Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Về phá Tam Giang ăn cháo cá “tiến vua”

NGỌC HOA –
“Thương anh em cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”, đó là câu ca của người xưa nói lên sự ám ảnh về độ dữ dội và nguy hiểm của phá Tam Giang. Là một phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, phá Tam Giang là một trong những đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 24 km, diện tích 52 km2, theo hướng Tây Tây Bắc-Đông Đông Nam.
VE-PHA-TAM-GIANG-AN-CHAO-CA-TIEN-VUA-(5)
Từ cửa sông Ô Lâu đến sông Hương ra biển Thuận An, phá Tam Giang thuộc địa phận 12 xã của các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Thị xã Hương Trà ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phá Tam Giang không chỉ là một thắng cảnh của Huế bởi vẻ đẹp nên thơ của một vùng trời nước mênh mông mà còn ẩn chứa trong lòng nó một nguồn lợi thủy sản dồi dào phong phú và đa dạng về chủng loại, trong đó có loại từng là đặc sản tiến vua. Cá dìa phá Tam Giang là một loại cá quý hiếm, thơm ngon lại giàu giá trị dinh dưỡng. Người Huế gọi cá dìa là “cá thuốc Bắc”. Cháo cá dìa phá Tam Giang nổi tiếng và trở thành đặc sản đối với du khách thập phương khi tới Huế.
Cá dìa hay còn gọi là cá nâu (tảo ngư), tên khoa học là Siganus, thuộc bộ cá vượt. Đây là loài cá da trơn thân dẹt, da màu nâu xám vàng, vây sắc, sống nhiều trong tự nhiên ở vùng nước mặn ngọt giao thoa. Cá dìa sống ở cả vùng biển và vùng nước lợ từ Thừa Thiên-Huế đến Nha Trang. Cá dìa có nhiều loại, nhưng chỉ ở phá Tam Giang mới có giống cá dìa bông điểm xuyết trên nền da những chấm màu nâu đen vốn là loài cá dìa quý hiếm.
Theo các lão ngư vùng này, cá dìa bông ở phá Tam Giang thường xuất hiện nhiều vào tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Số lượng cá dìa sống trong tự nhiên ở phá Tam Giang không nhiều nhưng giá trị kinh tế cao. Vào vụ, cá có giá 200.000-250.000 đồng/kg. Cá dìa bông có kích thước không to, con lớn cũng chỉ bằng bàn tay người lớn, trọng lượng khoảng 250 g. Thức ăn của cá dìa bông phá Tam Giang là thực vật thủy sinh như tảo, rau câu, nên ruột cá rất sạch. Cá dìa bông rất giàu dinh dưỡng, thịt cá béo ngọt, thơm và ít xương.
Là loài cá đặc sản có thể chế biến nhiều món ngon như hấp, kho, nướng, nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhiều nhất là nấu cháo bởi cháo cá dìa rất thích hợp cho việc bồi bổ sức khỏe người bệnh, phụ nữ sinh con, trẻ em và người già yếu. Ngoài ra, thịt cá, ruột cá dìa không những thơm ngon mà còn có tác dụng như một liều thuốc an thần nhẹ, chữa bệnh mất ngủ, giảm stress rất hiệu quả.
Cháo cá dìa cũng rất dễ chế biến. Tuy nhiên, để có một món cháo cá dìa đúng chuẩn, thơm ngon thì cần phải chọn cá tươi, nếu cá còn sống càng ngon. Cá dìa sau khi được làm sạch (vẫn giữ lại ruột) được để nguyên con và ướp gia vị gồm hạt tiêu xay, hành tím cắt lát mỏng, một chút nước mắm, dầu ăn, ướp khoảng 15-20 phút cho thấm. Trong khi đó, người chế biến nấu gạo thành cháo, chú ý là không để cháo đặc mà phải lỏng với hạt gạo không quá nở rồi đổ cá dìa đã ướp vào nồi cháo, đun thêm khoảng năm phút thì cháo cá chín. Để cho nồi cháo bắt mắt và vị thơm ngon đậm đà hơn thì phi thêm hành, ớt bột với dầu rồi đổ lên mặt nồi cháo. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng, múc cháo ra tô cho thêm hành lá, ngò thơm xắt nhỏ rải lên mặt, sẽ có một tô cháo cá dìa vô cùng hấp dẫn.
VE-PHA-TAM-GIANG-AN-CHAO-CA-TIEN-VUA-(8)
Du khách sau khi thỏa thích dạo chơi bằng thuyền hoặc du thuyền trên phá, xem ngư dân khai thác thủy sản, hoặc chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình, cảm giác lâng lâng, bồng bềnh trên sóng nước rồi ghé vào bất cứ một quán hay nhà hàng đặc sản nào trên phá Tam Giang hoặc trên du thuyền mà thưởng thức một tô cháo cá dìa nóng hổi, thơm ngon thì sẽ không có gì sảng khoái bằng!
Ăn cháo cá dìa ngay tại nơi chúng sinh sống giữa một vùng thiên nhiên kỳ thú là một trải nghiệm hết sức thú vị. Cháo cá dìa vừa có vị ngọt đậm đà, vị béo, cùng một chút đắng dịu đặc trưng của mật cá, mùi thơm lừng của gia vị sẽ làm say lòng người thưởng thức. Cháo cá dìa bông của phá Tam Giang cùng với cảnh sắc nên thơ, lãng mạn xứ Huế sẽ níu chân du khách nếu đã một lần tới đây!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét