Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Lưu giữ nét đẹp Tết cổ truyền của người Nùng

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, khi những bông hoa đào đã bừng nở khoe sắc, chúng tôi về xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) - xã vùng cao, có tới 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Nùng, đón Tết cùng bà con nơi đây. Những phong tục, tập quán của người Nùng giờ đây đã được thay đổi và đơn giản hơn nhiều, tuy nhiên nét đẹp truyền thống trong đón Tết với nhiều tập tục đặc sắc vẫn được người dân nơi đây lưu giữ vẹn nguyên.
Một điệu múa của người Nùng vào những dịp quan trọng. Ảnh: Báo Bắc Giang

Cũng giống như bao gia đình người Nùng khác ở Tân Hoa, gia đình ông Mã Văn Hiến, thôn Khuân Lương năm nào cũng chuẩn bị một cái Tết thật ấm cúng theo đúng phong tục tập quán của dân tộc mình. Trước Tết vài ngày, ông Hiến cùng các con cháu dọn dẹp và trang trí nhà cửa rất gọn gàng, sạch sẽ. Ông Hiến cho biết: “Người Nùng chúng tôi ăn Tết từ 28 tháng Chạp tới hết Rằm tháng Giêng, trong đó ngày 29 và 30 tháng Chạp được coi là hai ngày bận rộn nhất, vì mọi công việc chuẩn bị cho Tết phải được hoàn tất vào ngày 30”.

Cây nêu là một loại cây không thể thiếu trong dịp Tết của người Nùng được làm bằng cây tre non. Trước khi cây nêu được đem ra dựng trước nhà, chủ nhà sẽ dùng cây nêu quét khắp các vị trí trong nhà, tức là quét đi những gì không tốt đẹp, những điềm gở của năm cũ. Họ tin rằng cây nêu có thể trừ tà ma, dựng cây nêu gia đình sẽ không bị ma quỷ quấy rối. Cây nêu được dựng trước cửa gia đình người Nùng tới Rằm tháng giêng, sau đó gia chủ sẽ làm lễ hạ nêu.

Cùng với dựng cây nêu, vào ngày 30 Tết, người Nùng cắm cờ Tổ quốc và dùng giấy đỏ trang trí khắp nhà như trước cửa, bàn thờ, cây cối trong vườn… bởi họ quan niệm giấy đỏ tượng trưng cho sự may mắn, sang năm mới mọi việc trong gia đình sẽ gặp nhiều thuận lợi, suôn sẻ.

Trong ngày Tết, mỗi gia đình người Nùng đều làm ba mâm cỗ, mỗi mâm có một con gà luộc, năm chén rượu, bánh khẩu xà và hương hỏa để cúng tổ tiên, cúng Táo quân và một mâm cúng người bảo vệ của gia đình (hay còn gọi là bàn thờ Ké). Người được thờ ở bàn thờ Ké là một người từ xa xưa đã có công bảo vệ cho sự an toàn của dòng họ, vì thế gia đình người Nùng nào ở đây cũng lập một bàn thờ Ké thể hiện sự nhớ ơn tới người có công với dòng họ.

Ngoài mâm cúng tổ tiên, táo quân và người bảo vệ của gia đình, người Nùng còn có tục cúng thổ công. Mỗi bản của người Nùng đều có một miếu cúng thổ công, hoặc nhiều gia đình sống cùng trên một khu đất sẽ lập chung một miếu thổ công. Cứ vào mùng 2 Tết, mỗi gia đình người Nùng đều chuẩn bị một mâm cúng gồm một con gà luộc, hai chén rượu và hương hỏa để mang ra miếu thổ công. Người già tuổi nhất bản sẽ có nhiệm vụ cúng, nội dung bài cúng mong muốn thổ công phù hộ cho tất cả các gia đình được sinh sống bình yên, an lành, hạnh phúc trên mảnh đất của gia đình mình. Sau đó, các gia đình sẽ cùng nhau ăn trưa tại miếu.

Đặc biệt, trong dịp Tết hai món bánh không thể thiếu của người Nùng đó là bánh cao ón và bánh khẩu xà. Bánh cao ón của người Nùng gần như bánh chè lam của người Kinh, có vị nhân bên trong giống như bánh khảo. Nguyên liệu chính để làm nên loại bánh này là đường và gạo nếp. Còn bánh khẩu xà được làm từ hạt mọc mạch, một loại cây được trồng rất nhiều ở vùng đồng bào dân tộc Nùng. So với bánh cao ón, bánh khẩu xà được làm nhanh hơn và ít nguyên liệu hơn. Ăn bánh khẩu xà của người Nùng có vị thơm và giòn gần giống như bánh bỏng của người Kinh. Các món bánh của người Nùng trong ngày Tết đều có vị ngọt với mong muốn năm mới những điều ngọt ngào sẽ đến, những điều đắng cay bay đi.

Ngày Tết, món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nùng ở Tân Hoa đó là những câu hát Shoong hao ngọt ngào, tha thiết. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người Nùng vừa tới nhà nhau chúc Tết, lại vừa tổ chức hát Shoong hao, chủ yếu là hát những bài chúc Tết. Những câu Shoong hao vang lên thể hiện niềm vui cũng như sự tự hào, phấn khởi của mỗi gia đình khi có khách tới chơi nhà: “Mới bước vào nhà/ Chủ nhà đã rót nước, rót chè mời/ Mọi người bắt tay mừng huân hỷ/ Gọi con lấy khẩu xà, cao ón/ Được con, được dâu sắp khẩu xà mời khách/ Vào uống rượu chúc mừng gia chủ/ Xua hết những điều không may của năm cũ/Chúc cho năm mới phát tài, phát lộc, vạn sự bình an”.

Ông Nguyễn Văn Mùa, cán bộ văn hóa xã Tân Hoa cho biết: “Nhiều phong tục, tập quán của người Nùng ở Tân Hoa đã được thay đổi để tránh rườm rà, lãng phí. Tuy nhiên những phong tục trong ngày Tết Nguyên đán vẫn được giữ nguyên bởi nó mang đậm bản sắc văn hóa của người Nùng, đồng thời thể hiện nét đẹp, sự đặc sắc, phong phú về văn hóa trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.

Rời Tân Hoa, chúng tôi hy vọng Tết của người Nùng nơi đây ngày càng đầy đủ, sung túc hơn nhưng những nét đẹp trong phong tục đón Tết sẽ mãi được lưu giữ, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.


Đồng Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét