Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Chuyện vua làm gương, cấm quan đi lại với kỹ nữ dịp Tết



Lê Tương Dực vì đắm chìm nữ sắc mà nhà Lê suy vi
   Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tân Dậu, [Cảnh Thống] năm thứ 4 [1501], (Minh Hoằng Trị năm thứ 14). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, vua ngự về Tây Kinh, cấm các quan theo hầu không được sai quân cờ chở đem vợ con hoặc kỹ nữ đi theo, bừa bãi tình dục
Trong lịch sử nước ta, khi nhắc đến minh quân, nhất là minh quân thời Lê thì chúng ta thường nghĩ ngay đến vua Lê Thánh Tông. Điều này cũng đúng vì vua Lê Thánh Tông là người võ công văn trị đưa Đại Việt lên đỉnh cao rực rỡ về cả phát triển kinh tế, văn hóa lẫn quân sự. Nhưng ít ai biết rằng sau Thánh Tông thì nhà Lê còn có vị minh quân nữa là Lê Hiến Tông.
Lê Hiến Tông là con trưởng của Lê Thánh Tông, mẹ là Huy Gia Thuần hoàng hậu Nguyễn Hằng, con gái thứ hai của Trình quốc công Nguyễn Đức Trung. Ông kế nghiệp Lê Thánh Tông, mến chuộng văn học, tiết kiệm tiêu dùng, thận trọng hình phạt, luôn gần gũi bề tôi. Thế nhưng có hai điều khiến người ta ít nhắc đến Hiến Tông. Thứ nhất là do cái đức của vua cha Thánh Tông quá lớn nên làm lu mờ công trạng của Hiến Tông sau này. Thứ hai, ông chỉ giữ ngôi có 7 năm là qua đời nên chưa ghi đậm dấu ấn.
Mặc dù vậy, 7 năm mà Hiến Tông trị vì thì thiên hạ an cư lạc nghiệp, làm sáng tỏ uy đức của thời Hồng Đức.  Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét: "Vua thiên tư anh minh thông tuệ, giữ vận thịnh trị, thái bình, mới trong khoảng 7 năm mà thiên hạ bình yên, xứng  đáng là bậc vua giỏi giữ cơ  đồ, thế mà  ở ngôi không lâu, đáng tiếc thay!".
Sử gia Vũ Quỳnh cũng chép: "Vua có tư thế của bậc  đế vương, mũi cao, mặt rồng, thần sắc khác thường, Thánh Tông rất yêu quý ngài. Vua đặc biệt anh minh, thông duệ, vượt hơn hẳn mọi người, mà nhân từ, hoà dịu, không hề tỏ vẻ nghiêm khắc. Khi tan chầu lui vào, thường cho dẫn sĩ đại phu tới, hỏi han về việc hay dở, được mất của chính sự, dùng lời nói dịu dàng, nét mặt tươi vui để dẫn dắt cho họ nói ra. Cho nên vua biết rõ tình cảnh người bên dưới, gạt bỏ sự che đậy giấu giếm. Bề tôi có lỗi lầm gì, chỉ răn bảo, quở trách nhẹ nhàng, không nỡ đánh roi làm nhục; biết cách sắp đặt nên nhàn hạ ung dung, chưa bao giờ to tiếng, giận dữ mà thiên hạ đều răm rắp tuân theo. Vua thường nói: Thánh Tổ ta gây dựng đất nước, vua cha ta sửa trong, dẹp ngoài, quy mô đã định, ta không có việc gì phải thay đổi bày đặt, chỉ tuân giữ phép cũ, mở rộng và phát huy thêm, để tỏ rõ công đức của ông cha mà thôi!"
Với trăm họ, Lê Hiến Tông là một vị hoàng đế thông minh, nhân từ và ôn hòa. Hiến Tông sai sứ đi khắp bốn phương, truy xét những người nghèo túng, già yếu còn trong quân ngũ thì thải cho về, những người chịu thuế khoá và phục dịch công trình quá nặng thì giảm nhẹ cho; tha những kẻ lầm lỡ, xét rõ người oan khuất, bổ dùng kẻ mất chức, khen thưởng người có công; tha nợ thuế, nới hình phạt, nêu gương người tiết nghĩa, giúp đỡ kẻ côi cút, người đói nghèo, cất nhắc người liêm khiết, tiến cử bậc hiền tài, trong ngoài ai cũng thoả lòng.
Rồi vua càng để ý đến việc nông tang, tự tay viết sắc lệnh sai các quan thừa hiến, phủ, huyện đi tuần hành khuyên bảo nhân dân đắp đê điều, đào ngòi lạch, khơi bờ ruộng, để phòng hạn, lụt. Lại sai triều thần đi kiểm tra, xem xét những việc đó. Mỗi xã đặt một người xã trưởng hay thôn trưởng chuyên trông nom việc nông tang, lại đem xã quân và nông trưởng đi đốc thúc. Quan bên ngoài ai có việc về Kinh và sứ của triều đình từ ngoài trở về, vua đều cho gọi vào hỏi về mùa màng được hay mất, trăm họ sướng khổ ra sao. Còn lính ở thợ đến phiên thì cứ theo lệ trước, tháng 6, tháng 10 chia một nửa về làm ruộng.
Ngay cả sứ nhà Minh khi sang gặp vua năm 1499 cũng hết lời ca ngợi. Chánh sứ nhà Minh là Lương Trừ kể rằng: "Hôm nay được thấy quốc vương tuổi đã lớn, thực là tướng thánh nhân.." rồi trầm trồ khen ngợi mãi không thôi là: "Sao mà học rộng và ứng tiếp mọi việc nhanh chóng, mẫn tiệp đến thế".
Với bản thân, vua Lê Hiến Tông là một người cần kiệm. Vua cha Lê Thánh Tông tuy là minh quân nhưng vẫn bị sử gia Vũ Quỳnh than phiền là "nhiều phi tần quá". Vua Lê Hiến Tông thì trái lại. Ngay sau khi lên ngôi, vua đã cho thả "vài trăm cung nữ".  Vua Hiến Tông cũng sợ quan lại đam mê nữ sắc mà lơ lạc việc công, nhất là dịp lễ Tết nên thường răn dạy rất nghiêm khắc. Trong đó có sự kiện đặc biệt vào Tết năm Tân Dậu được sử chép:
"Tân Dậu, [Cảnh Thống] năm thứ 4 [1501], (Minh Hoằng Trị năm thứ 14). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, vua ngự về Tây Kinh, cấm các quan theo hầu không được sai quân cờ chở đem vợ con hoặc kỹ nữ đi theo, bừa bãi tình dục".
Nhờ tính cần kiệm đó mà Hiến Tông giữ cho không khí triều đình nhà Lê khi đó trong lành, thiên hạ thái bình. Đến đời con là Túc Tông theo nếp xưa nên Đại Việt vẫn rất hùng mạnh. Tiếc rằng hai vua Hiến Tông, Túc Tông không sống thọ. Đến đời sau, Uy Mục thì hưởng thụ xa hoa, Tương Dực lại đắm chìm  nữ sắc để đến nỗi nhà Lê suy vi, thiên hạ loạn lạc.
Anh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét