Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

CHUYỆN XÂY HỒ KẺ GỖ

Nửa thế kỷ đợi chờ xây hồ Kẻ Gỗ


TTO - Cách đây hơn 40 năm, ngày 26-3-1976, hàng vạn thanh niên tỉnh Nghệ Tĩnh từ miền ngược đến miền xuôi, vai gánh tay gồng có mặt tại nơi rừng hoang núi thẳm để xây dựng công trình thủy nông kỳ vĩ nhất sau giải phóng.
Nửa thế kỷ đợi chờ xây hồ Kẻ Gỗ
Lễ khởi công xây dựng hồ Kẻ Gỗ ngày 26-3-1976 - Ảnh tư liệu
Mặc dù lúc đó cuộc chiến tranh chống Mỹ vô cùng khốc liệt. Song quyết định của Chính phủ về xây dựng hồ Kẻ Gỗ đã tạo nên sự vui mừng khôn xiết, cả tập thể thường vụ khi nghe tin này đã xúc động đến mức không cầm được nước mắt, lòng dạ cứ bâng khuâng sung sướng vô cùng, tưởng như cuộc đời mình trẻ lại hàng chục tuổi
Ông Nguyễn Tiến Chương (nguyên bí thư Hà Tĩnh)
Công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ, với sức chứa 345 triệu mét khối nước, đã thay đổi hoàn toàn đời sống vùng đất Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh.
Hơn nửa thế kỷ đợi chờ, từ tài liệu cũ của người Pháp, đại công trình thủy nông này mới chính thức được khởi công.
Dự án từ thời Pháp thuộc
“Mấy ngày nay trở trời, bác mệt lắm! Nhưng bác sẽ cùng các cháu lên lại thăm hồ. Mấy tháng rồi bác chưa lên đó. Trước đây tháng nào bác cũng lên. Lên đó bác như được trở lại quãng đời trai trẻ đầy ắp kỷ niệm của mình” - ông Đào Văn Tinh, nguyên giám đốc Sở Thủy lợi (Hà Tĩnh), nói trong một ngày mưa rét.
Ông Tinh bảo rằng hồ Kẻ Gỗ không những là kỷ niệm của ông mà là quá khứ hào hùng một thời của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh.
Hồ Kẻ Gỗ được người Pháp thiết kế và chuẩn bị xây dựng vào những năm đầu của thập niên 1930.
Trước đó ở Nghệ Tĩnh nhiều công trình mang đậm dấu ấn của người Pháp như bara Đô Lương ngăn sông Rào Cái, bara Nam Đàn, bara Lệ Thủy, bara Cẩm Trang...
Nửa thế kỷ đợi chờ xây hồ Kẻ Gỗ
Công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ - Ảnh: Tấn Vũ
Ông Tinh bảo rằng sở dĩ người Pháp quyết tâm làm Kẻ Gỗ vì sự thất bại của bara Cẩm Trang. Khi xây dựng bara Cẩm Trang đã dẫn đến một hệ lụy là hồ chứa này gây ngập nặng trên diện rộng, lợi ích mang lại không như mong muốn nên lòng dân không yên.
“Chỉ vì muốn yên dân nên người Pháp quyết làm Kẻ Gỗ ngay. Họ đã làm 3km kênh mương rồi, nhưng sự việc không thành và đến năm 1939 thì mọi thứ dừng lại do Thế chiến thứ hai nổ ra.
Muốn lấy được lòng dân Cẩm Xuyên, Thạch Hà thì cái cần là cuộc sống được an yên và người dân thấy được lợi ích của mình” - ông Tinh nói.
Theo tài liệu của người Pháp để lại thì ban đầu hồ Kẻ Gỗ chỉ thiết kế với sức chứa 85 triệu mét khối.
“Sau này chúng ta thiết kế lại lên đến 345 triệu mét khối nước, nhưng cho dù 85 triệu mét khối nước mà nếu lúc đó hồ được xây dựng thì người dân Hà Tĩnh đã khấm khá lắm rồi. Ít ra lúa thóc cũng được như người dân vùng Thanh Hóa, Nghệ An...” - ông Tinh tiếc nuối.
Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, câu chuyện hồ Kẻ Gỗ chìm vào quên lãng hơn 10 năm trường cho đến lúc Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ nhất vào ngày 15-6-1957.
Trong buổi nói chuyện với người dân Nghệ Tĩnh, thấu hiểu được lòng dân mong chờ, Bác nhấn mạnh: “Phải lục hồ sơ hồ Kẻ Gỗ mà nghiên cứu trước để khi có thời cơ mà xây dựng”.
Trong đoàn đi công tác tại Nghệ Tĩnh cùng Bác lần đó có Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Trần Đăng Khoa. Sau câu nói của Bác, ông Khoa đã thu thập toàn bộ tài liệu về Kẻ Gỗ tại Vinh, Hà Tĩnh và các bảo tàng lưu trữ ở Hà Nội.
Năm 1958, Viện Thiết kế thủy lợi chính thức đặt vấn đề nghiên cứu vấn đề này.
“Đây là sự tiên đoán rất tài tình. Bác vẫn tôn trọng và kế thừa cái người Pháp có. Tôi nghĩ không có câu này của Bác thì năm 1976 chúng ta vẫn chưa thể khởi công Kẻ Gỗ được” - ông Tinh nói.
Khát vọng ngàn đời
Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Công ty TNHH-MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác hồ Kẻ Gỗ, kể rằng sau giải phóng nguyện vọng thiết thực nhất của người dân Hà Tĩnh là áo cơm.
Hạnh phúc nhất của người nông dân khi cầm cuốc, cầm cày là thửa ruộng của mình có nước.
Nửa thế kỷ đợi chờ xây hồ Kẻ Gỗ
Một góc hồ Kẻ Gỗ - Ảnh: Tấn Vũ
Năm 1971, trong một lần đi Hà Nội làm việc với trung ương về việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ lần thứ 8, ông Nguyễn Xuân Linh, bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn, hai bên có văn bản thống nhất trình lên Ban bí thư và Hội đồng Chính phủ về việc xây dựng hồ Kẻ Gỗ.
Sau khi Ban bí thư và Hội đồng Chính phủ đồng ý, không lâu sau đó tại kỳ họp Quốc hội khóa V năm 1971, công trình trọng điểm quốc gia này chính thức được biểu quyết nhất trí thông qua.
Công trình được thông qua nhưng nhiệm vụ trước mắt là vô cùng khó khăn, cả nước đang tập trung sức người, sức của cho giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam.
Các cơ sở vật chất kỹ thuật lại thô sơ, trong khi khối lượng công việc rất đồ sộ, nặng nề. Chính quyền Hà Tĩnh cùng Bộ Thủy lợi đã huy động chuyên gia, các cán bộ đầu ngành của Viện thiết kế, Viện nghiên cứu và Trường đại học Thủy lợi tập trung, nghiên cứu, tính toán thiết kế, dự toán.
Tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị giải phóng mặt bằng, huy động lực lượng lao động thủ công, chăm lo hậu cần lương thực, thuốc men cho hàng chục vạn người trong thời gian dự kiến thi công công trình là sáu năm.
Ngay tháng 6-1974, Hà Tĩnh đã thành lập hai công ty xây dựng thủy lợi trên 2.600 cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong hành quân vào Cẩm Xuyên, Thạch Hà để làm công tác cải tạo lòng hồ, khai thác vật liệu xây dựng, làm đường giao thông, kho tàng, bến bãi.
Ông Tinh nhớ lại rằng khi đó chỉ mới bước đầu chuẩn bị nhưng đã có 6.000 nam, nữ thanh niên của tỉnh lao động không kể ngày đêm.
Chỉ trong vòng sáu tháng, hơn 24.000mkho tàng, bến bãi, 20km đường giao thông được xây dựng phục vụ cho việc vận chuyển các thiết bị cơ giới.
“Gọi là cơ giới nhưng cũng chỉ có mấy cái xe ủi, máy đào loại nhỏ mà xăng cũng không có để chạy. Rồi tất cả phải dùng sức người. Hàng chục ngàn đôi quang gánh được sản xuất, hàng vạn mét khối đất, đá, cát, sỏi... được giải phóng khỏi lòng hồ. Tất cả chờ ngày quyết định khởi công” - ông Tinh kể lại.
Sáng 26-3-1976, sau tuyên bố khởi công công trình của ông Trương Kiện, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ, ba quả mìn nổ đanh tai tạo nên cột khói bốc cao hàng chục mét làm tín hiệu.
Hàng vạn công nhân thanh niên hô xung phong lao vào chiếm lĩnh các trận địa là các ngọn đồi, con suối. Họ lao động miệt mài suốt ngày đêm, nếm mật nằm gai gian nan với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ...
Nửa thế kỷ đợi chờ xây hồ Kẻ Gỗ
Ông Đào Văn Tinh nhớ lại thời đi xây hồ Kẻ Gỗ - Ảnh: Tấn Vũ
Vì sao chính quyền chọn ngày 26-3-1976 để khởi công công trình hồ Kẻ Gỗ? Ông Tinh lý giải đó là ngày thành lập Đoàn thanh niên và chỉ có thanh niên mới làm nổi công việc này.
“Đất nước vừa giải phóng xong, khí thế còn hừng hực, tầng lớp thanh niên còn hăng say lắm nên để cho họ cống hiến tuổi thanh xuân xây dựng quê hương.
Điều thứ hai là tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An vừa sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh (ngày 1-1-1976) nên công trình này là dấu ấn thiết thực để chào mừng sự kiện đó.
Điều thứ ba là cả nước cùng bước vào cuộc chiến chống đói nghèo. Vì vậy chúng tôi quyết định chọn thời điểm này để khởi công xây hồ Kẻ Gỗ” - ông Tinh nhớ lại.

Công trình của lòng dân


TTO - Người Pháp dự kiến xây hồ Kẻ Gỗ trong 20 năm, người Việt đưa ra phương án 10 năm. Tuy nhiên, Hội đồng Chính phủ rút lại chỉ còn sáu năm, và điều ngoài sức tưởng tượng là người dân Nghệ Tĩnh chỉ làm trong ba năm.
Chuyện xây hồ Kẻ Gỗ - Kỳ 2: Công trình của lòng dân
Phần móng cho cửa tràn xả lũ là hạng mục khó nhất của hồ Kẻ Gỗ đã được các thợ đào giếng trợ giúp thành công - Ảnh: Tấn Vũ
“Thời đó chúng tôi làm tất cả chỉ với một nguyện vọng, một ý chí trong sáng là vì người dân. Phải lấy dân làm mục tiêu chứ không thể lấy GDP làm mục tiêu được. Nếu chúng ta chạy theo các chỉ số thì chưa hẳn các chỉ số đó đã quay lại phục vụ cho người dân. Người dân ủng hộ chúng tôi vì họ cũng thấy được tương lai tươi sáng của mình
Ông Nguyễn Hoàng Trạch
Sau hai năm khởi công, nước Kẻ Gỗ đã về đồng... Chỉ có sức người là chính mà họ vẫn thành công!
Đồng lòng
Ở tuổi gần 80, ông Nguyễn Hoàng Trạch, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, vẫn hồ hởi nói chuyện với chúng tôi về hồ Kẻ Gỗ và những ngày trai trẻ của mình. Ông nói đã 40 năm qua đi nhưng trong ký ức của ông vẫn rổn rảng tiếng cuốc xẻng, tiếng hò hát tựa hôm qua.
Năm 1976, ông Trạch là một kỹ sư vừa tốt nghiệp khóa 1 Trường đại học Thủy lợi Hà Nội. Ra trường ông được điều động ngay về Kẻ Gỗ tham gia thiết kế và trực tiếp phụ trách một đơn vị thi công.
Để đảm bảo công trình đạt tiến độ trong ba năm như quyết tâm của chính quyền Nghệ Tĩnh lúc bây giờ, hàng vạn người dân trong tỉnh đã được huy động. Mỗi thanh niên huy động 30 ngày công trong một năm, huy động đầu người tính theo từng địa phương, từng hợp tác xã.
Những thanh niên ở các huyện xa như Chương Dương, Quế Phong cũng lũ lượt về Kẻ Gỗ. Từng đoàn xe tải chở người đổ bộ xuống dọc các cánh rừng, con sông.
“Họ chia nhau từng đại đội, trung đội và sinh hoạt giống như quân đội để thi công. Chỉ cần giao công việc cụ thể, vì đoàn người đến đây đã chuẩn bị tỉ mỉ từ cái cuốc, xẻng đến quang gánh. Họ dựng lều hoặc ở nhà dân. Những đoạn khó nhất người địa phương tại chỗ thi công, đoạn dễ hơn dành cho các thanh niên từ xa đến” - ông Trạch nhớ lại.
Chuyện đào đất đắp đê không khó, nhưng hạng mục đau đầu nhất của những người thi công lúc bây giờ là đập tràn. Bởi đập tràn khi vận hành xả nước sẽ rung lắc mạnh nên đòi hỏi hệ thống cọc chống phải đảm bảo.
“Với công nghệ bây giờ thì có thể khoan bêtông cọc nhồi một cách rất dễ dàng, nhưng lúc đó làm gì có máy khoan. Máy nổ, máy ủi có vài chiếc nhưng không có đủ dầu để chạy. Và tất cả phải dùng sức người” - ông Trạch kể lại.
Giải pháp táo bạo đưa ra là huy động toàn bộ các thợ đào giếng trong toàn tỉnh để thi công gần 300 giếng để đổ cọc.
Ông Trạch nhẩm tính: “Cứ 10 thợ đào giếng một hố cọc, 100 người được 10 hố, 1.000 người được 100 hố... Họ vui vẻ nhận lời và đào ngày đêm, đào rất nhanh bằng dụng cụ chuyên dùng, búa và ròng rọc.
Chẳng bao lâu mọi thứ hoàn thành, tiến độ công trình vượt dự kiến. Từ đó mới thấy được sức mạnh của lòng dân”.
Sau phần hố cọc cho trụ ở cửa tràn, việc đổ bêtông cũng cần đến một lượng lớn nhân lực bởi hàng ngàn khối bêtông mỗi ngày cần phải đổ xuống khi không có băng chuyền. Trước khi đổ bêtông, hàng ngàn thợ rèn được huy động để làm sắt.
Các thợ rèn mang theo dụng cụ của gia đình đến để cắt sắt, uốn, ép và đan thành các tấm lưới rất nhanh. Trong khi các thợ rèn cắt sắt thì hàng ngàn thợ mộc khác dùng cưa, rìu rựa, búa... để chặt cây, cưa gỗ, đóng côppha.
Ngồi trong căn nhà bên ven con kênh xanh rờn nước mát, cụ Nguyễn Thành Tấn, 78 tuổi, một thợ mộc kỳ cựu ở Cẩm Xuyên, nhớ lại rằng đó là những tháng ngày vui tươi và đầy hào hứng nhất của đời mình.
“Thức ăn không nhiều, cơm độn bo bo, nhưng chúng tôi vẫn miệt mài làm trong vui vẻ. Ngày bụi mịt mù, nắng như nung, đêm xuống lợi dụng trăng sáng chúng tôi xẻ gỗ, đóng côppha. Nghĩ đến ngày mai nước về đồng là hăng say lắm!” - cụ Tấn kể lại.
Chuyện xây hồ Kẻ Gỗ - Kỳ 2: Công trình của lòng dân
Chỉ sau hai năm khởi công, nước Kẻ Gỗ đã về đồng - Ảnh: Hữu Khá
Món quà... 10kg gạo
Người Hà Tĩnh ví von hồ Kẻ Gỗ là “biển tây” của tỉnh này. Nhưng dưới mắt các chuyên gia thủy lợi như ông Nguyễn Hoàng Trạch thì Kẻ Gỗ chính là chiếc phao cứu sinh cho hàng vạn người dân nghèo, đồng khô, cỏ cháy.
Được người Pháp khảo sát, thiết kế và thi công, rồi các bộ, ngành trung ương để mắt đến, chứng tỏ Kẻ Gỗ có một vị thế độc đáo nhất định của mình.
“Người dân mình thời đó vừa bước ra khỏi chiến tranh, vốn quen với việc dân công, hỏa tuyến nên việc mỗi người dân bỏ ra vài chục ngày trong năm để đắp đập thì chẳng ăn thua gì. Nhưng điều quan trọng hơn, theo tôi, là việc người dân thấy được tương lai của mình ở công trình này” - ông Trạch trầm ngâm nói.
Hình thức tổ chức và phương pháp thi công mới đã nâng cao năng suất lao động dù tất cả chỉ là thủ công. Chỉ riêng một tháng Công ty thủy lợi 3 đã đổ 2.500m3 bêtông, Công ty thủy lợi 4 đã đưa 350.000m3 đất lên mặt đập chính, bằng lao động trong một quý trước đó.
Cũng trong vòng một tháng Công ty Xây dựng thủy lợi 2 đã làm xong máng Rào Cái, cầu máng lớn nhất, dài nhất từ trước đến nay của ngành thủy lợi Việt Nam.
Chuyện xây hồ Kẻ Gỗ - Kỳ 2: Công trình của lòng dân
Vị trí Hồ Kẻ Gỗ 
Để có đủ vật tư, thiết bị phục vụ cho công trình trọng điểm quốc gia này, các cán bộ cung ứng của tỉnh phải rải khắp từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... tổ chức từng đợt tiếp nhận khẩn trương và vận chuyển thẳng vào công trường.
Ngành ngoại thương của tỉnh Hà Tĩnh phải mở chiến dịch thu mua nông sản để đổi sắt thép cho công trường.
Sau hai năm thi công, hàng vạn người dân của 400 đội, 19 tổng đội đã hoàn thành được đập tràn, kênh chính và dòng nước mát lành chính thức chảy qua các làng mạc.
Ông Trạch nhớ lại rằng từ năm 1975 - 1976 không có một hạt thóc để ăn, đến năm 1980 vẫn còn đói. Vì trước năm 1975 tất cả đều rót về để lo cho miền Nam, năm 1976 hạn hán rồi đói kém diễn ra người dân phải ăn củ chuối, lấy gốc chuối chẻ ra luộc ăn thay cơm.
“Trong dân còn lưu truyền các câu kiểu “Năm tám mươi gạo cũng tám mươi. Dân xứ Nghệ mắt vàng như nghệ” hoặc “Ta nghe trong đó ăn cơm là chuyện lạ”... chứng tỏ hạt thóc lúc đó quý hơn vàng” - ông Trạch kể.
Ngày dòng nước về đồng người dân đứng quanh các con kênh reo hò vui sướng. Nước chảy qua các làng mạc khô cằn làm thay đổi đời sống người dân thấy rõ.
Ba tháng sau khi dòng nước mát từ Kẻ Gỗ chảy về, những cánh đồng bắt đầu trở mình, màu non xanh của lúa tràn ngập hi vọng trên các cánh đồng.
Ông Trạch cho biết không thể nào quên được món quà ấn tượng của một bí thư huyện ủy trong chuyến công tác ra Hà Nội biếu trung ương là 10kg gạo chứa trong túi vải (ruột tượng) quấn quanh người.
Bí thư huyện ủy lý giải đó là sản phẩm từ hồ Kẻ Gỗ mang lại cơm gạo cho người dân.
Nhìn tổng thể hồ Kẻ Gỗ và lợi ích của nó, ông Trạch tự hào nói rằng: “Thời đó chúng tôi làm tất cả chỉ với một nguyện vọng, một ý chí trong sáng là vì người dân. Phải lấy dân làm mục tiêu chứ không thể lấy GDP làm mục tiêu được" 
"Nếu chúng ta chạy theo các chỉ số thì chưa hẳn các chỉ số đó đã quay lại phục vụ cho người dân. Người dân ủng hộ chúng tôi vì họ cũng thấy được tương lai tươi sáng của mình”.
Chuyện xây hồ Kẻ Gỗ - Kỳ 2: Công trình của lòng dân
Dòng nước mát từ Kẻ Gỗ chảy về - Ảnh: Hữu Khá
Hồ Kẻ Gỗ là công trình đầu tay của ngành thủy lợi Việt Nam nên sau khi khởi công, hàng loạt địa phương khác đều cử cán bộ đến đây học hỏi kinh nghiệm.
Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng học về làm hồ Phú Ninh, tỉnh Tây Ninh cử cán bộ đi học về xây dựng hồ Dầu Tiếng, tỉnh Phú Khánh học làm hồ Đá Bàn...

Cái giá của những giọt nước


TTO - Lịch sử sẽ không quên hàng vạn người đã đổ mồ hôi, trí tuệ, một thời xẻ núi ngăn sông, chinh phục thiên nhiên làm nên hồ Kẻ Gỗ. Để được nước tưới cho những cánh đồng, đã có không ít cái giá phải trả.
Cái giá của những giọt nước
Ông Đặng Xuân Thy nhớ về những ngày tháng “nhường đất dỡ nhà” của gia đình mình để xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ - Ảnh: Hữu Khá
Không ít lần giữa đám đông tôi phải nói thẳng với các đồng chí của mình rằng đất nước còn quá khổ, dân quê mình còn quá nghèo nên chúng ta phải gắng sức, phải hi sinh.
Chính bản thân tôi cũng muốn vào đại học, cũng muốn xây dựng cuộc sống riêng cho mình, nhưng xây được Kẻ Gỗ rồi, có gạo rồi chúng ta đi học cũng chưa muộn…
Ông ĐÀO VĂN TINH
Hiến đất, dỡ nhà
Để mong ước của hàng vạn người dân Hà Tĩnh thành hiện thực, những cư dân sinh sống trong lòng hồ chấp nhận dọn nhà đi không chút tiếc nuối.
Cụ Đặng Minh Thư - 88 tuổi, ở cùng con gái tại ngã ba Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) - là một trong hơn 30 hộ dân như vậy.
Tiệm kẹo cu đơ Anh Thư nổi tiếng nhất Hà Tĩnh của vợ chồng cụ Thư bây giờ được bắt đầu từ ngày vợ chồng cụ sinh sống trong lòng hồ Kẻ Gỗ.
Giữa những tháng năm chiến tranh khốc liệt, đói kém, ở tuổi 22 vợ chồng cụ Thư quyết định dọn lên thượng nguồn dòng Rào Cái để mưu sinh.
Những cánh đồng, đồi chè, cam, bưởi, thuốc lá bạt ngàn không cần rào giậu đã nuôi sống vợ chồng cụ cùng bầy con thảnh thơi.
“Khi chính quyền vận động di dời để làm hồ Kẻ Gỗ, mới nghe chủ trương nhà tôi tự nguyện di dời. Tôi về cầu Phủ mua lô đất giá 1.350 đồng để dựng nhà làm cu đơ bởi ước mơ của mình cũng là ước mơ trăm họ.
Ngày trước dân vùng hạ du này chẳng có nước để uống. Hàng ngàn hecta đồng ruộng khô cằn, bụi đỏ mù mịt” - cụ Thư nhớ lại.
Công việc nhà tạm yên, ông cụ cùng bà con chòm xóm kéo nhau lên xây hồ đắp đập. Cụ Thư kể lại: “Ngày đó cực lắm nhưng hăng hái vô cùng. Sáng tối ăn bo bo, sắn lát, vậy mà vẫn tay cuốc, tay xẻng, xà beng cùng nhau gánh vác”.
Con trai cụ Thư, ông Đặng Xuân Thy (62 tuổi), ngày đó cũng cùng cha lên tham gia phá đá, đào sỏi. “Ăn bo bo, cực khổ vậy nhưng sáng đi làm chiều tối về lại hát hò. Nữ đào đất, nam đẩy xe, mỗi ngày làm tám tiếng. Những ngày nắng tranh thủ làm đêm” - ông Thy kể.
Cái giá của những giọt nước
Để tri ân các liệt sĩ đã nằm lại dưới lòng hồ, những người công nhân vận hành hồ Kẻ Gỗ đã xây một miếu tưởng niệm - Ảnh: Hữu Khá
“Hai lần hi sinh”
Một ngày cuối năm 2016, giữa tiết trời giá lạnh chúng tôi cùng các công nhân vận hành hồ Kẻ Gỗ ngược lên phía thượng nguồn. Những người vận hành hồ Kẻ Gỗ nói rằng nơi mà chúng tôi sắp đến là “nghĩa trang dưới lòng hồ.”
Trong tâm trí ông Phan Khắc Quỳnh, nguyên bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), dưới lòng hồ bây giờ ngày xưa có con đường 22, sân bay Li Bi, trạm xá dã chiến.
Vào những ngày cuối năm 1972, ở bên bờ Ngàn Mọ gần đường 22, sân bay Li Bi, trạm xá dã chiến liên tục bị kẻ thù đánh phá ác liệt. Người dân Cẩm Mỹ và bộ đội ta chịu hậu quả nặng nề, có đến 137 người hi sinh.
Ông Quỳnh kể ngày chiến tranh kết thúc, dân Nghệ Tĩnh bước vào cuộc chiến đấu với đói nghèo nên ngay cả việc tìm kiếm di dời hài cốt mồ mả của người thân, đồng đội trong lòng hồ đành tạm thời khép lại.
Ngày hồ Kẻ Gỗ tích nước, sân bay Li Bi, chứng tích một thời oanh liệt, đã nằm lại dưới lòng hồ.
Và những người lính hi sinh chiến trận năm xưa chưa kịp cải táng như hi sinh thêm lần thứ hai cho Tổ quốc để có dòng nước tưới cho dân mình được ấm no.
Bây giờ với những cựu binh như ông Quỳnh, hàng chục năm qua dưới lòng hồ nhiều hài cốt của bạn ông ngấm vào dòng nước mát cho mùa màng sinh sôi.
Vào đầu những năm 1990 khi dòng nước Kẻ Gỗ tràn đầy, áo cơm tạm no đủ, những cựu binh năm xưa trở về lòng hồ để tìm đồng đội.
Nhưng nơi ngày xưa các anh, các chị tuổi mười tám đôi mươi nằm lại là biển nước mênh mông nên cuộc tìm kiếm không hề đơn giản. Mãi đến đầu những năm 2000 sau khi có nhiều người dân đánh cá trong lòng hồ phát hiện những ngôi mộ hiện lên khi nước rút, xã Cẩm Mỹ mới bắt đầu cho cất bốc.
Ông Quỳnh nói đến giờ chưa ai thống kê đầy đủ có bao nhiêu người đã hi sinh trên tuyến đường 22, sân bay Li Bi và trạm xá dã chiến. Do nhiều lực lượng, đơn vị tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nhiều đoàn quân đến rồi lại đi.
Chiến tranh, lưu tán, đồng đội ở xa, khó khăn cách trở, chiến trường xưa đã chìm trong biển nước nên việc định hình danh tính từng người thật không dễ. Có bao nhiêu ngôi mộ của đồng chí, đồng đội đang ở dưới lòng hồ mà chưa thể đưa về?
Và rồi công việc tìm kiếm lại tiếp tục bằng sự miệt mài của các cựu chiến binh cùng nỗ lực đầy trách nhiệm của cơ quan quân sự địa phương.
Ban chỉ huy quân sự huyện Cẩm Xuyên đã thành lập đoàn công tác đặc biệt để quy tập hài cốt các liệt sĩ hi sinh trên tuyến đường 22, sân bay Li Bi và trạm xá dã chiến thuộc vùng lòng hồ Kẻ Gỗ. Đến nay đã có 87 bộ hài cốt được đưa về nghĩa trang.
Để tưởng nhớ, tri ân những người đã hi sinh, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đã dựng lên tại tuyến đường 22, bên lòng hồ, cạnh sân bay Li Bi năm xưa một miếu thờ để đồng đội, du khách thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Vậy là sau bao nhiêu năm nằm trong lòng hồ, bây giờ các liệt sĩ ấy đã được mai táng.
Đánh thức Kẻ Gỗ
Ông Nguyễn Duy Hoàn, phó giám đốc Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh, cho biết hồ Kẻ Gỗ có vẻ đẹp thầm lặng, thanh tịnh cả bốn mùa. Không ít du khách trong và ngoài nước đã tự nguyện tìm đến đây để tận hưởng vẻ đẹp này.
Hồ Kẻ Gỗ len lỏi giữa các triền núi, bao quanh là những rừng cây ngút ngàn. Hồ tựa như chiếc gương khổng lồ soi bóng những rừng cây điệp trùng tỏa bóng mát quanh năm. Trên mặt hồ là những ốc đảo nhỏ với nhiều vẻ kỳ bí.
Hiện nay ngành du lịch Hà Tĩnh đang tập trung xúc tiến lập các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và các hệ thống dịch vụ để xây dựng nơi đây thành một khu du lịch sinh thái tổng hợp có nhiều loại hình giải trí như đua thuyền, lướt ván, leo núi, câu cá cùng các khu thể thao.
Theo đó sẽ xây dựng các vườn thú, vườn chim, vườn cây cảnh. Ông Hoàn cũng tin rằng những ý tưởng về dự án này một ngày không xa sẽ trở thành hiện thực.

Những ngày bão lũ


TTO - Mỗi mùa lúa bội thu đi qua người nông dân Hà Tĩnh càng biết ơn những thử thách khốc liệt mà người công nhân hồ Kẻ Gỗ đã ngày đêm “giữ nước” để đủ tưới tắm cho đồng ruộng. 
Chuyện xây hồ Kẻ Gỗ - Kỳ 4: Những ngày bão lũ
Mùa xả lũ ở đập tràn hồ Kẻ Gỗ - Ảnh: Văn Định
Ngày lũ đến mình tính toán, dự báo không kỹ là “chết” liền. Xả nước sớm quá, lỡ trời không mưa tiếp coi như vụ mùa năm sau bà con nông dân phải chịu cảnh khô hạn, mất mùa. Nhưng ngược lại nếu không xả, cố tích nước quá đầy đến khi mưa bão ập đến bất thường thì nguy cơ vỡ hồ cuốn trôi dân
Trạm trưởng Trần Anh Tuấn
Với những người đang đảm trách việc vận hành hồ Kẻ Gỗ, cuộc đời của họ chỉ biết “lo nước cho dân mình”.
Giữ hay xả nước
Việc xả nước hay giữ nước hồ Kẻ Gỗ vào ngày mưa bão là cuộc tính toán đầy cam go. Ông Phan Đình Phòng, người con Hà Tĩnh đã gắn đời mình với hồ Kẻ Gỗ.
29 năm làm công nhân vận hành hồ Kẻ Gỗ, với ông Phòng mỗi mùa mưa lũ đi qua là một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên. Ngày mưa bão đến cũng như người lính ra trận vậy, họ xa vợ con, quân số dồn về ở hồ đập không thiếu một người.
Chúng tôi lên hồ Kẻ Gỗ vào chiều mưa lũ tầm tã cuối tháng 11-2016. Đứng trên thân đê nghe rõ tiếng nước ầm ầm từ khe suối dội về. Nhìn lên thượng nguồn, hồ Kẻ Gỗ trong phút chốc đã trở thành biển nước ầm ào.
Chiều tối, trong căn nhà đơn sơ nép bên triền đê, những người công nhân trạm thủy nông Kẻ Gỗ túc trực 100% quân số.
Ông Phòng tâm sự: “Mấy chục năm rồi chưa có mùa mưa lũ nào tôi được ở nhà với vợ con vì phải nằm lại ở hồ Kẻ Gỗ. Mình không có mặt lúc mưa bão ập đến thì vợ con ở nhà chống chọi rất khó nhọc. Anh em ở đây ai cũng cố khép lại thiệt thòi của gia đình để giữ cho Kẻ Gỗ bình yên. Chứ nếu hồ Kẻ Gỗ mà xảy ra sự cố thì không chỉ gia đình mình mà mạng sống hàng vạn dân quê bị đe dọa”.
Trời chập choạng tối, trên triền đê hồ Kẻ Gỗ những toán công nhân vẫn lăn lộn dưới cơn mưa rát mặt. Mỗi người mỗi việc, người xuống kiểm tra thân đê, người chăm chăm đo lượng nước về hồ. Còn trong sở chỉ huy, người trạm trưởng trẻ tuổi Trần Anh Tuấn đứng ngồi không yên.
Chàng trai trẻ chưa vợ con mặt căng thẳng cầm điện thoại để nhận tin báo về lượng mưa.
Lo lắng nhìn cơn mưa đang xối xả, Tuấn nói: “Ngày lũ đến mình tính toán, dự báo không kỹ là “chết” liền. Xả nước sớm quá, lỡ trời không mưa tiếp coi như vụ mùa năm sau bà con nông dân phải chịu cảnh khô hạn, mất mùa.
Nhưng ngược lại nếu không xả, cố tích nước quá đầy đến khi mưa bão ập đến bất thường thì nguy cơ vỡ hồ cuốn trôi dân. Cho nên ở đây anh em cán bộ công nhân ý thức được công việc mình mang vác có liên quan đến sinh mạng vài chục vạn người.
Không cho phép sự cẩu thả trong công việc, vì chỉ cần dự báo sai, tính toán không chuẩn xác là hậu quả đến tức thì và không lường hết”.
Đêm mưa bão có mặt ở hồ Kẻ Gỗ mới thấu hiểu được sự vất vả của người công nhân vận hành hồ. Dù đã được phân công kíp trực bảo vệ hồ nhưng đêm bão đến không ai dám nghỉ ngơi. Mưa dội xuống ầm ầm trong tiếng gió mạnh càng khiến người vận hành hồ không thể chủ quan.
Nửa đêm, ông Phòng cùng anh em công nhân chia nhau bám trụ bờ đê.
Ông Phòng nói: “Ngày mưa bão đổ về thì nhiệm vụ của anh em công nhân tụi mình là bám chặt thân đê. Có khi phải ăn ngủ cả tháng trời bên bờ đê. Những đêm mưa gió thế này tụi mình không dám ngủ, phải túc trực thay nhau kiểm tra kỹ từng cung đoạn mái đập, thân đập, ống cống, đo dung tích, cao trình chính xác.
Nếu có tình huống khẩn cấp thì hội ý chớp nhoáng với cấp trên qua bộ đàm, việc xả nước để bảo vệ an toàn hồ Kẻ Gỗ được thực hiện một cách nhanh chóng”.
Cứu đập là cứu dân
Ông Phạm Đăng Nhật, nguyên giám đốc Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh (hiện là chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, đơn vị quản lý hồ Kẻ Gỗ), nói có trải qua những ngày tháng là người chỉ huy vận hành hồ trong mưa bão ông thấu hiểu sự hi sinh, vất vả của anh em vận hành.
Với họ, mỗi mưa mùa lũ tới như bước vào một cuộc chiến đấu.
Với ông Nhật, cuộc thử thách cam go và quyết liệt nhất là trận lũ lịch sử xảy ra tháng 10-2010.
Ông Nhật tâm sự: “Dấu ấn của trận lũ ấy cứ mãi in đậm trong tâm trí của tôi. Thời điểm đó, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng liên tiếp xảy ra hai trận lũ (lũ chồng lũ) có tổng lượng mưa rất lớn (2.031mm), chiếm 77% tổng lượng mưa bình quân nhiều năm của cả năm và có cường suất mưa lớn nhất từ trước tới nay. Lúc đó tổng lượng nước đổ về hồ Kẻ Gỗ là 385,2 triệu m3.
Để bảo đảm các mục tiêu trong quản lý vận hành hồ chứa nước ở điều kiện bất thường như thế, công tác điều tiết xả lũ hết sức căng thẳng và khó khăn, nhất là quyết định khối lượng xả, thời điểm xả”.
Ông Nhật nói trước nguy cơ vỡ đập, ngay lập tức tất cả lãnh đạo chủ chốt của Hà Tĩnh đã có mặt ở thân đập để chỉ huy ứng phó. Qua thực tế kiểm tra, họ đã đưa ra quyết định sáng suốt. Lúc đó phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh là ông Lê Đình Sơn đã yêu cầu xả lũ ở mức nước vừa phải, và phải xả trong thời gian dài.
Tận dụng thời điểm đó triều cường từ biển xâm nhập vào hạ du ở mức thấp nhất, các vùng ở hạ du chưa bị ngập, nước xả từ Kẻ Gỗ đổ về thoát ra biển rất nhanh.
Ngoài ra, để xả lũ chủ động tránh gây bất ngờ cho dân, thông tin báo việc xả nước được thông báo đến tận dân trước sáu tiếng để họ chủ động ứng phó.
Để đưa ra quyết định xả nước, sở chỉ huy đã ra lệnh cập nhật đầy đủ thông tin về diễn biến trận lũ, lượng mưa, thủy triều, mực nước đo tại các trạm... đồng thời vận dụng tối đa các thông số, đặc tính, dung tích hồ chứa, kịp thời xử lý thông tin, số liệu thực tế để tính toán đưa ra phương án về lưu lượng xả lũ thực và thời gian xả thực một cách hết sức khoa học, linh hoạt để tham mưu điều tiết xả lũ.
“Chính việc điều tiết lũ kịp thời đã tránh được một thảm họa. Sau trận lũ lịch sử, điều mừng nhất là những vùng dân cư gần địa phận hạ du hồ Kẻ Gỗ tuy có ngập nhưng không sâu, không có xã nào bị thiệt hại lớn về người và tài sản.
Chính vì vậy mà nhân dân ở vùng phụ cận hồ Kẻ Gỗ rất ghi nhận việc đơn vị linh hoạt, khoa học, quyết đoán, xả lũ vừa cứu được đập lại cứu được dân, vừa tích đủ nước phục vụ nhân dân” - ông Nhật nói.
Hồ Kẻ Gỗ trước khi xảy ra trận lũ lịch sử tháng 10-2010, mức nước trong hồ đã ở cao trình 26,54m, tương đương trong hồ đã tích giữ sẵn một lượng nước là 192,8 triệu m3.
Về tổng lượng nước đổ về lòng hồ Kẻ Gỗ tổng cộng 385,2m triệu m3, cộng với lượng nước đã có sẵn, hồ Kẻ Gỗ phải chịu sự uy hiếp của một khối lượng nước vô cùng lớn là 578 triệu m3 (trong đó dung tích thiết kế của hồ Kẻ Gỗ chỉ là 345 triệu m3), nghĩa là chúng ta phải xả xuống hạ du ít nhất 233 triệu m3 nước.
Theo ông Nhật, với tổng lượng lũ, lưu lượng đỉnh lũ khủng như vậy, thời gian tập trung lũ nhanh của trận lũ lịch sử, nếu chúng ta điều tiết xả lũ không kịp thời thì nước có thể không những làm vỡ tràn sự cố, làm vỡ đập hồ Kẻ Gỗ mà sẽ tràn vượt lên trên đỉnh đập với mức cao nhất khoảng 3,4m và vấn đề thảm họa sẽ xảy ra ở hạ du không thể lường trước được.
TẤN VŨ - HỮU KHÁ

Bài hát một thời của Nguyễn Văn Tý


TTO - Bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của nhạc sĩ được cả nước biết đến. Còn những người con của Hà Tĩnh bảo rằng ở đất này không ai là không lẩm nhẩm bài hát ấy.
Bài hát một thời của Nguyễn Văn Tý
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xem lại ca từ bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ do ông sáng tác cách đây 41 năm - Ảnh: Y.Trinh
Họ đi thành từng đoàn, từng tốp, cùng nhau làm việc, nói cười. Nhiều cảnh tượng làm tôi xúc động, nhất là trên công trường nắng chang chang họ luôn tranh thủ làm việc để việc xây hồ hoàn thành đúng hạn
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Khi hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xây dựng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được mời đến nơi này một chuyến. Sống trong không khí người người sôi nổi bạt đá xây hồ, người nhạc sĩ của quê hương xứ Nghệ đã viết bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ.
Viết cho quê hương
Chiều Sài Gòn nắng nhạt, căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khuất trong con hẻm đường Trần Khắc Chân, Q.1. Điều làm chúng tôi xúc động là dù đã 92 tuổi và trải qua cơn tai biến cách đây vài năm, nhưng khi nhắc đến bài hát, nhạc sĩ vẫn gật đầu: “Nhớ chứ!”.
Trên chiếc giường sắt, khó nhọc với đôi chân đã liệt hẳn, người nhạc sĩ già kể cho chúng tôi nghe những ký ức tươi vui gắn liền với bài hát.
“Tôi nhớ lúc đó ông Trần Quang Đạt, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, mời tôi đến thăm công trình hồ Kẻ Gỗ. Dù lúc đó cũng bận rộn công việc nhưng tôi sắp xếp đi ngay” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhớ lại và cho biết lúc đó ông 51 tuổi, cùng gắn bó với hàng vạn con người làm hồ Kẻ Gỗ trong một tháng trời.
Chính từ sự thấu hiểu, cảm phục sức người phá đá đào sỏi, nhạc sĩ đã viết Người đi xây hồ Kẻ Gỗ với những ca từ vừa đẹp đẽ vừa mạnh mẽ.
Để có cảm hứng sáng tác, ban ngày nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý quan sát công trình, tối đến cùng anh em trong đoàn văn công trải chiếu ngủ ngay dưới thềm một ngôi chùa.
Chủ tịch tỉnh đến thăm, thấy chỗ ngủ không được tốt thì bảo ông ra nghỉ khách sạn nhưng ông từ chối vì ông thấy thích ở đây hơn bởi được gần gũi mọi người, được hiểu hơn về việc xây hồ Kẻ Gỗ, về cuộc sống sinh hoạt của bà con nông dân...
Theo như bộc bạch của ông, ca từ bài hát phải sát với thực tế của mảnh đất, con người nơi đây mới dễ đi vào lòng người.
Đến giờ, dù tuổi tác sắp phản bội trí nhớ nhưng ông vẫn nhớ như in cảnh vật ngày ấy: “Họ đi thành từng đoàn, từng tốp, cùng nhau làm việc, nói cười.
Nhiều cảnh tượng làm tôi xúc động, nhất là trên công trường nắng chang chang họ luôn tranh thủ làm việc để việc xây hồ hoàn thành đúng hạn”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cho biết trong đời ông, đó là lần đầu tiên chứng kiến sức người được huy động tối đa cho một công trình xây dựng có ý nghĩa to lớn như thế.
Sau một tháng sống nơi công trường xây dựng hồ Kẻ Gỗ, nhạc sĩ viết liền một mạch bài Người đi xây hồ Kẻ Gỗ và hầu như không chỉnh sửa gì sau khi hát lại.
Ông nói với vẻ khiêm tốn: “Có lẽ năng khiếu sáng tác của tôi thể hiện ở chỗ khi cảm xúc vụt đến là viết ngay, giống như những bài Dư âm, Mẹ yêu con vậy. Nhờ đó ý tứ liên tục, tự nhiên. Tôi chọn làn điệu dân ca để thể hiện bài hát vì tôi sinh ra nơi vùng đất truyền thống dân ca, thở ra là nghe hơi dân ca rồi”.
Bản nhạc hoàn thành, ông đưa cho ông Lê Hàm (lúc đó là trưởng đoàn văn công) và những thành viên khác trong đoàn góp ý. Mọi người đều vui mừng vì sắp được nghe một bài hát có tính cổ vũ tinh thần xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ.
Sau đó, bản nhạc được đưa cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và những người phụ trách công trình hồ Kẻ Gỗ. Rồi một cô gái trong đoàn văn công có tên là Thanh Huyền nhận lời trình diễn bài hát.
“Tôi chỉ cho cô ấy cách hát, lên xuống giọng từng câu một. Chỗ nào cô ấy hát không đúng tôi sửa ngay, cô ấy có chất giọng hay và hát rất tốt” - ông nhớ lại.
Bài hát được duyệt rồi phát trên đài phát thanh liền sau đó. Ngày nào bài hát cũng vang trên loa ở công trường hồ Kẻ Gỗ. Người nghe cũng lẩm nhẩm hát theo rồi thuộc lòng, bởi thật sự từng ca từ thân quen như làn gió mát động viên hàng vạn người đang đổ mồ hôi xây hồ.
Bài hát một thời của Nguyễn Văn Tý
Trụ lấy nước trên lòng hồ Kẻ Gỗ - Ảnh: Tấn Vũ
Gửi tấm lòng trong từng câu hát
Khi lắng nghe thật kỹ ca từ của bài Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, người nghe sẽ thấy trong đó rất nhiều ý tứ và cả tấm lòng của người nhạc sĩ gửi gắm.
Ngay từ câu mở đầu “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn, mà đời không ngại đào mấy con kênh”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bảo rằng “chúng mình” là chính bản thân tác giả và những người nông dân, nhân công trên công trường - những người đang chứng kiến công trình được xây dựng và sắp hoàn thành.
Sự đóng góp của những nam nữ nhân công ngày ngày được ông thể hiện nhịp nhàng qua ca từ “tay anh phá đá, tay em đào sỏi”.
Nghe bài hát, người ta có thể tưởng tượng một vùng đất từ trong gian khó, đất đai cằn cỗi, rồi đến giai đoạn xây hồ chứa nước, rồi viễn cảnh “từng đàn cá lượn cây lúa thêm nặng bông”, “cho điện giăng dây, cho máy về thôn xóm”...
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nói rằng ông thích nhất đoạn thứ ba trong toàn bài hát, vì nó kết tinh nỗi lòng những ngày ông gắn bó với các nhân công nơi hồ Kẻ Gỗ.
“Hầu hết nam nữ độ tuổi thanh niên tham gia công trình này vừa trải qua thời học sinh hoặc vừa từ chiến trường trở về. Với một số đôi tay thì những việc như phá đá đào sỏi là chưa từng làm” - ông nói.
Lắng nghe tâm tình sâu kín của họ, ông cảm nhận được tinh thần cống hiến và còn vấn vương những kỷ niệm tuổi học trò: “Ngày ta đi học em nói thích nghề gì. Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ. Thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi. Cũng ngày phượng nở hai đứa mình ra đi”.
Những câu hát thấp thoáng tình yêu con người, tình cảm đôi lứa và sự trưởng thành của tuổi trẻ mới đẹp làm sao!
Sau này, khi ông ra lại Hà Tĩnh công tác, ông rất bất ngờ khi một cán bộ phụ trách mảng thủy lợi của khu vực hồ Kẻ Gỗ tìm đến và nói với ông lời cảm ơn.
“Tôi nhớ chú ấy bảo đã thầm lặng làm công tác thủy lợi bao nhiêu năm trời, khi nghe bài hát của tôi chú ấy cảm thấy như được khen ngợi vậy” - ông kể.
Người nhạc sĩ ở tuổi gần đất xa trời này bộc bạch với chúng tôi rằng ông muốn được trở lại thăm hồ Kẻ Gỗ một lần nữa.
Và dù bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ không phải là bài ông tâm đắc nhất trong cuộc đời sáng tác của mình, nhưng ông vẫn dành nhiều tình cảm cho nó bởi nó gắn với con người và quê hương xứ sở của ông.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ở Nghệ An, từng tham gia phong trào Việt Minh, rồi làm trưởng đoàn văn công của sư đoàn 304 và một số chức vụ trong hoạt động văn nghệ cách mạng.
Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những sáng tác đi cùng năm tháng của mình. Giờ đây, ông quanh quẩn trong căn phòng rộng chừng hai chiếc chiếu và trải qua tuổi già cô độc (người vợ đầu của ông đã mất sau khi sinh con được một năm, người vợ sau này cũng qua đời, con ở xa).
Khi nhìn sâu vào đôi mắt mờ đục của ông, chúng tôi cảm giác những năm tháng sáng tác rực rỡ chỉ còn là những tiếng vọng và cuộc đời dường như đã lãng quên ông.
Những kỷ niệm về hồ Kẻ Gỗ của người nhạc sĩ già rồi cũng sẽ cuốn theo gió, chỉ còn giai điệu của nó ở lại với đời.
YẾN TRINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét