Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc

TTO - Tháng 5-1975, lợi dụng quân đội Việt Nam vừa trải qua những trận đánh lớn để thống nhất đất nước, Khmer Đỏ đã đưa quân chiếm đóng quần đảo Thổ Châu (Kiên Giang). 
"Nghe đọc bài: Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc"
Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc 
Cha con ông Tư Sĩ, những người hiếm hoi thoát chết khỏi nanh vuốt Khmer Đỏ - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Trên 500 người dân đảo bị chúng bắt cóc đưa đi biệt tăm. Đã có những trận đánh lớn, đã có cuộc trao đổi với nỗ lực tìm kiếm tung tích những thường dân vô tội này. Nhưng đằng đẵng 41 năm qua, sự thật vẫn chưa được vén màn.
 Trong tay “quân phản bội”
Thổ Châu vốn là vùng đảo hiền hòa, trù phú, là nơi của những người Việt từ khắp nơi tìm về kiếm kế sinh nhai. Thế rồi mọi chuyện thay đổi khi “những người bạn” mà thật ra là “quân phản bội” từ bên kia vùng biển chạy sang chiếm đóng.
Ngày bình yên cuối cùng
Để có những phác họa về một Thổ Châu yên bình trước khi vùng đảo này rơi vào tay quân Khmer Đỏ, chúng tôi đã rong ruổi khắp nơi để tìm lại ký ức của những người từng đến, sinh sống ở đây trong thời gian đó.
Một điều quá khó khi những cư dân từng có mặt trên đảo Thổ Châu trong những ngày yên bình trước biến cố Khmer Đỏ không còn ai trở lại vùng đảo này. Người thì đã chết già, người thì vượt biên sau biến cố, phần lớn đã bị sát hại bởi quân phản bội bạo tàn.
May mắn khi cách nay ít lâu, chúng tôi tìm được gia đình ông Nguyễn Văn Sĩ (Tư Sĩ), hiện sinh sống tại đảo Hòn Mấu (quần đảo Nam Du, H.Kiên Hải, Kiên Giang). Gia đình ông Sĩ được coi là có “mạng lớn” khi thoát chết bởi quân bắt cóc Khmer Đỏ. Sau đó ông cũng không trở lại Thổ Châu nữa.
Khi chúng tôi hỏi chuyện về hòn đảo thiên đường một thời, mắt ông Nguyễn Văn Toại (54 tuổi), con trai ông Tư Sĩ, như vụt sáng: “Trên đảo giờ dây khoai từ còn nhiều không?”.
Chưa kịp trả lời thì ông đã kể luôn: “Hồi đó Hòn Từ nhiều khoai từ lắm. Dây từ mọc hoang kín các gò đất, gai từ nổi lên trên bề mặt, lội vô là rách cả chân”.
Theo ông Tư Sĩ, tên các hòn đảo trong quần đảo Thổ Châu được người dân gọi theo những đặc điểm rất riêng như: Hòn Từ là hòn có nhiều khoai từ, Hòn Nhạn có nhiều chim nhạn, Hòn Khô chỉ là chỏm đá chơ vơ... Riêng Thổ Châu là hòn đảo có nhiều đất đỏ.
Năm 1971, khi gia đình ông Tư Sĩ rời Hòn Mấu ra Thổ Châu, trên đảo chỉ có vài chục nóc gia. Có nhà gốc từ Cà Mau, từ Rạch Giá ra, có nhà vốn là dân Quảng Ngãi vào...
Hồi đó trên đảo chưa có máy phát điện, người dân chủ yếu dùng đèn dầu, mấy gia đình người Quảng Ngãi dùng đèn măngsông. Quanh đảo lúc đó cũng chưa có cầu cảng để cập tàu, người dân phải hùn tiền thuê ngư dân Campuchia qua cặm cây làm cầu để thuận tiện lên xuống.
“Giàu nhất trên đảo lúc đó là ông Chín Hải, dân Quảng Ngãi vô. Ổng làm nghề nuôi và bán đồi mồi. Chỉ có ổng là cất được nhà tường ở dưới Bãi Dong, dân hay gọi là khu nhà tường” - ông Tư Sĩ kể.
Gia đình ông Tư Sĩ khi đã an cư cũng nuôi đồi mồi, nhưng như ông tự nhận là nuôi nhỏ lẻ, không quy mô như ông Chín Hải. Ông Toại góp chuyện: “Hồi đó xài tiền giấy 100 đồng. Đồi mồi bán đo mai, mỗi tấc là 1.000 đồng, con bự ba tấc bán được 3.000 đồng, đủ mua một chỉ vàng”.
Ông Toại kể lúc đặt chân lên đảo Thổ Châu năm 1971, ông mới hơn 9 tuổi. Những năm sau đó, ngoài theo cha ra biển tìm ổ đồi mồi đem về nuôi, ông cùng bạn bè chèo ghe ra các hòn đảo gần đó. Theo ông Toại, trên Hòn Nhạn, ở vách đá phía nam có một hang yến lớn.
Nhưng hồi đó không có phương tiện gì để trèo sâu vô trong, chỉ lấy được ít tổ yến bên ngoài. Còn nhạn thì ôi thôi không tả sao cho xiết.
“Năm 1984 tui đi bộ đội hải quân và có dịp trở lại Thổ Châu đóng quân một thời gian. Sau này giải ngũ không còn dịp trở lại đó nữa” - ông Toại kể.
Cả hai cha con ông Tư Sĩ đều kể trước khi quân Khmer Đỏ đổ bộ, Thổ Châu là một quần đảo rất yên bình. Cho đến trước ngày 30-4-1975, chiến sự hầu như không lan tới nơi hải đảo xa xôi này.
Khi ấy trên đảo chỉ có khoảng một tiểu đội lính hải quân Việt Nam cộng hòa (VNCH) và khoảng một tiểu đội địa phương quân.
“Từ bến tàu Bãi Ngự bây giờ đi lên, nhà tui nằm ngay ngã ba chỗ có gốc cây gòn lớn, phía sau là con suối. Còn doanh trại của lính hải quân chính là chỗ sở chỉ huy của trung đoàn 152 hiện nay” - ông Tư Sĩ nhớ lại. Còn theo ký ức của ông Toại, con suối ngày ấy có rất nhiều tôm càng và cá bống.
Theo ông Tư Sĩ, trước giải phóng trên đảo không có trường học, cũng chưa có trạm y tế. Dân bị bệnh thì lên trại lính hải quân VNCH xin thuốc của y sĩ Ngoạc để uống.
Năm 1973, chính quyền VNCH đưa thêm người từ đất liền ra để thành lập xã Thổ Châu và đến năm 1974 thì nhập Thổ Châu vào quận Phú Quốc.
Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc 
Đảo Thổ Châu trù phú, yên bình hôm nay
Người dân bị bắt cóc
Theo ông Tư Sĩ, hồi đó người dân còn không biết đảo bị quân Khmer Đỏ chiếm. Khi ấy, lực lượng của Pol Pot không nhiều và hầu như không phải tốn một viên đạn nào. “Họ ghé tàu lại và nói là miền Nam giải phóng rồi, hải quân VNCH đã bỏ chạy nên họ giữ đảo giùm.
Người dân tụi tui nghe nói thì tin vậy. Cho đến khi lùa mọi người xuống tàu họ cũng nói là đưa dân vào đất liền cho an toàn nhưng lúc này thì mọi người đã biết là mình bị bắt cóc” - ông Tư Sĩ nói.
Trong lúc chiếm giữ đảo, quân Khmer Đỏ đưa tàu tuần tra xung quanh và bắt giữ hai tàu buôn nước ngoài, buộc neo ngoài khơi Hòn Nhạn đến hai ngày mới thả cho đi.
Mấy ngày sau, xuất hiện vài chiếc máy bay lượn qua lượn lại trên bầu trời không rõ của lực lượng nào nhưng quân Khmer Đỏ liền sau đó bắt dân đào công sự như chuẩn bị chiến đấu.
“Có thể họ sợ bị lộ vụ chiếm đảo nên sau đó mới vội vã lùa dân xuống tàu đưa đi” - ông Tư Sĩ nhận định.
Vợ chồng ông Tư Sĩ và ba người con nhỏ cũng bị lùa đi trong đêm 23-5-1975 đó. Chúng cột xuồng máy của người dân vào tàu lớn để kéo đi.
Tuy nhiên rạng sáng 24-5, bất ngờ sợi dây cột xuồng chở gia đình ông Sĩ bị đứt. Ông liền nổ máy chạy về lại Việt Nam và may mắn thoát khỏi số phận của 500 đồng bào mình.
Chúng tôi hỏi về gia đình của những người dân trên đảo Thổ Chu ngày ấy, ông Tư Sĩ cho hay ông không biết rõ. Riêng có một người là ông Ba Hân (72 tuổi) hiện ở Xẻo Nhàu, huyện An Minh, Kiên Giang, sau này ông có liên lạc được.
Ông Ba Hân xác nhận năm 1971, khi ấy 17 tuổi, trốn quân dịch ra Thổ Chu và ở đậu nhà ông Tư Sĩ.
“Tui trốn ra đó một mình. Sau ngày 30-4 nghe tin miền Nam giải phóng, thấy lính hải quân VNCH vô bờ trình diện nên ngày 10-5-1975 tui cũng quá giang tàu đánh cá tìm về đất liền. Sau này khi gia đình chú Tư Sĩ chạy thoát về kể lại tui mới biết mình đã may mắn vì không ở lại đảo” - ông Hân kể.
“Đầu tháng 5, trên khu vực biển đảo Tây Nam, lợi dụng lúc hải quân VNCH bỏ chạy và tan rã, ngày 3-5-1975, bọn phản động Campuchia do một tiểu đoàn quân Khmer Đỏ đổ bộ lên đảo Phú Quốc của ta. 
Nhưng trước khí thế và áp lực của lực lượng cách mạng ở đây, quân Khmer Đỏ buộc phải rút khỏi đảo Phú Quốc. 
Sau đó, ngày 10-5-1975, chúng lại lén lút đổ bộ chiếm đóng trái phép đảo Thổ Chu (Thổ Châu), bắt và giết hại hơn 500 đồng bào ta đang làm ăn, sinh sống trên đảo...”. 
(Theo tư liệu lịch sử của Vùng 5 Hải quân)

Cuộc giải cứu muộn màng đảo Thổ Châu khỏi tay Khmer Đỏ



TTO - Hơn một tuần lễ sau, tin tức Thổ Châu bị quân Khmer Đỏ đánh chiếm, bắt cóc thường dân được một số người dân chạy thoát về báo. Mệnh lệnh đánh chiếm lại Thổ Châu, giải cứu người dân được gấp rút triển khai.
"Nghe đọc bài: Cuộc giải cứu muộn màng đảo Thổ Châu khỏi tay Khmer Đỏ"
Cuộc giải cứu muộn màng đảo Thổ Châu khỏi tay Khmer Đỏ
Ông Sáu Thanh (trái), ông Năm Khoa, hai cựu chỉ huy của Tiểu đoàn 410 vẽ lại sơ đồ hành quân giải phóng Thổ Châu.
Lệnh giải cứu
Sau tin báo của dân, quân đội đã điều máy bay L-19 đi trinh sát hiện trường các đảo thì phát hiện các đảo này đã bị quân Khmer Đỏ chiếm đóng.
Ngày 20-5-1975, trung tướng Lê Trọng Tấn - phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam - thay mặt Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Quân khu 9 phải đánh chiếm lại toàn bộ các đảo và đất đai của Việt Nam bị quân Khmer Đỏ chiếm đóng.
Tại Phú Quốc, một hội nghị quân sự đã diễn ra, thống nhất kế hoạch hiệp đồng tác chiến giải phóng đảo Thổ Châu.
Theo tư liệu của Vùng 5 hải quân, các đơn vị được sử dụng đánh chiếm lại hòn đảo này gồm: tiểu đoàn bộ binh 410 thuộc Trung đoàn 195 (QK9), 2 tàu tuần tiễu loại 100 tấn của Trung đoàn 172 hải quân, 2 tàu vận tải loại 50 tấn của Trung đoàn 125 hải quân, một đại đội đặc công nước của Trung đoàn 126 đặc công hải quân, 4 tàu vận tải đổ bộ LCM8 và 4 tàu PCF thu hồi của quân đội VNCH; có sử dụng lại một số sĩ quan, nhân viên cũ thuộc đoàn hải quân Phú Quốc của chế độ Sài Gòn và một đại đội du kích huyện đội Phú Quốc...
Đại tá Võ Hồng Thanh (Sáu Thanh), nguyên phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 330 (QK9), kể lại thời điểm đó ông là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 410 - thuộc Trung đoàn 195. Đơn vị ông đang đóng tại Kiên Lương (Kiên Giang) được lệnh gấp rút hành quân ra Phú Quốc để chuẩn bị đánh Thổ Châu.
Lúc mới giải phóng, quân số của tiểu đoàn không nhiều. Tiểu đoàn 410 được biên chế làm ba đại đội, đại đội 1 và 2 mỗi đại đội 40 quân; đại đội 3 có 30 quân. Hỏa lực cũng chỉ có một pháo 82mm với 30 viên đạn, ngoài ra chỉ có một số B40, B41 và trung liên.
Lúc giao nhận nhiệm vụ, đơn vị cũng chưa nắm được tình hình của địch, cũng chưa từng tác chiến ở địa bàn hải đảo. Ông chỉ biết đảo Thổ Châu có hai bãi cát, bãi Ngự là bãi lớn, bãi Dông là bãi nhỏ. Người dân Thổ Châu chạy về còn cung cấp thêm địa hình phía bắc đảo có đoạn vách núi đứng, nước sâu, tàu lớn có thể vào được đến bờ.
Cuộc giải cứu muộn màng đảo Thổ Châu khỏi tay Khmer Đỏ
Sơ đồ các mũi tiến công giải cứu Thổ Châu của QĐND VN (lấy từ trang quansu.net)
Trận đánh Thổ Châu
Khoảng 13g ngày 23-5-1975, tàu chở các lực lượng từ cảng An Thới (Phú Quốc) xuất phát thẳng tiến ra Thổ Châu. Đại tá Thanh kể chạy ròng rã đến hơn 18g thì đã thấy được Thổ Châu. Lúc này có một chiếc tàu cá từ đảo chạy ra, hướng về vùng biển Campuchia.
Đến 19g, tàu chở tiểu đoàn 410 cặp lại phía bắc đảo với nhiệm vụ đánh địch đồn trú bãi Ngự. Lực lượng đặc công nước áp sát hướng đánh địch ở bãi Dông. Kế hoạch ban đầu là đến 24g khuya sẽ nổ súng. Tuy nhiên, địa bàn rừng núi tối om, hành quân lại không thuộc địa bàn, các chiến sĩ cứ níu lưng nhau mà đi tới. Đến 24g khuya, lực lượng chỉ mới đến đỉnh núi.
“Lúc ấy tôi lệnh cứ tiếp tục hành quân xuống bãi Ngự. Gặp địch lúc nào nổ súng lúc đó. Đến 4g sáng thì thấy có khu nhà lợp tôn, biết là doanh trại của quân địch” - ông Sáu Thanh nhớ lại.
Đại đội 1 và đại đội 2 được lệnh tiếp cận cách mục tiêu 200m thì từ bên trong khu nhà, quân Khmer Đỏ đã nổ súng. Các đơn vị của tiểu đoàn 410 đồng loạt nổ súng đáp trả.
Lúc này, quân Khmer Đỏ phản kháng yếu ớt nên khoảng 30 phút sau, đại đội 1 báo về đã làm chủ được khu vực. Lệnh của tiểu đoàn cho các đơn vị xung phong đánh chiếm doanh trại.
Cùng thời điểm, đơn vị đặc công nước dưới sự chỉ huy của QK9 cũng nổ súng đánh địch ở bãi Dông.
Khoảng 30 phút sau, quân Khmer Đỏ từ hai điểm cao phía bắc và nam kháng cự kịch liệt. Thế trận giằng co đến 10g sáng thì các đơn vị báo sắp... hết đạn. Lúc này, trên tàu hải quân vẫn còn đạn, nhưng không thể tiếp viện vì khi hành quân lên đảo, đơn vị đã mất liên lạc với tàu.
Tiểu đoàn trưởng lệnh cho công sự tại chỗ, thấy địch thì bắn tỉa, chờ trời tối sẽ xin tiếp viện đạn từ tàu. Giữa lúc tình thế nguy cấp thì xuất hiện yếu tố bất ngờ.
Khi đại đội 1 tổ chức đi lấy cây để ngụy trang thì phát hiện bên khe suối có một kho đạn lớn đủ chủng loại do Trung Quốc sản xuất được quân Khmer Đỏ cất giấu.
Tình thế thay đổi đột ngột đã xoay chuyển cục diện trận đánh. Khi có đầy đủ đạn dược, đến 14g ngày 24-5, các đại đội được lệnh tiếp tục nổ súng đánh địch. Đến 16g thì các đơn vị đã chiếm được sở chỉ huy địch. Quân Khmer Đỏ lúc này rút về co cụm ở hai quả đồi quanh bãi Ngự.
Sáng 25-5, tận dụng được hàng binh bắt được, chỉ huy tiểu đoàn đã cho tổ chức địch vận, cho các hàng binh đi vận động các nhóm quân Khmer Đỏ đang cố thủ ở hai quả đồi đầu hàng. Hiệu quả bất ngờ. Không cần tiếng súng, từ quả đồi bên phải bãi Ngự, 105 quân Khmer Đỏ lần lượt kéo xuống xin hàng; mũi bên trái 30 quân cũng tung cờ trắng.
Các hàng binh tiếp tục vận động đồng đội ra hàng ở hai hòn đảo gần đó là Hòn Cao và Hòn Từ, mỗi nơi còn một trung đội quân Khmer Đỏ. Đại tá Thanh tiếp tục cho địch vận để tránh đổ máu. Khoảng 30 phút sau, lính Khmer Đỏ trên hai hòn đảo lần lượt xếp hàng tung cờ trắng.
Chậm một bước
Kết thúc trận đánh ba ngày, tiểu đoàn 410 với 110 quân đã diệt 200 quân Khmer Đỏ, bắt sống 175 quân. Phía tiểu đoàn có 1 chiến sĩ tử trận, hai sĩ quan bị thương.
Trong đó, tiểu đoàn phó Út Minh bị thương do bị lính Khmer Đỏ tấn công trong loạt đạn đầu; người còn lại bị thương do nhóm 3 tàn quân không chịu đầu hàng, đã phục kích bắn bị thương một sĩ quan của tiểu đoàn. Nhóm 3 tên này sau đó vì đói đã mò vào lục cơm nguội ở bãi Dông nên bị bắt giữ.
Ngoài ra, còn 7 lính Khmer Đỏ khác ôm cây nhảy xuống biển trôi về hướng Phú Quốc, đã bị ngư dân bắt giao nộp.
Ông Sáu Thanh kể sau khi thắng trận, các lực lượng bộ đội đã chia nhau đi tìm dân, nhưng chỉ còn lại vài người. Trong đó có gia đình ông Chín Hải. Ông Hải kể lại quân Khmer Đỏ đã gom dân trên đảo đi từng đợt.
Chiều 23-5, khi các tàu chở quân ra đánh chiếm lại Thổ Châu đã gặp chiếc tàu cá chạy ra, đó chính là tàu bọn Khmer Đỏ vừa lùa dân chở sang Campuchia. Những người may mắn ở lại là do trên tàu đã không còn chỗ chứa.
Bọn chúng định quay lại chuyến sau để bắt hết những người dân cuối cùng thì hòn đảo đã được quân đội giải cứu. Ông Sáu Thanh nói rằng khi nghe kể ông tức điên người vì không biết tin để chặn chiếc tàu đó lại mà cứu dân mình.
Có một điều ít ai biết, tiểu đoàn quân Khmer Đỏ bị tiểu đoàn 410 của Việt Nam đánh bật khỏi Thổ Châu cũng có phiên hiệu là tiểu đoàn 410. Lý giải điều này, ông Sáu Thanh nói đám quân này là do trước đây được tiểu đoàn 410 của ta đào tạo trong kháng chiến chống Mỹ.
Không ngờ, vừa giải phóng đất nước xong, chúng lại kéo sang đánh chiếm các đảo của Việt Nam. “Trong đám quân bắt được, có những đứa tôi còn thấy quen mặt vì đã đào tạo cho chúng” - ông Sáu Thanh nói.

 Cuộc trao đổi thất bại 



TTO - Đã có một thỏa thuận lấy tù binh Khmer Đỏ chiếm đảo VN để đổi lấy dân thường VN bị chúng bắt cóc. Thế nhưng, do Khmer Đỏ tráo trở nên không một người dân nào được may mắn trở về. 
"Nghe đọc bài: Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc: Cuộc trao đổi thất bại"
Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc: Cuộc trao đổi thất bại 
Sơ đồ các mũi hành quân giải phóng quần đảo Poulo Wai - Nguồn: QK9 - Đồ họa: N.KH 
Thiếu tướng Lê Xã Hội (Chín Hội), nguyên phó tư lệnh - tham mưu trưởng QK9, người trực tiếp đưa các tù binh Khmer Đỏ sang Campuchia theo thỏa thuận trao đổi, cho biết ông cực kỳ thất vọng. Nỗi thất vọng này vẫn còn theo ông đằng đẵng hơn 40 năm trời.
Giao tranh ở Poulo Wai
“Quân mình đã đánh quyết liệt để giải cứu các đảo bị chúng chiếm đóng và giải cứu dân thường. Nhưng chúng đã đem dân đi và giết hết. Mình chiến thắng nhưng cũng không có người dân nào trở về. Đánh Thổ Châu rồi đánh Poulo Wai cũng vậy. Chúng đã đem dân đi và giết từ trước đó rồi” - trong buổi chiều tháng 6, vị tướng già nói về những điều mà đến giờ ông vẫn canh cánh bên lòng.
Sau trận đánh ba ngày, ngày 27-5-1975, QĐNDVN đã giải cứu được Thổ Châu, diệt gần 200 tên, bắt sống trên 300 quân Khmer Đỏ. Thế nhưng, nhiệm vụ giải cứu trên 500 dân Thổ Châu đã không thành, khi trước đó quân Khmer Đỏ đã bắt cóc toàn bộ cư dân trên đảo dời đi nơi khác.
Lúc này lại có tin quân Khmer Đỏ mang toàn bộ dân Thổ Châu về hướng Poulo Wai.
Poulo Wai là quần đảo với hai đảo lớn, còn được Việt Nam gọi là Hòn Ông và Hòn Bà. Là đảo cực nam Campuchia cách Rạch Giá 220km, cách cảng An Thới (Phú Quốc) 113km về hướng tây. Trước 30-4-1975, quần đảo này do quân đội VNCH và quân đội Cộng hòa Khmer đóng giữ.
Sau 17-4-1975, sau khi đánh thắng quân đội Cộng hòa Khmer, Khmer Đỏ đã xua quân đánh chiếm Poulo Wai và tàn sát hết quân của VNCH và Cộng hòa Khmer đóng tại đây. Chúng đưa hai trung đoàn ra đồn trú, được trang bị hỏa lực mạnh, lại được chi viện bởi lực lượng từ đảo Koh Tang gần đó.
Chiều 31-5-1975, các tàu thê đội 1 (tiểu đoàn 309 và các phân đội trực thuộc) rời Phú Quốc hành quân về Poulo Wai. Tuy nhiên, cuộc hành quân đã gặp bất lợi do thời tiết xấu, phải đến bốn ngày sau mới được tiếp tục.
Ngày 5-6-1975, quân Việt Nam nổ súng tấn công quân Khmer Đỏ ở hai đảo Hòn Ông và Hòn Bà. Quân Khmer Đỏ kháng cự quyết liệt. Trong 10 ngày vây đánh, quân đội Việt Nam đã tiêu diệt hai tiểu đoàn quân Khmer Đỏ, bắt 320 tù binh... Tuy nhiên, để chiếm được Poulo Wai, chúng ta đã hi sinh 18 người, bị thương 84 cán bộ chiến sĩ (nguồn: QK9).
“Quân mình đã đánh quyết liệt để giải cứu các đảo bị chúng chiếm đóng và giải cứu dân thường. Nhưng chúng đã đem dân đi và giết hết
Thiếu tướng Lê xã Hội
Không tìm thấy dân
Thế nhưng tại Poulo Wai, quân đội của chúng ta đã không tìm thấy bóng dáng người dân VN nào bị chúng bắt cóc.
“Không chỉ có dân ở Thổ Châu, mà dân Việt Nam sinh sống trên đảo ở Poulo Wai cũng biến mất. Trước năm 1975, chính quyền VNCH đã đưa dân ra ở đó. Họ sống bằng nghề đánh cá và di cư theo mùa, theo sườn đông và tây đảo” - tướng Hội nhớ lại qua khai thác tù binh, ông biết chúng đã đem toàn bộ dân đi giết. Tuy nhiên, chừng nào chưa thấy chứng tích thì vẫn chưa nguôi hi vọng.
Là người biết tiếng Khmer, ông Chín Hội kể lại các tù binh Khmer Đỏ khai chính quyền Campuchia dân chủ (Khmer Đỏ) đã rắp tâm đánh chiếm các đảo trên biển Tây từng do VNCH kiểm soát. Sau khi chiếm các đảo này, chúng thủ tiêu toàn bộ dân cư để xóa dấu tích chủ quyền của Việt Nam, ngụy tạo chứng cứ nhằm đối phó khi có đấu tranh pháp lý.
Số tù binh Khmer Đỏ bị bắt ở hai trận đánh Thổ Châu và Poulo Wai tổng cộng trên 600 tên. Ban đầu tất cả được đưa về Phú Quốc. Sau có lệnh di chuyển số tù binh này về thị trấn Kiên Lương (Kiên Giang).
“Tôi hỏi: tụi bây đem dân đi đâu mất biệt? Chúng khai: đưa sang vùng biển Campuchia. Tôi hỏi chúng bắt đi bao nhiêu dân? Chúng khai trên 500 người... Tất cả đều bị sát hại”, ông Chín Hội trầm giọng.
Trao đổi bất thành
Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc: Cuộc trao đổi thất bại 
Thiếu tướng Lê Xã Hội
Thời điểm năm 1975, thiếu tướng Lê Xã Hội đang là phó phòng tác chiến QK9. Ông nói lúc ấy việc quân Khmer Đỏ thủ tiêu trên 500 dân Việt Nam chỉ có các hàng binh thừa nhận. Còn nhà cầm quyền cứ lấp lửng về số phận các cư dân này. Cho nên, đã có một thỏa thuận là phía Việt Nam đem 600 tù binh Khmer Đỏ để đổi lấy trên 500 dân Việt Nam bị bắt cóc.
Ban đầu phía Khmer Đỏ đã đồng ý việc trao đổi này. Địa điểm trao đổi được xác định là tại Tứk Mía, thuộc tỉnh Kampot (giáp với thị xã Hà Tiên, 
Kiên Giang).
“Tôi được lệnh đưa các tù binh sang Campuchia để đổi lấy cư dân Thổ Châu. Lệnh là khi nào mình có đủ dân thì mới trao tù binh Khmer Đỏ. Trước đó, tù binh Khmer Đỏ được giáo dục không được gây hấn với Việt Nam, phải coi Việt Nam là bạn. Phía Việt Nam còn cấp quân trang mới, cho thêm một bộ đồ, balô, mùng, giày, võng, một “ruột ngựa” chứa đầy gạo” - ông Chín Hội kể.
Kể đến đây, giọng tướng Hội bỗng rưng rưng: “Nhắc chuyện đó tới giờ tôi vẫn còn thấy đau đớn... Tôi không sao quên được. Buổi sáng mình đưa tù binh đi, hàng ngàn người dân ra đường tiễn. Người ta mong đợi mình đưa thân nhân của họ trở về... Vậy mà” - tướng Hội thở dài.
Khi quân Việt Nam đưa các tù binh đến địa điểm hẹn trước với Khmer Đỏ thì không thấy bóng dáng người dân Việt Nam nào. Lúc này quân Khmer Đỏ chối bay việc bắt cóc dân thường trên đảo Thổ Châu.
“Chúng nói không bắt người dân Việt Nam nào cả - Ông Hội tiếp - Vì vậy chúng tôi tiếp tục đấu tranh, không đồng ý thả tù binh cho chúng”.
Tin Khmer Đỏ tráo trở được báo về Việt Nam. Ông Hội nói Bộ Tư lệnh QK9 không chấp nhận thả tù binh Khmer Đỏ. Phái đoàn Việt Nam ban đầu vẫn giữ các tù binh và tiếp tục đấu tranh với Khmer Đỏ để đòi dân. Nhưng sau ba ngày kỳ kèo, ông Hội nói có lệnh từ trung ương phóng thích toàn bộ số tù binh Khmer Đỏ dù không đưa được người dân nào trở về!
Về lại bên đây biên giới, phái đoàn trao đổi gặp người dân đứng hai bên đường chờ đợi. Khi biết sự thật tất cả người dân Thổ Châu đã bị giết, đoàn người chờ đợi đã tột cùng thất vọng. Họ tức giận đòi đập xe của phái đoàn.
Những lời oán trách tuôn ra: “Dân mình thì bị chúng giết hại. Còn bọn sát nhân thì mình lại phóng thích sau khi cho ăn ngon mặc ấm...”.
Ông Hội nói trong đám tù binh có tên tiểu đoàn trưởng mang tên Việt Nam là Dân. Chúng khai đã giết dân Việt Nam theo lệnh của cấp trên.
Ngày 27-5-1975, Bộ tư lệnh Tiền phương đã giao nhiệm vụ cho trung đoàn bộ binh 1 (lúc này do ông Phạm Văn Trà làm trung đoàn trưởng) tiến công Poulo Wai, giải cứu dân thường khỏi Khmer Đỏ. Kế hoạch là hợp đồng tác chiến giữa các binh chủng hải - lục - không quân, sẽ đánh chiếm Poulo Wai trong vòng một, hai ngày.
So với trận đánh Thổ Châu, trận Poulo Wai lực lượng của ta đã được trang bị hỏa lực mạnh, được chi viện 12 máy bay ném bom A37, 4 trực thăng vũ trang, 2 máy bay trinh sát L-19, 2 máy bay CH 47, 1 máy bay trực thăng cứu thương; hải quân có 11 tàu PCF, 10 tàu LCM, 3 tàu cao tốc, 3 tàu vận tải(Nguồn: Quân khu 9).

 Đảo xương người



TTO - Khi giúp quân đội Campuchia canh giữ quần đảo Koh Tang, bộ đội Việt Nam mới phát hiện một sự thật đau lòng: mỗi gốc cây trên đảo đều có xương người. Từ đây, những bí ẩn về hòn đảo xương người này dần được phơi bày.
Thổ Châu - hòn đảo bị bắt cóc - Kỳ 4: Đảo xương người
Ông Hoàng Xuân Kỳ viết thư tay gửi gắm cho người quen tại Campuchia để giúp phóng viên Tuổi Trẻ tìm ra nhân chứng vụ mất tích của trên 500 đồng bào Thổ Châu - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Các cựu binh Koh Tang kể lại khi mới ra đó họ đã thấy xương người khắp nơi. Từ gốc dừa đến cây mít, cây xoài... được trồng trên đảo nơi nào cũng có xương người.
Ông Thành kể: Bệnh xá nằm phía dưới vườn cây. Khi lập phương án bảo vệ bệnh xá, bộ đội tiến hành đào các giao thông hào. Nhưng đào đến đâu thì lại gặp xương người đến đó. Cảm giác như từng thớ đất trên đảo Koh Tang đều có thể che giấu một số phận bi thảm
Vùng biển hắc ám
Giữa cuối tháng 5-1975, sau khi bị đánh bật khỏi các đảo của Việt Nam, quân Khmer Đỏ vẫn cố thủ ở các quần đảo phía Nam Campuchia như quần đảo Poulo Wai, quần đảo Koh Tang... để tiếp tục tác oai tác quái. Chúng được trang bị hỏa lực mạnh để nhanh chóng biến khu vực phía Nam Campuchia trở thành vùng biển chết chóc.
Quân Khmer Đỏ dùng tàu đuổi bắt tàu thuyền qua lại, từ tàu cá, tàu buôn... Nhiều tàu của thuyền nhân Việt Nam vượt biên đã bị chúng chặn bắt, cướp bóc, hãm hiếp và sát hại. “Không ai lọt vào tay quân Khmer Đỏ mà sống sót trở về” - một cựu binh Campuchia nói.
Một trong những sự kiện cướp bóc do quân Khmer Đỏ tiến hành được cả thế giới biết đến lúc đó là khi họ chặn bắt tàu hàng Mayaguez của Mỹ. Hành động của Khmer Đỏ khiến Mỹ giận dữ điều hai đại đội thủy quân lục chiến đi giải cứu tàu Mayaguez.
Trong trận đánh cuối cùng của Mỹ ở Đông Dương, lịch sử tiếp tục ghi nhận thất bại của quân Mỹ: lực lượng giải cứu bị sa vào trận địa hỏa lực của quân Khmer Đỏ, khiến ba trực thăng chở quân Mỹ bị bắn rơi. Trong trận đánh chớp nhoáng này, 41 quân Mỹ thiệt mạng, 3 người mất tích và 50 người khác bị thương ở khu vực đảo Koh Tang.
Những ngày nằm trong sự kiểm soát của quân Khmer Đỏ, vùng vịnh phía Nam Campuchia trở thành vùng biển hắc ám. Nó che giấu bao nhiêu cái chết của những thường dân vô tội khi sa vào tay quân Khmer Đỏ.
Vĩnh viễn không ai biết được có bao nhiêu người bị quân Khmer Đỏ sát hại rồi thả xác xuống biển, cũng chưa ai đếm được có bao nhiêu người bị chôn vùi trên các hòn đảo ở đây trong những ngày bị quân Khmer Đỏ kiểm soát. Chỉ biết chắc một điều rằng trong số những sinh linh chết thảm ấy, có không ít là thường dân Việt Nam.
Một sĩ quan quân đội Campuchia cho biết sau khi có tin Puolo Wai thất thủ trước quân đội Việt Nam, quân Khmer Đỏ đóng trên quần đảo Koh Tang gần đó đã co cụm lại. Sợ quân Việt Nam sẽ tiến đánh tiếp Koh Tang, Khmer Đỏ đã tăng cường nhiều hỏa lực phòng thủ cho quần đảo này.
Thổ Châu - hòn đảo bị bắt cóc - Kỳ 4: Đảo xương người
Quần đảo Koh Tang nằm ngoài khơi phía Nam của Campuchia, gần vùng biển tiếp giáp với Việt Nam - Đồ họa: V.CƯỜNG
Ký ức nhói lòng
Sau khi giải phóng các đảo phía Nam Campuchia khỏi bàn tay quân Khmer Đỏ, bộ đội Việt Nam được Chính phủ Campuchia nhờ ở lại giúp bảo vệ các hòn đảo này, để phòng quân Khmer Đỏ quay lại tái chiếm.
Khi đặt chân lên đảo Koh Tang, bộ đội Việt Nam đã chứng kiến một khung cảnh khiếp đảm: tử thi, xương người la liệt. Cả hòn đảo rộng lớn chẳng khác nào một bãi tha ma. Một cựu sĩ quan có thời gian công tác tại Koh Tang nói rằng những hình ảnh chết chóc đã ám ảnh không ít bộ đội Việt Nam những ngày đứng chân trên đảo, nhất là những người trẻ.
Đại tá Hoàng Xuân Kỳ (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đảng ủy Vùng 5 hải quân) nói: “Đã chừng ấy năm rồi nhưng hình ảnh về Koh Tang cứ hiển hiện với tôi trong giấc ngủ”. Đại tá Kỳ kể năm 1980, ông là chính trị viên tiểu đoàn 562 - Vùng 5 hải quân, được điều động sang giúp bạn bảo vệ Koh Tang.
Dù trước đó đã nghe nói về những gì Khmer Đỏ gây ra trong thời gian chúng chiếm hòn đảo này, nhưng khi tận mắt chứng kiến thì sự thật “ngoài sức tưởng tượng” của ông. “Một người bình thường không thể nào tưởng tượng ra con người có thể hành xử với đồng loại dã man đến thế - ông Kỳ nhớ lại - Chạy dài ven bãi biển gần cổng doanh trại lúc ấy có tám cây dương cổ thụ.
Trên mỗi cây dương đều có treo lơ lửng các dây thòng lọng do quân Khmer Đỏ dùng để treo cổ những người bị chúng bắt được. Còn hàng dừa, hướng nhìn về đất liền Kampongsom, hầu như gốc nào cũng có sọ người. Mỗi gốc dừa có ít nhất một, hai đầu lâu. Có những gốc dừa chúng tôi đếm đến chín đầu lâu. Khi đào xuống đất quanh các gốc dừa này, chỗ nào cũng có xác người” - ông Kỳ rùng mình.
Trung tá, bác sĩ Vũ Văn Thành, làm nhiệm vụ trên đảo Koh Tang từ năm 1985 - 1989, nhớ lại: “Lúc tôi ra đảo, chứng kiến các gốc dừa phía mé biển, mỗi gốc dừa bốn hướng đều có bốn hố, mỗi hố rộng 2m. Bọn Pol Pot đào để vùi lấp xác người dưới đó.
Tôi và anh em đào lên đem chôn cất đàng hoàng. Mỗi hố chúng tôi đem lên hai bao tải xương người. Có những hố nạn nhân chết trong tư thế hai ngón tay, hai ngón chân cái bị trói chặt, ngồi co quắp, xương đầu bị bể từ phía sau. Có nhiều hố có cả xương trẻ em... trong túi áo người chết còn có đồng xu tiền Việt Nam”.
Một cựu sĩ quan có thời gian công tác trên đảo Koh Tang nói rằng khi ra giúp bạn tiếp quản đảo Koh Tang, ông bắt gặp trong những hiện vật để lại của những nạn nhân, có cả những thẻ căn cước của cư dân Thổ Châu do chính quyền VNCH cấp trước đây.
Điều này nói lên rằng đã có cư dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ đưa về Koh Tang sát hại. Điều này trùng khớp với lời kể của ông Tư Sĩ, một cựu ngư dân Thổ Châu, người đã may mắn thoát được khi quân Khmer Đỏ dẫn giải cư dân trên đảo về hướng vùng biển Campuchia.
Ông Sĩ nói trước ngày quân đội Việt Nam giành lại Thổ Châu, Khmer Đỏ đã lùa dân, nói là đến một hòn đảo nào đó thuộc Campuchia nhưng ông không biết rõ đảo nào.
Sự thật qua lời những nhân chứng càng củng cố thêm giả thuyết về số phận người dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ bắt cóc. Chúng đã đưa họ đến quần đảo Koh Tang rồi sát hại, vùi xác ở đây. Tuy nhiên, ngoài những lời kể của các nhân chứng Việt Nam, vẫn chưa có sự thừa nhận nào từ phía Campuchia, nhất là những kẻ từng tham gia chuyện bắt cóc, gây nợ máu này

Lời thú tội



TTO - Cho đến nay, mặc dù đã có hàng trăm người Việt được cho là đã bị sát hại trên đảo Koh Tang, nhưng sự thật cái chết của họ chưa được chính thức thừa nhận. 
Lời thú tội
Nhân chứng S. (phải) kể với phóng viên Tuổi Trẻ vụ thảm sát hàng trăm người dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ bắt cóc - Ảnh: T.T.
Anh muốn hỏi chuyện gì, tôi biết tôi nói hết. Giữ trong lòng hoài cũng khó khăn lắm
Som Sok
Người Campuchia không nghe nhắc đến, sử sách của Việt Nam lẫn Campuchia cũng không tận tường về số phận của người dân Thổ Châu vô tội này. Trong lúc này, có lẽ chỉ có những cựu binh Khmer Đỏ mới biết tận tường vụ việc.
“Từ khóa” Koh Tang
Sau nhiều ngày tìm kiếm nhân chứng, tôi được ông Jim Monat - chánh văn phòng Đảng CPP tại Sihanoukville - giới thiệu một cựu binh Khmer Đỏ từng đóng tại Koh Tang. Đó là N. (Nhuong Chroung), thành viên trong lực lượng Khmer Đỏ đồn trú ở Koh Tang.
Sau gần 20km đường từ Shihanoukville đến Ream, chúng tôi gặp được N. - một người đàn ông gầy còm, liên tục đốt thuốc. Người cựu binh Khmer Đỏ, với giọng run run, cho biết anh ta ở Koh Tang hai năm, từ 1975 - 1977 nhưng (sợ hãi?) thú nhận là mình chẳng biết gì.
Cuối cùng, nhờ vào mối quen biết, một cảnh sát Campuchia đã nhiệt tình giúp tôi tiếp tục tìm kiếm các nhân chứng là cựu binh Khmer Đỏ từng ở Koh Tang. Đầu tiên là ông K. (Kim Nhim), đồng đội cũ của ông nói rằng ông là người trực tiếp chứng kiến những cảnh hành quyết các nạn nhân bị bắt cóc.
Thế nhưng, khi tìm đến ông thì người thân bảo ông đã đi làm thuê ở một hòn đảo nào đó và từ lâu không liên lạc với gia đình. Cuối cùng, tôi chỉ còn hi vọng sẽ tìm được ông S. (Som Sok). Nguồn tin cho biết ông S. chính là người tham gia chiếm Thổ Châu năm 1975.
Sau đó, tôi nhận được tin ông S. đang ở một phum gần biển thuộc xã Ream, huyện Prey Nup (Sihanoukville). Nhưng ông đã đi làm ăn xa nhà và không biết bao giờ về. Bỗng nhiên ngay sau đó, anh bạn cảnh sát điện thoại báo tin đã bắt liên lạc được với ông S..
Càng bất ngờ hơn khi ông S. là người chủ động gọi và nói ông biết tất cả vụ việc và sẵn sàng nói chuyện với tôi.
Nhân chứng cuối cùng
Người đàn ông gầy còm, đen đúa trong chiếc áo sờn vai, ngồi lặng trong một góc quán nhỏ ở trung tâm huyện Prey Nup (Sihanoukville) chính là ông S.. Sau cái bắt tay rụt rè, ông S. - người cựu binh Khmer Đỏ - nói phải gặp tôi ở xa nơi ông ở, vì không muốn những người trong phum của ông biết được những gì ông nói.
Ông ta mở lời: “Anh muốn hỏi chuyện gì, tôi biết tôi nói hết. Giữ trong lòng hoài cũng khó khăn lắm”. Người đàn ông 60 tuổi, tự giới thiệu mình là tiểu đội trưởng trong quân đội Khmer Đỏ, đóng ở Koh Tang từ năm 1975 - 1979. Có nghĩa là ông đã chứng kiến toàn bộ những diễn biến ở hòn đảo này từ khi Khmer Đỏ đánh chiếm Koh Tang.
“Tháng 5-1975, tôi có mặt trong đội quân đánh chiếm một đảo của Việt Nam. Đảo gì tôi không nhớ tên”. Khi tôi đưa ra bản đồ chỉ vị trí đảo Thổ Châu, ông S. gật đầu: “Đúng rồi, là đảo này”. Ông S. nói tiếp: “Cấp trên nói với chúng tôi là đưa quân sang giúp bạn Việt Nam đánh quân Thiệu - Kỳ (quân đội VNCH). Nhưng chúng tôi đến đó chiếm thôi chứ không đánh vì lúc đó trên đảo không có quân đội”.
Những ngày chiếm đóng đảo, ông S. và đồng đội của ông vẫn đối xử tốt với dân trên đảo. Người dân cũng chẳng ai chống đối gì. Trong lòng họ nghĩ đó là những người bạn.
Cho đến một ngày, cấp trên của ông ra lệnh bắt hết dân Thổ Châu đem sang Campuchia. Ai chống cự thì giết ngay. Ông vuốt mặt và kể: “Lúc đó có hai ý kiến, trói họ rồi đem thả xuống biển hay là bắt về Campuchia. Chúng tôi chọn cách đưa họ về Campuchia để cấp trên xử lý”.
Cách giết người của Khmer Đỏ
Theo lời ông S., sau khi đảo Thổ Châu được Việt Nam giải phóng, ông và những người dẫn giải cư dân Thổ Châu đến quần đảo Koh Tang đã bị giữ lại, biên chế vào tiểu đoàn 21 đóng trên đảo. Tiểu đoàn này, cũng như nhiều đơn vị quân đội khác của Khmer Đỏ, được đặt dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Quốc.
“Họ (cố vấn Trung Quốc) ở trong Kampongsom, thỉnh thoảng ra đảo Tang huấn luyện võ thuật, kỹ thuật chiến đấu cho lính trên đảo. Các hoạt động trên đảo chúng tôi đều làm theo lệnh của các cố vấn Trung Quốc. Chỉ huy đảo thỉnh thoảng lại vào Kampongsom làm việc với họ”, ông S. nói.
Ông S. nói quân đội trên đảo Koh Tang không có quân hàm. “Họ chỉ bổ nhiệm tôi làm tiểu đội trưởng. Chúng tôi làm việc không có lương. Chúng tôi bắt được người Việt Nam, lấy nhiều vàng nhưng bị sếp lấy hết”. Nếu như cuộc sống chỉ huy trên đảo rất “vương giả” thì cấp dưới thời điểm đó rất vất vả. Ông S. nói những năm 1975 trở đi lương thực rất thiếu thốn.
Trong lúc đó phải dẫn giải hàng trăm người Việt Nam lên đảo lại càng không có lương thực để cho ăn. “Ban đầu lính trên đảo ăn cơm, dân ăn cháo, bo bo, sau thì không cho họ ăn nữa...”.
Những người Việt Nam bị bắt đến Koh Tang ban đầu bị buộc làm việc cật lực, đào các công trình quân sự, trồng cây, chăn nuôi... Ông S. rùng mình, giọng run run: “Được một thời gian, chúng tôi nhận lệnh giết hết”.
Ông S. nói những nạn nhân đã bị giết rất dã man. Nhưng, những hình ảnh đã ám ảnh ông đến bây giờ là cách mà cấp trên của ông ra lệnh hành xử với thi thể các nạn nhân. “Họ cho đào các hố cách gốc dừa, gốc mít chừng 5m rồi vùi xác chết dưới đó. Cấp trên nói như thế là tốt cho cây. Nhiều xác chết lắm. Nên trên đảo Tang hàng trăm cây, cây nào cũng có xác người”.
Năm 1979, quân đội Việt Nam tiến đánh Kampongsom (Sihanoukville). Đám quân khát máu trên đảo lo sợ thế nào quân đội Việt Nam cũng đánh ra đảo, nên chúng đã lên tàu bỏ chạy về hướng Thái Lan. Khi ấy, S. chạy đến khu vực Smoso của tỉnh Koh Kong ẩn trú ở đó. Đến năm 1980 thì bị quân đội Việt Nam bắt giữ. Ông bị đưa về giam giữ ở khu vực Sra Pun.
“Trước đó, tôi nghe nói nếu rơi vào tay Việt Nam thì sẽ bị hành hạ tới chết. Nên thà chiến đấu tới chết chứ không thể để rơi vào tay họ. Nhưng sự thật không phải vậy. Tôi bị bắt, được cho ăn uống, đối xử tốt”. Chín tháng sau S. được thả. Ông từ chối tái ngũ, trở về quê sinh sống. Ở đây ông có 2 vợ và 11 người con.
Ông S. tâm sự thời gian dù đã lùi xa nhưng tội lỗi trong ký ức về tội ác cứ đeo đẳng ông như bóng ma. Ông bảo khi kể hết cho tôi, coi như ông đã cởi trói cho lương tâm bị giam hãm của mình.

Thổ Chu- những điều kỳ thú

PNVN Những bãi cát trắng mịn trải dài theo bờ nước trong xanh lung linh như ngọc; những cánh rừng tít tắp… đảo Thổ Chu (Kiên Giang) được xem là địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng ở vùng biển Tây Nam, chỉ đứng sau Phú Quốc.
“Nàng tiên” trong nắng gió
Từ ngoài biển nhìn vào, những hàng dứa cao phất phơ trong gió gợi hình ảnh của những tiên nữ xõa tóc bên mặt biển trong xanh, phủ lấy thân hình là bãi cát trắng muốt, với những đường cong gợi cảm, mềm mại uốn lượn theo triền núi.
1_nk_trang-trai.jpg
Đảo Thổ Chu (Kiên Giang) được xem là địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng ở vùng biển Tây Nam, chỉ đứng sau Phú Quốc
Thỉnh thoảng lại có một vài ghềnh đá nhô lên từ biển, tạo những góc cạnh, gồ ghề ghi dấu những lắng đọng của trầm tích thời gian.
Cô giáo trẻ Võ Thu Ngân, trường Tiểu học Thổ Châu, nói rằng, đó là những cành san hô chết khô. Chúng chết vì mòn mỏi chờ đợi một điều gì đó mà mãi chẳng thấy đến. Chỉ lát nữa thôi, khi thủy triều lên thì những cành san hô chết khô ấy sẽ chìm dưới mặt nước. 

Biển ở đây thường hiền lành, dịu dàng, như muốn cất giấu những gì khổ hạnh, đớn đau mà hòn đảo từng trải qua trong suốt chiều dài mấy trăm năm kể từ khi những con người đầu tiên đến khai phá.
th-chu.jpg
Một góc rừng nhiệt đới tươi tốt ở đảo Thổ Châu - Ảnh: tuoitre
Trên hòn đảo Thổ Châu - đảo lớn nhất trong số 8 đảo của quần đảo Thổ Chu - có 4 bãi biển mang 4 vẻ đẹp khác hẳn nhau.
Nếu bãi Ngự đẹp như tranh vẽ, với những mái nhà đơn sơ lưa thưa khói lam chiều, nằm gọn trong vòng tay bao bọc của những dãy núi, thì bãi Dong hoang sơ hùng vĩ. 

Bãi Mun mới nhìn qua thì không có gì đặc biệt, song lại mang cái “duyên ngầm” toát ra từ màu xanh của rừng lẫn trong màu trắng của cát biển, từ những đường nét tinh tế của ranh giới giữa rừng và biển, giữa trời và nước. 

Còn bãi Nhất thì luôn lặng lẽ như một cô gái dậy thì, e thẹn khi bất chợt bắt gặp ai đó đang ngắm nhìn mình.
bai-ng.jpg
Bãi Ngự đẹp hồn nhiên - Ảnh: LingaVN
Thường thì chỉ bãi Ngự và bãi Dong là có cảnh sinh hoạt của cư dân. Mọi người sinh sống tập trung ở bãi Ngự. Riêng những người mua bán các nguyên vật liệu phục vụ cho nghề cá thì mỗi năm chuyển nhà 2 lần theo hướng gió: Vào mùa gió Đông Bắc từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, họ sống ở bãi Ngự.
Vào mùa gió Tây Nam từ tháng 4 đến tháng 8, khi tàu thuyền chuyển bến qua bãi Dong cách bãi Ngự khoảng 5km thì họ cũng “dời nhà” qua đó làm ăn.
Con đường từ bãi Ngự sang bãi Dong thực sự là một hành trình đầy thú vị, vì chỉ có thể… cuốc bộ. Nếu bạn là người thích nắng gió, ưa phiêu lưu với cảm giác mạnh, thì nên chọn con đường men theo bờ biển không một bóng cây.
tho-chu.jpg
Con đường ven biển với nhiều cảnh đẹp - Ảnh: LingaVN
Trên đầu nắng chói chang, còn dưới chân thì sóng biển luôn ập vào từng cơn, mang theo những con cá nhỏ nhưng có bộ răng sắc nhọn, có thể cắn vào chân bạn khiến bạn giật mình hoảng hốt.
Còn nếu bạn là người thích ngắm cảnh thiên nhiên, thì hãy đừng quản ngại những dốc núi chênh vênh, với con đường đất len lỏi giữa khu rừng nguyên sinh bám đầy rêu xanh, điểm những bông hoa dại li ti xinh xắn.

Khu rừng có rất nhiều loại cây lạ, như cây mật nhân (còn được gọi là cây bách bệnh), cây huyết rồng, cây dứa gai, nhiều cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, thân cây mấy người ôm không xuể… Có cả cây hóa thạch - được biết đến như một vật phẩm thường dùng trong phong thủy.
bai-dong.jpg
Làng chài bãi Dong xanh mướt - Ảnh: vannghequandoi
Trên con đường vắng lặng ấy, thứ âm thanh chủ đạo là tiếng chim hót líu lo, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió xô lá lao xao êm ái như tiếng ru ngọt ngào. Thỉnh thoảng, có con chim rừng đập cánh tạo nên thứ âm thanh khác lạ...
 Bí ẩn dưới đáy đại dương
 
Cô giáo Ngân giới thiệu chúng tôi với anh Hòa - một chủ thuyền lành nghề lặn biển bắt bào ngư. Anh đã đưa chúng tôi đến hòn Từ, cùng lặn xuống đáy đại dương để tận mắt ngắm nhìn thế giới huyền ảo của 99 loại san hô đỏ thắm nổi bật trên thảm cỏ biển xanh thẫm.
 
Phía trên là những đàn cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng, ẩn sâu dưới đáy là muôn ngàn những ốc cờ, ốc tai tượng, bào ngư, cổ hiếu, cầu gai... Cảnh vật kỳ thú đến mê hồn, nhất là với những người lần đầu được chiêm ngưỡng như chúng tôi.
th-chu12.jpg
Khung cảnh Thổ Châu thơ mộng - Ảnh: Halongphuongnam
Rời hòn Từ, chúng tôi tiếp tục vượt biển đặt chân tới hòn Nhạn, cũng là điểm chuẩn A1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam. Khác với vẻ hiền lành ở những nơi khác trong quần đảo, biển trên đường đến hòn Nhạn có vẻ dữ dội hơn với những con sóng bạc đầu chồm lên phủ trắng mũi tàu.
Thế nhưng, khi đến gần hòn Nhạn thì tiếng sóng gió lập tức bị át đi bởi tiếng kêu ồn ào của hàng triệu con chim nhạn đang bay chấp chới kín cả bầu trời. Dường như chúng không thích sự hiện diện của con người ở nơi mà chúng vẫn tự cho là “lãnh địa” của riêng mình.

Con tàu nhỏ phải neo ngoài xa, bởi phía trước lởm chởm đá ngầm nhô lên từ mặt biển đầy đe dọa. Chúng tôi không còn cách nào khác là phải tự bơi vào.
thochau_quycoctu18.jpg
Đến hòn Nhạn ngắm chim làm tổ - Ảnh: Quycoctu
Ấn tượng đầu tiên về hòn Nhạn là những hòn đá tảng lớn nhỏ chồng chất lên nhau, rất ít cây cối nhưng lại có rất nhiều chim chóc. Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, loài nhạn thường bay về đây sinh sản.
Mỗi mùa nhạn thường đẻ 1-2 trứng trong những hốc đá hoặc dưới lùm cây cỏ dại. Khoảng 30 ngày, trứng nở, nhạn mẹ bắt đầu mớm cho nhạn con ăn, đến khi đủ lông đủ cánh.
Trời dần ngả sang màu tím thẫm. Hòn đảo trở nên lung linh với những ánh đèn le lói từ các mái nhà đơn sơ. Đây đó những đứa trẻ ríu rít gọi nhau đi câu mực ngoài cầu cảng. Những chuyến tàu hối hả chuẩn bị xuất bến ra khơi.

Nhưng lát nữa thôi, hòn đảo sẽ chìm vào thanh vắng. Chỉ có tiếng sóng vỗ rì rào vào những ghềnh đá, tiếng gió xào xạc những tán dừa cổ thụ, và tiếng những con chim đêm khắc khoải vọng vào vách núi …

Đảo Thổ Chu trong vịnh Thái Lan, cách đảo Phú Quốc khoảng 100km về phía Tây Nam, xưa kia các hải đồ của người phương Tây thường gọi với tên Poulo Panjang.
Để đến Thổ Chu, con đường phổ biến nhất là di chuyển tới TP Rạch Giá. Nếu biển tốt, mỗi tuần có 1 chuyến tàu từ Rạch Giá ra Thổ Chu và ngược lại. Từ cảng Rạch Giá đến cảng Thổ Chu khoảng hơn 250km, phải mất hơn 16 giờ lênh đênh trên biển. Tàu ra đảo còn khá thô sơ, không có máy lạnh, không phục vụ ăn uống… Bạn cũng có thể bay thẳng ra Phú Quốc rồi đi tàu đến Thổ Chu với thời gian khoảng 8 tiếng.
 Việt Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét