"Mà người Sài Gòn cũng biết nuông chiều bản thân lắm. Buổi sáng, ăn không chỉ để no thật no, mà còn phải ngon, phải nhiều món, nhiều lựa chọn..."
Ở Hà Nội, có một cảm giác mà tôi rất yêu mỗi khi có dịp dậy sớm và ra đường. Lúc ấy sẽ vào khoảng 5-6h sáng, những con đường tờ mờ chưa tỏ ánh mặt trời. Trên vỉa hè vắng, những hàng ăn sáng bắt đầu rục rịch dọn ra. Và trong không gian trong trẻo bàng bạc ấy, từ những hàng quán nhỏ ven đường, một mùi thơm kỳ diệu len lỏi luồn qua mũi bạn. Mùi nước dùng gà, nước xương ninh ở hàng bún, phở. Mùi trứng rán ngải cứu, mùi pate từ một hàng bánh mì. Khi mà bụng bạn rỗng không sau một đêm ngủ vùi, và không khí xung quanh thì thật trong lành, yên tĩnh - chẳng có gì khó quên hơn là mùi thơm thoảng nhẹ của những hàng đồ bán sáng như vậy. Bạn có thể đoán ra ngay, hàng ở góc phố kia đang bán bún gà, ở đầu đường có bán bún mọc, rồi trong ngõ kia là hàng miến lươn và đi thêm một đoạn có một hàng phở.
Khi vào Sài Gòn, tôi không tìm thấy được cảm giác chầm chậm bình yên ấy vào mỗi buổi sáng sớm nữa. Nhịp sống Sài Gòn nhanh hơn, vội vàng hơn. Không phải là không thú vị, ngược lại, bạn sẽ thích khi quen với cái guồng quay ấy. Tôi thích những buổi sáng, bước chân khỏi con hẻm nhỏ, mùi sườn nướng sực bay theo làn khói màu xám. Ở Sài Gòn, người ta quen ăn sáng thật no. Thế nên, những đường phố quẩn quanh mùi thịt nướng, mùi nấu, mùi xào là một "đặc sản". Tạm cất cái lưng lửng bụng dễ chịu ở Hà Nội đi, ta luôn có một bữa no vào buổi sáng ở Sài Gòn.
Mà người Sài Gòn cũng biết nuông chiều bản thân lắm. Buổi sáng, ăn không chỉ để no thật no, mà còn phải ngon, phải nhiều món, nhiều lựa chọn. Thế nên thay vì quẩn quanh nào bún gà, phờ bò, bánh mì trứng như ngoài Hà Nội, Sài Gòn có cơ man nào là món ngon với đủ kiểu hương vị khác nhau. Ngồi kể cả ngày chẳng hết mất, thế nên hôm nay, ta ngồi đây, nói ra vài món nổi tiếng nhất, người Sài Gòn thích chọn để làm bữa điểm tâm nhất thôi vậy.
Người Sài Gòn thích ăn cơm Tấm thế nào, ai chẳng biết. Thậm chí, người Sài Gòn ăn cơm tấm vào mọi lúc trong ngày, và đúng vậy - người Sài Gòn ăn cơm tấm vào cả buổi sáng. Tôi không thể tưởng tượng ra một Sài Gòn buổi sáng mà thiếu đi mùi thơm nức từ bếp than đang nướng sườn, đó hẳn sẽ là một Sài Gòn không trọn vẹn nhất, một tội lỗi!
Người Sài Gòn ăn cơm tấm vào bất cứ lúc nào trong ngày.
Thường thì cơm tấm sẽ có bộ ba "bất hủ" là: Sườn, bì, chả. Nhưng dù nó đã hoàn hảo lắm rồi, người ta vẫn nghĩ thêm những hương vị mới. Cơm tấm gà chiên, gà nướng, sườn kho rồi thì các loại đồ xào ăn kèm nữa. Tôi thích một suất có sườn, bì, trứng ốp với lòng đảo dẻo quánh và nếu được thì thêm một miếng lạp xưởng béo mỡ màng nữa thì là hoàn hảo. Buổi sáng, đúng là chẳng có gì chắc dạ hơn, no lâu đến trưa mà vẫn ngon lành, đưa vị đến thế ngoài một dĩa cơm tấm.
Buổi sáng nào cũng vậy, hàng cơm tấm Huỳnh Tịnh Của đông nghịt khách ra vào từ tờ mờ sáng.
Có bao nhiêu người đọc đến đoạn này và trong đầu đang thấp thỏm chờ đến món bún bò xuất hiện? Đúng vậy, làm sao chúng ta bỏ quên được bún bò cơ chứ khi nó là món ăn đầu tiên mà rất nhiều người nghĩ đến mỗi khi mở mắt thức dậy?
Tô bún bò Sài Gòn đầy hương vị, nó không phải kiểu đậm sực lên như bún bò Huế. Bún bò Sài Gòn có bò viên thơm mùi tiêu, rồi thịt bò bắp thái mỏng, bò gân ninh ăn giòn dai tất nhiên là có một miếng giò heo nữa rồi và cuối cùng là nước dùng với sả, với mắm ruốc kiểu Huế. Bún bò hợp rất hợp với những ai ưa ăn sáng có nước để xì xụp, no mà không bị đầy, thích ăn những gì cay cay, nồng nồng chứ không bị tanh hay lạnh như bánh canh cua.
Tôi thường về Hà Nội với nỗi nhớ thương khôn nguôi dành cho bánh mì Sài Gòn. Những ổ bánh mì béo múp, giòn tan và ụ thịt cùng với vị cay nồng sộc thẳng lên khoang họng cuả những miếng ớt xanh thái mỏng. Hay những bát bò kho, phá lấu nóng sốt và đặt kế bên là hai ổ bánh vừa ra khỏi lò cũng là một nỗi nhớ mênh mang gói gém khi ta đi xa khỏi thành phố này.
Bánh mì bò kho được nhiều người yêu thích hơn, nó dễ ăn và nhiều hương vị. Những miếng thịt bò nạm, vừa nạc vừa xen lẫn những vân mỡ béo mềm được hầm trong nước sốt nồng mùi ngũ vị hương và hành, tiêu. Thỉnh thoảng, bạn sẽ bắt gặp những mẩu cà rốt thái vuông mềm ngọt lẫn trong thứ nước dùng màu đỏ cam hấp dẫn ấy. Bánh mì thì giòn, chấm với nước sốt bò kho ăn đậm đà, chắc bụng, nhất là vào những buổi sáng mưa mưa, lành lạnh thì chẳng có gì hơn một suất bánh mì bò kho nóng giòn bày ra trước mắt.
Bánh mì thì giòn, chấm với nước sốt bò kho ăn đậm đà, chắc bụng, nhất là vào những buổi sáng mưa mưa, lành lạnh thì chẳng có gì hơn một suất bánh mì bò kho nóng giòn bày ra trước mắt.
Có một món khác mà ngoài Bắc vào Nam ít ăn hơn, ấy là bánh mì phá lấu. Phá lấu là một món ăn thân thuộc với người Sài Gòn đến nỗi, người ta có thể ăn nó bất kể bữa nào trong ngày. Ai chưa ăn quen có thể nhăn mặt khi thấy đĩa phá lấu bưng trước mặt, nhưng nghiền rồi thì cứ mấy hôm lại thèm, mấy hôm lại thèm.
Nồi phá lấu đỏ cam, thơm nồng với nào sách, nào gân, nào gan và tim... thơm lừng mùi rượu trắng, tiêu tỏi... chỉ đi qua thôi mà rồi mùi hương quẩn quanh cũng có thể khiến bạn phải chùn bước mà ghé vào.
Bánh mì phá lấu ở đường Xóm Chiếu vốn rất nổi tiếng với người Sài Gòn.
Phá lấu thường dùng nội tạng của bò, heo, gà… sau đó cắt miếng nhỏ gần bằng lòng bàn tay, ướp cùng ngũ vị hương, rượu trắng, tiêu, tỏi để khử sạch mùi hôi, rồi hầm nhừ đi. Phá lấu ăn vào có miếng sách giòn sần sật, gan thì béo, lòng lại dai dai, rồi tất cả quyện vào trong phần nước dừa hầm lên, thế nên lại càng ngậy. Sung sướng nhất là buổi sáng ngủ dậy, bụng đói meo, bước chân vào hàng phá lấu và chờ một tô con con được bày ra, chờ mình sà vào đánh chén. Bánh mì giòn tan đặc ruột, xé một mẩu và chấm thật nhiều cái thứ nước sốt thơm nồng, béo ngậy ấy. Nếu không gọi như thế là khởi đầu của một buổi sáng hoàn hảo, tôi cũng không biết gọi cái gì là hoàn hảo hơn nữa.
Một món ăn sáng kinh điển nữa của Sài Gòn mà không nhắc không được, ấy là hủ tiếu. Hủ tiếu phổ biến và quen thuộc, thân thương với người Sài Gòn như Hà Nội có phở, có bún thang. Người Sài Gòn có thể ăn hủ tiếu ở khắp mọi nơi, từ nhà hàng sang trọng cho đến những xe hủ tiếu gõ lang thang phố phường đêm muộn.
Hủ tiếu tôm thịt, hủ tiếu xương, hủ tiếu Sa Đéc... có biết bao nhiêu loại hủ tiếu với biết bao nhiêu hương vị khác nhau để chiều lòng cái khẩu vị cầu kỳ, tinh tế và đa dạng của người Sài Gòn.
Hủ tiếu ngon là nước dùng phải thật ngọt, vị ngọt chân chính từ xương heo, ăn vào thấy nhẹ nhàng và thơm thoảng, chứ không lờ lợ kiểu mỳ chính, kiểu đường. Hủ tiếu ăn đơn giản, với những lát gan luộc ngậy ngậy, rồi dăm lá thịt xá xíu được xếp cẩn thận bên trên. Có chỗ ăn hủ tiếu thêm bầu dục, có nơi lại chế hủ tiếu bò kho, rồi hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu tôm thịt, hủ tiếu xương, hủ tiếu Sa Đéc… có biết bao nhiêu biến tấu để phù hợp với cái khẩu vị tinh tế, đa dạng của người Sài Gòn. Và cũng cứ thế, bao nhiêu năm trôi qua, bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu con người lớn lên với mùi vị của những tô hủ tiếu thân thương, giản dị nơi đầu hẻm nhà mình.
Chúng ta đã nói về hủ tiếu, về bún bò, nhưng nếu ăn sáng Sài Gòn mà thiếu đi bánh canh, chắc hẳn là một bản danh sách thiếu.
Ăn bánh canh buổi sáng ở Sài Gòn là thích nhất. Một bát bánh canh được chan xâm xấp nước ninh xương thơm ngon, rồi thì những sợi bánh canh dẻo trong thơm mùi bột gạo, đến là hấp dẫn. Kế đó, ta mới thấy cái thích thú khi nhẩn nha gặm miếng gan, miếng trứng hay miếng cá lóc được đặt gọn gàng trong góc bát.
Cũng giống như hủ tiếu, bánh canh có biết bao nhiêu là phiên bản khác nhau. Bánh canh Trảng Bàng với thịt nạc, móng giò, ăn giản dị mà lành bụng. Bánh canh giò heo lại hợp với những ai ưa cái vị mỡ màng, béo ngậy của miếng móng giò ninh kỹ, hầm nhừ. Bánh canh cua, bánh canh ghẹ là những lựa chọn phổ biến, vừa có tiết, vừa có chả cua, tôm, thịt heo, trứng cút, và nhất là những miếng càng ụ thịt lấp ló ẩn trong nước dùng.
Bánh canh dễ ăn lại cũng dễ kiếm được hàng ngon. Thậm chí, bạn chẳng cần phải nghĩ nhiều, cứ tạt bừa vào một hàng bánh canh lề đường cũng có thể thấy đã cái miệng rồi.
Diệp Nguyễn -Hoàng Việt (theo Trí thức trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét