7 chính sách lớn trong Bộ luật Hồng Đức
Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh sinh năm Tân Mão (1411), tên tự là Trực Khanh, tên hiệu là Trúc Khê, người làng Huyền Khê, xã Trung Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, nay là Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Năm 1427, ông đã tìm đến với cuộc kháng chiến chống quân Minh của vua Lê Thái Tổ tại dinh Bồ Đề, dâng thơ văn được tin dùng, bổ chức Bản phủ học sinh. Năm 19 tuổi, ông đi thi đỗ tên đứng thứ 3 khoa Bác học hoành từ. Năm 21 tuổi, ông lại đi thi và trúng tuyển khoa Chân nho chính trực. Sau đó, ông được tháp tùng vua Lê Thái Tổ đi dẹp giặc cỏ Hà Tùng Lai. Năm 1434, ông được thăng đến chức Ngự tiền học sinh cục trưởng. Năm 1437, được thăng chức Chánh trưởng nội mật viện. Năm 1440, ông tháp tùng vua Lê đi dẹp giặc Nghiễm.
Nhà thờ của họ Hoàng ba chi làng Đa Sĩ, nơi thờ Danh nhân Hoàng Trình Thanh và Trạng nguyên lưỡng quốc bao phong Hoàng Nghĩa Phú |
Vào triều vua Lê Nhân Tông năm 1443, ông được cử đi sứ nhà Minh tạ ơn việc sắc phong, sau về được thăng chức Trung nghị đại phu Hàn lâm viện thị độc Tri ngự tiền học sinh cục trưởng. Đến triều vua Lê Thánh Tông, năm 1460 ông được cử đi sứ nhà Minh, với tài ngoại giao xuất sắc của mình đã buộc nhà Minh bỏ lệ nước ta phải mò ngọc trai cống nộp. Năm Nhâm Ngọ (1462), vua Lê Thánh Tông muốn đổi mới đường lối trị vì đất nước, đã xuống chiếu cầu lời nói thẳng, ông đã dâng 7 chính sách lớn, được nhà vua chấp nhận và đã được ghi lại trong sử sách như sau:
Thứ nhất, phải thuận âm - dương, trên - dưới, trong - ngoài thì trong nước mới có hòa khí. Thứ nhì, phải trọng người hiền tài, có học thức, trọng kinh sách, noi theo tiền nhân thì nền chính học mới thịnh vượng. Thứ ba, phải chăm sóc bồi dưỡng các thế hệ đời sau. Thứ tư, phải tiết kiệm của cải tiền bạc thì mới mở mang được kinh tế. Thứ năm, phải thận trọng tuyển chọn quan chức mới chăm lo được chúng dân chứ không phải cai trị dân. Thứ sáu, phải thường xuyên huấn luyện quân sự thì nền võ bị mới mạnh. Thứ bảy, phải lập đồn điền để kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Sớ tấu của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh với 7 kế sách lớn sáng suốt trên đã được vua Lê Thánh Tông tin dùng cho thể hiện khá đầy đủ trong Bộ luật Hồng Đức là bộ luật tiêu biểu nổi tiếng của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Không chỉ là một bậc quan đại thần của thời Lê sơ, Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh còn là một trong 10 nhà nho có đức nghiệp của triều Lê. Đồng thời ông cũng là một nhà thơ lớn có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà, một số tác phẩm tiêu biểu của ông đã được ghi chép lưu giữ lại.
Ngày 3 tháng 3 năm Quý Mùi (1463), trong lúc dự triều chính ông mất đột ngột, thọ 53 tuổi. Vua Lê Thánh Tông vô cùng thương tiếc, phong tặng ông là Tham chính Thái bảo Triều liệt đại phu, để ghi công lao của một vị quan đại thần trải 4 triều vua, với một đời hết mình vì dân vì nước và suy tôn là bậc “Nho lâm kỳ thụ - Cây cổ thụ trong rừng nho”, Nho thần sự nghiệp độc công cao”…
Bia đá ghi công trạng của Tiên tổ tại nhà thờ Danh nhân Hoàng Trình Thanh |
Trải 4 triều vua Lê (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông), trong suốt 36 năm, Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh luôn giữ khí tiết trong sạch, thẳng thắn, thuần hậu, hết lòng vì nước vì dân.
Ông được coi là ông Tổ khai khoa họ Hoàng ba chi của làng Đa Sỹ. Sau này con cháu ông kế tục truyền thống khoa cử, có nhiều người đỗ đạt. Trong đó có 1 người đỗ trạng nguyên, một người đỗ tiến sĩ đệ nhị giáp, 7 tiến sĩ đệ tam giáp. Họ nhà ông là một họ có tiếng ở kinh thành Thăng Long.
Mộ, nhà thờ Hoàng Trình Thanh và Từ chỉ họ Hoàng là di tích lịch sử quốc gia
Hiện nay những di tích còn lại gắn liền với tên tuổi của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh là từ chỉ Đống Dấm. Đây là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã nuôi dưỡng Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh trưởng thành thành đạt, hiện còn lăng thờ và tấm bia ghi sự tích lập vào đời Gia Long thứ 14 (1815).
Nhà thờ tiến sĩ Hoàng Trình Thanh ở giữa làng Đa Sỹ, xây dựng từ đời Nguyễn đã bị giặc Pháp tàn phá và đã được con cháu dựng lại từ 1952.
Phần mộ tiến sĩ Hoàng Trình Thanh, trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú, Hoàng Giáp, Hoàng Du, được con cháu giữ gìn truyền đời từ thuở các vị quy tiên. Tất cả đều là di tích cổ truyền, tuy nhiên theo thời gian cũng đã bị xuống cấp nay lại đang trong thời kỳ đô thị hóa nên đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Nhân 600 năm ngày sinh Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh - Danh nhân văn hóa thời Lê, ngày 21/7/2011, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Hội Di sản văn hóa VN, Ban quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội cùng hội đồng gia tộc họ Hoàng tam chi làng Đa Sĩ đã tổ chức Hội thảo khoa học về “Nhà thờ - Từ chỉ Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh - Phương thức bảo tồn phát huy giá trị di tích”.
Tại hội thảo, hơn 20 bản tham luận đã được báo cáo làm rõ thân thế sự nghiệp cùng những đóng góp của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh trong lịch sử và những vấn đề về bảo tồn di tích gắn với nơi thờ ông tại làng Đa Sĩ, quận Hà Đông (Hà Nội).
Vào ngày 13/2/2015, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đối với Mộ, nhà thờ Hoàng Trình Thanh và Từ chỉ họ Hoàng có địa chỉ tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Ngày 10/1/2016, hàng nghìn nhân đinh của các chi họ Hoàng tại làng Đa Sỹ và khắp nơi trên cả nước long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp quốc gia đối với mộ, nhà thờ Hoàng Trình Thanh và Từ chỉ họ Hoàng.
Việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đối với Mộ, nhà thờ Hoàng Trình Thanh và Từ chỉ họ Hoàng là di tích lịch sử quốc gia nhằm tôn vinh những đóng góp lớn lao của các dòng họ, tôn vinh, tri ân những nhân vật đã có công với lịch sử quê hương, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tinh thần trong đời sống cộng đồng.
Mộ, nhà thờ Hoàng Trình Thanh và Từ chỉ họ Hoàng được đón nhận bằng di tích lịch sử quốc gia không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của dòng tộc họ Hoàng mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân làng Đa Sỹ, Kiến Hưng. Đồng thời, qua đây cũng đặt ra những trách nhiệm to lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích.
Theo Công lý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét