Ai đã từng đi qua vùng đất Hương Canh - Vĩnh Phúc, được nếm thử món bánh hòn đặc sản nơi đây, chắc khó lòng có thể quên được hương vị và sự thơm ngon của nó.
Làng Cánh quê tôi - nay là thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, từ nhiều đời nay đã lưu truyền món ăn dân dã nhưng rất nổi tiếng, đó là món bánh hòn.
Người ta thường kháo nhau, về đến đất Hương Canh mà không ăn "cháo se bánh hòn" thì thật uổng phí. Thật vậy, món bánh quê giản dị này luôn để lại ấn tượng khó quên cho những ai đã từng thưởng thức.
Cái tên bánh hòn nghe thật mộc mạc và thân thương, có lẽ bởi hình dáng của bánh giống hòn bi ve nhưng lớn hơn cỡ gấp 4 - 5 lần. Bánh có mùi thơm của mỡ hành và thịt băm mộc nhĩ, vỏ ngoài là lớp gạo tẻ được người nấu dùng tay nắm đơn giản, trông bánh không mượt mà hút mắt nhưng ăn 1 miếng là thấy mê ngay.
Đây cũng là món ăn khiến tôi luôn cảm thấy tự hào trong mỗi bữa tiệc gia đình, là món quà chân thành dành tặng bạn bè, đồng nghiệp trong những dịp đặc biệt.
Loại gạo được chọn để làm bánh là loại gạo tẻ ngon, loại gạo nông nghiệp 8, khang dân. Gạo cần vo thật sạch, đãi sạn, ngâm nước lã khoảng 3-4 giờ, bấm hạt gạo mềm là được. Sau đó, gạo cần được xóc sạch thêm lần nữa, vớt ra rá, để ráo nước. Khi gạo khô, bạn đem nghiền được bột nhỏ mịn, sờ mát tay, nếu không có máy thì cho gạo vào cối giã, sau đó đem rây lấy bột nhỏ mịn. Sau khi đã có bột rồi, không nên để lâu vì bột sẽ nhanh bị chua.
Cho bột vào chõ sôi, lấy vài chiếc đũa cắm quanh bên trong chõ, sau đó nhẹ nhàng cho bột vào, đến khi sôi một lúc lâu, thấy có hơi bốc lên, rút đũa ra sẽ có lỗ hổng cho hơi nước ở nồi đáy bốc lên, bột sẽ chín đều, khi thấy có nhiều hơi, bột xôm xốp là được.
Đổ bột chín ra chậu to sạch, lấy nước trong chõ sôi tưới vào bột trộn đều nhào mạnh, đến khi tay không dính bột là hoàn thành xong bột làm bánh.
Nhân bánh được làm bằng nguyên liệu: Thịt nạc vai băm nhỏ, hành hoa thái nhỏ, mộc nhĩ, nước mắm, gia vị nêm nếm cho vừa ăn.
Nắm từng hòn bột bằng quả ổi con, nặn mỏng, cho nhân hành thịt nạc vai mộc nhĩ vào giữa, rồi vuốt nặn bịt kín miệng lại như hình quả bóng bàn. Từng lớp bánh hòn đem xếp dần vào chõ đang nghi ngút hơi nước nóng. Đậy vung cho lớp bánh dưới lên da non, mới xếp tiếp lớp bánh khác lên trên. Đun nhỏ lửa đến khi hương thơm bay ra ngào ngạt, mở vung ra thấy những hòn bánh đã ngả màu trắng trong là bánh đã chín.
Bánh ăn ngon hơn khi còn ấm nóng. Bạn có thể chấm bánh hòn với nước mắm pha loãng giống vị nước mắm chấm bánh cuốn. Riêng người dân địa phương thường kết hợp món bánh hòn với cháo se ăn rất lạ miệng mà hợp vị, cực kì lôi cuốn. Đây cũng được xem như món cháo đặc sản không nơi đâu có được.
Nếu có dịp ghé qua mảnh đất Hương Canh - tỉnh Vĩnh Phúc, đừng quên thưởng thức món bánh hòn đặc sản của quê hương tôi. Món bánh in sâu trong tiềm thức, lớn lên cùng tuổi thơ của những người con nơi đây, không quên góp mặt trong những dịp lễ Tết, ăn hỏi, cưới xin... đi cùng cái tên huyện, tên làng theo năm tháng, không bao giờ phai nhạt, vẫn còn nguyên nét truyền thống đậm đà bản sắc quê hương.
(Theo Em đẹp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét