Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Dình làng Cát cổ kính trên 400 năm tuổi

(Xây dựng) - Tỉnh Hà Nam hiện 81 di tích lịch sử cấp Quốc gia và 95 di tích lịch sử cấp tỉnh. Đình làng Cát hơn 400 năm tuổi vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, hiện tỉnh đang hoàn thành hồ sơ chứng nhận đình là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2017.

Cổng đình làng Cát. (Ảnh địa phương cung cấp)
Theo những tài liệu do Tri huyện Bình Lục (Hà Nam)a Ngô Vi Liễn ghi lại, xưa kia ở xã Nhữ Xá, huyện Thanh Miện, đạo An Dương, có một người tên là Trương Mẫn, tiên tổ quê ở xóm Cát, xã Ngô Xá, huyện Bình Lục, đạo Sơn Nam, di cư đến xã Nhữ Xá đã ba đời. Đến ông Mẫn sinh hai con trai là ông Đức và ông Trạch; ông Mẫn cho ông Trạch về chốn Tổ là xóm Cát, xã Ngô Xá.
Ông Trạch về ở cố quận, lấy người làng là bà Trần Thị Thưởng làm vợ. Một hôm, bà Thưởng nằm mộng thấy một bà già đưa cho một cành mai có ba đóa. Tự có thai. Đến ngày mồng 4 tháng Giêng năm Giáp Tý thì hạ sinh một người con gái, ngày mồng 5 và mồng 6 mỗi ngày sinh một người con gái nữa. Ba người đều có phong tư kiều diễm, chẳng kém gì tiên nữ bồng lai. Bà mẹ mừng lắm, đặt tên gọi là nàng Cả, nàng Hai và nàng Ba. Đến khi trưởng thành cầm, kỳ, thi, họa không gì là không biết.
Năm 12 tuổi, cha mẹ mất cả, cảnh nhà cơ hàn, ba bà đến ở với dì là Trần Thị Sinh và buôn bán vải, tơ. Năm 18 tuổi, nghe thấy Trưng Vương khởi nghĩa, ba bà bái biệt dì, rồi đến dạo Sơn Tây yết kiến bà Trưng, Trưng Vương cho làm thị nữ. Ba bà theo bà Trưng cưỡi ngựa cầm dao, phấn lực đánh giặc, chém được tặc chủng vài trăm đầu. Khi bà Trưng lên ngôi vua, phong cho ba bà làm Công chúa, phụ chính tại triều. Ba bà làm quan bổng lộc bao nhiêu đều tán khách. Còn người xã Ngô Xá, bà xin cho được miễn trừ sưu thuế.
Ba năm sau, Trưng Vương mất nước, ba bà chạy về bản quán, lập một nhà gianh ở vệ sông, lấy nghề buôn vải làm nghiệp. Vài năm sau gia tư giàu có, lại càng gia tâm làm điều thiện. Trong xã Ngô Xá hoặc có kẻ lão - nhược bần hàn, ba bà đem tiền cấp dưỡng, nhân dân nhờ đó khỏi nỗi cơ hàn. Một hôm ba bà đi Long Biên thành buôn vải lụa, thuyền về đến bến sông làng, bị bão táp, thuyền vỡ người trôi, ba bà đồng thời tự tận (ngày 1 tháng 6 năm Mậu Dần). Tự khi ba bà hóa rồi, nhân dân thôn Cát bị dị tật dịch, chó cắn suốt đêm. Chiều chiều ở bên sông có tiếng khóc thê thảm, nhân dân ra xem thì thấy ở chỗ ấy có một vầng sáng đỏ như hình sao sa, vụt chốc vàng lạt rồi lại xanh xanh mà biến mất, những người trông thấy, khi về thụ bệnh, nếu đem lễ đến đó, khấn tên ba bà cầu bảo hộ cho thì khỏi bệnh, nhân đân thấy thế cả sợ, bèn lập đàn lộ thiên ở đó để phụng sự. Tự hậu nếu ai ốm đau, đem hương hoa đến lễ, xin tàn hương về uống thì khỏi. Người đến cầu đảo, một ngày một đông, bèn tôn làm “Bà Cả, Bà Hai, Bà Ba - Tam vị Đại vương”.

Cây đa, giếng nước trong đình làng Cát. (Ảnh địa phương cung cấp)
Thời vua Lý Thái Tông, thiên hạ đại hạn, vua lập đàn cầu mưa. Đêm mộng thấy ba người đàn bà mặc áo xanh, cưỡi ngựa đỏ, binh sĩ theo sau, qua trước mặt vua, xuống ngựa lại gần. Vua vời hỏi tính danh thì ba người lạy tâu: “Thiếp - đẳng ở thôn Cát, xã Ngô Xá, con gái họ Trương, thân bị ba đào. Thượng đế thượng rằng vô tội, cho chủ trương bản trang, kiêm trị thủy sự. Nay phụng sắc lệnh Thượng đế, chị em theo Trưng Vương làm mưa”. Vua tỉnh dậy, biết là nằm mộng, vụt chốc quả thấy trời mưa lâm li, hơn ba thước nước. Tự đó vua sai lập miếu ở bên thành Long Biên để thờ Trưng Vương và sai sứ về xóm Cát, xã Ngô Xá truyền nhân dân lập miếu thờ ba bà để hiểu anh linh và đề thần hiệu rằng: “Đệ nhất Trương quý thị nàng Cả Công chúa” ; “Đệ nhị Trương quý thị nàng Hai Công chúa”; “Đệ tam Trương quý thị nàng Ba Công chúa”.
Tự hậu lịch triều đều có sắc phong.
Đỗ Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét