Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Linh địa cổ của người Tày ở Lạng Sơn

Khu linh địa cổ trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) từng có ngôi đền thờ thần núi, là trung tâm của các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bản địa.
Khu di tích linh địa cổ nằm ở độ cao 1.190 m so với mặt nước biển, lưng tựa vào đỉnh cao nhất của dãy núi Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). Theo các nhà khảo cổ học, đây là trung tâm của các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bản địa.
Có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau về khu di tích này, tuy nhiên theo tài liệu của Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn thì khu linh địa cổ có từ lâu đời, do người Tày cổ xây dựng để thờ thần núi.
Trong khu di tích có 2 hầm mộ đá chôn cất thủ lĩnh người Tày, với cấu trúc có vòm che, được xếp bằng những phiến đá nhỏ bao bọc xung quanh, táng theo kiểu trong quan ngoài quách lợi dụng hai tảng đá lớn kê hai bên và ở trên đậy bằng một phiến đá lớn.
Hầm mộ được tạo thành bởi những tảng đá lớn đẽo gọt phẳng lắp ghép lại với nhau.
Phía trước hầm mộ có móng đá và chân cột là dấu tích nền của ngôi đền cổ, gồm tòa tiền tế phía trước và chính điện phía sau. Dựa vào các dấu tích còn lại thì ngôi đền có niên đại từ khoảng thế kỉ XVII đến XIX.
Chủ nhân của khu linh địa cổ này là người Tày, về sau có sự tham gia của người Nùng và người Dao.
Cối cửa bằng đá còn sót lại.
Phía trên khu linh địa có đập chắn nước.
Toàn bộ khu di tích linh địa cổ Mẫu Sơn có diện tích 24.400 m2, lưng tựa vào núi Mẫu Sơn hùng vĩ, mặt hướng ra vũng bồn địa Na Dương – Lộc Bình, phía xa xa có sông nước, đồng ruộng bao la...
Người dân đến tham quan, thắp hương tại khu linh địa cổ Mẫu Sơn.
Theo Ban quản lí di tích tỉnh Lạng Sơn, khu linh địa Mẫu Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2013, nơi đây mang ý nghĩa của một di tích tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời là biểu tượng của sức mạnh văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú người Tày cổ ở khu vực này.
Theo Hồng Vân/Vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét