Nhộn nhịp hàng bánh đúc trong khu tập thể cũ
Sâu ở ngõ hẻm hoặc ẩn mình trong những khu tập thể cũ kĩ, có những hàng quán nhìn bên ngoài thì hết sức tuềnh toàng nhưng sức sống lại rất bền bỉ. Trải qua 20-30 năm, các quán ăn như thế vẫn luôn đông khách và gây dựng được tiếng tăm riêng, dù đường đi đến đó đôi lúc ngoằn nghèo, không phải ai cũng biết. Quán bánh đúc của bà Tuyết Minh (56 tuổi, khu tập thể C2-Trung Tự, Hà Nội) chính là một ví dụ như thế.
Quán ăn nhìn bên ngoài chẳng có gì đặc biệt này đã có tới 20 năm tuổi đời.
Quán khá chật, bàn ghế sơ sài nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp khách ghé qua.
Nằm khuất trong sân chơi khu tập thể nhưng 20 năm qua, quán ăn này vẫn luôn nhộn nhịp khách ra vào. Mở cửa từ lúc 14h mà chỉ đến tầm 18h chiều thì quán đã gần như "cháy" hàng và đến 19h thì chủ quán đã thu dọn hàng, chuẩn bị ra về.
Biển báo hết bánh thường xuyên được dùng đến.
Mùa đông, hàng ăn này chỉ bán mỗi món bánh đúc, có ngày hết đến 2-3 nồi bánh to cả 20kg. Mùa hè thưa khách hơn nên bà Minh bán kèm thêm các loại chè giải nhiệt. Cả hai món ăn vặt này đều rất được thực khách ưa chuộng. Dẫu rằng những ngày Thủ đô nóng tới 40 độ C thì cảm giác nhâm nhi một bát bánh đúc nóng hổi, có lẽ chẳng phải là sự lựa chọn ưu tiên.
Bát bánh đúc đầy đặn, giá chỉ 15.000 đồng.
Bột bánh ở đây rất dẻo, dai.
Nhưng bánh đúc của bà Minh làm thì rất đặc biệt, ăn ngày nóng hay lạnh cũng ít bị ngán. Lý do là nước dùng ở đây rất vừa ăn, không nặng nề vị mì chính hay đường mà dậy lên vị ngọt từ xương, thịt. Miếng bột bánh dẻo mịn và rất dai, thơm mùi gạo, khi ăn cùng với nhân thịt băm xào mộc nhĩ, rau mùi, hành khô, bỗng gợi lên hương vị rất riêng biệt.
Mùa hè quán bán thêm cả các loại chè giải nhiệt.
Giá mỗi cốc chè cũng chỉ 15.000 đồng.
Giá đồ ăn ở đây rất rẻ. Một bát bánh đúc nhiều bánh, nhiều thịt, nhiều nước dùng ngọt béo, giá chỉ 15.000 đồng. Ai ăn khỏe, có thể gọi bát 20.000 đồng, bà chủ sẽ chất thêm đầy thịt, ăn một bát mà có thể thay luôn cả bữa chính. Đồ ăn ngon, rẻ và rất sạch sẽ, từng khay nguyên liệu nhìn rất ngon mắt, để trong những cái hộp có nắp đậy cẩn thận.
Đồ ăn được để trong những chiếc hộp hoặc nồi có nắp đậy cẩn thận.
Chủ quán tự hào hương vị bánh đúc không lẫn với bất cứ hàng ăn nào
Nói về chuyện kinh doanh hàng ăn vỉa hè, bà Minh thở dài ngẫm lại một ngày lao động của mình, bà than rằng cái nghề này tuy nuôi sống bà và gia đình nhưng cũng rất cơ cực.
Dẫu vậy, 20 năm qua, bà và chị dâu vẫn luôn cố gắng bám trụ kinh doanh ở khu tập thể cũ này. Bán lâu, khách quen cũng nhiều, lại gần nhà nên bà không nỡ chuyển đi. Bà Minh nói mình là người có ít tham vọng, chẳng cần quán phải nổi danh hay quá đông khách, chỉ mong đều đều đủ sống qua ngày là được.
Quán chỉ có bà Minh và chị dâu bà phục vụ nên hai người lúc nào cũng phải làm việc luôn tay.
Bát bánh vừa chan nước dùng xong, chuẩn bị chuyển đến cho thực khách.
Kinh doanh hàng vỉa hè lại nằm trong khu tập thể, chẳng có biển hiệu, tên tuổi nhưng bà Minh vẫn rất tự tin vào sự khác biệt của mình. "Khách mà từng ăn bánh đúc nhà tôi thì khi đi hàng khác ăn thử là sẽ thấy khác hẳn. Người Hà Nội mình "sành" ăn lắm, món không ngon là họ biết ngay, ăn một lần rồi chẳng bao giờ người ta quay lại".
Khung cảnh nhộn nhịp ở quán giờ cao điểm.
Theo lời bà, nghề làm bánh đúc này là "bí kíp" gia truyền từ đời mẹ chồng bà truyền lại. Trước kia nhiều năm, mẹ chồng bà bán hàng ở khu cảng Phà Đen (gần chân cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội). Đến đời bà, quán ăn dịch chuyển về khu tập thể C2-Trung Tự này và tồn tại suốt nhiều năm qua. Trải qua nhiều thay đổi, từ những ngày bát bánh đúc giá chỉ vài nghìn đồng, đến giờ, hương vị và tay nấu nướng, cách gia giảm của bà vẫn chẳng hề thay đổi.
Nhìn bên ngoài, chẳng ai nghĩ bà Minh năm nay đã 56 tuổi.
Bán hàng ăn vỉa hè vất vả nên bà Minh chẳng định để con cháu theo nghề. Riêng bà thì rất yêu và hăng say với công việc bán bánh đúc. Mỗi ngày bà đều dậy sớm, lọ mọ bếp núc cả ngày nhưng vẫn không biết mệt. Bà bảo có lẽ vì đi bán hàng, vì được khuây khỏa nên bà cũng trẻ lâu hơn.
"Bây giờ 15.000 đồng mà muốn có một suất ăn ngon ngoài hàng quán thì khó lắm, chắc chả tìm được mấy chỗ. Nhà tôi bán giá rẻ vì tự làm mọi khâu, bát bánh đúc lúc nào cũng đầy đặn, dù thời thế có biến đổi thế nào thì chất lượng cũng không đổi mà giá lại hợp túi tiền nên được thực khách rất ủng hộ", bà Minh tự hào.
Theo Thu Hường (Trí Thức Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét