Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

CUỘC CHUYỂN QUÂN THẦN TỐC THÁNG 2-1979

TTO - Trong tháng 2-1979, Trung Quốc đưa quân tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, một chiến dịch chuyển quân thần tốc với quy mô lớn chưa từng có từ Nam ra Bắc đã được triển khai. 
Cuộc chuyển quân thần tốc tháng 2-1979 
Bộ đội Quân đoàn 2 chờ lên máy bay để chi viện gấp cho chiến trường miền Bắc - Ảnh tư liệu
Những trang tư liệu đặc biệt và những hồi ức về chiến dịch này đã được Tuổi Trẻ ghi lại...
 Những chuyến không vận từ Nam ra Bắc
Các máy bay vận tải của trung đoàn 918 và máy bay chở khách của trung đoàn 919 đã thực hiện hàng trăm chuyến bay vận chuyển bộ đội chủ lực và vũ khí trang bị kỹ thuật của các quân đoàn chủ lực từ Nam ra Bắc. Một chiến dịch chuyển quân thần tốc với quy mô lớn chưa từng có từ Nam ra Bắc đã được triển khai. 
Đã có 805 chuyến bay vận chuyển quân sự chở 8.900 lượt quân (cùng 1.000 tấn hàng) để điều chỉnh bố trí lại thế trận của Bộ Quốc phòng.
Tận dụng tối đa máy bay
“Sáng, phi công chúng tôi dậy tập thể dục thấy bộ đội nằm la liệt ngoài sân, ngoài hiên, ngoài vỉa hè... đông đặc khắp sân bay. Đêm họ về lúc nào mình không biết. Đi đông thế mà giữ trật tự, kín như bưng” - đại tá Trần Văn Tuyên, 70 tuổi, cựu giảng viên Học viện Phòng không không quân, nguyên chủ nhiệm bay trung đoàn 918, nhớ lại.
Đó là quân chủ lực của ta được điều về từ mặt trận Campuchia để chi viện cho biên giới phía Bắc. Trong đợt không vận lớn nhất lịch sử không quân Việt Nam này, phi công Trần Văn Tuyên mới hàm trung úy, là một trong hai lái chính tổ bay C-119 chở Quân đoàn 2 từ Tân Sơn Nhất ra Bắc.
Thượng tá Trần Xuân Đô, 60 tuổi, hiện ở TP.HCM, cho biết: “Quân đoàn 2 hành quân bằng ôtô từ Campuchia về đến Sài Gòn. Một số đặc công - lực lượng tinh nhuệ - đi trực thăng UH-1, CH-47, Mi-8, Mi-6 của trung đoàn 917. Trung đoàn 916 chở quân từ các nơi về sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Đà Nẵng. Sau đó, bộ đội hành quân ra Bắc bằng máy bay của trung đoàn không quân 918 và phi đội máy bay An-12 do các phi công Liên Xô lái”.
Lúc đó toàn bộ phi đội máy bay AN-12 khoảng 12 chiếc do Liên Xô khẩn cấp đưa sang đã tập trung về sân bay Tân Sơn Nhất. Riêng trung đoàn 918 có gần 40 máy bay thu được sau giải phóng nhưng chỉ hơn 10 chiếc còn dùng được.
“Lực lượng máy bay chủ lực chở Quân đoàn 2 ra Bắc là AN-12 do các phi công Liên Xô lái. Một ngày AN-12 bay hàng chục chuyến. Máy bay của họ tốt, tốc độ cao, chỉ khoảng hai tiếng là đã ra đến Hà Nội nên gần như sử dụng tối đa” - thượng tá Trần Xuân Đô nhớ lại.
Ở trung đoàn 918, loại máy bay chủ lực để vận chuyển là C-130 (bốn tổ bay, chở tối đa gần 100 quân, tốc độ nhanh nhất của trung đoàn 918) và C-119 (hai tổ bay, chở được 50 quân). Còn trực thăng vận tải hạng nặng C-47 chỉ chở được 30 người lại bay chậm (năm tiếng) nên ít được huy động, chỉ tham gia vài chuyến. Lúc đó trung đoàn 918 có khoảng sáu chiếc C-130 nhưng chỉ dùng được bốn. C-119 có bốn máy bay nhưng chỉ sử dụng được hai.
“Ngày đó máy bay ít. Máy bay và tổ bay được tận dụng tối đa. Mỗi chiếc C-130 một ngày bay 2-3 chuyến từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài. C-119 bay hơi chậm, hơn bốn tiếng mới ra đến nơi, có khi hơn nên mỗi ngày chỉ bay ra được một chuyến rồi vào, sáng sau bay tiếp” - thượng tá Trần Xuân Đô nói.
Cuộc chuyển quân thần tốc tháng 2-1979 
Đại tá Trần Văn Tuyên - phi công lái chính tổ bay C-119 tham gia đợt không vận năm 1979 chở Quân đoàn 2 từ Nam ra Bắc - Ảnh: MY LĂNG
Vượt qua khó khăn
Một số phi công tham gia đợt không vận ngày ấy chân thật kể rằng họ chỉ mới tiếp thu máy bay sau khóa học chớp nhoáng, kiến thức để sử dụng còn hạn chế. Ngày đó máy móc trợ giúp rất ít, không hiện đại như bây giờ. Rađa của máy bay C-119, C-47 rất kém. C-130 thì khá hơn.
“Sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường băng song song rộng. Còn đường băng ở Nội Bài hố bom sứt sẹo. Mà thời tiết miền Bắc mùa đó phức tạp lắm, anh em bay rất vất vả. Mây dày và thấp, mưa phùn. Có cả dông. Tầm nhìn hạn chế. Toàn bay vào mây. Vừa bay vừa dự toán, bay theo cảm giác, kinh nghiệm” - đại tá Trần Văn Tuyên kể.
Từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài, mỗi chuyến bay của C-119 mất bốn tiếng vì phải tránh mây mù, dông, mưa. Đại tá Tuyên khẳng định: “Máy bay rung xóc như ngồi xe tải chạy trên ổ gà. Lên trời là tổ bay hoàn toàn độc lập “tác chiến”. Lực lượng dưới mặt đất không trợ giúp được gì. Tôi chở quân gần 10 chuyến. Có những chuyến bay trước mặt đen kịt không nhìn thấy gì. Cứ liều bay xuyên mây, vào mưa. Có chuyến mưa như người ta cầm xô nước đổ xuống đầu".
"Nói không ai tin chứ máy bay C-119 tôi lái lúc đó bị dột. Anh Bích là nhân viên thông tin kiêm cơ giới phụ phải cầm tấm gỗ che mưa cho tôi bay. C-130 còn có buồng kín chứ C-119 thì không. Mưa, lạnh khủng khiếp. Đã thế lại phải bay vòng vo tránh mây tránh mưa. Sau gần năm tiếng mới đến nơi”.
Đại tá Tuyên cho biết ông bay liên tục hơn một tuần. Toàn bộ các tổ bay hoạt động với cường độ cao, cất cánh liên tục từ sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ bay thẳng ra Nội Bài. Nhiều tổ bay chỉ mới được phê chuẩn đã được giao nhiệm vụ bay vận chuyển đường dài.
Thượng tá Trần Xuân Đô kể: “Cả căn cứ không quân những ngày đó vô cùng khẩn trương, nhộn nhịp. Lúc nào ở cửa ga cũng có hàng chục máy bay đậu xếp hàng chờ đến lượt cất cánh. Tiếng động cơ máy bay cứ ầm ầm từ sáng sớm đến chiều tối. Một ngày có hàng chục máy bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất. Cứ xếp quân lên là cất cánh. Máy bay dân dụng lúc đó rất ít, chủ yếu là máy bay quân sự mà bay nhiều nhất, chở được nhiều quân nhất là AN-12. Cường độ bay rất lớn”.
Các chuyến bay còn làm cả nhiệm vụ vận chuyển khí tài và trang bị kỹ thuật cho các trung đoàn không quân. “Tôi tham gia được mấy chuyến. Có chuyến chở khí tài máy bay tiêm kích F-5 của trung đoàn 935 và máy bay ném bom A-37 của trung đoàn 937 ra Nội Bài. Có chuyến chở cả thùng rocket, máy thông tin và thợ máy ra cho trung đoàn bạn lắp ráp vũ khí".
"Tôi tham gia được 2-3 chuyến đi C-130 xuống Biên Hòa chở rocket ra Nội Bài để lắp ráp lên máy bay F-5. Lúc đó Nội Bài là sân bay quân sự. Bộ đội Quân đoàn 2 chở ra đó tập trung lực lượng đi ôtô ngay lên biên giới. Các loại vũ khí bom, đạn, tên lửa... đầy ở sân bay Nội Bài” - thượng tá Trần Xuân Đô cho biết.
Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục, từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3-1979, tổ bay C-119 đã chở gần một trung đoàn bộ binh ra Bắc! Sách lịch sử của trung đoàn không quân 918 viết: Chỉ trong vòng một tháng, trung đoàn không quân 918 đã vận chuyển số lượng bộ đội và hàng quân sự xấp xỉ bằng cả năm 1978!
Cuộc chuyển quân thần tốc tháng 2-1979 
Máy bayAN-12 của Liên Xô - Ảnh tư liệu
Ngày 18-2-1979, chỉ một ngày sau khi Trung Quốc vượt qua biên giới Việt Nam, trung đoàn không quân 917 đã cơ động ba trực thăng UH-1 từ miền Nam ra sân bay Hòa Lạc làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Đến ngày 3-3-1979, trung đoàn 917 đưa thêm bảy trực thăng UH-1, ba máy bay trinh sát U-17 và một bộ phận cán bộ chiến sĩ ra Bắc sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 
Từ ngày 22-2 đến ngày 3-3-1979, toàn bộ phi đội 10 máy bay tiêm kích F-5 của trung đoàn không quân 935, 10 máy bay ném bom A-37 của trung đoàn không quân 937 từ miền Nam đã tập kết ở sân bay Nội Bài.

Tháo ghế Boeing 707 và đường băng thắp đèn dầu


TTO - “Trong lịch sử hàng không dân dụng thế giới, tôi chưa đọc thấy một tài liệu nào nói dùng máy bay dân dụng để chở quân và cả vũ khí. Vậy mà lúc đó chiếc Boeing 707 không chỉ chở quân mà còn chở cả súng ống, đạn dược”.
Kỳ 2: Tháo ghế Boeing 707 và đường băng thắp đèn dầu
Ông Huỳnh Minh Bon bây giờ - Ảnh: My Lăng
Tôi bay nhanh lắm. Bay liên tục chỉ gần một tuần là xong nhiệm vụ. Lúc đó chuyển quân gấp mà. Tôi nói bay được là bay, dù mệt cũng bay
Ông Huỳnh Minh Bon
Ông Huỳnh Minh Bon (85 tuổi, cựu cơ trưởng - phi công của Đoàn bay 919, thuộc Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam) nói.
Tháo ghế Boeing 707
Boeing 707 thuộc dòng máy bay phản lực chở khách đầu tiên được sản xuất tại Mỹ, là máy bay chở khách lớn nhất lúc bấy giờ với sức chứa 181 hành khách, tốc độ 966km/h.
Năm 1979, Việt Nam chỉ có duy nhất một máy bay Boeing. Và người có thể lái Boeing lúc đó chỉ có duy nhất phi công Huỳnh Minh Bon - người của chế độ Sài Gòn được trưng dụng làm việc cho ngành hàng không Việt Nam lúc đó.
Trước năm 1975, ông Huỳnh Minh Bon là phi công của Công ty Hàng không Việt Nam (Air Vietnam).
“Mấy anh lãnh đạo gặp tôi và nói: tình hình bây giờ nếu chỉ chở quân bằng An-12, C-119, C-130... thì không kịp. Boeing là máy bay chở được nhiều khách nhất lúc đó. Họ hỏi tôi có thể dùng Boeing chở quân không. Tôi nói được.
Lúc đó thiếu tướng Trần Mạnh, đang là phó tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam, hỏi tôi: anh có thể chở được cả vũ khí không vì tới nơi là chúng tôi phải chiến đấu ngay chứ không thể chờ 2-3 ngày, một tuần lễ sau mới có vũ khí chiến đấu.
Khi tôi học ở nước ngoài, vũ khí và chất nổ nghiêm cấm đưa lên máy bay dân dụng.
Tôi biết nhiệm vụ này rất nguy hiểm nhưng đất nước đang cần mình. Tôi trả lời: Tôi làm được! Trước khi về, anh Trần Mạnh dặn tôi: Đây là nhiệm vụ tuyệt mật, không nói cho người thứ hai, kể cả vợ con” - ông Bon kể.
Bình thường Boeing 707 có sức chở gần 200 người. “Tôi nghĩ phải làm sao chở được thật nhiều quân nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Tôi đề xuất dỡ bỏ một lượng ghế trên máy bay. Tôi phải trực tiếp chỉ đạo cách tháo ghế. Chỉ tháo ở những vị trí được phép để đảm bảo độ cân bằng cho máy bay” - ông Bon nói.
Khoảng 50 ghế ở phần phía trước, khoang giữa và sau đuôi máy bay được tháo rời. Toàn bộ số ghế tháo rời được mang ra khỏi máy bay.
Những khoảng trống không có ghế được đan bởi những sợi dây. Bộ đội ngồi bệt dưới nền, đấu lưng vào nhau. Còn cột dây là để khi máy bay đi vào vùng thời tiết xấu, bị rung xóc, nghiêng ngả, bộ đội bám vào dây không bị dịch chuyển gây mất an toàn.
Nhờ sáng kiến này của phi công Huỳnh Minh Bon, mỗi chuyến chiếc Boeing 707 đã chở được 300 người của Quân đoàn 2. Phần nguy hiểm nhất là số lượng vũ khí mang lên máy bay. Đạn dược, súng ống đựng trong những thùng rất lớn. Nhân viên mặt đất phải cột dây lại cho thùng dính với ghế để không bị dịch chuyển.
“Các thùng vũ khí không để tập trung một chỗ mà rải rác khắp máy bay, hạn chế va chạm khi rung xóc vì có nguy cơ cháy nổ và thương vong rất cao” - cựu cơ trưởng chuyến bay đặc biệt cho biết.
Ông kể: “Bộ đội mang theo súng đạn, balô xếp thành từng phân đội, lên máy bay trong vài chục phút là tôi cất cánh được ngay”.
Lúc đó, Boeing 707 chỉ có duy nhất một tổ bay. Và cơ trưởng luôn luôn là ông Bon. Một ngày phi công Huỳnh Minh Bon cất cánh hai chuyến từ Tân Sơn Nhất ra Hà Nội.
Thắp đèn dầu ở đường băng
Nếu như các máy bay An-12 của Liên Xô hay C-119, C-130... bay ban ngày thì Boeing 707 lại chủ yếu bay ban đêm. Sau chuyến bay ngày đầu tiên Huỳnh Minh Bon đề xuất bay đêm.
Ông giải thích: “Tôi thấy ban ngày mình bay nhiều quá, cường độ bay rất lớn. Trong khi ban đêm lại không có chuyến nào. Nếu tận dụng khoảng trống ban đêm để chuyển quân thì sẽ nhanh hơn nhưng cái khó là sân bay của ta không sẵn sàng để bay đêm vì đường băng ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài lúc đó không có đèn chạy dọc đường băng như bây giờ.
Tôi đề nghị đốt đèn dầu dọc đường băng, đường lăn và bến đậu nhưng đèn phải đảm bảo được độ sáng. Đèn không to quá cũng không nhỏ quá. Kiểu đèn tôi đề xuất phải chứa được 3 lít dầu chứ không cháy nhanh, mau hết dầu. Mà loại đèn đó thì không sản xuất sẵn, phải làm riêng.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, các anh ấy đã đáp ứng được loại đèn dầu như yêu cầu. Khi nào thấy còn 15 phút nữa cất cánh, tôi báo “tôi sắp cất cánh” thì ở dưới đường băng mấy ảnh mới thắp đèn dầu.
Đèn để hạ cánh thì khác một chút. Lúc đó có một số xe tải của Liên Xô đèn rất sáng. Tôi đề nghị cần 10 xe tải Liên Xô. Khi chuẩn bị hạ cánh, ôtô phải bật đèn ngay đầu đường băng”.
Chuyến bay đêm đầu tiên của Boeing 707 cất cánh 
lúc 9h tối. Phi hành đoàn có 1-2 lái phụ đi cùng, trong 
đó có một người là phi công quân sự hàm đại tá.
Lúc 
đó Boeing 707 chỉ hạ cánh ở sân bay Nội Bài vì có 
đường băng dài hơn 3.000m. Sân bay Gia Lâm quá nhỏ, đường băng không đủ dài để Boeing cất hạ cánh.
Ông 
Bon nhớ lại: “Chuyến bay đêm đầu tiên mọi người rất lo lắng, nhất là anh Trần Mạnh. Anh ấy nói: Tôi ủng hộ anh bay đêm nhưng nếu anh bay không thành công tôi sẽ 
gặp khó khăn lớn”.
Trên thực tế, một số cựu phi công quân sự tham gia bay chở quân thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3-1979 cho biết lúc đó mới tiếp thu máy bay nên trình độ của phi công chưa thể bay đêm.
Chuyến bay đêm đầu tiên của Boeing 707 hạ cánh thành công ở sân bay Nội Bài, xóa tan những lo lắng và hoài nghi của nhiều người về khả năng của phi công Huỳnh Minh Bon.
“Tôi bay nhanh lắm. Bay liên tục chỉ gần một tuần là xong nhiệm vụ. Lúc đó chuyển quân gấp mà. Tôi nói bay được là bay, dù mệt cũng bay” - ông Bon kể.
Lái máy bay từ thời Pháp và tới năm 1975 ông Bon có 25 năm kinh nghiệm lái máy bay dân dụng. Khi đất nước thống nhất, ông được mời tiếp tục làm việc, vừa bay vừa đào tạo phi công cho cách mạng.
Ông Bon kể: “Ngày 30-4-1975, tôi đang lái Boeing 707 chở khách chặng Sài Gòn - Hong Kong - Tokyo. Lúc dừng ở Hong Kong thì nghe tin Sài Gòn giải phóng. Lúc đó có nhiều hãng nước ngoài mời tôi ở lại bay cho họ nhưng tôi từ chối. Tôi muốn về nước. Gia đình, vợ con tôi ở Việt Nam. Đó là quê hương tôi. Tôi không đi vì tôi yêu Việt Nam”.
Kỳ 2: Tháo ghế Boeing 707 và đường băng thắp đèn dầu
Bộ đội xếp hàng chờ lên máy bay dân dụng ra Bắc chi viện cho chiến trường biên giới năm 1979 - Ảnh tư liệu
Ngoài Boeing 707, một số máy bay dân dụng khác cũng được huy động cho cuộc chuyển quân khẩn cấp bằng đường hàng không. Ông Huỳnh Minh Phương, 70 tuổi, hiện sống ở Hà Nội, là người đã lái máy bay TU-134 chở bộ đội từ sân bay Phnom Penh về sân bay Tân Sơn Nhất. TU-134 cũng được tháo ghế để có thể chở 100 quân thay vì 80 người như bình thường.

Hành quân bằng tàu thủy 


TTO - Nhập ngũ năm 18 tuổi, cựu chiến binh Quân đoàn 2 Nguyễn Trung Liên (64 tuổi, hiện đang sống tại Nghệ An) là nhân chứng trong câu chuyện khá đặc biệt: tham gia cả hai chặng hành quân thần tốc bằng tàu.
Cuộc chuyển quân thần tốc tháng 2-1979 - Kỳ 3: Hành quân bằng tàu thủy 
Ông Nguyễn Trung Liên khoe tấm ảnh chụp cùng các cán bộ Trung đoàn 24 trong chuyến hành quân trên tàu Thống Nhất để ra Bắc năm 1979 - Ảnh: My Lăng
Ông là một trong những người lính của Quân đoàn 2 hành quân bằng đường thủy, từ cảng Kampong Som về nước và sau đó lại có mặt trong đội hình hành quân ra Bắc cũng bằng đường biển.
Từ cảng Kampong Som đến Tân Cảng
Nhớ lại câu chuyện 38 năm trước, cựu chiến binh Nguyễn Trung Liên cho biết: “Trung đoàn bộ binh 24 của tôi đi cùng Lữ đoàn xe tăng 203 bằng đường biển, xuất phát từ cảng Kampong Som về Tân Cảng (Sài Gòn).
Chúng tôi đi từ Campuchia về nước bằng hai tàu chở hàng: Vàm Cỏ 21 và Vàm Cỏ 22”. Ông Nguyễn Trung Liên đi trên tàu Vàm Cỏ 22 kể.
“Đây là tàu vận tải chứ không phải chở khách nên nhỏ, chật lắm. Nhìn xuống tàu chỉ thấy người và người, đông đen, kẹt cứng. Anh em phải mắc võng trên boong để tiết kiệm diện tích và có chỗ cho người nằm dưới. Bộ đội nằm la liệt.
Trong hầm, dưới boong, anh em bộ đội phải nằm nghiêng như xếp cá trong rổ. Chân ở trên đầu, đầu ở dưới chân. Thậm chí nhiều người phải nằm dưới hầm máy, vừa ngột ngạt, nóng nực và hôi mùi dầu lại rất ồn vì máy chạy suốt ngày suốt đêm” - ông Liên kể.
“Anh em chúng tôi lúc này không say sóng nữa do tàu Thống Nhất to hơn tàu Vàm Cỏ. Bộ đội mình vừa đánh Pol Pot về, biết lần này đi là sống chết với quân xâm lược để giữ gìn biên cương tổ quốc nên tinh thần chiến đấu lên rất cao nhưng không ai từ bỏ hàng ngũ
Ông Nguyễn Trung Liên
Đúng ra, tàu chỉ đi một ngày một đêm sẽ về đến Tân Cảng. Nhưng tàu Vàm Cỏ 22 bị hỏng một máy, bị dạt về hướng Malaysia. Loay hoay mãi thợ máy mới sửa được. Tàu về chậm so với tàu Vàm Cỏ 21 khoảng 4 tiếng.
“Chúng tôi là lính bộ binh, chưa bao giờ đi tàu nên tất cả say sóng. Không ai ăn được, chỉ uống nước mà vẫn nôn thốc nôn tháo. Chúng tôi nằm võng, nhìn thấy anh em thủy thủ tàu ăn mì ống, nghe mùi mì thơm, đói, muốn ăn lắm nhưng không ăn được.
Khi đánh Pol Pot, chúng tôi phải ăn cả cá thối vì chẳng có cái gì ăn nữa. Anh em ai cũng gầy rục, cứ nằm mà ói chứ không dậy được. Say là vậy, sức không gượng dậy được nhưng đi trên tàu Vàm Cỏ, súng AK vẫn ôm bên người. Chúng tôi không bao giờ rời cây súng” - đại úy Nguyễn Trung Liên nhớ lại.
Chở quân bằng tàu khách Thống Nhất
Về đến Tân Cảng, bộ đội vẫn còn say sóng. Tàu dừng ở cảng, có người không đi nổi phải dìu lên bờ. Bộ đội nghỉ ngay tại cảng khoảng 2-3 tiếng để chờ lệnh. Đón sẵn ở cảng là lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.
“Việc đón tiếp bộ đội rất chu đáo, tiếp tế mì tôm, bánh mì, đường, sữa...” - ông Liên kể. Lúc này, tàu khách Thống Nhất đã chờ sẵn ở Tân Cảng để chuẩn bị chở bộ đội chủ lực ra miền Bắc.
“Bộ Quốc phòng tổ chức mọi thứ rất chặt chẽ, khoa học. Bộ đội cứ hành quân về đến nơi chỉ mấy tiếng sau là lại hành quân đi tiếp. Mọi thứ cứ như đã sắp xếp sẵn đâu vào đó. Đến giờ là đi” - ông Liên nói.
Khoảng hơn 14h, Trung đoàn 24 lên tàu khách Thống Nhất để hành quân. Đại úy Liên nhớ lại: “Tàu Thống Nhất to lắm. To bằng cái nhà ba tầng. Lần đầu tiên chúng tôi được đi tàu lớn như thế. Cả trung đoàn bộ binh chúng tôi quân số hơn 800 người lên được hết tàu”.
Cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần được sắp xếp ở trên boong. Bộ đội các tiểu đoàn ở dưới hầm.
“Ở dưới hầm còn có cả dân Hải Phòng vào Nam buôn xoài. Tôi xuống xem anh em ăn ngủ thế nào thì thấy xoài để đầy dưới hầm tàu. Các thùng đạn được đưa từ Campuchia về cũng để chung với xoài” - đại úy Liên kể.
“Anh em chúng tôi lúc này không say sóng nữa do tàu Thống Nhất to hơn tàu Vàm Cỏ. Bộ đội mình vừa đánh Pol Pot về, biết lần này đi là sống chết với quân xâm lược giữ gìn biên cương tổ quốc nên nên tinh thần chiến đấu lên rất cao” - ông Liên nói.
Sau ba ngày ba đêm hành quân trên biển, tàu về đến cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng). Lãnh đạo TP Hải Phòng tổ chức tiếp đón quân chủ lực rất nhiệt tình. Thức ăn, nước uống được tiếp tế đầy đủ cho bộ đội ngay tại chỗ.
Chỉ 1-2 tiếng sau đó, khi màn đêm vừa buông xuống, trung đoàn đi bộ ra ga Hải Phòng để lên tàu lửa hành quân về ga Đồng Quang - ga cuối cùng của Thái Nguyên. Từ đây, Binh đoàn Trường Sơn chở Trung đoàn bộ binh 24 đi theo đường 1B lên Lạng Sơn.
“Lạng Sơn lúc đó rét lắm - đại úy Nguyễn Trung Liên nhớ lại - Ở Campuchia nhiệt độ 41-42 độ. Về Lạng Sơn chỉ 2 độ! Anh em ai cũng quần áo phong phanh. Rét thôi rồi. Ở Campuchia đã biết thế nào là đói vàng mắt, thế nào là khát cháy cổ. Về Lạng Sơn lại biết thế nào là lạnh thấu xương! Ở đó toàn đồng bào người Tày, người Nùng. Đồng bào rất thương bộ đội, lấy chăn, áo ấm đưa cho chúng tôi”.
Lần hành quân thần tốc này, Quân đoàn 2 phải cơ động trên một đoạn đường dài gần 2.000km với nhiều phương tiện khác nhau: máy bay, ôtô, tàu biển, tàu hỏa... Từ Campuchia về đến Việt Nam, gần trăm chiếc xe tăng, thiết giáp của Lữ đoàn xe tăng 203 (lữ đoàn từng đánh chiếm dinh Độc Lập) cũng xuống tàu thủy ra cảng Hải Phòng.
Tiếp đó là hơn trăm kilômet đường sắt, đường bộ nữa để đến ngày 21-3, toàn bộ lực lượng, phương tiện của Lữ đoàn 203 đã có mặt ở Trại Cau (Thái Nguyên) sẵn sàng đánh địch. Đây là lần thứ ba chỉ trong vòng bốn năm, những người lính của Lữ đoàn xe tăng 203 lại lập kỳ tích về tốc độ hành binh thần tốc dọc chiều dài đất nước.
Trích máu và mặc áo tử sĩ
Cuộc chuyển quân thần tốc tháng 2-1979 - Kỳ 3: Hành quân bằng tàu thủy 
Ông Nguyễn Vinh Quang - Ảnh: M.Lăng
Tháng 2-1979, thượng sĩ Nguyễn Vinh Quang, đại đội phó đại đội chỉ huy của Trung đoàn 68 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2), cho biết: “Đơn vị tôi lúc ở Campuchia đã viết quyết tâm thư xin được về nước đánh quân xâm lược.
Từng người lên ký tên rồi trích máu điểm chỉ ngay tên mình. Tất cả chỉ mong sớm được về đánh quân Trung Quốc để giữ nước... Tại ga Hố Nai, đơn vị mang sẵn quần áo tử sĩ phát cho bộ đội mặc ra Bắc. Số lượng áo tử sĩ này vốn được chuẩn bị khi đi đánh Pol Pot. Nhưng lúc này, đơn vị còn thừa khoảng 1.000 cái.
Do đất nước mình rất khó khăn, một năm hai bộ đồ không đủ với người lính nên chúng tôi từ chỉ huy đến lính đều mặc áo tử sĩ để hành quân ra Bắc. Cả trung đoàn cứ một người một bộ màu cỏ úa sợi to, thô ráp, xù xì”.

 Những bước chân Quang Trung


​TTO - Đi bộ cũng xuyên ngày xuyên đêm. Ai cũng thiếu ngủ, đói, khát nên người cứ bải hoải, mắt hoa lên. Trời thì nắng. Cổ khát cháy. Vai mỏi. Chân đau, nặng trĩu như đeo đá...
Kỳ 4: Những bước chân Quang Trung
Đại tá Hoàng Hoa Chiến - nguyên trưởng Ban tác chiến Sư đoàn bộ binh 337 - Ảnh: MY LĂNG
Những ngày đó chúng tôi không có khái niệm tắm rửa
Đại tá Hoàng Hoa Chiến
Trong khi Quân đoàn 2 đang khẩn cấp hành quân từ chiến trường Campuchia về nước để ra Bắc thì ở trong nước, Quân khu 3, Quân đoàn 1, Quân khu 4... cũng gấp rút hành quân lên mặt trận biên giới, tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng tại chỗ.
“Công trường hành quân”
“Chiều 18-2-1979, phái viên của Bộ Tổng tham mưu cùng Phó tư lệnh Binh đoàn 678 - đồng chí Chu Phương Đới đáp máy bay trực thăng đến Sở chỉ huy sư đoàn truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tổng tham mưu cho Sư đoàn 337: Điều động Sư đoàn bộ binh 337 thuộc Quân khu 4 tăng cường cho Quân khu 1, bố trí tại Sơn Động (Bắc Giang) làm nhiệm vụ dự bị cơ động cho Quân khu 1...
Mệnh lệnh nói rõ đúng 18h ngày 22-2-1979 phải có mặt tại Sơn Động” - đại tá Hoàng Hoa Chiến, nguyên trưởng Ban tác chiến Sư đoàn bộ binh 337 (Quân khu 4, Nghệ An) tháng 2-1979, hiện đang sống tại Hà Nội, kể.
Lúc đó, các cán bộ, chỉ huy của Sư đoàn 337 đều... đi công tác xa. Sư đoàn trưởng Đỗ Phú Vàng cùng các trung đoàn trưởng và một số cán bộ sư đoàn đang dự lớp tập huấn quân sự ở Hà Nội.
Chính ủy sư đoàn Nguyễn Chấn thì đang dự họp với Huyện ủy Đô Lương. Phó chính ủy sư đoàn Võ Dược đang ở Lào chỉ đạo lực lượng chuẩn bị chiến trường.
Bộ Quốc phòng ra lệnh tạm dừng lớp tập huấn để các chỉ huy của Sư đoàn 337 gấp rút trở về đơn vị (thành phố Vinh) nhận nhiệm vụ chiến đấu.
Ông Chiến cho biết ngay đêm 18-2, thường vụ Đảng ủy sư đoàn họp bất thường. Sáng hôm sau, sư đoàn trưởng Đỗ Phú Vàng, một số trung đoàn trưởng đã lên trực thăng bay ra miền Bắc.
Trong lúc đó tại Nghệ An, các đơn vị khác của sư đoàn gấp rút triển khai chuẩn bị hành quân. Có những đơn vị đóng ở Thanh Chương, Đô Lương cách tuyến đường sắt gần 30km. Không có ôtô. Đơn vị phải hành quân đi bộ ra ga.
Ngày 20-2, từ mờ sáng đến tối, những chuyến tàu đặc biệt ở ga Vinh, ga Quán Hành, ga Si (Nghệ An) cứ sầm sập chuyển bánh chở bộ đội lên đường.
“Đó là một công trường hành quân ra trận - đại tá Hoàng Hoa Chiến nói - Khi nhận lệnh hành quân, Sư đoàn 337 đang chuẩn bị đi Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Có những trung đoàn mới chỉ có khung. Chúng tôi vừa hành quân vừa bổ sung vũ khí, trang bị và cả con người.
Đến ga Quảng Xương (Thanh Hóa), Trung đoàn pháo binh 108 nhận thêm 6 khẩu pháo 85mm. Đến ga Kép (Bắc Giang), Trung đoàn 92 nhận bổ sung chiến sĩ mới. Lên đến Lạng Sơn, sư đoàn bổ sung đầy đủ 4 trung đoàn”.
Sáng 22-2, đội hình hành quân cơ bản của sư đoàn đã đến Đồi Ngô, Lục Nam (Bắc Giang). Theo mệnh lệnh ban đầu của Bộ Tổng tham mưu, sư đoàn đứng chân ở khu vực Lạng Giang. Nhưng vừa hành quân đến nơi, đang triển khai đội hình trú quân thì được lệnh hành quân cấp tốc lên Đình Lập.
Toàn sư đoàn đang chuẩn bị lên Đình Lập thì lại nhận lệnh hành quân lên đường 1B huyện Văn Quan (Lạng Sơn). Chiều 24-2, những chuyến xe đầu tiên chở quân của Sư đoàn 337 đã đến vị trí tập kết.
Đến 12h trưa 25-2, gần như toàn bộ lực lượng của sư đoàn đã đến nơi, trừ Trung đoàn pháo binh 108 và Trung đoàn bộ binh 92 đến chiều tối 27-2 mới đến vì dọc đường phải bổ sung xe pháo, khí tài, nhận chiến sĩ mới.
Ra trận bằng ý chí
“Chúng tôi hành quân thần tốc với phong cách “Dặm bước thần kỳ, phong cách Quang Trung”. Tổng cộng sư đoàn đã hành quân hơn 500km từ Nghệ An lên Lạng Sơn với ba lần thay đổi vị trí tập kết, qua nhiều tỉnh thành, di chuyển bằng nhiều phương tiện và nhiều lúc phải đi bộ nhưng đã đến nơi đúng thời gian.
Suốt hàng mấy trăm kilômet hành quân đó, đơn vị không dừng lại nấu cơm mà chỉ ăn lương khô” - đại tá Hoàng Hoa Chiến nói.
Người cựu chiến binh này trút hết gan ruột: “Có những lúc chúng tôi phải đi bằng ý chí, không phải bằng chân nữa. Tàu, xe chạy xuyên ngày xuyên đêm.
Đi bộ cũng xuyên ngày xuyên đêm. Ai cũng thiếu ngủ, đói, khát nên người cứ bải hoải, mắt hoa lên. Trời thì nắng. Cổ khát cháy. Vai mỏi. Chân đau, nặng trĩu như đeo đá. Khi đi xa, đã mệt thì một chiếc khăn mùi xoa cũng cảm thấy nặng.
Mà lúc đó mỗi người phải mang trên mình 25-45kg: 1 khẩu AK, 1 cơ số đạn hơn 100 viên, 4 quả lựu đạn, 1 cái xẻng, 1 bao gạo vắt bên người, 2 bộ quần áo. Những chiến sĩ thông tin thì khổ hơn, phía trước thì đeo balô, sau lưng còn phải đeo cả cái máy thông tin 15W to nặng hơn 20kg.
Nhiều người không còn đi được nữa mà cứ ngả nghiêng ngả nghiêng. Vất vả nhất là những chiến sĩ khiêng vác súng cối. Khẩu súng máy 12 li 7 thì 1 nòng phải 2 người khiêng. Cối 82 thì 1 người mang nòng, 1 người mang đế, khiêng đạn. Cối 60 thì 1 người vác, đạn phải 2-3 người gánh”.
Tàu dừng ở ga Kép (Bắc Giang). Từ ga Kép vào Chũ (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) không có ôtô, bộ đội phải đi bộ. Rồi đơn vị lại hành quân bộ từ Chũ đến Tu Đồn (huyện Văn Quan, Lạng Sơn). Tổng cộng quãng đường hành quân bộ lên đến hàng trăm kilômet.
Đại tá Hoàng Hoa Chiến kể sau nhiều ngày đêm thần tốc hành quân, đến đây, bộ đội vừa đói vừa buồn ngủ lại mang vác nặng. Trước đó ở trạm dừng, nhiều người cơm không kịp ăn thì đơn vị đã hành quân, phải gói lại mang đi. Có người ngất. Có người bị sốt ngay trên đường hành quân.
Đại tá Chiến kể: “Sốt hầm hập vậy mà vẫn đi, toát mồ hôi tự khỏi lúc nào không biết. Người nào mệt, ốm ngồi xuống thì có quân y đến đưa thuốc, cán bộ chính trị đến động viên.
Có người phải nằm cáng. Mấy trăm năm trước, khi đại quân của Quang Trung hành quân, cứ 3 người thì 1 người nằm cáng 2 người khiêng rồi đổi nhau, đi liên tục, ai cũng được nghỉ, ai cũng được nằm. Còn đàng này, chúng tôi không ai được nằm, được nghỉ.
Chân anh nào cũng sưng phồng, bật máu, 10 đầu ngón chân thâm tím. Có người tét cả mắt cá chân vì giày chật quá, cọ xát rách cả da. Những ngày đó chúng tôi không có khái niệm tắm rửa”.
Kỳ 4: Những bước chân Quang Trung
Bộ đội hành quân đi bộ ra chiến trường - Ảnh tư liệu
Đại tá Hoàng Hoa Chiến kể suốt dọc đường từ Nghệ An ra Bắc, ở ga nào cũng thấy người dân đứng chờ sẵn vẫy cờ, hò reo chào đón bộ đội.
Ông khẳng định: “Chúng tôi đi không nghĩ đến chuyện sống chết. Tàu đi đến đâu cờ giong trống mở đến đó rất tưng bừng, khí thế. Không có ai đào ngũ. Không ai quay về phía sau. Tất cả đều hướng về phía trước ra chiến trường. Đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội), người dân đổ ra mừng rỡ đón bộ đội. Họ cứ hô: Bộ đội chủ lực về rồi! Bộ đội chủ lực về rồi, không sợ nữa rồi!”.


Cầu hàng không Xô - Việt chưa từng có 


TTO - “Ngay sau khi Trung Quốc tấn công biên giới Việt Nam, Liên Xô đã cử một đoàn cố vấn cấp cao bay ngay sang Việt Nam và đề nghị lập cầu hàng không để hỗ trợ chúng ta”.
Cầu hàng không Xô - Việt chưa từng có 
Trung tướng Trần Hanh - Ảnh: My Lăng
“Trong quá trình giúp đỡ Việt Nam, tháng 3-1979, đoàn cố vấn gồm sáu phi công, huấn luyện viên và thiếu tướng không quân Malykh hi sinh khi chiếc máy bay An-24 hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng đâm vào núi. Hôm đó, đường băng bị mây che phủ hoàn toàn. Mình nói với họ không hạ cánh ở Đà Nẵng được thì có thể vào sân bay Cam Ranh nhưng phi công bảo: Để tôi cố gắng hạ cánh lần nữa. Vậy là tai nạn xảy ra
Trung tướng TRẦN HANH
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Hanh, 85 tuổi, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết.
Tháng 2-1979, ông là phó tư lệnh Quân chủng Không quân, một trong những người trực tiếp làm việc với đoàn cố vấn cấp cao của Liên Xô.
Bay khẩn đến Hà Nội
Sáng 19-2-1979, một nhóm cố vấn quân sự cấp cao Liên Xô đã có mặt ở Hà Nội. Đoàn có 20 người, gồm các vị tướng giỏi nhất của tất cả quân binh chủng Liên Xô do đại tướng Gennady Ivanovich Obaturov làm trưởng đoàn và cũng là cố vấn trưởng.
Đại tướng Obaturov được các tướng lĩnh Liên Xô gọi là “từ điển bách khoa sống”. Vừa đến Hà Nội, đoàn đã lập tức làm việc với các chỉ huy tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Trần Hanh cho biết sau khi gặp đại tướng Văn Tiến Dũng (bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và trung tướng Lê Trọng Tấn (tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) để nắm tình hình, đại tướng Obaturov đã đích thân ra chiến trường, lên Lạng Sơn thị sát tình hình chiến đấu của quân đội Việt Nam.
“Ông ấy muốn kiểm tra hỏa lực của không quân, cao xạ, tên lửa như thế nào. Có lần đoàn rơi vào trận pháo kích của quân Trung Quốc nhưng may mắn không ai bị thương” - trung tướng Hanh kể.
Nhận thấy tương quan về vũ khí của Việt Nam lúc đó quá chênh lệch so với Trung Quốc, đại tướng Obaturov khẳng định phải lập một cầu hàng không từ Liên Xô đến Việt Nam. Việt Nam cần phải có một số lượng lớn vũ khí.
Đại tướng Obaturov đã gửi một báo cáo về Liên Xô yêu cầu khẩn cấp viện trợ cho Việt Nam một số lượng lớn vũ khí và trang thiết bị bằng đường hàng không. Để thiết lập cầu hàng không, một phái đoàn của Liên Xô trực tiếp làm việc với Quân chủng Không quân.
“Khi đó tôi là phó tư lệnh Quân chủng Không quân, từng học ở Nga, giao tiếp tiếng Nga tốt nên được ủy nhiệm làm việc với phái đoàn” - trung tướng Hanh nói.
Cầu hàng không quy mô
Trong thời gian ngắn nhất, quân đội Việt Nam đã nhận được tất cả mọi thứ cần thiết. Ngày 23-2-1979, Cục Vật tư - Bộ Quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật đã tổ chức tiếp nhận viện trợ của Liên Xô theo hai tuyến: đường không (bắt đầu từ ngày 23-2) và đường biển.
Từ thời điểm này, cầu hàng không quy mô giữa Liên Xô - Việt Nam được thiết lập. Nhưng máy bay không bay thẳng từ Liên Xô sang Việt Nam mà phải hạ cánh tiếp dầu ở khu vực gần biên giới Trung Quốc rồi mới bay tiếp sang Việt Nam.
“Đó là cầu hàng không lớn nhất, ào ạt nhất, chở nhiều khí tài quan trọng nhất và hiện đại nhất mà Liên Xô thực hiện” - trung tướng Trần Hanh cho biết.
Trong ký ức của một vị tướng không quân, ông Hanh nhớ rất rõ những ngày sôi động và khẩn trương chưa từng có ấy: ở sân bay quân sự Nội Bài, cả ngày lẫn đêm máy bay vận tải quân sự cỡ lớn An-22 hết chuyến này đến chuyến khác hạ cánh cất cánh.
Liên Xô chi viện vũ khí, trang thiết bị quân sự bằng một biên đội các máy bay vận tải khổng lồ An-22. Trung tướng Trần Hanh cho biết An-22 là loại máy bay chuyên chở khổng lồ của Nga. An-22 có tới bốn động cơ kép.
“Nó to và nặng nề lắm - ông Hanh kể - Khi vũ khí khí tài được An-22 chở đến Nội Bài, các cán bộ kỹ thuật của Quân chủng Không quân tiếp nhận ngay tại sân bay. Liên Xô dốc sức viện trợ cho mình các khí tài quân sự rất quý hiếm và hiện đại thời bấy giờ như: tiêm kích Mig-21, các loại tên lửa đối không, tên lửa bờ biển, các loại rađa tối tân”.
Ngay tại sân bay Nội Bài, những chiếc máy bay tiêm kích Mig-21 bị tháo rời khi vận chuyển được các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Liên Xô lắp ráp khẩn trương.
Ông Hanh nói: “Các phi công chuyên bay thử ưu tú nhất của họ sang Nội Bài bay thử máy bay sau khi lắp ráp.
Tôi nhớ nhất trung tướng Traban - phi công chuyên bay thử giỏi nhất, đẳng cấp nhất của Liên Xô. Tất cả các loại máy bay chiến đấu của Liên Xô sản xuất, tướng Traban đều bay thử. Ông ấy gật đầu thì máy bay mới được bàn giao cho phi công khác bay.
Ông ấy còn thực hiện cả các động tác kỹ thuật đặc biệt. Khi tướng Traban khẳng định máy bay tốt thì mới bàn giao cho ta. Lúc đó phi công mình mới bay”.
Sân bay Nội Bài những ngày đó không bao giờ ngủ. Máy bay An-22 cất hạ cánh cả ngày lẫn đêm. Đại tướng Obaturov cũng làm việc bất kể ngày đêm.
Tướng Hanh cho biết: “Đại tướng Obaturov rất trách nhiệm, năng nổ. Ông thường xuyên có mặt ở sân bay, ở xưởng lắp ráp quan sát, kiểm tra mọi thứ”.
Các chuyên gia và nhân viên kỹ thuật Liên Xô còn có mặt ở sân bay Đà Nẵng để hỗ trợ các cán bộ, kỹ sư Việt Nam lắp ráp 24 máy bay Mig-21 khi chúng được vận chuyển về đây. Cũng đợt này, không quân Việt Nam được Liên Xô viện trợ thêm máy bay trinh sát và trực thăng chỉ huy Mi-8KP.
Chỉ trong thời gian ngắn, cầu hàng không chưa từng có giữa Liên Xô và Việt Nam đã được vận hành thần tốc với những thành quả không thể tưởng tượng được. Một khối lượng khổng lồ các loại vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu được vận chuyển từ Liên Xô sang Việt Nam.
Hàng chục máy bay tiêm kích và trực thăng, 400 xe tăng và xe bọc thép, 3.000 tấn vũ khí, trang bị, đạn dược.
Ngoài vũ khí, Liên bang Xô viết còn cung cấp các hệ thống trang thiết bị đặc chủng. Tất cả các phương tiện chiến tranh này cùng hệ thống sửa chữa, bảo hành đều được chuyển đến Việt Nam trong vòng một tháng.
Cầu hàng không Xô - Việt chưa từng có 
Đại tướng Ghenady Ivanovich Obaturov - Ảnh tư liệu
Ngoài đường không, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3-1979, bằng đường thủy, Liên Xô đã đưa sang Việt Nam hàng ngàn tên lửa, 20 máy bay tiêm kích, 800 súng chống tăng RPG-7 của bộ binh, 50 tổ hợp pháo phản lực Grad BM-21, hơn 100 khẩu pháo phòng không, 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai...
Cũng theo lệnh của đại tướng Obaturov, một phi đội máy bay An-12 do các phi công Liên Xô lái đã chở quân chủ lực của Việt Nam từ Campuchia về Hà Nội để gấp rút bổ sung cho mặt trận biên giới.
Các phi đội An-26, Mi-8... của lực lượng không quân vận tải Liên Xô cũng được huy động tham gia nhiệm vụ không vận chở 20.000 quân chủ lực Việt Nam từ Nam ra Bắc.
Ít người biết trong cuộc họp giữa hai bên kéo dài ba tiếng ngày 25-2-1979, chính đại tướng Obaturov là người đã thuyết phục Việt Nam đưa toàn bộ Quân đoàn 2 - lực lượng tinh nhuệ từ Campuchia - về mặt trận phía Bắc bằng máy bay.

MY LĂNG, mylang@tuoitre.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét