Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Quán xá Hà Nội vừa bưng vừa húp xì xụp mới ngon

Vntinnhanh.vn - Quán xá vỉa hè là một nét văn hóa đẹp ở đất Hà thành. Ở những quán mà nơi "tấc đất là tấc vàng", bạn khó tìm được một chiếc bàn tử tế mà thay vào đó sẽ được trải nghiệm cảm giác vừa bưng bát vừa ăn xì xụp ngay trên phố đông người. 

Không bàn, khách phải tự bê bát ăn vừa nóng vừa mỏi tay là kiểu ăn độc đáo, khó lí giải ở phở bưng Hàng Trống. Ở Hà Nội, có rất nhiều địa chỉ khiến bạn vừa bưng, vừa húp xì xụp như vậy. (Ảnh: vuanh2105/Instagram)
Phở bưng Hàng Trống
 
Quán phở chỉ bán buổi chiều tại vỉa hè phố Hàng Trống giao với Hàng Bông dễ dàng thu hút sự chú ý của nhiều người bởi sự đông khách khó lí giải cùng kiểu ăn lạ. Ăn phở ở đây rất khổ. Xếp hàng đông kín, phải bưng bát phở nóng mỏi cả tay từ đầu đến cuối vì không có bàn... Nhưng những vị khách đến đây lại rất vui lòng để được "hưởng" cái khổ ấy.
 
Xếp hàng để được mua phở đã khổ, phải bưng cả tô phở nóng suốt lúc ăn còn khổ hơn. (Ảnh: tastydarling_/Instagram)
 
Ấy vậy mà hàng phở chẳng lúc nào vắng khách. (Ảnh: nhittnhitt/Instagram)
 
Phở ở đây được nhiều người biết đến là bởi hương vị ngon, đậm đà của nước dùng, độ dẻo dai của bánh phở và độ tươi ngon của thịt. Chưa kể đến món quẩy "trứ danh" lúc nào cũng giòn, dùng chấm ăn với nước phở thì chỉ có một từ "hết ý" mới đủ để diễn tả được cảm giác của chúng ta khi ấy. Có lẽ vì cái sự "hết ý" ấy, thế nên người ta mới chẳng quản ngại khó, ngại khổ chỉ để ngồi ở đây xì xụp cho kỳ được bát phở. Nhiều người thậm chí nghiện cảm giác ăn vội vàng trên những chiếc ghế con bé xinh ở một góc phố, húp sạch nước bát phở mà chẳng ngại người khác nhìn.
 
Cảm giác ăn vội vàng, ngồi xì xụp húp bát phở ngay chốn vỉa hè đông người lại tạo nên cảm giác thích thú, đặc biệt. (Ảnh: phomaiqueee/Instagram)
 
Cháo sườn Lý Quốc Sư
 
Cháo vỉa hè phố Lý Quốc Sư cũng không có bàn, chỉ có những chiếc ghế nhựa nhỏ để ngồi. (Ảnh: _trada/Instagram)
 
Nổi tiếng đã từ rất lâu rồi, hàng cháo này vẫn chỉ vẻn vẹn hai nồi cháo nóng hổi được kê đơn sơ trên bếp than nơi vỉa hè phố Lý Quốc Sư. Cháo sườn ở đây đúng kiểu truyền thống, được nấu từ bột gạo tẻ  đã xay nhuyễn, để khô, cùng với thịt nước xương và thịt băm chỉ loáng thoáng trong nồi. Đưa thìa cháo với dăm ba miếng quẩy và ít ruốc lên miệng, cảm nhận vị cay nồng của tiêu, ớt bột, thìa cháo như tan ra trong miệng, mềm và mịn mướt như nhung.
 
Cháo sườn được nấu theo kiểu truyền thống ăn kèm ruốc và quẩy khiến người người "chết mê". (Ảnh: thaon.g/Instagram)
 
Tất nhiên, quán cháo này cũng không có bàn, chỉ có những chiếc ghế nhựa nhỏ xếp quanh nồi cháo của chủ quán, chỗ để xe cũng khó khăn nhưng vì mến vị ngọt ngào của bát cháo nhỏ, nhiều người vẫn không ngại ngần ngồi trên góc vỉa hè chật chội để xì xụp từng miếng cháo nóng hổi cùng miếng quẩy giòn tan…
 
Cháo sườn Lý Quốc Sư đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho nhiều người sành ăn ở Hà Nội. (Ảnh: sz.vtg/Instagram)
 
Ngồi góc vỉa hè chật chội, húp vội thìa cháo nóng và nhai quẩy giòn tan là cảm giác vô cùng thú vị chỉ có thể thấy được ở ẩm thực đường phố Hà Nội. (Ảnh: queen_phoe/Instagram)
Canh bún Nguyễn Siêu
Món canh bún hao hao bún riêu nhưng lại có điểm khác biệt rõ rệt. (Ảnh: eatenbylong/Instagram)
Canh bún vừa hao hao giống bún riêu, lại có nét của bún trộn. Thoạt nhìn, bạn có thể nhầm canh bún với bún riêu vì phần nước dùng cua. Tuy nhiên, nếu tinh ý bạn sẽ phát hiện ra rằng, nước của canh bún chỉ dùng cà chua chứ không pha trộn thêm dấm bỗng hay sấu như nước riêu thông thường. Bún là loại sợi to và được chần sẵn, nên khi ăn sẽ thấy sợi bún nóng, trơn mềm.
Canh bún có vị ngọt của cua, thơm của hành phi và chua dịu nhẹ. (Ảnh: i.amhisbunny/Instagram)
Bạn có thể ăn kèm với rau chần và giò. (Ảnh: mi.mapmap/Instagram)
Khi ăn, bạn trộn đều bát canh bún sẽ cảm nhận ngay được vị ngọt của cua, mùi thơm của hành phi, vị bùi của tóp mỡ và vị mát, thơm của rau xanh. Giá của một bát canh bún cũng khá rẻ, chỉ từ 20 - 25k/bát đầy, ăn no căng bụng. Đặc biệt, quán ở đây khá chật, lại nằm ngay trên vỉa hè nên bạn sẽ phải ngồi ghế nhựa và bưng bát ăn xì xụp.
Quán ngay vỉa hè và khá chật nên bạn sẽ phải vừa bê bát vừa ăn. (Ảnh: thuakiii/Instagram)
 
Bún ốc Hàng Chai
 
Sáng sáng con phố Hàng Chai lại rộn ràng nô nức, xe cộ vào ra nườm nượp. Trong số đó dễ chừng có đến 90% đang đến quán bún ốc của cô Thêm.
 
Bún ốc Hàng Chai nổi tiếng từ khá lâu. (Ảnh: ngngmylinh/Instagram)
 
Bát bún ốc cô Thêm làm ra "chẳng có gì" ngoài nước dùng, bún và ốc. Tuyệt nhiên không đậu, giò, cua cá như bao quán mới. Cô cũng không bán thịt bò, nhưng đây là nguyên liệu duy nhất cô đồng ý có mặt trong bát bún. Vậy mới có chuyện khách phải tự mua thịt bò bên ngoài nhờ cô chần hộ, hoặc phải tự làm lấy mỗi khi cô quá đông khách.
 
Quán đông, khách ngồi quanh nồi nước dùng lớn của chủ quán. (Ảnh: p.m.ling/Instagram)
 
Bún ốc cô Thêm không có gì ngoài nước dùng, bún và ốc. (Ảnh: benhtube/Instagram)
 
Không đông sao được khi người Hà Nội có miệng ăn tinh tường lắm. Mà nước dùng cô Thêm chế biến đáng phải xếp hàng tuyệt đỉnh, dậy mùi ốc thơm lừng mà không hề tanh. Nói thì đơn giản, nhưng phải nếm thử một ngụm mới thấy cái vị ốc hòa trong nước ấy nó "đáng tiền" đến mức nào. Chỉ thêm thắt chút sa tế tê tê, mắm tôm đậm đà là đã muốn "yêu" dài lâu ngay được. Đặc biệt ở chỗ, đến cả các công đoạn như nêm ớt, nêm mắm vốn khách hàng thường phải tự phục vụ thì ở đây cũng được cô Thêm tận tay gia giảm, mà chẳng ai có thể chê.
 
Bún ốc vỉa hè cô Thêm nổi tiếng hai chục năm qua ở đất Hà thanh. (Ảnh: darkneela/Instagram)
TH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét