ràng, những trái cây ấy đã nói lên tâm niệm của người dân lương thiện. Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì “ngũ phước” là ngôn ngữ của “ngũ quả”: phú quý, thọ, khang ninh, khảo, chung mạng (giàu sang, sống lâu, mạnh khỏe, bình yên, chết lành khi về già). Vì lẽ đó người ta đã lựa chọn những loại trái cây có tên đồng âm với ý nghĩa tốt. Ở Nam bộ, dựa vào giọng phát âm tương tự, đồng bào đã chọn mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Với mâm trái cây như thế thì ta hiểu rằng: “cầu sung vừa đủ xài”. Sung là sung túc, dừa phát âm như vừa, và xoài là xài.
Thế nhưng, để mâm ngũ quả sinh động, màu sắc rực rỡ thì người ta còn thêm nhiều loại trái cây khác nữa như quýt (đồng âm với kiết có nghĩa là cát, là tốt lành) hoặc trái tắc (đồng âm với đắc là đắc lợi) hoặc bông mai (đồng âm với may, là may mắn) hoặc trái thơm (gợi sự thơm tho) hoặc thêm cả trái lê viết từ chữ lợi (chữ Hán) có thêm chữ mộc... Điều này cho thấy mâm ngũ quả của dân Sài Gòn không chỉ phong phú về các loại trái cây mà còn chú trọng về mặt ý nghĩa như một lời cầu mong tốt đẹp cho năm mới.
Từ 28 tháng Chạp, “bọn na nhân” (các nhóm hát sắc bùa, khoảng 10-15 người), đã gõ trống, phách vang lừng, đi khắp các xóm, hẻm thấy nhà nào khá giả, mở cửa thì vào dán lá bùa nơi cửa, niệm thần chú, ca xướng các bài chúc tụng. Chủ nhà bèn bày cỗ bàn, rượu chè khoản đãi rồi “lì xì” thêm tiền thưởng. Cứ thế, các nhóm na nhân đi hết nhà này đến nhà khác, xóm này qua xóm khác cho đến đêm trừ tịch mới thôi. Tục này, nhằm tống ma, trừ cũ, rước mới. Ngày trừ tịch, mọi nhà đều dựng cây nêu trước cửa lớn, cho đến hết ngày 7 tháng Giêng mới hạ nêu. Trong thời gian này, mọi nợ nần, vay mượn đều không được đòi, sau ngày hạ nêu mới tính tới.
Nói về cái ăn chơi ngày Tết của đất Sài Gòn - Gia Định xưa, nhà thơ Tản Đà cũng thốt lên:
Sài Gòn nhớ vị cá cha (tra)
Cái xe song mã, chén trà Nhất Thiên.
Ngày Tết ê hề thức ăn, chỉ có cá tra kho với trái thơm, ăn cơm nóng là tuyệt đỉnh, không ngán, ăn hoài cũng... không no. Còn Nhất Thiên là hiệu cao lâu lớn nhất Chợ Lớn hồi đầu thế kỷ 20. Món trà Long Tĩnh pha với hoa cúc làm “đặc sản” của hiệu cao lâu này. Chén trà pha ra là thơm cả xóm, “điếc” cả mũi. Trong Nam kỳ phong tục nhân vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong thì cảnh những ngày Tết của người Sài Gòn - Gia Định thường thấy là:
Tục hay đờn địch giải buồn
Cúng cơm, đãi tiệc thơ mòng diễn ca
Kìm, tranh bài bản rập hòa
Thanh tao, nhã hứng miệng ca, tay đờn
Tốt thay mấy ả giai nhơn
Tay vàng, tay ngọc nhón đờn quá xinh
Xe mui chiều thả xanh quanh
Đôi vòng Bà Chiểu thích tình vào ra
Bánh mì các tiệm gần xa
Thơm ngon khí vị đều là khéo khôn
Một mình Phước Thái tiếng đồn
Thường khi trước cửa dập dồn người ta
Chùa Ông Bổn, xóm Bà Ba
Tên Phụng Sơn Tự hội mà quá sung
Bên đàn bà/bên đàn ông
Mỗi năm đáo lệ chưng ra bạc tiền
Xướng ca để cúng liền liền
Bạn Nam, bạn Quảng hát liên đêm ngày.
Có vài năm, ngày Tết còn tổ chức đua thuyền trên kinh Bến Nghé. Còn đua ngựa thì được tổ chức quy mô giải mùa Xuân hàng năm. Giải này trước đây được tổ chức ở thành Ô Ma, sau này mới dời về trường đua Phú Thọ. Với các bà, các cô, đi chợ Tết là cái thú không thể thiếu. Cảnh chợ Tết Sài Gòn được nữ sĩ Việt Anh ghi lại như sau (Tri Tân số xuân Nhâm Ngọ 1942): “Từ 23 tháng Chạp, người ta đã làm mấy dãy quán lá để bán Tết mấy đêm ở chợ Bến Thành. Nhưng vui nhất chỉ có ba hôm 27, 28 và 29. Ba hôm ấy, chợ bán thâu đêm suốt sáng, mấy người bán hàng thay nhau thức để bán. Mấy gian hàng báo chí đã treo đầy những giai phẩm Xuân, mấy cụ đồ nghiêm trang, tề chỉnh cố nắn nót những nét chữ mềm mại nhưng mạnh mẽ trên tờ giấy đỏ chót, nào tài lộc, phú quý, thọ khang... Chỗ này, mấy gian hàng xếp cây cảnh từng chậu, nào hồng, cúc, vạn thọ, mồng gà, cam quýt, cành mai, cành đào... Đằng kia san sát mấy gian hàng, nào rượu, mứt, pháo, bánh, kẹo... nhiều không kể xiết. Lại xen thâm mấy hàng hoa giấy xanh, đỏ, tím, vàng. Đáng chú ý là những gian bán dưa hấu, bưởi, đã chiếm khoảng một phần tư phía ngoài chợ. Dưa hấu xếp từ đất bốc lên tới nóc nhà, có trái giá đến 2-3 đồng bạc, người khỏe chỉ vác được 4 trái là cùng. Những hàng cơm, hàng bán những món giải khát cũng chiếm một phần lớn chợ, thôi thì cơm ta, cơm tây, cơm tàu, cơm chay cùng nước chanh, nước ngọt, nước đá, rượu bia... Ba ngày chợ Tết, từ chiều mát đến 2-3 giờ sáng, người đi không ngớt”.
Theo NTD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét