Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Chiến tranh biên giới phía Bắc - những dấu mốc không quên

Trận chiến 30 ngày

Rạng sáng 17/2/1979, tiếng súng nổ mở màn cho cuộc chiến kéo dài 30 ngày dọc biên giới Việt - Trung, trên địa bàn 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và kéo dài suốt 10 năm sau đó.

Tiếng súng vang trên bầu trời biên giới

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Số quân Trung Quốc tham chiến lúc này được cho nhiều hơn các đạo quân xâm lược trước đó. Thời điểm cao nhất, quân Mỹ huy động trên chiến trường Việt Nam gần 550.000 quân, Pháp 250.000 quân...
Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh đại quân khu Quảng Châu được cử làm tổng tư lệnh cuộc chiến tranh, trực tiếp chỉ huy hướng tiến công Cao Bằng - Lạng Sơn. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh đại quân khu Côn Minh chỉ huy hướng tiến công Lào Cai.
Chiến thắng mùa xuân 1975 theo đánh giá của nhiều nhà sử học thế giới là kết quả Trung Quốc không mong muốn, khi Bắc Kinh và Washington đạt được một số thỏa thuận sau chuyến thăm của Tổng thống Nixon năm 1972.
Tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát dân thường. Đứng đằng sau là Trung Quốc tài trợ khí tài, cố vấn quân sự. Khi quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.
Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy tuyên bố "Phải dạy cho Việt Nam một bài học" và che mắt thế giới rằng "đây là cuộc chiến tranh phản kích tự vệ".
Đạn pháo quân Trung Quốc nã dồn dập vào biên cương

Cuộc chiến tự vệ

Cuộc động binh quy mô lớn của Trung Quốc khiến nhân dân Việt Nam và cả thế giới bất ngờ.
Theo Niên giám châu Á 1980, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam ở biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, gồm bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân tự vệ. Bước vào cuộc chiến không cân sức, quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã tổ chức các đợt phòng ngự, đẩy lùi từng đợt tiến công của quân Trung Quốc.
Ở Lạng Sơn, sau 10 ngày chiến đấu, Trung Quốc tung thêm quân vào thị xã Lạng Sơn, dùng chiến thuật biển người nhằm xâm chiếm mục tiêu quan trọng. Lực lượng vũ trang địa phương đã đánh bật hàng chục đợt tiến công của giặc. Các trận đánh diễn ra ác liệt ở cầu Khánh Khê, Tam Lung, Đồng Đăng.
Quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm tại Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh. Hai sư đoàn Trung Quốc tiến công theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu). Lực lượng vũ trang Việt Nam đã chiến đấu, chặn đứng giặc ở đây 20 ngày.
Cùng lúc đó, một cuộc chuyển quân thần tốc của 3 quân đoàn chủ lực Việt Nam trở về bảo vệ biên giới diễn ra bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không. Liên Xô lập cầu hàng không tương trợ cho Việt Nam, đưa quân từ mặt trận Campuchia ra thẳng miền Bắc tham chiến.

Cuộc thảm sát phụ nữ, trẻ em của quân Trung Quốc ở Cao Bằng.

Người lính đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc

Trước khi phát động chiến tranh xâm lược tháng 2/1979, Trung Quốc đã dựng nên sự kiện "nạn kiều" khiến tình hình biên giới hai nước căng thẳng. Ngày 12/7/1978, nước này bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới khiến hàng nghìn người Hoa bị dồn ứ ở cửa khẩu, gây náo loạn vùng biên.
Ngày 27/8/1978, Lê Đình Chinh (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an vũ trang nhân dân, nay là Bộ đội Biên phòng) bị công an biên phòng Trung Quốc vượt biên sát hại khi đang bảo vệ cán bộ làm nhiệm vụ động viên người Hoa trở về làm ăn sinh sống. Anh hy sinh trên đồi Pù Tèo Hào, sát km số 0, là chiến sĩ đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc khi tròn 18 tuổi.
Liệt sĩ Lê Đình Chinh được an táng gần biên giới rồi quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Cao Lộc (Lạng Sơn). Ngày 6/1/2013, hài cốt liệt sĩ được đưa về an táng tại quê nhà Thanh Hóa sau 35 năm nằm lại biên giới phía Bắc.

Tổng động viên toàn quốc ngày 5/3/1979

Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt kêu gọi "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, ra quyết định tổng động viên trong cả nước. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc. 50 triệu người Việt Nam sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến.
Đây là lệnh tổng động viên duy nhất từ năm 1975 đến nay.
Lời kêu gọi Tổng động viên sáng 5/3/1979

Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân

Lệnh tổng động viên được ban bố sáng 5/3, chiều cùng ngày Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học". Thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố để Trung Quốc rút quân.
Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Trước khi rút, chúng còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội.
Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. 400.000 gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản.
Phía Trung Quốc bị diệt 62.500 tên, 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy…
Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã nhận lấy bài học quân sự đắt giá. Cuộc chiến đẩy quan hệ Việt - Trung rơi vào thời kỳ đen tối, tạo hố sâu ngăn cách hai dân tộc, sự nghi kỵ của nhân dân hai nước suốt thời gian dài.

Cuộc chiến kéo dài 10 năm

Trên thực tế, chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm (1979-1989) khi Trung Quốc duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới lấn chiếm lãnh thổ, biến Việt Nam thành thao trường. Các đơn vị chủ lực Việt Nam thay phiên nhau bổ sung quân cho chiến trường phía Bắc. Nhiều đợt nhập ngũ diễn ra, hàng nghìn thanh niên Việt Nam tuổi 18-20 mãi nằm lại biên cương trong cuộc chiến này.

Chiến trường Vị Xuyên 1984-1989

Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân của 8 trong 10 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới Vị Xuyên. Việt Nam có 9 Sư đoàn chủ lực tham chiến và thay nhau đóng giữ, chưa kể nhiều trung đoàn, tiểu đoàn các quân khu, quân của Bộ Quốc phòng và tỉnh thành khác.
"Trung Quốc chọn Vị Xuyên để đánh vì có hệ thống điểm cao biên giới tạo nên thế trận phòng ngự tiến công liên hoàn vững chắc, chiếm được thì có thể uy hiếp thị xã Hà Giang, đưa quân thọc sâu vào đất liền nước ta. Những nơi khác như Đồng Đăng, Hữu Nghị (Lạng Sơn) là khu vực quốc tế quan sát rõ, nhưng nếu đưa lực lượng lớn vào Vị Xuyên thì ít bị chú ý. Đến giờ, có lẽ nhiều người không biết Vị Xuyên nằm ở đâu", thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985-1989 nói.

Chiến dịch MB 84 giành lại cao điểm

Từ ngày 28/4 đến 16/5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509… thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 312, 316, 356 được lệnh tiến hành chiến dịch MB84, phản công giành lại các điểm cao.
Ngày 12/7/1984, trận mở màn chiến dịch giành lại cao điểm 772 diễn ra ác liệt. Do địa hình bất lợi, quân Trung Quốc được hỏa lực yểm trợ mạnh, hàng nghìn bộ đội Việt Nam hy sinh, riêng Sư đoàn 356 mất khoảng 600 người.
Sau trận đánh, Việt Nam không lấy lại được các cao điểm đã mất, nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang.

Cuộc chiến giữ chốt biên cương

Từ tháng 7/1984 trở đi, mặt trận Vị Xuyên không lúc nào ngơi tiếng súng, hai bên giành giật nhau từng vị trí trên các cao điểm. Đỉnh điểm đầu năm 1985, có ngày quân Trung Quốc bắn 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên ở chiều rộng 5 km, chiều sâu 3 km, biến cao điểm 685 thành "lò vôi thế kỷ", có điểm bị bạt 3 m.
Bộ đội Việt Nam 7 lần thay phiên chiến đấu cấp trung đoàn, sư đoàn để giữ chốt, tổ chức bao vây, đánh lấn dũi để giành và giữ các vị trí cao điểm. Bình quân mỗi đợt đóng quân của các đơn vị kéo dài 6-9 tháng. (Trước đó, cuộc chiến phòng ngự ở Thành cổ Quảng Trị chỉ 82 ngày đêm, chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum 179 ngày).

Việt - Trung bình thường hóa quan hệ

Cho đến nay chưa có tài liệu chính thức công bố tổng số thương vong của hai phía trong cuộc chiến kéo dài 10 năm này. Theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến 1989 hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.
Năm 1988, tình hình biên giới dần lắng dịu khi hai bên chủ động rút dần quân. Ngày 26/9/1989, đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia. Các "ngòi nổ" căng thẳng được tháo ra ở cả phía Bắc lẫn phía Nam.
Năm 1991, Việt - Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ.

38 năm sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

Vì nhiều lý do, cuộc chiến biên giới phía Bắc trong suốt thời gian dài ít được nhắc đến. Nhiều người không biết hoặc không tin từng có một cuộc chiến khốc liệt kéo dài suốt 10 năm.
Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 chỉ vỏn vẹn 11 dòng đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc. GS Vũ Dương Ninh, đồng chủ biên cuốn sách cho biết, vì nhiều lý do nên nội dung này bị sửa đi sửa lại rồi rút từ 4 trang xuống còn 11 dòng. Các tác giả không thỏa mãn và cho rằng lịch sử phải khách quan nhưng cuối cùng đành chấp nhận.
"Đây là cuộc chiến tranh quy mô lớn, cuộc động binh xâm lược mà không dùng từ nào khác để diễn tả đúng bản chất của nó. Nếu không đề cập đến thì mười lăm, hai mươi năm nữa con cháu lớn lên không hiểu gì về mối quan hệ Việt - Trung giai đoạn này. Để cho thế hệ sau không biết gì hoặc hiểu sai về cuộc chiến là có tội với lịch sử", PGS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng nói.
Vài năm nay vào dịp tháng 7, những người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) vẫn "hành quân" về biên giới phía Bắc, cùng nhau hát "Về đây đồng đội ơi", đọc bài văn tế Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Khi Tổ quốc cần tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé nát vai đạn cày rách mặt/ Súng trên tay rực rửa/ Xung phong giữ đất biên thùy.

Hoàng Phương

Biên giới tháng 2 năm 1979 

Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km.
Báo Quân đội nhân dân đăng "4 giờ 17 phút ngày 17/2/1979, giữa lúc nhân dân Hoàng Liên Sơn đang ngủ ngon thì bất thình lình hàng loạt đạn đại bác từ phía Bắc giội tới làm khắp biên giới bốc lửa ngùn ngụt. Hàng loạt quả đại bác thi nhau trút xuống thị xã Lào Cai, Cốc Lếu, nhằm thẳng các cơ quan, nhà máy…".
Các tỉnh nằm trong vòng chiến sự gồm Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh (Xem đồ họa).
Hình ảnh thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc bắn phá tan hoang do nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường ghi lại. Khi đó, ông là cán bộ phòng biên tập ảnh của Nhà xuất bản Văn hóa được tăng cường lên biên giới phía Bắc cuối năm 1978. Từ lúc chiến sự xảy ra đến đầu tháng 3/1979, ông theo chân công an vũ trang đi khắp chiến trường Cao Bằng, ghi lại những hình ảnh chân thực của cuộc chiến 38 năm trước bằng một chiếc máy ảnh và 20 cuộn phim.
Bất ngờ trước sự tấn công của quân Trung Quốc, người dân thị xã Cao Bằng ngược đường quốc lộ, băng rừng di tản về hướng Bắc Kạn, Thái Nguyên. Giữa dòng người tản cư có hai chị em cõng nhau chạy nạn. Hai đứa trẻ vừa đói, vừa mệt nhưng cũng không dám nghỉ ngơi. Nhiều năm qua, ông Trần Mạnh Thường vẫn hy vọng gặp lại hai chị em trong bức ảnh.
Cô bộ đội bế bé gái theo mẹ đi tản cư tại chân cầu Tài Hồ Sìn (Hòa An, Cao Bằng). Mẹ của bé trúng đạn quân Trung Quốc bị thương nặng, được bộ đội đưa về tuyến sau. "Tình hình khi ấy rất khẩn trương, ai cũng hoang mang vì không nghĩ Trung Quốc lại đưa quân tràn qua bắn phá", ông Thường kể.
Từ ngày 17/2/1979 đến 18/3/1979 khi Trung Quốc rút quân, nhiều bản làng dọc biên giới phía Bắc bị tàn phá nặng nề. Đạn pháo tầm xa phá hủy nhà cửa, trường học, bệnh viện, cầu cống, người dân bị giết hại.
Cầu sông Bằng (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc đánh sập.
Nhà trẻ thị xã Cao Bằng chỉ còn là đống đổ nát.
Trâu bò bị giết dọc đường quân Trung Quốc đi qua.
Anh Nông Văn Ất ở xã Hưng Đạo (Cao Bằng) bật khóc khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về cái chết của vợ con. Chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh đang mang bầu 6 tháng cùng bốn đứa con, lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi đều bị giết chết rồi ném xuống giếng.
Chị Nông Thị Ty, người dân thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo còn sống sót sau trận càn quét của quân Trung Quốc trả lời nhà báo Tiệp Khắc. Tại thôn này, 43 dân thường gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai bị giết hại.
Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra khi các quân đoàn chủ lực Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế, truy quét quân Khmer Đỏ ở Campuchia. Tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam trên toàn tuyến biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, chủ yếu bộ đội địa phương, công an vũ trang và dân quân tự vệ.
Đối đầu với đội quân đông gấp 12 lần được yểm trợ bởi hỏa lực mạnh, quân dân các dân tộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc chủ động tổ chức chiến đấu ngay tại chỗ cầm chân quân Trung Quốc trong khi chờ quân chủ lực.
Bộ Quốc phòng Việt Nam gấp rút điều động các sư đoàn bộ binh quân khu từ tuyến sau lên, quân chủ lực từ chiến trường Tây Nam trở về tham chiến.
Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn gục tại bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng). Bộ đội bám trụ từng hốc suối, bìa rừng, đánh bật quân Trung Quốc lùi dần về phía đường biên. Báo Quân đội nhân dân số Thứ Sáu, ngày 23/2/1979 đăng "Trong 5 ngày (từ 17 đến 21/2), quân dân các tỉnh biên giới diệt 12.000 địch, diệt và đánh thiệt hại nặng 14 tiểu đoàn, bắn cháy, phá hủy 140 xe tăng, xe thiết giáp, thu nhiều súng và đồ dùng quân sự".
Súng chống tăng, đạn B41, súng trung liên, đại liên của quân Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam thu được.
Để huy động sức người, sức của cho công cuộc cứu nước, ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trên cả nước. Hàng vạn thanh niên các tỉnh biên giới và toàn quốc nhanh chóng ghi danh nhập ngũ.
Đất nước chuyển mình vào cuộc kháng chiến mới. Hàng hóa nhanh chóng được chi viện cho chiến trường phía Bắc.
Các thiếu nữ dân tộc Tày chuyển lương thực cho bộ đội.
Khi lệnh Tổng động viên được ban bố ngày 5/3, Trung Quốc tuyên bố rút quân vì đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh". Tuy nhiên, suốt 10 năm (1979-1989), chiến sự vẫn tiếp diễn ở biên giới phía Bắc, khốc liệt nhất là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).

Video về chiến tranh biên giới phía Bắc được thực hiện năm 2016. Nguồn: VTC
Hoàng Phương
Ảnh: Trần Mạnh Thường
Vị Xuyên những ngày lửa rát: Ngày giỗ trậnGia Tưởng 

(Dân Việt) Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang (1984-1989) có thể còn nhiều người chưa biết tới, nhưng với người lính Vị Xuyên, những vết thương đã theo họ suốt cuộc đời. Chiến tranh đã đi qua gần 30 năm, những người lính Vị Xuyên vẫn lặng lẽ tưởng nhớ nhau. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27.7.1947-27.7.2017), Dân Việt trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi loạt bài "Vị Xuyên những ngày rát lửa". 

 vi xuyen nhung ngay lua rat: ngay gio tran hinh anh 1
Lễ tưởng niệm ngày giỗ trận. (Ảnh: G.T )
Ngày 12.7.1984, sau một trận đánh mà có tới 593 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 356 hy sinh, bị thương hơn 800 người. Ngày đó được coi là ngày giỗ trận của Sư đoàn 356. Ngày đó hàng năm, những người lính Sư 356 cùng tụ về Vị Xuyên (Hà Giang) để thắp nén nhang tưởng nhớ những người đồng đội đã mất.
Bám trụ từ vách đá, gốc cây
Chúng tôi đã tìm tới mảnh đất Hà Giang để gặp những chứng nhân đã từng chiến đấu và đổ máu để bảo vệ Tổ quốc. Người đầu tiên chúng tôi gặp là cựu chiến binh Lê Tú Liêu - sĩ quan thông tin của Sư đoàn 356, người trực tiếp tham gia trận chiến ngày 12.7. Năm nay ông Liêu 59 tuổi, đang phải điều trị bệnh phổi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên. Khi nhắc đến Sư đoàn 356 và trận đánh ngày 12.7, ông lặng người đi, tất cả kỷ niệm xưa  ùa về trong ký ức của người lính già.
Ông Liêu kể, vì là lính thông tin nên bao giờ ông cũng phải đi trước, về sau trong mỗi trận đánh. Sư đoàn khi ấy được lệnh ém quân ở những điểm cao đợi giờ nổ súng. Vì vậy, các mũi tiến công đều được lệnh hành quân đêm. "Đó là một đêm trời mưa tầm tã. Lính chúng tôi khi đó đa phần đều trẻ, chưa có kinh nghiệm nên nhiều người chọn đường dễ để đi. Đến sáng ra những đường mòn bị lộ vì cây cỏ đã bị dẫm nát. Trên đài quan sát tại điểm cao 1509, quân Trung Quốc phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường trên đường mòn  đã lệnh cho pháo bắn dữ dội vào đội hình của ta. Do địa hình núi đá dốc, chỗ trú quân hẹp nên phần lớn các cánh quân của chúng ta bị trùm gọn trong tọa độ pháo kích của kẻ địch" - ông Liêu đau xót nhớ lại.
Trầm ngâm một lúc, ông Liêu kể tiếp: Khoảng 8 giờ sáng, trước lệnh nổ súng 2 tiếng, chúng tôi bị pháo kích trùm kín nên một số đơn vị bị mất liên lạc hữu tuyến với Sở chỉ huy sư đoàn. Pháo binh của ta cũng đã nhanh chóng phản kích, áp chế hỏa lực địch để bộ binh cảm tử xông lên đánh chiếm các điểm cao. Những cuộc đọ súng giữa quân ta và quân Trung Quốc vô cùng khốc liệt. Ở nhiều nơi hai bên chỉ cách nhau từ 6 đến 8m, nghe rõ cả tiếng gọi nhau và cả những tiếng kêu cứu, rên la của người bị thương.
"Tuy bị thương vong và tổn thất vô cùng lớn, nhưng chúng ta vẫn cương quyết bám trụ từng vách đá, từng gốc cây. Để đối chọi với quân Trung Quốc trú trong hầm có công sự bao bọc, những mũi xung phong cảm tử của quân ta phải liên tục thọc sâu và dùng hỏa lực bộ binh loại mạnh như B40, B41 để tấn công áp chế địch một cách dữ dội. Lính Trung Quốc lúc đó thấy quân ta tinh thần quyết tử như vậy đã tỏ ra hết sức hoảng loạn, nhiều tên đã tháo chạy khỏi công sự" - người cựu binh già kể.
Sau 4 giờ giao tranh, cả 2 bên đều bị tổn thất nặng nề. Chỉ huy mặt trận 2 bên đã phải ra lệnh tạm ngừng bắn để thu dọn chiến trường. Ông Liêu nhớ, bộ phận chính sách của Sư đoàn 356 vừa làm việc vừa đầm đìa nước mắt khi thống kê có tất thảy 593 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Trong số đó, nhiều người không thể đưa được thi thể về. Hơn 800 người khác bị thương. Sau trận đánh ngày 12.7, Sư đoàn 356 đã phải rút về tuyến sau để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc chiến mới.
Tâm nguyện những người đang sống
Mảnh đất này đã đón nhận và che chở em tôi bao lâu nay, chính vì vậy, năm nào gia đình chúng tôi cũng lên Hà Giang ít nhất là 2 lần, coi như là một chuyến hành hương lên thăm em mình và đồng đội của chú ấy. Đây cũng là cách để các chiến sĩ đang nằm dưới đất thấy ấm áp hơn".

Bà Đinh Thị Linh (ở Phú Diễn, Hà Nội, chị gái của liệt sĩ Đinh Văn Trung)
Chiến tranh biên giới kết thúc, Sư đoàn 356  giải thể vào ngày 31.12.1989. Tuy nhiên, cứ đến ngày 12.7, những người lính và thân nhân liệt sĩ của sư đoàn vẫn liên lạc với nhau, tụ họp về nghĩa trang Vị Xuyên để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này.
Có mặt trong đoàn thân nhân lên Hà Giang mùa mưa lũ năm nay, bà Đinh Thị Linh (60 tuổi, ở số 2 đường Phú Diễn, Hà Nội, chị gái của liệt sĩ Đinh Văn Trung) mang tâm trạng bồn chồn khi nhìn cơn mưa đang trút xuống điểm cao 900. Bà Linh cho biết, gia đình bà có 3 chị em, 2 người em trai đều tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
"Trung là em út trong gia đình. Chú ấy hy sinh khi mới 23 tuổi, chưa kịp lập gia đình. Từ ngày em tôi hy sinh, năm nào gia đình tôi cũng lên Hà Giang vào dịp 12.7, bỏ công đi tìm khắp nơi nhưng vẫn chưa thấy được phần mộ của chú ấy. Năm nay, gia đình tôi được đồng đội của chú ấy cho biết, chú đang nằm lại ở điểm cao 900. Cả gia đình mừng không để đâu cho hết khi biết được tin" - bà Linh không giấu được xúc động. Gia đình bà Linh lên đây tất cả có 13 người, chỉ đợi trời tạnh mưa là lên chỗ liệt sĩ Trung đang nằm. Bà Linh gạt nước mắt, tâm sự: Cả gia đình tuy ở Hà Nội nhưng đều coi mảnh đất Hà Giang - nơi liệt sĩ Trung ngã xuống - là quê hương thứ 2 của mình.
"Mảnh đất này đã đón nhận và che chở em tôi bao lâu nay, chính vì vậy, năm nào gia đình chúng tôi cũng lên Hà Giang ít nhất là 2 lần, coi như là một chuyến hành hương lên thăm em mình và đồng đội của chú ấy. Đây cũng là cách để các chiến  sĩ đang nằm dưới đất thấy ấm áp hơn" - bà Linh nghèn nghẹn nói.
Những ngày tháng 7 đối với ông Hoàng Thế Cương (60 tuổi, ở thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 356 Hà Giang) luôn bận rộn. Ông Cương chia sẻ: "Tôi vui vì được đón những đồng đội cũ, có người hơn 30 năm rồi mới gặp lại. Nhưng lại buồn và thương tiếc những người đã ngã xuống. Lúc đó có người còn trẻ lắm, mới mười tám, đôi mươi, chỉ lần đầu vào trận đã hy sinh, thậm chí tới giờ còn không tìm thấy xác".
Ông Cương cho biết: Chúng tôi cũng đã bắt đầu đến tuổi xế bóng rồi, anh em bảo nhau lập ban liên lạc để giữ mãi ngọn lửa bất khuất của người lính 356 anh hùng năm nào.
"Ngày giỗ trận hôm nay, chúng tôi tổ chức làm lễ cầu siêu cho các vong hồn liệt sĩ tại cao điểm 468 (thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), nơi đây là vị trí trung tâm để tới những điểm cao ác liệt. Sau đó mọi người sẽ về nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên thắp nến tri ân 1.700 liệt sĩ đang an nghỉ" - ông Cương khẳng định.
Mặc dù công việc làm ăn rất bận rộn, nhưng ông Minh (57 tuổi, nhà ở Phú Diễn, Hà Nội, một cựu binh trong đội cảm tử của Sư đoàn 356) cho biết, năm nào ông và các đồng đội cũng lên Hà Giang, ngoài thắp hương cho các đồng đội,  anh em vẫn bảo nhau góp tiền lại để làm công tác từ thiện giúp đỡ bà con bản làng đã che chở cho sư đoàn những năm chiến đấu.
"Năm nay chúng tôi quyên góp được hơn 20 triệu đồng để tặng đồng bào Hà Giang mua dê giống. Đối với người lính chúng tôi, tuy chưa làm được những điều to tát nhưng chúng tôi sẽ làm bằng tất cả tấm lòng mình. Kể cả trong cuộc sống và trong chiến đấu, nếu cần, chúng tôi sẽ sẵn sàng hy sinh đến hơi thở cuối cùng" - vị cựu binh khẳng định.
Sáng 12.7, trời Vị Xuyên mùa này vẫn còn những cơn mưa rừng, gió núi ào ạt, nhưng tất cả không ngăn được những làn khói mỏng bay lên từ những nén hương của đồng đội. Những nén hương thành kính tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc.

Vị Xuyên những ngày lửa rát : Nóng bỏng trên chốt

(Dân Việt) Cuộc chiến Vị Xuyên (Hà Giang) kéo dài nhiều năm, với những tháng ngày chiến đấu giằng co, vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Những người lính kể lại, có khi chỉ vì đi lấy can nước mà phải đổi cả tính mạng.

Thiếu thốn trăm bề
Sau những giây phút hồi tưởng về trận đánh ngày 12.7.1984, cựu chiến binh Lương Tú Liêu - người gần như gắn mình với cuộc chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên cho biết: “Ở Vị Xuyên, khi nằm trên chốt chúng tôi thiếu thốn đủ bề. 100% cán bộ, chiến sĩ chỉ có một chiếc quần đùi để mặc, mà quân đùi cũng cứng như đá vì nhiều ngày không giặt. Tóc thì ai nấy đều dài tới ngang vai, người thì ghẻ lở... Cái gì cũng thiếu nhưng khốn khổ nhất vẫn là thiếu nước”.
 vi xuyen nhung ngay lua rat (ky 2): nong bong tren chot hinh anh 1
Ông Lê Tú Liêu kể về những ngày trên chốt. Ảnh: G.T
Tất cả các điểm cao từ 1509, 772, 683, địch đều chiếm trên đỉnh, còn ta phòng ngự phía dưới. Hai bên cứ đánh giằng co, lúc thì vu hồi, lúc tấn công. Quân Trung Quốc ở trên cao lại được trang bị tốt, nhiều đạn nên bắn vô tội vạ, bất kể giờ giấc nào. Đặc biệt, khi chúng dùng H12 (một loại hỏa tiễn 12 nòng), cứ thấy  bóng bộ đội mình ở đâu là chúng dập nguyên cả 12 quả đạn vào đó. Nhiều chiến sĩ của ta hy sinh vì trò tấn công này.
Ông Liêu chia sẻ thêm: “Trên chốt cái gì cũng hiếm, nhưng nước là thứ hiếm nhất. Khi đi lấy nước, bộ đội ta phải canh từ 2 giờ 30 đến 4 giờ sáng mới bò từ các điểm chốt xuống suối hứng nước. Có khi chỉ vì đi lấy can nước mà phải đổi cả tính mạng”.
Trong 5 năm 1984-1989, hơn 4.000 chiến sĩ đã hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thủy. Chỉ riêng ngày 12.7.1984, ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, hơn 1.000 người lính đã ngã xuống. Họ đa phần mới 18-20, đầy nhiệt huyết và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ thiếu nước mà cả cái ăn cũng thiếu, những người lính trên chốt nhận khẩu phần chỉ có mắm kem, tương cục và cá chuồn khô. Gạo thiếu, rau chỉ kiếm được các loại rau rừng, mà chủ yếu là rau dương xỉ mọc xen trong những gờ đá. Tới đêm bộ đội ta mới bò ra nhổ về, sau đó đốt than hong cho héo, rồi đưa vào xào để ăn cho khỏi ngái. Mà rau loại này cũng phải ăn tiết kiệm, mỗi người cũng chỉ được vài miếng một bữa.
Nói về sự thiếu thốn ở trên chốt, ông Liêu kể: “Có một lần chúng tôi nghe tiếng lợn kêu, đoán rằng anh em hậu cần sẽ làm thịt, ở những hầm cóc trong vách núi, mỗi người đều lấy một cái ca, bỏ tí muối vào và thò ra xin một ít tiết lợn để uống sống, thỏa mãn cơn “thèm thịt” sau bao ngày thiếu thốn”.
Không chỉ khát nước, đói ăn, mà đời sống văn hóa tinh thần của người lính cũng thiếu đến mức đáng sợ. Họ không bao giờ quên những lần được “dự tiệc” văn nghệ. Hơn 30 năm trôi qua, ông Liêu vẫn nhớ lần được về sư đoàn xem văn nghệ. Ông nhớ lại: “Hôm đó có ca sĩ Bảo Yến hát bài “Màu hoa đỏ”, ca sĩ Lê Dung hát bài “Vết chân tròn trên cát”. Tôi bẻ cành hoa dại tặng Bảo Yến, được ca sĩ ôm hôn ngay trên sân khấu. Cái ôm đó làm cho những người lính chúng tôi vững tin ra trận, không sợ hy sinh, không sợ khó khăn. Cái ôm đó còn ấm đến tận hôm nay”.
Ám ảnh tải thương
Là một sĩ quan của Trung đoàn vận tải thuộc Sư đoàn 356, ông Hoàng Thế Cương vẫn còn ám ảnh những ngày khốc liệt ở Vị Xuyên. “Đến tận bây giờ, mỗi khi đang ngủ mà nghe tiếng sấm, tôi vẫn bật dậy tìm nơi trú ẩn, bởi ngày xưa, chúng tôi chịu quá nhiều trận pháo nã lên đầu. Tôi tận mắt chứng kiến một lúc 6 chiến sĩ của tôi hy sinh, không tìm được thân thể vì bị pháo tập kích trúng chỗ họ đang nấu cơm”.

"Có những hôm đưa anh em về thác Thanh Hương để tắm rửa, mà xe ôtô chưa lên kịp chở đi, phải xếp dọc suối. Nhìn xác anh em không còn nguyên vẹn, đau xót lắm”.
Ông Hoàng Thế Cương
Nhưng ám ảnh nhất đối với ông là mỗi khi đi thu dọn chiến trường, lấy xác tử sĩ. Ông Cương kể: “Do trận địa ở trên núi đá, bộ đội ta chiến đấu xong là rút đi, nhiệm vụ của chúng tôi là phải tìm xác đồng đội. Nhưng công việc lấy xác và tìm kiếm thương binh thường phải tiến hành vào ban đêm vì ban ngày nếu quân Trung Quốc phát hiện, chúng sẽ bắn như vãi đạn vào bộ đội ta. Quân Trung Quốc vô cùng thâm hiểm, chúng thường đặt bẫy, gài lựu đạn hay đặt mìn dưới xác bộ đội ta. Nếu chiến sĩ tải thương không có kinh nghiệm, khi nhìn thấy đồng đội nằm ở đó mà lao tới chuyển đi ngay rất dễ bị dính bẫy của chúng, nhẹ thì cụt chân tay, nặng phải “đi theo” các đồng đội”.
Nhiệm vụ tìm kiếm đồng đội hy sinh đã vất vả, nhưng công việc tắm rửa cho anh em hy sinh thì không phải ai cũng làm được. Những người lính ở Vị Xuyên, đặc biệt làm công tác vận tải như ông Cương, việc đó như một thử thách.
Ông Cương nhớ lại: “Có những hôm đưa anh em về thác Thanh Hương để tắm rửa, mà xe ôtô chưa lên kịp chở đi, phải xếp dọc suối. Nhìn xác anh em không còn nguyên vẹn, đau xót lắm. Chúng tôi phải dùng những viên đá đậy lên mắt, lên tai của anh em để tránh chuột và các loại côn trùng khác tấn công. Mọi người cũng tỉ mỉ tìm những tờ giấy trong túi anh em hy sinh để ghi tên lại, đưa cho bộ phận chính sách vào sổ. Có những ngày bộ đội vận tải thu dọn, lau rửa xác anh em không xuể, phải huy động cả hội phụ nữ tỉnh Hà Giang. Chính vì thế thác Thanh Hương mới được lính Vị Xuyên gọi là thác Gọi hồn, đây cũng là nơi bộ đội “ngại” đến nhất”.
Cho tới giờ, sau hơn 30 năm kể từ những ngày kinh hoàng đó, khi ngồi nhớ về cuộc chiến, ông Cương vẫn ám ảnh bởi những tiếng gọi thảm thiết của các thương binh: “Mẹ ơi, mẹ ơi, con chết mất”. Lúc đó, phần lớn các chiến sĩ chỉ ở độ tuổi mười chín đôi mươi. Họ chưa có người yêu, hay người phụ nữ khác ngoài mẹ mình. Những tiếng gọi trong đau thương làm cho ai nghe cũng cảm thấy day dứt và muốn chiến đấu trả thù cho đồng đội, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Vị Xuyên những ngày lửa rát : “Chết hóa đá, thành bất tử”

(Dân Việt) Trong cuộc chiến Vị Xuyên, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Những tấm gương đó đã khích lệ tinh thần lớp lớp chiến sĩ quyết giữ chốt, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công kinh hoàng của địch.

Những anh hùng bất khuất
Để đương đầu với quân Trung Quốc trên những điểm cao tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tinh thần bất tử. Chúng tôi gặp bất cứ ai là cựu binh Sư đoàn 356, họ đều nhớ như in tinh thần chiến đấu và chấp nhận hy sinh của đồng đội mình khi đối mặt với quân xâm lược. Trong đó có sự hy sinh của anh hùng Lê Trần Mãn (sinh năm 1961, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Anh Lê Trần Mãn nhập ngũ tháng 3.1979, khi hy sinh là thượng sĩ, y tá (Đại đội 7 bộ binh, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356, Quân khu 2), chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên từ ngày 14 đến 18.1.1985.
 vi xuyen nhung ngay lua rat - ky 3: “chet hoa da, thanh bat tu” hinh anh 1
 Anh Công Đức Cường (phải) - người gọi pháo bắn để giữ chốt ở điểm cao 685. Ảnh: Gia Tưởng
Ngày đó, địch bắn hàng nghìn quả đạn pháo vào điểm cao 685. Sau mỗi lần thất bại, chúng lại tăng quân và bắn phá dữ dội hơn, Đại đội 7 thương vong rất nhiều. Lê Trần Mãn kịp thời lên thay thế chỉ huy đơn vị, chiến đấu giành giật với địch từng đoạn giao thông hào. Có ngày anh và đồng đội đánh lui 7 đợt tấn công của chúng.
Ngày 24.12.1985, thấy đơn vị của Lê Trần Mãn còn ít người, quân địch càng tập trung hỏa lực, dồn quân rất đông mở 8 đợt tấn công lên chốt. Sau khi cùng 3 người khác diệt hơn 100 tên địch thì đạn gần hết, Lê Trần Mãn chỉ huy 3 chiến sĩ tập trung hỏa lực diệt địch tại đây và nhổ được cờ của chúng. Nhưng địch vẫn tấn công cấp tập lên trận địa, chiến sĩ thông tin hy sinh, Lê Trần Mãn tự vận hành máy điện đàm gọi về sở chỉ huy trung đoàn nói: “Xin mưa, xin mưa lên đỉnh E5”. Những người chỉ huy của trung đoàn phải nuốt nước mắt, hạ lệnh pháo bắn trùm lên trận địa.
Trận đó ta giữ được điểm cao E5 nhưng đồng đội và chiến sĩ quân y Lê Trần Mãn đã hy sinh, thân thể anh hòa vào đất đá. Lê Trần Mãn được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Ngày 29.8.1985, liệt sĩ Lê Trần Mãn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Lớp lớp những chiến sĩ Sư đoàn 356, giờ đây vẫn không quên lời thề bất hủ của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh (quê Phú Thọ): “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Cựu chiến binh Thái Khắc Ba (59 tuổi), nguyên đại đội trưởng Đại đội 5, kể lại: “Trước trận đánh cũng là những ngày giáp Tết Nguyên đán. Cánh lính trẻ ngồi kể cho nhau nghe về gia đình, về những lần đón tết ở quê, còn mường tượng ra không biết cái tết đầu tiên ở mặt trận thế nào. Tôi thấy trung đội trưởng Ninh lúi húi khắc gì đó lên báng súng, rồi lấy kem đánh răng bôi lên. Dòng chữ màu trắng đục “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” nổi rõ lên. Chàng trai người Mường đó còn vỗ vỗ báng súng, tin tưởng: "Quân Trung Quốc dù đông nhưng đất của ta, ta quyết tâm giữ".
Trận đánh giữ vững điểm E5 của cao điểm 685 diễn ra trong thế giằng co ác liệt bắt đầu từ ngày 12.1.1985. Đến ngày 18.1.1985, cả đại đội chỉ còn chưa đầy 20 người chiến đấu với một tiểu đoàn quân Trung Quốc.
Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh bị thương đến ba lần. Hai lần đầu, anh bị thương vào tay trái rồi vào bụng nhưng vẫn không rời trận địa, đi thu nhặt súng, đạn và động viên, cổ vũ mọi người đánh tiếp.
 vi xuyen nhung ngay lua rat - ky 3: “chet hoa da, thanh bat tu” hinh anh 2
Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. (Ảnh tư liệu)
Sáng ngày 18.1.1985, quân Trung Quốc dùng nhiều loại pháo bắn ác liệt và cho bộ binh đông gấp nhiều lần mở đợt tiến công mới. Lần này, anh Ninh bị thương ở chân nhưng vẫn chỉ huy đồng đội chiến đấu, đánh lui nhiều đợt quân. Đại đội trưởng Thái Khắc Ba sốt ruột, bảo lên cáng cứu thương để anh em đưa về sau nhưng anh Ninh không chịu. Đến cuối ngày, anh Ninh bị thương vào đầu rồi hy sinh. Trận đó, ta giữ vững được điểm E5 thuộc cao điểm 685.
Ngày 29.8.1985, liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau 30 năm nằm lại cùng đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang), hài cốt anh được gia đình đưa về an táng tại quê nhà, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, Phú Thọ.
Gặp người gọi pháo… bắn mình
Ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, một nửa trong số 1.700 ngôi mộ tại đây là không có tên tuổi. Không chỉ vậy, gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ vẫn nằm lại rải rác ở mảnh đất Vị Xuyên, trong những khe suối, hốc đá.
Trong quá trình chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, rất nhiều lần những người lính ở đây phải gọi pháo bắn trùm lên trận địa để giữ chốt, phần lớn họ đều hy sinh, chỉ có một người duy nhất bị thương và còn sống đó là chiến sĩ Công Đức Cường. Hiện nay anh Cường 52 tuổi, thương binh 4/4, sống tại Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội).
Anh Cường vẫn nhớ như in lần lên chốt, đó là gần tết năm 1985. Hồi đó, anh Cường là lính thông tin, đi phối thuộc với đơn vị khác gồm 12 người lên thay giữ chốt điểm cao 685. Nhóm lính mới lên đã bị quân Trung Quốc tấn công dữ dội. Sau hơn 2 ngày đánh trảc, đồng đội hy sinh hết mà địch vẫn ùn ùn tấn công lên. Lúc đó, anh Cường nghĩ, mình bỏ chạy thì điểm chốt này sẽ mất. Vì vậy anh đã ôm máy điện đàm hữu tuyến, quan sát, cứ địch bò lên đến đâu, anh gọi pháo binh của ta bắn vào tọa độ đó. Đang đà tấn công hòng chiếm chốt của ta, quân Trung Quốc bị pháo binh ta chặn đứng và thương vong như ngả rạ, chúng cũng điên cuồng bắn pháo lên trận địa.
Anh Cường nhớ lại: “Không thể đếm được có bao nhiêu quả pháo, tôi chỉ thấy tai mình ù đặc, rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy thấy mình vẫn ở trong hang và bị thương ở đầu, tôi vẫn nằm im ôm khẩu AK và mấy trái lựu đạn. Lúc đó không biết ngày đêm là gì, chỉ khi nghe tiếng gọi “Cường ơi” của đồng đội lên tiếp ứng tôi mới biết mình còn sống”. Hôm đó là ngày 28 Tết.
Trở lại với đời thường, anh Cường đã lấy cô thôn nữ cùng làng, sinh 2 con và mua  chiếc xe 3 gác để chở thuê, kiếm sống qua ngày. Cho dù cuộc sống có khó khăn nhưng năm nào anh và những người đồng đội xưa cũng trở lại Hà Giang để thăm lại chiến trường, tri ân những người đã ngã xuống.







    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét