Mặc dù giữa chốn phồn hoa náo nhiệt nhưng hầu hết người Chăm sinh sống ở đây vẫn giữ được những giới luật, nếp sống và tôn giáo đặc trưng riêng biệt của mình.
Không phải là những làng Chăm đặc trưng tập trung hàng trăm hộ dân như ở vùng châu thổ thượng nguồn sông Hậu vùng An Giang nhưng những người Chăm theo đạo Islam sinh sống ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh cũng khá nhiều, lên đến hàng ngàn người.
Mặc dù giữa chốn phồn hoa náo nhiệt nhưng hầu hết người Chăm sinh sống ở đây vẫn giữ được những giới luật, nếp sống và tôn giáo đặc trưng riêng biệt của mình. Họ luôn thu mình, sống bí ẩn trong thế giới riêng dưới những tòa Thánh đường cao uy nghiêm lộng lẫy hình củ tỏi rất đặc trưng.
Một Thánh đường người Chăm ở quận 5.
Cũng như những cộng đồng người Chăm khác, nhưng cư dân người Chăm đang sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cũng có xu thế sinh sống thành từng cụm nhóm nhỏ. Ngoài sự đoàn kết, thói quen đi lễ và những giới luật, việc sống thành những cụm như vậy được coi là truyền thống lâu đời của người Chăm ở bất cứ đâu.
Một trong những xóm người Chăm được nhiều người biết tới chính là khu chung cư mini nằm trên đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh). Tại đây, ngoài hàng chục hộ dân người Chăm là những người dân tộc Kinh sinh sống khá hòa thuận và bình thường. Cộng đồng người Chăm ở đây đã dành hẳn một căn chung cư lớn nhất để làm thánh đường, nơi mà hàng ngày đàn ông người Chăm phải lui tới nhiều lần làm lễ.
Người Chăm bên cuốn Kinh thánh.
Chúng tôi ghé vào thánh đường này vào một buổi trưa cuối tuần của thành phố những ngày cuối năm. Mấy người phụ nữ Chăm đang tụ tập gần đó vừa nói chuyện, vừa làm một loại bánh ngọt bằng bột và đường, nước dừa để ăn và bán. Mọi người đều mặc trang phục bình thường nhưng có choàng thêm một chiếc khăn thổ cẩm đặc trưng do chính bản thân mình dệt trùm lên mái tóc.
Đàn ông Chăm ở thành phố cũng thường sử dụng sà rông (một kiểu trang phục nhìn xa như váy) là những tấm vải thổ cẩm lớn quấn quanh người, từ thắt lưng trở xuống. Ngoài ra, trên đầu họ cũng đội những chiếc mũ thêu sặc sỡ chụp nửa đầu rất đặc trưng. Tuy nhiên, do cuộc sống và giao lưu công việc, hầu hết các đàn ông Chăm chỉ mặc trang phục truyền thống khi ở trong nhà, lúc làm lễ ở thánh đường mà thôi.
Phụ nữ Chăm đang kể chuyện.
Khác với những cư dân Chăm ở thánh đường bên Bình Thạnh, một thánh đường khác rộng lớn và thu hút khá đông người Chăm tìm tới là Thánh đường Nancy ở ngay trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (quận 5). Theo những cư dân Chăm ở đây, thánh đường này được xây dựng từ trước giải phóng, khoảng những năm 1950 bởi những cư dân Chăm ở miền tây lên thành phố sinh sống và những người theo đạo Hồi ở nước ngoài.
Một thánh đường khác ở trung tâm quận 1, bên cạnh rất nhiều các cao ốc.
Cách đó không xa, thánh đường Chợ Lớn nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) nhìn bề ngoài khá đơn sơ nhưng bên trong lại rất nguy nga, tráng lệ với những kiến trúc đặc trưng của người Chăm. Được biết, thánh đường này được xây dựng từ năm 1930, do những người Chăm gốc vùng An Giang đang sinh sống ở Ấn Độ tài trợ.
Bảng giờ đi lễ Thánh đường của người Chăm.
Ngày nay, các cư dân Chăm quanh đây vẫn giữ được những giới luật nghiêm khắc của dòng tộc dù đã trải qua hàng trăm năm biến động. Nếu là người Chăm bình thường, một ngày họ có thể phải làm lễ tới 5 lần ở trong thánh đường. Đó là buổi bình minh, chính ngọ giữa trưa, xế chiều, hoàng hôn và tối. Tuy nhiên, thời gian mỗi lần làm lễ chỉ kéo dài chừng 4-5 phút. Khi làm lễ, đàn ông phải rửa thật sạch chân tay.
Trong thời gian tìm hiểu về cuộc sống của người Chăm ở thành phố xô bồ này, điều tôi nhận thấy rõ nét nhất chính là thái độ sống yên bình, lặng lẽ thu mình hết mức trong giới luật và văn hóa tín ngưỡng của dân tộc mình của những cộng đồng người Chăm. Họ hiền hòa giao tiếp với thế giới xung và mỉm cười với mọi người. Tuy nhiên, những giới luật như không hút thuốc, không uống rượu bia, không ăn thịt heo, thịt chó, không ăn uống ban ngày của tháng rammadan… luôn được người Chăm tự nguyện thực hiện một cách rất ý thức. Song song với đời sống thường nhật, những tín ngưỡng văn hóa như cưới hỏi, lễ tết hay hành hương…cũng được người Chăm thực hiện một cách rất tự nguyện. Có lẽ chính vì thế mà dù ở đâu, lưu lạc qua nhiều địa phương nhưng văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm theo đạo Islam hầu hết đều giống nhau.
Đàn ông Chăm với bộ sà rông, nhìn xa như váy rất đặc trưng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh có khoảng trên mười thánh đường của người Chăm, nằm rải rác ở các địa phương như Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 5, quận 8… Hầu hết những thánh đường của người Chăm này đều được xây dựng khoảng 50 năm trở lại đây. Gốc gác của những cư dân sinh sống quanh thánh đường cũng chủ yếu là người Chăm ở vùng An Giang lên thành phố định cư, lập nghiệp vì cuộc sống mưu sinh. Họ vẫn hòa mình, sống chung với thế giới xung quanh nhưng luôn luôn giữ cho mình được một thế giới yên bình, riêng biệt của dân tộc mình.
Đoàn Đại Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét