(Emdep.vn) - Dù là một trong những huyện miền núi xa xôi và nghèo nhất Điện Biên nhưng Tủa Chùa vẫn đủ sức quyến rũ du khách với vẻ đẹp hoang sơ và tràn đầy sức sống.
Nhắc đến Điện Biên, du khách thường nghĩ đến khu di tích Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin, Mường Lay hay điểm cực tây A Pa Chải của Tổ quốc. Tuy nhiên, mảnh đất Tây Bắc hữu tình này còn nhiều địa điểm đẹp mà Tủa Chùa là một trong số đó. Trong chuyến du xuân đầu năm 2017, chúng tôi đã thêm Tủa Chùa vào danh sách những địa điểm mà nhóm sẽ đi qua trong hành trình đến với Điện Biên.
Không khó bắt gặp những cây hoa gạo nở sớm trên đường đến Tủa Chùa.
Vẻ đẹp hoang sơ, yên bình của vùng đất rẻo cao.
Tủa Chùa là huyện lị giáp với Sìn Hồ (Lai Châu) ở phía Bắc, phía Nam giáp huyện Tuần Giáo, phía Đông giáp huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) và phía Tây giáp huyện Mường Chà. Với diện tích 68.526ha, Tủa Chùa được coi là "tiểu Hà Giang" của Việt Nam vì có đến 70% diện tích đất tự nhiên là núi đá vôi.
Ở độ cao hơn 1400m so với mực nước biển, huyện miền núi Tủa Chùa của Điện Biên được ví như “cổng trời” của vùng Tây Bắc Việt Nam.
Con sông Đà êm đềm chảy qua huyện Tủa Chùa.
Từ trung tâm huyện Tủa Chùa, nhóm chúng tôi theo con đường tỉnh lộ 129, vượt qua quãng đường dài hàng chục km với nhiều đoạn uốn lượn, vượt núi, dốc cao và vực sâu để đến với "tiểu Đồng Văn".
Tủa Chùa được coi là "tiểu Hà Giang" vì 70% diện tích là núi đá.
Tủa Chùa là nơi sinh sống của người Mông, chủ yếu là Mông đen. Thời gian sau Tết đối với người Mông khá quan trọng, vì đây mới là thời điểm những hoạt động du xuân mới chính thức nhộn nhịp. Mỗi xã đều có điểm vui chơi thu hút người dân tham gia dù để tới địa điểm đó, có người phải đi bộ vài tiếng đồng hồ.
Những bé gái người Mông ở Tủa Chùa nổi bật với sự hồn nhiên, chân chất.
Các bé gái nô nức đến hội xuân.
Tới thăm Tủa Chùa vào những ngày đầu xuân, có thể thấy không khí lễ hội rộn ràng khắp nơi. Tủa Chùa hoang sơ nhưng đẹp ngỡ ngàng như một cô thiếu nữ vừa bừng tỉnh sau giấc ngủ đông. Rộn ràng nhất những ngày sau Tết chính là điểm vui chơi ở mỗi xã. Các trò chơi truyền thống luôn thu hút người dân, đặc biệt là trò chơi ném pao. Với người Tủa Chùa, qua trò chơi này, các thanh niên có thể làm quen, tìm hiểu nhau để kết bạn, trò chuyện. Và sau chuyến du xuân đầu năm, không ít người đã thành đôi thành lứa.
Thiếu nữ chơi ném pao ở Tủa Chùa. Qua trò chơi này, các nam nữ thanh niên người Mông có thể làm quen, tìm hiểu, trò chuyện với nhau.
Mỗi xã ở Tủa Chùa đều có một điểm du xuân thu hút rất đông người dân tới tham gia.
Ngoài ra, tới thăm một trong những huyện miền núi xa xôi và nghèo nhất ở Điện Biên này, ghé thăm các bản làng để tìm hiểu cuộc sống của người dân cũng là một trải nghiệm thú vị. Chuyến đi khiến chúng tôi bất ngờ nhận ra rằng phụ nữ Mông ở đây dường như ai cũng biết khâu vá. Vì thế hầu như nhà nào cũng có máy may.
Một số thông tin thêm cho chuyến đi tới Tủa Chùa
- Xe máy là phương tiện thích hợp nhất vì có thể đi sâu vào các xã.
- Tủa Chùa còn khá hoang sơ, người dân hiền lành, dễ gần nên dịch vụ chưa có nhiều. Bạn có thể nghỉ tại khách sạn ở ngay trung tâm thị trấn Tủa Chùa. Khách sạn rộng rãi, sạch sẽ, nấu ăn ngon, giá từ 200.000/phòng.
- Nếu định vào các xã ở vùng sâu, bạn có thể mua đồ ăn như gà luộc, xôi, bánh nếp, hoa quả ở chợ Tủa Chùa.
- Đặc sản ở Tủa Chùa lá chè Shan Tuyết cổ thụ được trồng trên núi cao. Bạn có thể ghé các gia đình người Mông chuyên làm chè để mua về làm quà.
- Tủa Chùa còn khá hoang sơ, người dân hiền lành, dễ gần nên dịch vụ chưa có nhiều. Bạn có thể nghỉ tại khách sạn ở ngay trung tâm thị trấn Tủa Chùa. Khách sạn rộng rãi, sạch sẽ, nấu ăn ngon, giá từ 200.000/phòng.
- Nếu định vào các xã ở vùng sâu, bạn có thể mua đồ ăn như gà luộc, xôi, bánh nếp, hoa quả ở chợ Tủa Chùa.
- Đặc sản ở Tủa Chùa lá chè Shan Tuyết cổ thụ được trồng trên núi cao. Bạn có thể ghé các gia đình người Mông chuyên làm chè để mua về làm quà.
Minh Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét