Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

NHỮNG "NGỌN GIÓ THÌ THẦM" TỪ GUYANE

Đề tài tiến sĩ của Pierre Michelon

TTO - Cuối tháng 4-2008, Tuổi Trẻ đã đăng loạt bài gồm 13 kỳ do nhà báo Danh Đức và nhóm phóng viên Tuổi Trẻ thực hiện, về nhà lao An Nam ở xứ Guyane - thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ.
Đề tài tiến sĩ của Pierre Michelon
Pierre Michelon tìm hiểu thông tin, hình ảnh và hiện vật liên quan đến các cựu tù nhân Việt Nam ở Guyane được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình - Ảnh: Q.TR.
Loạt bài này đã góp phần khơi dậy một giai đoạn lịch sử, một quãng đời thăng trầm của những nhà cách mạng Việt Nam bị đi đày ở xứ Guyane - nơi rừng thiêng nước độc hoang sơ đã lấy đi mạng sống của không ít người tù.
Vào tháng 6-2016, một cơ duyên nữa tiếp tục mở ra câu chuyện về tù nhân VN ở Guyane qua một người Pháp có tên Pierre Michelon. Lần này, các mảnh ghép câu chuyện về chân dung tù nhân đầy đặn hơn, gần gũi hơn.
Chúng tôi xin được chia sẻ câu chuyện ấy với bạn đọc, với hậu duệ của những tù nhân, với những người quan tâm đến lịch sử.
Bức email tình cờ
Cách đây hơn một năm, vào tháng 3-2015, tình cờ chúng tôi nhận được email của một người Pháp tên là Pierre Michelon.
Anh tự xưng là một nghệ sĩ, xin phép hẹn gặp chúng tôi để trao đổi về một đề tài mà anh đang theo đuổi - đó là câu chuyện về những người tù VN ở Guyane thuộc Pháp những năm 1930.
Thì ra Pierre đã tìm đọc được loạt bài nhà lao An Nam ở Guyane đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 2008.
Trong cuộc gặp chóng vánh với chúng tôi, Pierre đã chia sẻ một số tư liệu lưu trữ được tìm thấy ở Pháp về một tù nhân VN bị đày đến Guyane năm 1931 tên là Trần Tử Yến, và ngỏ lời rằng anh sẽ cần đến sự giúp đỡ của chúng tôi nếu anh có dịp quay lại VN để tiếp tục dự án nghiên cứu của mình về cuộc đời những người tù VN bị đi đày ở Guyane.
Sau cuộc gặp năm 2015, cứ lâu lâu Pierre lại gửi cho chúng tôi một bức email để cập nhật tình hình nghiên cứu của mình.
Hóa ra câu chuyện về tù nhân VN ở Guyane là một trong những đề tài nghiên cứu bậc tiến sĩ của anh tại Trường Mỹ thuật Paris.
Một ngày nọ, chúng tôi nhận được tin vui rằng anh đã có được tài trợ của Viện Pháp (French Institute) cho chuyến quay lại VN để tiếp tục nghiên cứu về những người tù.
Anh cũng bày tỏ nguyện vọng được chia sẻ những tài liệu mình tìm được ở Pháp với tất cả những người quan tâm ở VN, với gia đình và hậu duệ của những người cựu tù ở VN, trong đó có gia đình cựu tù Lương Duyên Hồi và Bùi Hữu Diên quê ở tỉnh Thái Bình. (Lương Duyên Hồi là một trong những nhân vật khá đậm nét trong loạt bài của Tuổi Trẻ trước đây).
Pierre kể rằng anh bắt đầu quan tâm đến những hoạt động đấu tranh chống chế độ thuộc địa từ năm 2011. Anh đã đến Guyane thuộc Pháp để tìm hiểu về chế độ này.
Ở đó anh gặp vị bí thư của một đảng ly khai: Đảng Phong trào đẩy lùi chế độ thuộc địa và tiến bộ xã hội. Vị này khuyên anh nên tìm hiểu không chỉ những tù nhân bị đi đày người Pháp, mà còn có tù nhân đi đày từ nhiều vùng khác tới như châu Phi, VN, Trung Quốc...
Tình cờ vị này có một người bà con kết hôn với con gái của người cựu tù VN Trần Tử Yến. Từ đó, Pierre đã tìm cách gặp gia đình của Trần Tử Yến.
Sau khi từ Guyane trở về, Pierre tiếp tục tìm tòi các tư liệu lịch sử về nhà tù thuộc địa ở Guyane và về cá nhân Trần Tử Yến và những người tù khác từ các trung tâm lưu trữ, các nhà nghiên cứu sử học, nhà làm phim và thân nhân những cựu tù.
Anh tin rằng những người tù như Trần Tử Yến và câu chuyện của họ thể hiện một khía cạnh chân thực của lịch sử, về chế độ thuộc địa và những bạo lực và hà khắc của nó mà đôi khi người ta cố tình lãng quên.
Theo đuổi lịch sử bằng nghệ thuật
Trong bản giới thiệu về dự án lịch sử - nghệ thuật của Pierre Michelon về những người cựu tù có đoạn: “Những ngọn gió bẽn lẽn thì thầm thổi tới từ Guyane thuộc Pháp, từ Kanaky (vùng lãnh thổ thuộc Pháp ở Nam Thái Bình Dương, còn gọi là New Caledonia hay Tân Đảo - PV), từ VN, Algeria hay từ Pháp, những tiếng nói cất lên đã bắt đầu thoát ra.
Những tiếng nói này là của những người tù chính trị bị đi đày do quyền lực của chế độ thuộc địa mà họ đã quyết đấu tranh chống lại”.
Tấm màn lịch sử được dệt nên từ những câu chuyện đan chéo nhau qua các khu vực địa lý và các con đường định mệnh đã được kết nối lại.
Nhiều lý tưởng cách mạng và bối cảnh đấu tranh đã được gặp gỡ và từ đó gắn kết với nhau hoặc là chống lại nhau.
Những bức thư bí mật (dù có đến tay người nhận hay không) như những sợi chỉ sáng màu đã giúp xâu chuỗi và dệt nên tấm màn, những câu chuyện về lao động cưỡng bức, những trường hợp đào thoát hoặc mất tích đôi khi nổi lên như những yếu tố gây nhiễu trên bức màn dệt.
Cùng với hậu duệ của những người tù ở Guyane, khi nào có thể và khi họ muốn, Pierre Michelon đang thu thập một xêri các video mang đầy tính thơ, các bản dịch và những ký ức tập thể.
Pierre nói rằng anh lựa chọn con đường làm phim - video nghệ thuật dựa trên những nghiên cứu lịch sử, bởi vì phim ảnh là một công cụ có thể kết hợp nhiều yếu tố, vừa có thể ghi lại thời gian và tình huống, vừa bao gồm âm thanh, hình ảnh.
Nghệ thuật nói chung cho phép anh thoát khỏi những giới hạn của thực tế bằng trí tưởng tượng.
Và đôi khi, thông qua sự kết hợp giữa lối kể chuyện kết hợp hư cấu với những sự kiện, dấu vết lịch sử, người ta có thể đến với một câu chuyện rất gần với bản chất sự thật. Và đó là điều mà anh theo đuổi, tìm kiếm trong nhiều năm qua.
Pierre có mặt tại VN tháng 6-2016, mang theo máy quay phim, những xấp tài liệu dày về những người tù VN mà anh tìm được tại Viện Lưu trữ quốc gia hải ngoại vùng Aix en Provence - Pháp, một số phim và ảnh tư liệu từ một số nguồn khác.
Anh đi cùng với một kỹ sư âm thanh người Việt gốc Pháp, Diane Xuân Lan - cô gái trẻ nhỏ nhắn yêu ẩm thực VN, đặc biệt là nước mắm, và William Trần Tử Yến - anh chàng to lớn với vẻ mặt hiền lành, cháu nội của người cựu tù Trần Tử Yến.
Với một vẻ ngoài lặng lẽ và khiêm tốn, Pierre Michelon dường như rất phù hợp với vai trò nghệ sĩ - nhà nghiên cứu âm thầm lục tìm và xâu chuỗi những câu chuyện gây xúc động từ quá khứ vốn bị vùi lấp trong hàng núi những thông tin ở các kho lưu trữ và thư viện mà anh thường lui tới.
Anh dường như có thiên hướng quan tâm tới những gì dường như bị bỏ quên hoặc ít được nhắc đến. Và nhờ có anh, chúng tôi có thêm thông tin để bổ sung cho bức tranh số phận những cựu tù VN ở Guyane.

“Cùng với hậu duệ của những người tù ở Guyane, khi nào có thể và khi họ muốn, Pierre Michelon đang thu thập một xêri các video mang đầy tính thơ, những bản dịch và những ký ức tập thể

Số phận một người tù Việt Nam ở Guyane


TTO - Lần đầu tiên, nhờ có Pierre Michelon chúng tôi được tiếp cận gần đến thế với những diễn biến cuộc đời một người tù VN ở xứ Guyane - ông Trần Tử Yến. 
Số phận một người tù Việt Nam ở Guyane
Chân dung ông Trần Tử Yến và Chân dung vợ ông Yến - Ảnh gia đình cung cấp
Đó là nhờ vào những tư liệu lịch sử mà Pierre tìm được tại Văn khố quốc gia hải ngoại vùng Aix en Provence Pháp, đồng thời từ bản dịch kèm theo những ghi chú toàn bộ cuộc ghi hình phỏng vấn cựu tù Trần Tử Yến vài tháng trước khi ông mất của đạo diễn Geneviève Wiels.
Bị đuổi học, tham gia bắt cóc và đi đày
Trần Tử Yến lộ rõ tính phản kháng và quan tâm đến cách mạng từ khi còn nhỏ. Ngay từ năm học đầu tiên ở Trường Thành Chung bảo hộ (Trường Bưởi - nay là Trường Chu Văn An), ông đã tham gia một chi hội sinh viên do một người bạn học lập ra, các bạn chuyền tay nhau đọc các cuốn sách bàn về cách mạng.
Theo học Trường Bưởi được hai năm rưỡi thì ông bị đuổi học, theo lời ông kể:
“Rồi tôi cãi nhau với bà giáo Pháp, dạy môn đạo đức... Cùng với một người bạn ngồi bàn kế bên, chúng tôi hay đọc trộm tạp chí trong giờ học. Rồi bà giáo bắt quả tang, bà ấy nổi cáu lấy sách quật thẳng vào mặt bạn tôi. Tôi đứng lên và nói: “Thưa cô, cô không có quyền đối xử với học sinh như vậy”. Bà ấy chạy thẳng vào phòng ông hiệu trưởng...
Ông hiệu trưởng vào lớp hỏi chuyện gì xảy ra, tôi lại đứng lên và nói: “Thưa thầy hiệu trưởng, em xin hỏi thầy liệu một cô giáo có quyền hỗn hào với một học sinh hay không?”.
Ông hiệu trưởng nói là tôi đã thái quá. Sau vụ đó, hồ sơ của tôi được trình lên chánh sứ trưởng. Ông này muốn buộc tôi phải xin lỗi nhưng tôi từ chối. Thế là tôi bị đuổi học mà không có giấy tờ quyết định hay gì hết”.
Bị đuổi khỏi trường một thời gian, Yến tạm biệt gia đình để tham gia hoạt động đảng ở Hà Nội. Cùng với những đồng chí, ông đi đây đi đó và sau đó do muốn tránh nguy cơ bị lộ ở Hà Nội, Trần Tử Yến về Hải Phòng. 
Ở Cayenne, vì tôi nói và viết tiếng Pháp tốt nên họ để tôi làm ở bộ phận nhân trắc học của trạm xá nhà tù. Tôi giúp bác sĩ hỏi, cân đo các đồng chí khác
Trần Tử Yến
Bước ngoặt cuộc đời xảy đến khi ông tham gia vụ bắt cóc một bác sĩ ở Hải Phòng. Vụ này được tường thuật trên tờ báo Đông-Pháp ra ngày thứ năm 1-5-1930 (số 1076, Thư viện quốc gia, Hà Nội) dưới cái tít “Tòa án đại hình xử vụ Trần Tử Yến mưu sát M. Tham Thiên Đường”.
Theo bài báo, Trần Tử Yến khai tại tòa rằng M. Tham Thiên Đường tham gia Đảng Cộng sản và đã nhận của đảng 8.000 đồng để làm công tác tuyên truyền nhưng rồi sau đó giữ làm của riêng, vì thế ông phải đòi lại. Ông đã giả vờ mời bác sĩ M.
Tham Thiên Đường đến khám bệnh, rồi cùng với người bạn trói giữ vị bác sĩ, buộc ông ký vào thư nhắn gửi gia đình mang 8.000 đồng đến chuộc mình về. Vị bác sĩ chạy thoát và hô hoán, Yến bị bắt và nhận hết tội về mình. Kết quả ông bị kết án khổ sai chung thân cho những tội danh như thay đổi chính phủ bảo hộ, xúi giục nhân dân phản đối quan chức...
Lúc đó Trần Tử Yến mới 17 tuổi. Ông bị đưa đi trên chuyến tàu Martinière, số hiệu tù của ông là 1016. Tàu khởi hành ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) ngày 17-5-1931, cập bến tại Cayenne (thủ phủ Guyane) ngày 30-6-1931 (theo nhà sử học Christèle Dedebant).
Người tù mang mật danh “Pax”
Đến Guyane, ông đã trao đổi thông tin bí mật với những người tù khác qua mật danh Pax - trong tiếng Latin có nghĩa là hòa bình.
“Ở Cayenne, vì tôi nói và viết tiếng Pháp tốt nên họ để tôi làm ở bộ phận nhân trắc học của trạm xá nhà tù. Tôi giúp bác sĩ hỏi, cân đo các đồng chí khác. Ở trạm xá có một tù nhân đày biệt xứ Pháp vừa vượt ngục bất thành.
Chính ông ấy là người bắt liên lạc với tôi dưới các biệt danh “L’hirondelle” (Chim Én) hoặc “Pax”. Chúng tôi bí mật trao đổi thư từ với nhau và ông ấy hứa sẽ thông tin cho các đồng chí khác ở Pháp để họ vận động làm thay đổi tình hình của chúng tôi.
Số phận một người tù Việt Nam ở Guyane
Cảnh lao động của tù nhân ở các trại tù của đảo Guyane - Ảnh: Josiane Dupuis
Việc liên lạc thư từ này đã bị gián đoạn và chẳng bao lâu sau Trần Tử Yến bị chuyển sang những trại tù khác nhau từ Cayenne cho đến những trại tù vô cùng hoang sơ và hẻo lánh như Crique Anguille, sau đó là Saut Tigre. Nhiều người tù Việt đã chết ở Saut Tigre vì sốt rét và kiết lỵ.
Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Năm 1944, ngày 4-5, tướng De Gaulle đã ra quyết định bãi bỏ toàn bộ hệ thống lao tù thuộc địa, trả tự do cho các tù nhân (theo nhà sử học Christèle Dedebant). Trần Tử Yến lúc đó đang làm công việc bảo dưỡng động cơ thuyền cho một bác sĩ, hoàn toàn không biết mình được tự do.
Vị bác sĩ tạm biệt ông để đi đoàn tụ cùng gia đình mà không nói cho ông biết điều gì đã xảy ra, còn ông ở lại trong lán, sống bằng mảnh vườn nhỏ, nuôi gà và chim bồ câu. Mãi sau khi có người rủ ông về Cayenne ông mới được biết rằng mình không còn là tù nhân nữa.
Chuyện tình lãng mạn
Tuy vậy do khó khăn, lại không có gia đình, ông rời Cayenne quay về vùng rừng gần trại giam Saut Tigre để chăn nuôi, làm vườn, bán rau và lập ra công trường khai thác vàng cùng một số người Việt Nam và cư dân địa phương.
Và cũng tại đây, ông đã gặp một người phụ nữ bản xứ đã khiến ông ở lại Guyane cho đến cuối đời. Câu chuyện tình của ông diễn ra hết sức lãng mạn và phóng khoáng.
Ông kể: “Một hôm có một lễ hội làng, tôi để ý thấy Eugénie tóc tai chải rất đẹp, mặc một chiếc váy cũng rất đẹp. Tôi đứng lên nói với cô ấy: “Hôm nay cô xinh đẹp quá!”. 10g tôi về nhà... đã thấy cô ấy trên giường, cô ấy bảo tôi: “Lại đây với em”.
Một năm sau khi đang ở Caynne, ông nhận được tin Eugénie sinh một đứa con gái. Năm tháng qua đi, họ cùng nhau nuôi dạy 12 người con. Ông nhập quốc tịch Pháp và Guyane trở thành quê hương thứ hai của ông. Ông mất tại Guyanne bên con cháu mình, hưởng thọ 92 tuổi.
Những người con của ông Trần Tử Yến sinh sống ở nhiều nước nhưng họ vẫn giữ liên hệ khá thân thiết với gia đình của Trần Tử Yến ở Việt Nam. William Tran Tu Yen - cháu nội - đến thăm Việt Nam lần này là lần thứ tư. Con gái của Trần Tử Yến là bà Josette cũng đã đến Việt Nam nhiều lần.
Ánh trăng thương nhớ
Trong chuyến đến Việt Nam lần này, Pierre Michelon cùng William Tran Tu Yen đã đi gặp và phỏng vấn những người thân trong gia đình: em trai út của Trần Tử Yến tên là Trần Tử Yên hiện sống tại Lào Cai, rồi một số người bà con ở Hà Nội, TP.HCM.
Pierre cũng đã về quê tại Ninh Bình để ghi hình mặt trăng đêm rằm, cả những giọt mưa nhỏ xuống từ mái tranh - những hình ảnh nên thơ gợi cảm xúc nhớ quê hương mà Trần Tử Yến đã bộc lộ trong những bức thư gửi về cho gia đình mình ở Việt Nam.

Bút tích những người tù vô danh


TTO - Bên cạnh bức tranh số phận khá rõ nét của cựu tù Trần Tử Yến, còn có những người cựu tù khác mà những gì chúng tôi biết về họ chỉ thấp thoáng trong những lá thư hay những văn bản thu thập được còn lưu trữ tại Pháp. 
Bút tích những người tù vô danh
Cuốn sổ nhỏ xíu chép truyện, thơ Việt Nam của người tù Lê Đình Ái
Tuy là không trọn vẹn thông tin, những văn bản đó cho thấy phần nào đời sống tâm tư, tình cảm và sinh hoạt chính trị của người tù Việt Nam tại Guyane.
Bên cạnh tài liệu dạng văn bản, Pierre còn chia sẻ với chúng tôi một bộ ảnh quý giá của một bác sĩ chụp lại cảnh sinh hoạt tại những trại tù ở Guyane trong những năm 1930.
Chúng tôi hầu như không được biết gì về bác sĩ này và lý do ông có mặt tại Guyane, chỉ biết rằng ông tên là Dupuis. Hiện nay bản quyền của bộ ảnh thuộc về con gái ông, bà Josiane Dupuis.
Văn thơ trong tù - những thông điệp 
“ẩn giấu”
Trong số các tư liệu của Pierre Michelon, có rất nhiều bài văn, thơ được tù nhân chép lại bằng tay. Có một tập giấy do một tù nhân Việt Nam viết tay bằng mực xanh ghi là tiểu thuyết Người lái buôn thành Venice.
Câu chuyện dựa trên vở kịch Người lái buôn thành Venice của đại văn hào Shakespeare.
Trong trí nhớ và trí tưởng tượng của tù nhân Việt, vở kịch của Shakespeare được chuyển thành một tiểu thuyết pha trộn với truyện thơ, kết hợp với các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam như Truyện Kiều của Nguyễn Du và Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều.
Trong lời tựa, tác giả viết: “Ở góc biển co hẹp. Không biết lấy chi giải trí cho anh em đồng bào, nên tôi lấy tài liệu hèn mọn chép cuốn tiểu thuyết thuộc lòng, đặng anh em xem đỡ buồn, vì ở nơi này, ít người An Nam ta biết lấy ai trò chuyện cho vui, vậy anh em xem cuốn tiểu thuyết này cũng như một người bạn ngồi gần anh em trò chuyện...”.
Bút tích những người tù vô danh
Một tài liệu tuyên truyền cách mạng trong nhà tù ở Guyane
Ở cuối bản chép tay này, người tù dành ra vài trang bình luận, thoạt đầu về nhân vật phản diện trong truyện tên là lão Tài Lộc, rồi nhân đó bộc lộ sự tức giận của bản thân về một số cá nhân người An Nam mà người tù gọi là “lũ chó săn, chim mồi” muốn lập công nên đã tấn công nhỏ nhen ngay cả chính những người anh em cùng nòi giống.
Những trang viết này giống như một thông điệp cảnh báo về hành vi xấu của một số người tù để cho những người khác được biết.
Còn rất nhiều những bản văn thơ chép tay nữa, trong đó có người tù Lê Đình Ái thật đáng nể phục vì đã chép tay bằng mực tím trên những cuốn sổ nhỏ xíu (chỉ bằng lòng bàn tay) truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu và Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Có lẽ do thiếu bút, thiếu mực nên người viết có lúc chuyển sang mực xanh, rồi có lúc viết bằng bút chì. Và ở đoạn cuối bản chép tay Truyện Kiều lại có bài thơ kêu gọi yêu nước, đoàn kết, đứng lên chống cường quyền:
Nước nhục biết chưa? Nước nhục biết chưa?
Mưu toan cường thịnh phải chừa nghi nhau
Già đi trước, trẻ đi sau
Nếu nhân bè đảng còn đâu là đoàn
Cái mầm duyệt chủng chẳng toan liệu gì
Tỉnh dậy đi, tỉnh dậy đi
Đông Tây đã thức ta lì ngủ sao?
Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!
Yêu nhau phải tìm làm sao bây giờ
Lam Sơn phảng phất truyện xưa,
Tây - Hồ chốn cũ ngọn cờ Trưng Vương
Kìa như Nguyễn Huệ, Lý Thường (Kiệt)
Xuất binh ngoại Quảng ai nhường tài ai
Bạch Đằng Hưng Đạo dương oai,
Gặp khi quốc biến nào ai tiếp mình
Muốn độc lập, phải hi sinh
Làm người ai cũng tử sinh một lần.
Và, có những bản chép tay các tác phẩm văn thơ khác như Vọng cổ Hoài Lang đến những bài thơ yêu nước của các tác giả Việt Nam, có cả trích đoạn vở ca kịch chép tay bằng chữ Nôm ca ngợi chữ trung và chữ hiếu.
Một người tù vô danh có bài thơ Sàn lim oán, thể hiện tâm trạng u uất của người tù trong đó có đoạn:
Ngoài song sắt mưa dầu gió dập
Trong xà lim ruột thắt lòng đau
Những tài liệu khác
Bên cạnh các bài văn thơ chép tay, còn có nhiều văn bản khác, như các tài liệu tuyên truyền, vận động: lời kêu gọi gia nhập Đảng Việt Nam độc lập trụ sở đặt tại Paris, một bản đặc san Trung Sơn phản Nhật (Trung Hoa Dân quốc thứ 20 ngày 25 tháng 10 năm 1931), tài liệu về dân quyền và nữ quyền...
Những thư từ trao đổi giữa tù nhân cũng có nội dung khá đa dạng. Bên cạnh những lá thư trao đổi giữa Trần Tử Yến (Pax) và người bạn Pháp Gaston Renard về quan điểm cách mạng và việc liên lạc trong tù mà chúng tôi nêu trong kỳ trước, còn có những lá thư của những tù nhân (có tên và không rõ tên) gửi về nhà hỏi thăm gia đình, bộc lộ sự đau khổ khi không được báo hiếu cha mẹ từ Guyane năm 1931.
Thư khác của một người tù xưng là Trần Đính, địa chỉ ở Làng Hói, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Trạch, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, Trung kỳ, viết từ trong bệnh viện tại Guyane năm 1931 gửi cho một người bạn hỏi vay tiền mua mấy cân thuốc lá để đem đến trại giam nơi khỉ ho cò gáy mà người tù sắp bị chuyển tới, trong thư đề rõ địa chỉ nhà mình (làng, xã, huyện, tỉnh), tên mẹ, tên hai người vợ và hai con trai để sau này có điều kiện sẽ nhờ người nhà gửi tiền sang trả nợ số tiền thuốc lá.
Lá thư thậm chí còn được dịch sang tiếng Pháp vì mục đích tình báo. Rồi có một bức thư chữ Nôm gửi lời hỏi thăm anh em trong tù của một người tên là Tơ.
Hồ sơ mang tên người tù Bùi Hữu Diên - nhà hoạt động cách mạng thời kỳ đầu của Đảng ở Thái Bình là một cuốn sách văn học Pháp có tên La Disparition de Mona của nhà văn Georges Montignac bị đánh dấu và chú thích bởi tình báo.
Những phần bị đánh dấu là những địa chỉ viết tay của một số tổ chức tại Paris được đặt rải rác trong một số chương sách, trong đó có tổ chức gọi là Cứu tế Đỏ quốc tế. Ở trang cuối sách có ghi tên và số hiệu năm người tù Việt Nam bị giam ở trại Forestière.
Những người tù đội nón lá
Bút tích những người tù vô danh
Một cảnh sinh hoạt văn hóa - múa lân của tù nhân người Việt tại Guyane - Ảnh của bác sĩ Dupuis




Như đã nêu ở đầu bài báo, thông tin có được về bác sĩ Dupuis rất ít, nhưng những tấm ảnh mà ông để lại thì thật là giá trị. Nhà nghiên cứu Pierre Michelon chia sẻ với chúng tôi bản sao của 96 bức ảnh đen trắng cỡ nhỏ, trong đó đa số ghi lại cảnh lao động của tù nhân, khung cảnh các trại tù và cả sinh hoạt văn hóa.
Nhờ có những tấm ảnh, chúng tôi nhận thấy người tù ở Guyane vẫn duy trì truyền thống của người Việt như múa lân ngày tết trong trang phục truyền thống. Và những bức ảnh khác chụp toàn cảnh cho thấy tù nhân Việt Nam đội nón lá, lao động trong khung cảnh hoang sơ.
Bên cạnh là bức ảnh của bác sĩ Dupuis chụp từ trại tù khoảng năm 1930.


Tình bạn của hai người tù


TTO - Trong chuyến đi cùng với Pierre Michelon đến tỉnh Thái Bình, chúng tôi được nghe thêm những chi tiết về tình bạn giữa hai nhà cách mạng lão thành ở Thái Bình là Lương Duyên Hồi và Bùi Hữu Diên.
Tình bạn của hai người tù
Anh Pierre Michelon trao hiện vật về các tù nhân Việt ở Guyane cho con trai cựu tù Việt Nam tại Guyane Lương Duyên Hồi ở tỉnh Thái Bình tháng 6-2016 - Ảnh: Q.TR.
Căm thay nước mất nhà tan
Vì ai mình bỏ giang san xứ mình?
Đầu cạo trọc áo xanh một lũ
Tên không kêu, kêu số tù đề
Nắng trời như đốt than lò...
Nỗi bó buộc theo chân giục giã
Trong xó rừng vất vả lầm than
Trích bài thơ Biệt xứ tù ngâm của Bùi Hữu Diên
Họ cùng tuổi, cùng hoạt động cách mạng, bị bắt và đi đày trên cùng một chuyến tàu, và rồi bị chia lìa bởi số phận, cho đến nhiều năm sau mới lại liên hệ được với nhau qua con cháu của mình.
Sự chào đón nồng nhiệt ở Thái Bình
Vào ngày 20-6-2016, Pierre Michelon cùng kỹ sư âm thanh, chị Diane Xuân Lan, và anh William Tran Tu Yen đến tỉnh Thái Bình để trao các hiện vật và tư liệu lịch sử liên quan đến các cựu tù Việt Nam ở Guyane, đồng thời để tìm hiểu thêm tư liệu về những người tù Việt Nam.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình Vũ Đức Thơm tổ chức hẳn một buổi tọa đàm với sự tham gia đầy đủ của các nhân viên bảo tàng. Khi Pierre đến, tất cả đã đợi sẵn trong phòng họp lớn được bày biện cẩn thận.
Ông Vũ Đức Thơm bày tỏ sự cảm kích trước thiện chí của Pierre và cam kết sẽ lưu giữ và chia sẻ những hiện vật, tư liệu quý giá này cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bà Vũ Thị Hợi, phó giám đốc bảo tàng, cho biết những tài liệu và hình ảnh mà Pierre mang tới đã góp phần bổ sung cho những tư liệu mà bảo tàng đang muốn tìm kiếm về giai đoạn lịch sử này, đặc biệt là về đời sống hằng ngày, về sinh hoạt văn hóa và tâm tư tình cảm của tù nhân Việt Nam và khung cảnh, cuộc sống tù đày ở Guyane.
Bảo tàng cũng đã tận tình chia sẻ với đoàn danh mục những tài liệu, hình ảnh và hiện vật sưu tầm được về những người cựu tù Guyane ở Thái Bình và hướng dẫn đoàn đi tham quan bảo tàng.
Khi Pierre đến thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng - quê nhà của người cựu tù Lương Duyên Hồi, nhiều dân làng, phần lớn là từ dòng họ Lương Duyên và các vị cán bộ địa phương từ huyện và xã, đã có mặt đông đủ trong khuôn viên ngôi nhà thờ dòng họ mới xây xong.
Chiếc bàn phủ vải trang trọng là nơi sẽ đặt các tư liệu mà Pierre đem tới, bên cạnh là bục phát biểu, với chiếc micro và bộ loa công suất lớn phát ra âm thanh đủ để cả làng nghe thấy.
Sau đó đoàn được dẫn tới thăm nhà truyền thống xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - là một địa danh lịch sử nơi những nhà cách mạng tiền bối Lương Duyên Hồi, Bùi Hữu Diên và các đồng chí khác tổ chức khởi nguồn các hoạt động cách mạng của vùng.
Rời khỏi Thái Bình, trong chiếc ôtô lăn bánh thận trọng trên con đường làng nhỏ hẹp phủ đầy rơm khô vàng óng dưới ánh hoàng hôn, Pierre thật thà chia sẻ với nhóm phóng viên Tuổi Trẻ: “Tôi không ngờ được tiếp đón trang trọng như thế!”.
Tình bạn của hai người tù
Ông Bùi Hữu Diên - Ảnh: Bảo tàng Thái Bình cung cấp
Những chuyện chưa kể về hai người tù
Theo tư liệu do Bảo tàng Thái Bình cung cấp, Bùi Hữu Diên là con nhà nghèo. Nhờ thông minh và ý chí, ông học giỏi và quyết thi vượt cấp để được trở thành nhà giáo.
Từ nhỏ ông đã chú ý và bị ảnh hưởng bởi văn chương thơ ca Việt Nam thay vì bị ảnh hưởng bởi văn hóa Pháp.
Sau này ông có nhiều tác phẩm thơ được lưu truyền và xuất bản, nổi tiếng nhất là bài Biệt xứ tù ngâm, viết trong khi bị đi đày tại Guyane và được ghi lại theo trí nhớ của người đồng chí Lương Duyên Hồi.
Trong khi đi học ở thị xã Thái Bình, ông là bạn trọ học cùng nhà với Lương Duyên Hồi. Hai người sinh cùng năm (1903).
Họ trở nên ý hợp tâm đầu, cùng nhau lập thư viện rồi tham gia, gây dựng và lãnh đạo những hoạt động cách mạng đầu tiên ở Thái Bình mà tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình của nông dân Tiên - Duyên - Hưng (1-5-1930) với sự tham gia của gần 1.000 người.
Từ vụ đó, họ bị bắt và kết tội “Âm mưu lật đổ chính phủ bảo hộ và Nam triều”, bị kết án 10 năm khổ sai, lần lượt bị giam tại các nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, sau đó bị đày tới Guyane năm 1931.
Đến Guyane, Bùi Hữu Diên được bầu làm người đứng đầu ban lãnh đạo nhóm tù cộng sản của người Việt Nam.
Bùi Hữu Diên nổi tiếng không chỉ ở khu vực trại nơi giam giữ mà còn lan ra khắp Guyane. Người cựu tù Việt Nam Trần Tử Yến đã nhắc tới Bùi Hữu Diên trong một đoạn trả lời phỏng vấn về cuộc sống tù đày với nhà làm phim Geneviève:
“... Có một người cộng sản. Ông ấy bị giam ở trại Forestière... Ông ấy dấy lên một cuộc bãi công ở trại! Chúng tôi biết các tin tức này vì thỉnh thoảng có các đồng chí từ trại Forestière xuống chỗ chúng tôi vì đi bệnh viện... Ông ấy rất cực đoan, ông ấy từ chối ăn, từ chối lao động...”.
Do tinh thần đấu tranh cứng rắn, Bùi Hữu Diên bị tra tấn nhiều lần. Ông yếu sức, mắc bệnh lao và mất ngày 25-1-1935 tại Guyane khi mới 32 tuổi. Ông đã không bao giờ được trở về quê hương để gặp lại người thân của mình.
Theo lời kể của anh Lương Duyên Hiệp, con trai của ông Lương Duyên Hồi: “Khi Bùi Hữu Diên mất, bố tôi trực tiếp tổ chức chôn cất”.
Còn Lương Duyên Hồi được phóng thích và trở về quê hương vào năm 1938 nhân sự kiện Mặt trận Bình dân ở Pháp thắng thế và trả tự do cho một số tù chính trị ở Đông Dương. Hai người bạn, hai số phận thật khác nhau.
Những ngọn gió thì thầm thổi mãi
Sau chuyến đi Thái Bình, nhà nghiên cứu Pierre Michelon lại tiếp tục đi tìm tư liệu và gặp những người có thể chia sẻ thông tin... để đuổi theo những ký ức và câu chuyện về những người tù.
Anh sẽ làm một bộ phim và xuất bản một cuốn sách về câu chuyện người tù Việt Nam. Anh nói rằng ở Ninh Bình trong một đêm mưa, anh đã đưa tay ra hứng những giọt mưa nhỏ xuống mái tranh - mường tượng lại những cảm xúc mà cựu tù Trần Tử Yến đã trải qua.
Và, với tâm hồn nghệ sĩ, Pierre cũng không bỏ qua các chi tiết mà anh tìm thấy từ những văn bản lưu lại bút tích của các tù nhân như hình vẽ con chim, lá cờ, nhành hoa mà anh đã scan lại cẩn thận và đưa vào bản thảo cuốn sách của mình.
Sẽ không lâu nữa ”những ngọn gió thì thầm” về những người tù Việt Nam, qua dự án của Pierre, sẽ được chia sẻ với nhiều người ở cả nước Pháp và Việt Nam.
Còn chúng tôi, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ, sẽ luôn biết ơn và ghi nhận câu chuyện về những người tù Việt Nam ở Guyane những năm 1930, những người có tên và cả những người không có danh tính trong loạt bài lần này. Tất cả họ không bị quên lãng. Chúng tôi nhớ đến họ.
Duyên ngộ tình cờ
Lương Duyên Hồi về nước, tiếp tục tham gia hoạt động đảng một cách tích cực, và mãi đến nhiều năm sau mới bắt liên lạc được với gia đình của Bùi Hữu Diên. Anh Lương Duyên Hiệp kể rằng khi Bùi Hữu Diên bị đi đày, ông không biết là mình có con trai.
Con trai Bùi Hữu Diên được đặt tên là Lý Tự Nhiên (vì lý do bí mật nên không mang họ Bùi). Người con trai ấy học giỏi, sau này trở thành giáo viên dạy văn.
Một cách tình cờ, một trong những người con của ông Lương Duyên Hồi, anh trai của Lương Duyên Hiệp, chính là học trò của thầy Lý Tự Nhiên.
Trong một lần mời thầy về thăm nhà, qua trò chuyện, ông Lương Duyên Hồi nhận ra Lý Tự Nhiên chính là con trai người đồng chí thân thiết Bùi Hữu Diên.
“Thầy Lý Tự Nhiên đã nhận bố tôi là bố nuôi. Hai bên liên lạc thăm hỏi. Sau này thầy Lý Tự Nhiên tham gia kháng chiến chống Mỹ và về hưu với cấp trung tá” - anh Lương Duyên Hiệp kể.
UYÊN LY - QUỲNH TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét