Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Độc đáo món hủ tiếu chiên vàng ở Cái Răng

Bài, ảnh: Hồng Khuyên 

(Dân Việt) Thật đơn giản, nhưng món hủ tiếu chiên vàng ở Cái Răng đã in đậm dấu ấn trong lòng người thưởng thức bởi sự mới lạ và hương vị thơm ngon đầy thú vị của nó.

   
Đến Miền Tây Nam bộ, khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phong phú và đa dạng trong nghệ thuật ẩm thực dân gian của miền đất này. Với tính cách hiền hòa, chân chất nhưng người bình dân nơi đây đã thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời khi chế biến các món ăn, nhiều món là sự kết hợp độc đáo giữa những thứ có sẵn trong tự nhiên, hoặc tạo ra những món mới bằng các phương thức làm chín khác nhau.
Các món hủ tiếu ở miền Tây nổi tiếng với hủ tiếu Nam Vang (vốn xuất xứ từ Campuchia được du nhập vào và tồn tại ở mảnh đất này từ lâu); hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang); hủ tiếc Sa Đéc (Đồng Tháp); đặc biệt là món hủ tiếu chiên vàng ở Cái Răng (Cần Thơ).
doc dao mon hu tieu chien vang o cai rang hinh anh 1
Hủ tiếu đã chiên vàng thơm ngon.
Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, theo Quốc lộ 1A, đi đến chân cầu Cái Răng rẽ về Phong Điền rồi đi thêm một đoạn nữa, chúng ta sẽ được thưởng thức món hủ tiếu chiên vàng thật độc đáo.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, để có được những sợi hủ tiếu vừa dai, vừa giòn, ngon, người làm hủ tiếu cũng phải trải qua nhiều công đoạn. Bột mì phải lấy từ những cây mì lùn trồng ở vùng đất cát Tây Ninh. Theo kinh nghiệm dân gian thì củ mì trồng ở vùng núi ấy củ ăn có vị đắng nhưng khi chế tạo bột thì bột trắng tinh, khác ở mì trồng trên đất phù sa, cây lớn hơn, củ ăn ngọt hơn nhưng làm bột thì không bằng.
doc dao mon hu tieu chien vang o cai rang hinh anh 2
Hủ tiếu đang phơi.
Bên cạnh bột mì, người ta còn dùng gạo ngon, xay ngâm nước rồi vớt phần tinh bộ đem bồng phơi khô, xác bỏ đi. Khi có hai thứ bột rồi thì trộn theo tỷ lệ nhất định, sau đó mới tráng bánh. Từng miếng báng tráng đều được lấy ra phơi rồi cũng bằng kinh nghiệm của mình người ta sẽ biết bánh khi nào vừa cắt sợi. Sao cho, bánh vừa cắt khô bể vì khô mà những sợi cũng sẽ không dính lại với nhau vì bánh còn ướt.
Hủ tiếu vừa cắt đem chiên trên chảo dầu cho đến khi vàng sậm. Những sợi hủ tiếu kết lại với nhau thành dề, trút ra đĩa, phía trên thêm giá sống, rau thơm, những miếng thịt, bì heo khìa nước dừa xắt chỉ, … trên cùng là trứng vịt ốp la vừa chín lòng trắng. Thêm ít nước tương ngon, vài lát ớt nữa là có bữa ăn chơi đã đời.
Đơn giản là vậy, nhưng món hủ tiếu chiên vàng ở Cái Răng in đậm dấu ấn trong lòng người thưởng thức bởi sự mới lạ và độc đáo đầy thú vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét