(Emdep.vn) - Những ngày mưa gió cứ kéo dài dai dẳng, ngồi đâu đó trong góc quán xì xụp húp tô bánh canh hến nóng hay mút từng con ốc thấm nước dừa béo ngậy thì không còn gì thú vị bằng.
Món ăn tuy dân dã, quen thuộc và dễ chế biến nhưng chỉ ở Bến Tre mới bật lên được cái hồn cốt thơm ngon, bởi đây là quê hương của xứ dừa, những giọt nước cốt dừa béo ngầy ngậy trắng ngà quyện vào từng món ăn mới dễ làm say lòng du khách phương xa.
Bánh canh nấu hến nước dừa
Bánh canh là món ăn phổ biến ở miền Tây, từ bánh canh ghẹ ngon nức tiếng Kiên Giang, Cà Mau tới bánh canh thốt nốt ngọt ngào của đất An Giang thì Bến Tre cũng có bánh canh đặc sản đó là bánh canh hến nấu nước dừa. Thoạt nghe tên thực khách có thể hình dung độ béo thơm của món bánh này.
Dù là bánh canh ngọt hay mặn thì sợi bánh ấy ở miền Tây vẫn được làm ra chủ yếu từ bột gạo. Gạo ngâm nước vài tiếng đồng hồ cho mềm rồi đem đi xay mịn thành bột. Xay gạo xong lại cho tất cả vào cái bao vải, đặt bộ cối xay thật nặng lên trên để ép lấy bột.
Bánh canh nấu hến nước dừa là món ăn ngon ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Vo thành từng cục bột nhỏ vừa đủ để có thể cán dẹp dán vào thành chai thủy tinh. Sau đó phải khéo léo vừa cầm cổ chai, vừa lăn vòng chai, vừa đưa lưỡi dao bén ngót xắt đứt từng miếng bột gạo thành sợi rơi vào nồi nước đun sôi. Người làm lâu năm sẽ có kinh nghiệm và khéo tay, xắt bánh sao cho sợi bánh thật đều và đẹp mắt. Chính vì có công đoạn này mà người miền Tây thường gọi là bánh canh gạo xắt.
Sợi bánh canh đạt chuẩn sẽ được xắt sao cho không quá dầy cũng không quá mỏng, độ dài vừa phải sao cho bắt mắt và dễ ăn.
Tô bánh canh có giá khoảng 15.000 đồng.
Phần hến thì phải chọn những con còn tươi, thịt dầy và chắc, ngọt. Hến mua về ngâm với nước vo gạo và chà sát cho sạch sau đó bắc lên bếp luộc với nước. Khi nước sôi cũng là lúc những con hến đã mở miệng, người nấu trộn lên một lần nữa rồi mang ra đãi lấy thịt. Lọc phần nước và thịt để riêng.
Sợi bánh canh bột xắt trắng muốt.
Dừa chọn trái cùi già và dày, chặt để riêng nước, cùi xay nhỏ lọc bỏ bớt nước đầu, chỉ lấy nước sau, cho vào nồi cùng với nước hến luộc, nước dừa và một ít thịt hến nấu sôi. Phần thịt hến còn lại, phi thơm hành tỏi rồi xào săn, nêm chút gia vị cho vừa miệng ăn. Khi nồi nước sôi mới thả bánh canh vào, bánh canh chín sẽ tự nổi lên lềnh bềnh trắng muốt. Khi múc bánh ra tô, người nấu sẽ không quên rưới lên trên một muỗng nước cốt dừa béo thơm và cho vào ít tiêu, hành lá. Trong tiết trời mưa gió, ngồi húp bát bánh canh nóng béo ngậy hương dừa thơm và những con hến đậm đà thì thật ấm bụng.
Ốc hấp nước dừa
Đây cũng là món ăn quen thuộc của người miền Tây, dễ tìm, dễ ăn và rất hợp để lai rai những ngày mát mẻ. Ốc hấp nước dừa ngon thường là loại gốc gạo vì ốc gạo béo, ngọt và thơm hơn. Ốc gạo sinh sản nhiều vào khoảng tháng 7 hàng năm. Vào khoảng thời gian đó con ốc to cỡ hạt mít, ruột trắng tinh. Ốc gạo tuy nhỏ nhưng ai từng thưởng thức đều nhớ vì vị béo và giòn đến lạ kỳ. Đặc biệt ốc vào mùa sinh sản thường có một lớp mỡ trắng dưới yếm, khều lên ăn sẽ thấy những con ốc con trắng tinh bên trong, nhai giòn rụm.
Ốc mua về thường được ngâm trong nước vo gạo để nhả bớt chất nhờn, chất dơ, sau đó chà rửa lại bằng nước lạnh nhiều lần cho đến khi sạch. Để thật ráo. Phần dừa sẽ được vắt lấy nước cốt, sả bỏ phần lá phía trên (khoảng 1/3 tính từ ngọn xuống). Cắt một phần gốc sả thái lát mỏng, số còn lại cắt khúc, đập dập. Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào, sau đó phi số sả cắt lát cho đến khi có mùi thơm. Cho ốc, sả xắt khúc, nước dừa, nước sôi vào chảo sả phi. Sau đó nêm nếm gia vị. Món này thường ăn với nước mắm chua ngọt cay cay.
Ốc gạo ở Cồn Phú Đa (Chợ Lách - Bến Tre) nổi tiếng thơm ngon.
Một phần ốc có giá khoảng 10.000 đồng.
Ngoài hấp dừa, người dân Bến Tre còn trộn gỏi ốc cũng thơm ngon và cực "đã miệng".
Lan Thoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét