Hàng trăm năm trước, Bình Định từng là cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam. Miền đất võ này hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Từ lâu, Bình Định được mệnh danh là miền đất võ huyền thoại. Du khách quốc tế và những người yêu võ cổ truyền về đây thăm các di tích lịch sử văn hóa, các làng võ nổi tiếng dệt nên bao huyền thoại để cảm nhận tình yêu và sức hấp dẫn của võ cổ truyền dân tộc Việt Nam. Ảnh: NS Đào Tiến Đạt.
Định kỳ 2 năm, Bình Định tổ chức Liên hoan quốc tế võ cổ truyền nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, qua các kỳ Liên hoan quốc tế võ cổ truyền, Việt Nam thiết lập mối quan hệ để giao lưu, kết nối tình đoàn kết để cùng phát triển, truyền bá tinh hoa võ đạo cổ truyền dân tộc; đồng thời giới thiệu hình ảnh quê hương Bình Định đến với bạn bè quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.
Các đoàn võ thuật trong nước, quốc tế đến giao lưu võ thuật ở chùa Thiên Hưng (Thị xã An Nhơn) - ngôi chùa nổi tiếng ở Bình Định.
Đoàn võ thuật thuộc môn phái Tinh võ đạo (Nga) thực hiện nghi thức bái sư ở chùa Long Phước (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), thể hiện tấm lòng "tôn sư trọng đạo" - nét đẹp văn hóa tốt đẹp của võ cổ truyền Việt Nam.
Du khách đến với mỗi làng võ hay về các võ đường Bình Định được nghe các võ sư kể về lịch sử hình thành và phát triển võ cổ truyền, chiêm ngưỡng những đường roi, bài quyền tuyệt kỹ tinh hoa võ cổ truyền.
Các võ sinh đến từ nước Nga nhập môn võ cổ truyền ở chùa Long Phước.
Tham quan các võ đường ở "miền đất võ", du khách có thể chiêm ngưỡng màn nhào lộn hay múa binh khí diễn võ cổ truyền đẹp mắt.
Trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - 2016, liên tục những ngày qua, các đoàn võ thuật trong nước, quốc tế biểu diễn, giao lưu võ cổ truyền đã thu hút hàng nghìn du khách về miền đất võ tham quan.
Các phái võ khắp nơi trên thế giới hội tụ về Bình Định suy tôn Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ là Tổ sư môn võ cổ truyền Việt Nam. Trải qua nhiều thế kỷ, võ cổ truyền ở địa phương này không ngừng được chọn lọc, nâng cao, hội tụ các giá trị tinh hoa võ học dân tộc và thấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.
Võ sư Đồng Văn Hùng, Võ phái Tráng sĩ đạo (Vương Quốc Bỉ) diễn võ cổ truyền bên bãi biển Quy Nhơn. “Người phương Tây thích tập luyện, trau dồi võ cổ truyền Việt Nam, vì trong từng động tác hàm chứa sức sống kỳ diệu, nghị lực mạnh mẽ, đặc biệt quan trọng vấn đề đạo đức. Hiện, nhiều võ sư của môn phái đang phát triển, truyền dạy môn võ cổ truyền Việt Nam tại nhiều trường đại học ở Pháp, Algeria, Bỉ…”, võ sư chia sẻ.
Môn sinh môn phái Tiểu Long Đường (Pháp) múa kiếm. Theo các võ sư, võ sinh môn phái này, võ cổ truyền Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhiều võ sinh các nước châu Âu vì lối đánh uyển chuyển mềm mại, dùng nhu chế cương, dùng sức địch đối địch chứ không tốn nhiều sức lực.
Các võ sư, võ sinh quốc tế múa binh khí bên những gành đá tuyệt đẹp bên phố biển Quy Nhơn. “Chúng tôi vượt đường xa đến Bình Định là để được hướng về cội nguồn của võ cổ truyền Việt Nam. Mọi người có cơ hội kết bạn, giao lưu võ thuật với nhiều môn phái ở khắp mọi nơi trên thế giới. Cảm xúc ấy thật tuyệt vời, ai cũng hạnh phúc vì được hội ngộ về miền đất võ tôn sư trọng đạo”, ông Ryabov Valeriy - Trưởng đoàn võ thuật Nga nói.
Các võ sư, võ sinh môn phái Tiểu Long Đường(Pháp) múa ninh khí diễn võ cổ truyền trên gành đá Bãi Xép - một trong những địa điểm du lịch hoang sơ nổi tiếng ở phố biển Quy Nhơn. “Chúng tôi đến Bình Định giao lưu, học hỏi võ cổ truyền không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn hiểu thêm về truyền thống văn hóa lịch sử Việt Nam. Đến giao lưu võ thuật, thăm các di tích nơi đây, tôi đều ghi lại hình ảnh lưu niệm để khi về nước giới thiệu với người thân, bạn bè về môn võ cổ truyền độc đáo ở miền đất sâu đậm tinh thần thượng võ này”, ông Krim Lakbir, người Mococco, thuộc môn phái Tây Sơn Bình Định thổ lộ.
Người Việt thích thú xem các 'ông Tây' múa võ Bình Định
Hàng trăm môn sinh quốc tế thể hiện tài năng ở các võ đường nổi tiếng Bình Định với màn đấu đối kháng một chọi ba, nhào lộn nhiều vòng giữa tràng pháo tay không ngớt của khán giả.
Liên tục hai ngày qua, các võ đường, ngôi chùa nổi tiếng ở Bình Định đón hàng trăm lượt võ sư, võ sinh trong nước, quốc tế về giao lưu, trình diễn tài năng võ cổ truyền trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - 2016.
Võ sư quốc tế chào đáp lễ các môn sinh võ cổ truyền Bình Định đánh trống chào mừng các đoàn võ thuật đến chùa Thiên Hưng (Thị xã An Nhơn) giao lưu.
Võ sư Stephane Lesoil (45 tuổi) - Trưởng đoàn môn phái Tiểu long đường (Pháp) diễn võ cổ truyền ở võ đường
Lê Xuân Cảnh (Thị xã An Nhơn)
. Từng học võ Judo, Karate, 17 năm trước, tình cờ ông gặp võ sư người Việt tại Pháp và "bén duyên" với võ cổ truyền Việt Nam. Sau đó, ông tìm về Việt Nam, học võ cổ truyền từ võ sư Hà Thị Yến Oanh (TP Hồ Chí Minh). "Lần đầu tham gia liên hoan quốc tế võ cổ truyền tại Bình Định, tôi càng ấn tượng đặc biệt môn võ truyền thống đất nước Việt Nam", vị võ sư thổ lộ.
Võ sinh môn phái Tiểu long đường (Pháp) trình diễn màn đấu đối kháng với pha nhào lộn khiến người xem thích thú.
Võ sư, võ sinh thuộc môn phái Thanh long võ đạo (Algeria) múa kiếm võ cổ truyền Việt Nam ở chùa Thiên Hưng.
Thế võ cổ truyền uy lực của võ sinh môn phái Thanh long võ đạo. “Từ lúc 5 tuổi, tôi theo cha luyện tập võ cổ truyền Việt Nam, đến nay đã hơn 11 năm. Thấy hai cha con luyện tập, mẹ tôi cũng cảm thấy yêu thích và tập võ cổ truyền. Gia đình tôi cảm thấy tuyệt vời khi được về đây dự liên hoan, diễn võ. Về các võ đường Bình Định giao lưu, chúng tôi có cơ hội học hỏi những đòn thế, bài võ hay của võ cổ truyền Việt Nam từ các môn phái khác”, anh Dumama Bernoussi - Võ sinh Văn Lang Võ Đạo (Morocco) bộc bạch.
Võ sinh đoàn võ thuật Algeria trình diễn kỹ thuật đi bằng 5 đầu ngón chân.
Hay "trồng chuối" theo phương thẳng đứng di chuyển bằng đầu.
Các võ sư, võ sinh quốc tế nhào lộn đẹp mắt ở các võ đường.
Giao lưu với các đoàn võ thuật quốc tế, nữ môn sinh võ đường Lê Xuân Cảnh trình diễn màn đấu gậy đối kháng với hai võ sinh nam.
Các võ sinh Khánh Hòa trong trang phục rực rỡ sắc màu trình diễn kỹ thuật múa vòng tạo không khí giao lưu võ cổ truyền Việt Nam sinh động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét