Theo ông Phạm Đình Đôn - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Định, chính những bãi xỉ sắt to lớn ngày trước được tìm thấy ở quanh thành Hoàng Đế và vùng lân cận đã cho biết tổ tiên của những làng rèn bên thành Hoàng Đế này đã chế tác nên binh khí cho nghĩa quân Tây Sơn.
Còn chủ lò rèn Nguyễn Văn Ngọc (74 tuổi, ở Nam Tân) nói: “Cha tui kể lại rằng vị tổ nghề rèn của Nam Tân từ Nghệ An vào đây mở lò, truyền nghề cho nhiều người trước cả thời Tây Sơn. Đến thời Tây Sơn thì thợ rèn ở đây đã có đông rồi, họ chuyên lo rèn đao, kiếm với các khí giới khác cho quân Tây Sơn...”.
TTO - Làng An Thái - thị tứ nổi tiếng với câu ca truyền đời “Trai An Thái, gái An Vinh” nhằm ngợi ca tài võ của trai tráng làng này và những nữ lưu làng An Vinh bên kia sông Côn.
|
Bãi phơi bún khô, bánh tráng bên sông Côn của làng An Thái lúc cuối ngày - Ảnh: Trường Đăng |
Ngôi làng này cũng là thủ phủ của hai nghề bún và bánh tráng truyền thống được xem là hai món lương khô của hùng binh Tây Sơn ngày trước...
Song thằn - bún khô bí truyền
Xế chiều, nổi bật lên như một bức tranh quê sống động, kỳ thú là bãi cát dài gần một cây số ở bờ hữu sông Côn với hàng hàng lớp lớp những liếp bún, liếp bánh tráng phơi ken kín bãi cát bồi của An Thái.
“Trời mấy bữa nay nắng chưa mạnh nên bà con làm bún, làm bánh tráng ít phơi, chứ lúc nắng mạnh, ai cũng làm hết công suất thì bãi cát rộng 28ha này kín hết chỗ phơi. Đó là chưa kể một số bãi phơi riêng của một số chủ lò trong làng...” - ông Nguyễn Dũng Sửu, phó trưởng thôn An Thái, cho biết.
Bên mái trại lợp tôn được dựng ở mép bãi cát sát lũy tre làng, chủ lò Bùi Quang Minh (46 tuổi) đang cùng vợ và hai nữ nhân công buộc dây cho những lọn bún dài vừa mới mang từ bãi phơi vào.
“Trời còn nắng yếu, bữa nay nhà tui chỉ làm 5 tạ gạo, ngày nắng mạnh làm đến 7-8 tạ. May mình có bãi cát bên sông được nắng được gió phơi mau khô hơn chỗ khác. Làm cực nhưng có bạn hàng đến nhà mua sỉ đưa đi các tỉnh phía Nam, phía Bắc, vô đến Sài Gòn, lên đến Tây nguyên...” - chủ lò Minh nói.
|
Nhân công ở lò bún của ông Bùi Quang Minh bó bún khô dề (bó dài) thành từng bó nhỏ - Ảnh: H.V.M. |
Chuyện nghề bún, nghề bánh tráng ở đây có bước tiến nhảy vọt như bây giờ là điều người An Thái không bao giờ dám nghĩ đến.
Phó trưởng thôn Sửu nói chính ông cũng giật mình trước sự thăng tiến của nghề bún khô cách đây chừng 20 năm. Sau ngày thống nhất, người làm bún lá An Thái lo nhất là nguồn gạo, mỗi lò mỗi ngày chỉ làm chừng 10kg gạo là cùng.
Đến khi nguồn gạo dồi dào, nghĩ ra cách làm bún lọn, bún dề, tìm ra được thị trường nhưng cách làm thủ công vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu thị trường bởi mỗi lò mỗi ngày chỉ làm được chừng 50kg gạo là cùng.
Vậy là theo gợi ý của người làm bún, những người thợ cơ khí trong làng qua mò mẫm nghiên cứu đã chế tác thành công máy làm bún bán cho họ.
Phó trưởng thôn Sửu không giấu được vẻ phấn khích khi nói về sức sản xuất đã có từ mấy năm nay của nghề bún khô của làng mình: “Không tính những lò bún nhỏ, chỉ tính sáu lò bún lớn, trong đó mỗi lò mỗi ngày làm 3 tấn gạo so với ngày trước đúng là một trời một vực...”.
Nhưng đậm nỗi tự hào của người An Thái bên cạnh các loại bún khô của làng mình được đưa đi nhiều nơi chính là ở bún “song thằn” - đặc sản riêng có của An Thái.
Cùng với môn võ Tàu Bình Định, bún song thằn là di sản quý giá mà lớp Hoa kiều Minh Hương đến lập cư và có công làm hưng phát thị tứ An Thái bên châu thổ sông Côn từ đầu thế kỷ thứ 18.
“Bà Lý Thị Hương, 90 tuổi, mẹ chồng tui hiện còn sống, là người thừa kế cách làm bún song thằn từ ông ngoại của bà” - bà Tạ Thị Đắt (66 tuổi), người cùng chồng và con cái làm chủ cơ sở chế biến loại bún khô được làm bằng tinh bột đậu xanh, nói về nguồn gốc của loại bún lạ với tên gọi cũng khá lạ này.
“Bánh tráng ở đây có đủ loại mỏng, dày, được người buôn đưa đi nhiều nơi trong nước, vẫn chưa đáp ứng đủ cho thị trường, người mở nghề mỗi năm mỗi tăng. Nhờ vậy nên đời sống dân làng ngày một khá lên…”
|
Phó trưởng thôn Sửu |
Khó nói hết công phu, kỹ xảo của việc khuấy sôi tinh bột đậu xanh thành hồ đặc, rồi trộn thêm tinh bột đậu xanh khô vào nhồi nhuyễn thành từng khối nhỏ cho vào chiếc muỗng có đục lỗ, qua sức nhấn của bàn tay ép bột đi qua lỗ muỗng biến thành những sợi bún dài rơi xuống nước sôi, xong vớt lên chờ nguội để phơi trên vải được trải trên tấm liếp nan.
Tồn tại ngót 200 năm, song thằn được xem là loại bún cao cấp, cung không đủ cầu, người làm loại bún này ở An Thái không có nhiều bởi đây là nghề gia truyền với nhiều bí quyết.
“Mùa nắng mỗi ngày cả nhà tui làm được chỉ 50kg bún khô, mỗi ký bún khô cần đến 1,2kg tinh bột đậu xanh, mà 1kg tinh bột đậu xanh khô phải cần đến 4kg đậu xanh vỏ. Cái khó là bún song thằn phải làm toàn thủ công, nhà tui đã thử làm máy ép nhưng không được, cả máy sấy cũng không dùng được luôn, phải phơi nắng mạnh nội trong ngày mới được...” - bà Đắt kể.
Từ tinh bột đậu xanh làm ra, bún song thằn không chỉ bổ dưỡng mà còn ngon với hương vị đặc trưng, dù xào nấu lâu sợi bún vẫn giữ được độ mềm, độ dai vừa phải chứ không dẻo, lềnh, để qua đêm vẫn ăn ngon.
“Gọi là bún song thằn là vì khi mình trải bún phơi trên liếp thì luôn trải thành hai miếng (lá) dài đặt song song nhau, mỗi miếng bún dài trông giống như một sợi dây.
Vậy nên cụ tổ Hồ Văn Mới gọi tên bún này là bún song thằn, nghĩa là hai dây. Mình có được nghề làm ăn vững chắc, có được loại bún quý đưa đi trong nước, ngoài nước là nhờ cái công của cụ tổ...” - chị Võ Thị Hồng Phương, con gái bà Tạ Thị Đắt, giải thích.
36 lò bánh tráng máy
Nghề bánh tráng từ tổ phụ để lại cũng đã góp phần giữ lại di sản thị tứ của người An Thái. Sự phấn phát của làng quê này có sự góp vào của nghề bánh tráng.
Chủ lò Phạm Đình Dương (44 tuổi) tâm sự: “Cha mẹ tui trước làm bánh tráng nhưng tui lại làm thợ nề. Đến khi tui chuyển qua làm bánh tráng thì mới khá lên. Mười năm nay nhờ sắm được máy tráng bánh nên khá lên nhanh, mỗi ngày mình tráng hết 150kg gạo.
Vậy mà không đủ bán cho bạn hàng. Nghề bánh tráng, nghề bún khô phát đạt làm cho An Thái mình rộn rịp lên nhiều lắm. Chủ lò ai cũng làm quần quật nhưng thấy vui lắm...”.
Từ cách làm thủ công, mười năm nay hầu hết các chủ lò bánh tráng ở An Thái đã mua sắm máy tráng bánh do thợ cơ khí trong làng chế tạo.
Theo phó trưởng thôn Nguyễn Dũng Sửu, An Thái hiện có 36 lò có máy xay bột, máy tráng bánh, ngày nắng mỗi lò tráng 130-150 kg gạo/ngày.
“Bánh tráng ở đây có đủ loại mỏng, dày, được người buôn đưa đi nhiều nơi trong nước, vẫn chưa đáp ứng đủ cho thị trường, người mở nghề mỗi năm mỗi tăng. Nhờ vậy nên đời sống dân làng ngày một khá lên...” - phó trưởng thôn Sửu nói.
Những người cao tuổi ở An Thái cho rằng nghề bún khô, nghề bánh tráng có ở đất này từ mấy trăm năm trước. Lời truyền khẩu từ làng nghề này cho rằng bún khô, mì khô, bánh tráng khô là những loại lương khô của quân Tây Sơn.
Theo ông Phạm Đình Đôn - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Định, tuy chưa thấy có sử liệu nói về điều này nhưng qua nghiên cứu có thể thấy đây là điều có thể tin được.
Các cuộc hành quân khẩn cấp của quân Tây Sơn, nhất là trong cuộc hành quân thần tốc năm ngày đêm đến Thăng Long đại phá quân Thanh hồi Tết Kỷ Dậu (1789), quân đi không ngừng nghỉ, bữa ăn cấp kỳ trên đường hành quân chỉ có thể là những loại lương khô mang theo sẵn như các loại bún khô, mì khô, bánh tráng khô...
|
TTO - “Rượu làng Bàu Đá, nhang làng Bả Canh” là câu cửa miệng như “chỉ dẫn địa lý” giản đơn cho hai làng nghề rượu và nhang của cư dân quanh thành Hoàng Đế xưa nay.
|
Lò chưng nấu rượu Bàu Đá truyền thống trong gia đình |
Với hai làng nghề này góp vào, người xưa trong vùng đã gần như tạo lập được khá nhiều nghề thiết yếu cho đời sống, trong đó rượu và nhang là hai loại sản vật được dùng trước hết cho việc cúng kiếng.
Làng Bàu Đá cách thành Hoàng Đế chừng 4 cây số về hướng tây nam, còn làng Bả Canh cách thành Hoàng Đế non 2 cây số về hướng đông...
Mỹ tửu từ nước giếng làng
Mới giữa buổi mai, chủ lò Huỳnh Thị Kim Dung (60 tuổi) đã nấu xong mẻ rượu đầu ngày, đang trộn men vào cơm để ủ, rồi lại chuẩn bị cho việc nấu mẻ rượu chiều.
“Mỗi ngày nhà tui nấu 6 nồi, chia làm hai mẻ sớm - chiều, được chừng 30 lít. Chuẩn bị một nồi cơm rượu công phu lắm. Phải vùi cơm với men trấu ủ 3 ngày 3 đêm, rồi lại ngâm ủ trong nước thêm 3 ngày 3 đêm mới cho vô nồi nấu cất...” - bà Dung cho biết.
Rượu được ngon thêm, được đằm vị, theo bà Dung, cũng nhờ người nấu rượu ở đây chứa rượu lâu ngày trong những chum sành lớn rồi lấy ra bán dần.
Nhưng yếu tố chính để rượu Bàu Đá có cái ngon đặc thù chính là do nguồn nước giếng có được trong làng.
Các chủ lò ở Bàu Đá kể rằng con gái làng Bàu Đá có chồng về các làng khác đã mở lò nấu rượu, nhưng vẫn không thể nào cho ra được rượu ngon như rượu Bàu Đá dù rằng họ vẫn nắm được những bí quyết trong việc trộn men, ủ ngâm cơm rượu và nấu cất, vẫn sử dụng loại men trấu thủ công từng dùng ở làng mình.
Để biết nước giếng ở làng Bàu Đá có thành phần gì mà khi dùng nấu rượu lại cho ra rượu ngon xứng danh mỹ tửu, 5 năm trước một doanh nhân đã kêu kỹ sư địa chất đến lấy nước giếng Bàu Đá cùng nước giếng ở các làng lân cận đem phân tích, đối chiếu để có dữ liệu mở một công ty sản xuất rượu Bàu Đá.
Nhưng cuối cùng công ty này không sản xuất được rượu Bàu Đá, mà phải đi mua rượu của chính làng Bàu Đá để có rượu bán và một thời gian sau thì... phá sản.
Cả làng Bàu Đá hiện có 36 hộ có lò nấu rượu, tất cả đều đã được ngành chức năng cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận nhãn hiệu cho từng chủ lò.
Tiếng tăm của rượu Bàu Đá những năm gần đây đã được kẻ xa người gần biết đến khá nhiều, nhưng đầu ra của danh tửu này vẫn chưa được như người Bàu Đá mong đợi. Đó là do những loại rượu mang tên Bàu Đá, Bầu Đá nhưng không được làm từ làng Bàu Đá bày bán tràn lan.
Biết được hiện tình thật/giả của rượu Bàu Đá, một số người ở Bình Định cũng như ở các nơi khác mỗi khi có dịp đến Bình Định đã cất công đến tận làng Bàu Đá mua một ít về dùng. Đây cũng là một kênh đầu ra đầy khích lệ cho người nấu rượu của làng này, vì “người ta đã biết đâu là nơi có rượu Bàu Đá thật”.
Và cái ngon của rượu Bàu Đá (vừa chạm lưỡi đã nghe vị cay nồng ấn tượng, chỉ một ly đã nghe nóng ran cả người với sự sảng khoái, phấn chấn, thêm vài ba chung dù có say vẫn thấy tỉnh táo, không đắng miệng, nhức đầu) đã lôi cuốn ngay những người mới được chạm chén lần đầu.
Làng nhang Bả Canh
|
Chẻ chu - việc làm nhẹ nên người già và trẻ em ở Bá Cảnh đều làm được - Ảnh: H.V.M. |
“Nghề nhang không giàu sang được, người chẻ chu một ngày chỉ được 30.000-40.000 đồng. Nhưng được cái là dân mình có được việc làm trong nhà quanh năm suốt tháng. Dân mình có câu ca Anh ơi đừng lấy vợ chu / Tay mòn mắt cận lưng gù đít chai. Nhưng đó là nói vui vậy thôi chứ có ai dám chê cái nghề của ông cha đâu. Như tui ở làng khác vẫn lấy chồng người Bả Canh, vẫn sống với nghề chẻ chu đây mà...
|
Chị Dương Thị Phượng |
Làng Bả Canh kề bên làng đúc đồng Bằng Châu. Cư dân quanh thành Hoàng Đế thường nói vui rằng ba làng rượu Bàu Đá, nhang Bả Canh, đúc Bằng Châu là ba làng anh em vì khi cúng kiếng thiếu gì thì thiếu nhưng phải có rượu, có nhang và cái lư nhang chân đèn.
Nét tươi vui, sự sinh động của ngôi làng chuyên về nghề nhang nấp mình bên những lũy tre này là bởi hiên nhà nào cũng có người ngồi bên đống tre chẻ chu (tăm để xe nhang), còn bên sân, bên lề đường luôn phơi đầy dãy chu, dãy nhang đủ màu.
Bà Phạm Thị Lan - 90 tuổi, vẫn còn ngồi chẻ chu - nói mình kế tục nghề này từ ông cha, nay con cháu bà cũng tiếp tục nghề này.
“Làng mình có khoảng 380 hộ, có chừng 800 người sống với nghề nhang, kẻ chẻ chu người xe nhang. Nhưng đông nhất là người chẻ chu, nhà nào cũng có hai - ba người chẻ, người già, con nít đều chẻ được. Còn xe nhang thì mấy năm nay có máy xe nên người xe bằng tay còn rất ít...” - ông Dương Văn Thảo (67 tuổi), người đang sống với nghề nhang, kể.
Chia nhau công việc để sống với nghề của tổ phụ. Một số trai tráng Bả Canh đến các tỉnh Tây nguyên mua các loại tre, lồ ô, vỏ bời lời chuyển về bán lại cho người làm chu, xe nhang của làng mình. Số khác lại lên các vùng rừng trong tỉnh tìm hái lá ren - một loại lá tạo mùi thơm cho nhang - mang về bán cho người trong làng xay bột trộn với bột vỏ bời lời làm thành bột xe nhang.
Mừng với người Bả Canh là bốn năm nay có thêm được đầu ra cho cây nhang từ Ấn Độ, Thái Lan. Cả làng Bả Canh cùng sống dựa vào nghề nhang từ bao đời chỉ để lấy công làm lãi.
“Nghề nhang không giàu sang được, người chẻ chu một ngày chỉ được 30.000 - 40.000 đồng. Nhưng được cái là dân mình có được việc làm trong nhà quanh năm suốt tháng. Dân mình có câu ca Anh ơi đừng lấy vợ chu / Tay mòn mắt cận lưng gù đít chai.
Nhưng đó là nói vui vậy thôi, chứ có ai dám chê cái nghề của ông cha đâu. Như tui ở làng khác vẫn lấy chồng người Bả Canh, vẫn sống với nghề chẻ chu đây mà...” - chị Dương Thị Phượng nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, kể: “Có một đoàn y tế thiện nguyện của Hàn Quốc hằng năm đến huyện Tây Sơn khám chữa bệnh cho người dân địa phương.
Lần đầu họ ngại ở Việt Nam thiếu ớt xanh, kim chi và rượu sochu (soju) nên đã mang ba thứ này theo. Trong bữa ăn lần đầu, chúng tôi mời họ uống rượu Bàu Đá, họ rất thích thú và khen rượu ngon quá.
Lần tiếp theo, chúng tôi mời họ uống rượu Bình Định nhưng không phải rượu Bàu Đá, họ phát hiện ngay, họ nói rượu này không phải rượu Bàu Đá.
Những lần sang Bình Định sau đó họ không còn mang theo rượu sochu nữa. Mỗi lần về, họ đều nhờ chúng tôi giúp mang một ít rượu Bàu Đá về nước làm quà”
.
TTO - “Anh đi dao bản giắt lưng/Nón chiêng anh đội băng chừng Đồng Nai”. Theo câu ca này, những người có tuổi tác ở làng Phú Gia cho rằng nón ngựa đặc sản của làng quê này có gốc gác là nón chiêng mà binh tướng Tây Sơn hay dùng.
|
Chiếc nón lá thành phẩm của làng Gò Găng qua bàn tay người thợ chằm nón - Ảnh: H.V.M. |
Làng nón ngựa Phú Gia và làng nón Gò Găng là hai làng nón lá nằm quanh thành Hoàng Đế đã có tuổi nghề hàng trăm năm...
Nón là mạch sống
Những cư dân ở vùng đất này thời trước đã chọn Gò Găng - nơi cách thành Hoàng Đế chừng ba cây số về hướng đông bắc - để lập nên làng nghề nón lá.
Tuy chỉ là một làng nhưng Gò Găng với nghề làm nón lá thịnh đạt và có ngôi chợ xã nên đã dần trở thành là thị tứ và nay là một phường của thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định).
“Để giữ nghề nón ngựa Phú Gia, năm 2012 ngành khuyến công tỉnh Bình Định đã mở lớp dạy cho nam nữ trong làng muốn học nghề này. May là còn được 4 nghệ nhân của làng đứng dạy, trong đó có tui.
Học một khóa 3 tháng, mỗi tuần học 4 buổi, có đến 35 người học. Thấy trên quan tâm giữ nghề cho làng mình như vậy thật đáng mừng.
Nhưng một cái nón ngựa làm mất 4 ngày, nó mắc lắm chứ không dễ. Để học viên thành nghề tui nghĩ trên nên dạy thêm cho những người đã học vài khóa nữa...
|
Nghệ nhân
Đặng Văn Tám
|
Khách lạ đi trên quốc lộ 1 cũng như tỉnh lộ Gò Găng - Tây Sơn đoạn ngang Gò Găng nhìn vào một số nhà hai bên đường có thể biết được đây là làng nghề chằm nón khi thấy nón lá được chất thành những chồng cao bày trước hiên nhà cùng những phụ nữ đang ngồi chằm nón.
“Ai ở làng Gò Găng này cũng dựa vô nghề nón mà sống, chỉ khác là kẻ dựa ít người dựa nhiều thôi. Như ông bà ngoại tui thời Pháp thuộc chuyên đưa nón Gò Găng mình xuống ghe đi Huế bán.
Đến thời cha mẹ tui thì chuyển hướng, đưa xe vô bán ở Sài Gòn. Còn tui thì đưa nón đi Gia Lai, Kon Tum, một số thì bán sỉ tại nhà cho người ta đến mua chuyển đi mấy tỉnh phía Nam...” - bà Phan Thị Sương (63 tuổi), một chủ buôn nón nhà ở Gò Găng, nói.
Người thợ nón Gò Găng coi nghề chằm nón như là mạch sống của họ, dẫu đây là nghề lấy công làm lãi, lãi lại rất thấp.
“Ở Gò Găng mà không chằm nón thì làm gì? Ông bà, cha mẹ mình đã chằm nón, hơn cả trăm năm trước cũng là chằm nón, đến lớp mình cũng chằm nón thôi.
Ruộng đất có ít, phải dựa thêm vô nghề nón. Với lại, chằm nón nhẹ nhàng, dù có làm ruộng thì lúc rảnh chằm cái nón kiếm ngày vài ba chục ngàn cũng là quý...” - bà Nguyễn Thị Đúng (56 tuổi) nói.
Nón Gò Găng có nhiều loại, loại cao giá, loại thấp giá, người chuyên chằm loại này, kẻ chuyên chằm loại nọ. Có người chuyên nhận nón đã chằm rồi về “nứt” lại, tức là khâu thêm chỉ vào cho dày để làm chắc nón hơn.
Nghề làm nón không gây tiếng ồn, những người thợ già thợ trẻ và cả “thợ” con nít miệt mài đắp từng mảnh lá lên khung rồi khâu rồi chằm thoăn thoắt.
|
Nón ngựa Phú Gia sau khi xong phần khung được nghệ nhân thêu ren - Ảnh: H.V.M. |
Với người thợ Gò Găng, nỗi vui với họ là mỗi chiều luôn có người đến tận nhà mua nón. Vui hơn nữa là chính mình mang chồng nón đến ngồi ở ngã ba, ngã tư làng chờ bạn hàng đến mua, được gặp kẻ nọ người kia để biết được chuyện làng chuyện nghề. Rồi có chủ buôn đến mua nón để chuyển đi bán các nơi xa.
Những chồng nón cao, nón thấp chất lên xe, trong nhà, ngoài đường rộn ràng với chiếc nón, với giá cả, tiền nong.
“Tiền kiếm được thì ít, nhưng cái nghề nón nó làm cho cái làng cái xóm của mình vui lên, người chằm nón cũng vui lên. Nhờ vậy mà làng nghề của mình còn mãi đó...” - bà Đúng tâm sự.
Độc đáo nón ngựa Phú Gia
Có lẽ hiếm có làng nón lá nào làm ra loại nón đẹp được coi là loại nón thủ công mỹ nghệ như ở Phú Gia - ngôi làng phía dưới Gò Găng non hai cây số về hướng đông bắc.
Loại nón được coi là “kiệt tác” của nón lá này được gọi tên là nón ngựa. Chính những nghệ nhân làm nên nón ngựa Phú Gia cũng tự thấy hứng khởi trước vẻ đẹp của chiếc nón họ làm ra.
Họ nói họ cũng tự hỏi không hiểu sao lúc ban đầu cha ông mình đã nghĩ ra việc làm nên chiếc nón được đan bện bằng những sợi nan, những chiếc vành nhỏ như sợi chỉ, rồi thêu ren các họa tiết bằng chỉ màu, chằm lên những lớp lá mỏng mịn để tạo nên cái đẹp độc đáo thế này.
“Không biết nón ngựa có trước thời Tây Sơn hay đến đời Tây Sơn mới có. Nhưng tui nghe ông cha mình nói lại thì làng Phú Gia mình làm ra nó từ lâu lắm rồi. Đời ông cao, bà cao tui đã làm nón ngựa rồi...” - lão nghệ nhân nón ngựa Đặng Văn Tám (80 tuổi) nói.
Nhưng điều ai cũng biết là nón ngựa Phú Gia là loại nón dành cho hàng quan lại, những người quyền chức, giàu sang, quý phái.
Người làng Phú Gia cũng như người buôn bán nón ở Gò Găng luôn có niềm tự hào về việc giữ được làng nghề của mình, nhất là người làm ra cũng như buôn bán loại nón ngựa vốn không hề bị “đụng hàng” với bất kỳ sản phẩm nón nào của các làng nón lá trong nước. Đó cũng là một di sản mà thành Hoàng Đế để lại.
Chợ lúc gà gáy ở Gò Găng
Nhưng cái độc đáo nhất của làng nghề này là buổi chợ nón họp từ lúc gà gáy đến sáng mỗi ngày. Thật ấn tượng, và cũng xúc động khi đứng trước buổi chợ đêm nón lá Gò Găng.
3h sáng, người từ các nơi lác đác đổ đến để họp chợ ngay trên lối đi trước cổng chợ Gò Găng.
Ai cũng tranh thủ mở từ xe đạp, xe máy lô hàng mình mang bán đặt trên nền đất. Kẻ dùng pin điện, người dùng đèn dầu để thắp sáng cho “gian hàng” của mình.
Họ bán những loại giang, tre chẻ miếng hay còn nguyên lóng (ống), lá nón khô, khung chằm, vành nón, kim may, chỉ cước, chỉ màu, giấy báo cũ và cả những chồng nón.
Những vật liệu cho nghề nón như giang, lá được nhiều người ở đây đến tận núi cao ở Bình Định lấy về bán hay các chủ buôn mua ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng mang về bán lại.
Quên đi nỗi nhọc nhằn vì dậy sớm, ai cũng hăm hở cho chuyện mua bán để rồi lúc mặt trời lên lại rời chợ về nhà cho một ngày làm lụng mới.
“Mình sống với nghề, thức miết rồi cũng quen thôi mà...” - nhiều người ở Gò Găng giải thích lý do chọn giờ cho buổi chợ nón của người xưa nơi làng nghề này.
|
TTO - Dù đã có được những bước tiến đáng kể trong chuyện làm ăn từ bối cảnh kinh tế thị trường rộng mở, nhưng các làng nghề quanh cố đô Hoàng Đế vẫn chưa tận dụng được hết ưu thế có được của mình.
|
Một hộ dệt truyền thống ở làng dệt Nam Phương Danh gặp khốn khó trong phát triển - Ảnh: H.V.M. |
Để giúp mô hình làng nghề độc đáo này phát triển, thăng tiến theo hướng bền vững cần sự hỗ trợ của nhiều ngành chức năng liên quan tại địa phương. Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với chính quyền tỉnh Bình Định và thị xã An Nhơn về vấn đề này.
- Ông Hồ Quốc Dũng (chủ tịch UBND tỉnh): Câu chuyện về các làng nghề bên thành Hoàng Đế là chủ đề xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của thị xã An Nhơn và tỉnh Bình Định, do đây là cụm làng nghề truyền thống với rất nhiều nghề, tất cả đều có năng lực phát triển khá nhanh trong những năm gần đây, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế của địa phương đi lên.
Hàng vạn khách du lịch trong và ngoài nước suốt nhiều năm qua đổ về đây tham quan, mua sản phẩm và có nhiều đoàn dừng lại các làng nghề nhiều ngày.
Với họ, đó là một trải nghiệm tuyệt vời cùng bà con địa phương bên đền đài, bên tháp cổ và thành quách ven dòng sông Côn của đất kinh thành xưa.
* Vậy thì chính quyền tỉnh Bình Định và thị xã An Nhơn đã có những hỗ trợ nào giúp sự phát triển của những làng nghề này, thưa ông?
|
Ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Ảnh: VĂN LƯU |
|
- Tỉnh chúng tôi đã luôn quan tâm đến việc hỗ trợ bà con ở các làng nghề quanh thành Hoàng Đế.
Dù điều kiện kinh phí khó khăn nhưng tỉnh đã hoàn tất chương trình xây dựng đường bêtông nông thôn, nối quốc lộ 1, quốc lộ 19, nối hệ thống giao thông tỉnh lộ về các làng nghề.
Tỉnh cũng đã hỗ trợ kinh phí để bà con ở đây đưa sản phẩm làng nghề của mình tham gia các hội chợ, triển lãm các nơi trong nước.
Đây là cách để các làng nghề tiếp thị, giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng các nơi, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Về chiều sâu, ngành chức năng của tỉnh đã giúp cho hai sản phẩm là bún song thằn và rượu Bàu Đá có được thương hiệu tập thể làng nghề do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Các sản phẩm còn lại ở các làng nghề khác thì tỉnh đang lo đăng ký thương hiệu.
* Còn về hỗ trợ vốn - điều quan trọng hàng đầu với người sản xuất ở các làng nghề?
- Hiện tại mỗi hộ làng nghề được vay từ 100-150 triệu đồng để phát triển sản xuất. Thực ra chúng tôi biết rằng bà con rất cần nguồn vốn ưu đãi lớn hơn nhiều và thời gian vay vốn kéo dài nhiều năm.
Chính vì vậy, chúng tôi đã có phương án và chuẩn bị triển khai. Sắp tới sẽ họp với bà con các làng nghề, các nghệ nhân và địa phương thôn, xã với mục đích vận động bà con thành lập các hợp tác xã làng nghề (truyền thống) hẳn hoi.
Khi có các hợp tác xã làng nghề này, sẽ có đề án phát triển cụ thể thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay với nguồn vốn ưu đãi rất lớn, thời gian vay vốn nhiều năm thì bài toán về vốn sẽ được giải quyết.
Chúng tôi nghĩ phải giúp vốn như vậy thì mới giúp các làng nghề truyền thống bên thành Hoàng Đế phát triển một cách ổn định và căn cơ.
Bà con yên tâm làm các sản phẩm tinh xảo, đặc sắc hơn và giá cả sản phẩm sẽ cao hơn, khách hàng và du khách đến các làng nghề sẽ nhiều hơn, họ bỏ tiền nhiều hơn để chọn mua nhiều sản phẩm tốt, lúc đó đời sống bà con sẽ an cư, lạc nghiệp.
* Một số làng nghề truyền thống quanh thành Hoàng Đế có thế mạnh để phát triển... Tỉnh đã có dự án nào nhằm quy hoạch những làng nghề nổi bật ở khu vực này?
- Đây là điều đã được chúng tôi đặt ra từ hai ba năm nay nhằm phát huy thế mạnh sản xuất của cư dân làng nghề, giúp tăng trưởng kinh tế làng nghề và cả cho địa phương.
Tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương lập quy hoạch chi tiết một số làng nghề, và hiện sở này đang lập dự án đầu tư quy hoạch cho ba trong số năm làng nghề trọng tâm từ nay đến năm 2020.
Theo đó, trước mắt sẽ tiến hành quy hoạch làng nghề rượu Bàu Đá với kinh phí 100 tỉ đồng theo phương thức Nhà nước và nhân dân địa phương cùng làm.
* Du lịch làng nghề là một trong những lực đẩy đáng kể cho sự phát triển của làng nghề. Hầu hết làng nghề quanh thành Hoàng Đế đều ở gần hoặc không mấy xa các di tích lịch sử - văn hóa có tiếng của Bình Định. Ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh nhà có thiết lập tour du lịch, tham quan các di tích trong vùng kết hợp du lịch các làng nghề quanh thành Hoàng Đế?
- Ông Nguyễn Văn Dũng (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bình Định): Cái lợi của việc kết nối du lịch làng nghề với du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa - hai loại sản phẩm du lịch vốn có khá nhiều và có địa chỉ gần gũi nhau ở Bình Định, đặc biệt là trục di tích thành Hoàng Đế và Bảo tàng Quang Trung - là điều các ngành chức năng tỉnh đã thấy.
Tuy vậy việc thực hiện vẫn chưa được tiến hành nhanh trước hết vì một số làng nghề ở đây còn khá hạn chế về đường sá giao thông.
Thêm nữa, chính vì hạn chế đó mà du khách đến các làng nghề chưa được đông lắm nên các làng nghề thiếu sự liên kết chuỗi hộ sản xuất cùng tạo ra các mẫu sản phẩm phù hợp cho du khách.
Họ cũng chưa lập được các tổ hợp, chưa đặt vấn đề tiếp thị, trưng bày sản phẩm để khách tham quan hay cùng tham gia sản xuất sản phẩm để mua về hay thưởng thức tại chỗ nhằm hấp dẫn du khách.
Về thương hiệu, dù các làng nghề có những sản phẩm là đặc sản nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tầm thương hiệu... Đây là vấn đề mà các làng nghề truyền thống quanh thành Hoàng Đế cần được các ngành chức năng hỗ trợ thực hiện, trong đó có ngành du lịch.
Đáng nói là tỉnh Bình Định vừa có quyết định thành lập Sở Du lịch. Với chức năng, vai trò cụ thể của mình, Sở Du lịch tỉnh nhà sắp tới sẽ tiến hành những mục tiêu công tác cho việc du lịch làng nghề, trong đó sẽ kết nối với ngành công thương tỉnh xây dựng một số làng nghề theo dự án.
* Một trong những làng nghề truyền thống quanh thành Hoàng Đế là làng dệt Nam Phương Danh hiện sống rất khó khăn nhưng lâu nay vẫn chưa được vay vốn lần nào để có thể làm ăn khá lên. Người dân ở đây nói với chúng tôi rằng làng dệt truyền thống của họ bị chính quyền địa phương bỏ quên?
- Ông Lê Minh Toán (phó chủ tịch UBND thị xã An Nhơn): Đây là một thiếu sót đáng tiếc.
Chúng tôi sẽ làm việc sớm với UBND phường Đập Đá để 20 hộ nghề ở làng dệt Nam Phương Danh của phường này được vay nguồn vốn ưu đãi từ mức tối thiểu 75 triệu đồng/hộ nghề đến mức tối đa 150 triệu đồng/hộ nghề.
|
“Toàn thị xã An Nhơn hiện có 24 làng nghề truyền thống, mỗi làng có hơn 1.000 lao động tham gia sản xuất các sản phẩm làng nghề, tính ra hơn 2 vạn lao động của lĩnh vực này.
Điều đáng buồn là hiện giờ nguồn kinh phí hỗ trợ bà con chỉ khoảng 250-300 triệu đồng mỗi năm là quá ít ỏi
|
Ông Hồ Quốc Dũng |
|
BẢO TRUNG - HUỲNH VĂN MỸ THựC HIệN
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét