Hồi trước, tôi hay lên Vĩnh Thạnh để thăm người yêu. Vĩnh Thạnh là một huyện miền núi của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng bảy mươi cây số.
Bây giờ mọi thứ xe cộ, đường sá đều thuận lợi nên đi lại dễ dàng chứ thời đó cực lắm. Nhà tập thể của cô ấy lại cách bến xe chừng hơn mười cây số. Bởi vậy, tôi luôn kèm theo chiếc xe đạp để khỏi phải cuốc bộ. Chiếc xe nằm chung trên mui với cá khô, mắm muối... ròng rã cả ngày rất nặng mùi nên tôi thường phải rẽ vô một bến sông ven đường để tắm cho xe và tắm cả... cho người.
Đầu, cổ, tay chân, thân thể tôi không những tê cứng vì bị nhồi nhét mà còn khăm khẳm mùi mắm, tanh tanh mùi cá. Chẳng lẽ mang theo cái “hương” rất đặc trưng ấy xuất hiện trước mặt người yêu. Đoạn đường từ bến xe tới chỗ cô ấy làm việc gần hay xa, còn tùy thuộc vào tâm trạng. Lúc đi với bao hạnh phúc, sướng vui vì sắp được gặp người mình yêu, thấy đoạn đường sao mà ngắn. Vòng xe quay nhanh và cái dốc Trời cao là thế mà vẫn thấy khỏe khi phải dắt xe trèo qua. Chừng về dù thả xe tuột dốc nhưng lại thấy mệt - buồn.
Mắm |
Vì ở một nơi cách trở như vậy nên những người ở tập thể phải tự tìm ra nhiều cách để cải thiện bữa ăn. Đôi khi cũng bẫy được chú chồn, con mang... và những ngày như vậy gian bếp của công nhân thơm lừng mùi nấu nướng, um, xào. Thường ngày thì dựa vào dòng sông Côn phía trước nhà để kiếm mớ tôm, con cá...
Dòng sông đã là chứng nhân cho bao đêm hò hẹn ngọt ngào của chúng tôi. Và cũng nhờ dòng sông này mà tôi được thưởng thức bao thứ cá hiếm quý. Cá niên, cá lúi... hồi đó, tụi tôi thả ngọt rồi um để làm thức ăn và nướng để làm mồi chứ đâu như bây giờ, “cá sông Côn” đã được lên đời, trở thành đặc sản của các nhà hàng. Cá, có khi câu hoặc giăng lưới được rất nhiều. Nhất là cữ tháng Chín, tháng Mười âm lịch, cá ăn không hết mấy cô trong cơ quan mới nghĩ ra cách làm mắm. Và thế là tôi được thưởng thức dài dài mắm cá sông Côn.
Tôi là dân xứ biển nên được ăn nhiều mắm, cá từ biển. Ăn riết rồi thấy cũng thường. Nhưng nói thật lòng, tôi phải suýt xoa trong những lần được nếm hương vị cái thứ mắm ấy ở Vĩnh Thạnh. Có người nói cá nào cũng làm mắm được và cái chính là cá sông Côn rất ngon nên mắm cũng rất ngon.
Nhưng mấy cô ở tập thể hay làm mắm cá mương. Cách làm cũng giản đơn. Mấy cô làm sạch cá, để ráo, bằm nhỏ trộn muối cho thẩm thấu. Trên một tháng sau cá chua thì ăn được. Chừng ăn giã ớt tỏi, bỏ thêm chút đường. Dưa leo, cà xanh, cà đĩa trồng đầy quanh khu nhà ở và mấy thứ đó mà xắt ra quết với mắm thì ăn có no mấy cũng vẫn thấy thèm. Được cái ngày đó tiêu chuẩn gạo của cơ quan người yêu tôi luôn cao hơn ở thành phố.
Nhìn tôi hăm hở với mắm với cá rồi rau lang, rau tập tàng luộc... các bạn cô ấy hay đùa: “Nuôi dễ vầy cứ lên đây ở cho tụi này nuôi. Gạo phân phối, cá mắm sông Côn, rau rác quanh nhà và thuốc lá ở khắp nông trường mặc tình thỏa thích”.
Do hoàn cảnh gia đình và công việc, người yêu tôi chuyển xuống thành phố. Cô ấy về năm trước thì năm sau chúng tôi làm đám cưới. Có mấy người hồi ở chung tập thể đã ở lại làm dâu, làm rể Vĩnh Thạnh và nhờ đó, vợ chồng tôi vẫn tiếp tục được thưởng thức mắm cá mương sông Côn.
Đời sống khá lên, người ta cũng làm mắm cầu kỳ hơn một chút. Tỷ như bằm thơm nhỏ rồi cô lại cho thiệt keo với đường, trộn chung cùng cá và muối, không quên một ít tương đậu nành. Khoảng một tháng sau, giở thẩu mắm ra kiểm tra mặn, ngọt thế nào để còn gia giảm và bỏ vô một ít riềng xắt nhỏ.
Cũng như cách làm mắm, cách ăn mắm nay cũng khác xưa. Thường có mắm cá mương sông Côn, vợ tôi hay cho nhà ăn thịt heo luộc kèm với rau sống đủ loại. Ăn riết bắt ghiền. Chừng không có thấy thiếu và thèm. Được cái biết tụi tôi mê mắm, nên trên đó cũng tiếp tế dài dài.
Gian bếp của gia đình tôi rất nhỏ nhưng trữ khá nhiều thứ mắm. Muốn ăn thứ mắm gì cũng có. Biển thì mắm thu chưng, mắm nêm, mắm ruột... Đồng thì mắm cua. Còn sông? Sao có thể thiếu một hũ mắm cá mương để qua đó, chúng tôi luôn nhớ đến những dân dã của một thời đã qua và tình yêu lứa đôi cũng nhờ một món ăn kỷ niệm mà trở nên... đậm đà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét