1. Cồn Phụng - Bến Tre
Với chiều dài chỉ khoảng 70 km, đây được xem là điểm du lịch khá gần với Sài Gòn và có thể đi lại trong ngày dễ dàng. Đường đi tương đối đơn giản, bạn chỉ việc search trên Google Maps từ khóa “Cồn Phụng” là sẽ ra. Nếu chạy xe máy thì đi theo quốc lộ 1A về phía Long An, chạy một đoạn nữa là đến ngã ba Trung Lương, rồi hỏi người dân đường đến cầu Rạch Miễu (cách đó khoảng 2 km), coi chừng chạy nhầm về hướng cầu Mỹ Thuận.
Chạy lên cầu được một đoạn, ở khoảng giữa sẽ có hai chỗ dừng xe hai bên, có bậc cầu thang và đường cho xe chạy xuống, chỗ này bạn hãy chạy cẩn thận để xuống thẳng Cồn Phụng luôn mà không cần qua hết cầu, gửi xe rồi mới đi phà qua cồn (vừa mất thời gian, vừa mất tiền).
Khi xuống dưới dạ cầu, bạn sẽ thấy có một con đường nhỏ với hàng cây nhãn trồng hai bên (để ong hút mật), cứ đi thẳng hết con đường đó là đến khu du lịch Cồn Phụng, nơi ở của ông Đạo Dừa.
Khi vô trong đó, bạn có thể mua vé đi thuyền lớn tham quan các cồn khác như Tân Long, Quy, cù lao Thới Sơn ở ngay xung quanh với giá vé dao động trong khoảng chỉ 130.000 đồng. Số tiền này là bao gồm cả tiền đi thuyền lớn tới cồn, sau đó đi thuyền nhỏ len lỏi các rạch nước bên trong, thưởng thức các loại trái cây ngọt lịm ở Bến Tre, uống trà mật ong, nghe đờn ca tài tử… khá hấp dẫn.
Nếu gom lại thành nhóm đi thuyền thì chi phí sẽ thấp hơn, thay vì đi các dịch vụ ở bên ngoài. Trong thời gian chờ đợi thuyền về bến, bạn có thể tham quan nơi ở của ông Nguyễn Nam Thành (người đã sáng lập ra Đạo Dừa). Mặc dù trời lúc đó đang vào lúc giữa trưa nhưng gió từ sông lúc nào cũng thổi lên mát rượi mang theo hương dừa, hương nhãn hòa quyện đâu đó.
Khi đi qua các cồn khác, bạn sẽ được tham quan khu sản xuất kẹo dừa, những món đồ thủ công mỹ nghệ được làm từ dừa, xà bông, dầu dừa, mật ong... rất đa dạng và đủ mọi mẫu mã.
Tiếp theo, bạn sẽ được dẫn đi ăn trái cây như xoài, sabo, mít, thơm, nhãn… ngồi nghe đờn ca tài tử Nam Bộ, uống trà mật ong. Cuối cùng, hướng dẫn viên sẽ đưa bạn đi ngang qua các vườn cây ăn trái để tiến sâu vô các con rạch nhỏ bên trong, sau đó chèo thuyền nhỏ để tham quan và ra lại sông lớn.
Chị Ba, một người chèo thuyền lâu năm ở đây, chia sẻ: “Dịp lễ thì có nhiều người đi hơn, còn ngày thường thì cũng ít lắm em, hôm không có việc chị phải đi làm thêm việc khác.”
Sau khi đi tham quan cồn Phụng xong vẫn còn rất nhiều thời gian để bạn khám phá thêm các điểm du lịch gần đó như trại rắn Đồng Tâm, đi thăm các khu di tích…
2. Chợ Lách - Bến Tre
Đường về chợ Lách dài khoảng độ tầm 100 km, đường đi tương đối dễ và rộng rãi. Nếu đi từ TP.HCM xuống, bạn có thể tới ngã ba Trung Lương, chạy hướng về cầu Mỹ Thuận, khi tới ngã tư thị trấn Cái Bè thì quẹo trái chạy hết đường, qua 2-3 con phà rồi hỏi đường người dân là tới được khu trung tâm huyện chợ Lách.
Hoặc không thì bạn có thể đi theo đường ngoài, chạy qua cầu Rạch Miễu thẳng xuống theo quốc lộ 60, qua cầu Hàm Luông rồi hỏi đường về Chợ Lách. Đường đi sẽ xuyên qua các huyện Long Thới, Vĩnh Thành với những vườn trái cây, hoa kiểng và sầu riêng… thơm lừng. Trên đường bạn có thể ghé thăm nhà thờ Cái Mơn, nhà thờ Chợ Lách, khi đến được trung tâm huyện Chợ Lách thì bạn hãy gửi xe để đi thuyền ra cồn Phú Đa ăn ốc gạo, bánh xèo hến, tham quan vườn trái cây chôm chôm… Nếu biết đường thì đi xe máy khoảng 15 phút còn đi thuyền thì khoảng hơn 30 phút, tuy nhiên đi trên sông bao giờ cũng cho bạn một cái cảm giác thú vị hơn rất nhiều. Lưu ý, đó là đi tự túc, còn nếu bạn đến trung tâm chợ mà mua vé đi theo tour thì khoảng 100.000 đồng hoặc hơn tùy dịp.
Phía bên kia bờ sông là các lò gạch ở huyện Măng Thít (Vĩnh Long) với những cột khói cao trắng trời. Lưu ý, hình này đã có phóng to lên chứ khoảng cách ở sông Cổ Chiên này giữa hai bờ rất lớn. Bạn nên chọn đi vào những ngày không có mưa, trời mưa thì đi tham quan vườn trái cây rất bất tiện.
Bài & Hình: MINH HOÀNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét