“Nhà vệ sinh đầm”
Đến đời vua Tự Đức, Hà Nội vẫn còn nhiều ao hồ, đất trống. Khu vực “36 phố phường” có sông Tô Lịch, hồ Cổ Ngựa, hồ Hàng Đào, các hồ này thông với hồ Hoàn Kiếm vì thế dân chúng các tỉnh về, dân đi chơi phố nếu “bí” có thể “phóng” ra hồ ao hay các bãi đất trống. Vệ sinh ở trong nhà dân còn đơn sơ, cứ vài ngày một lần họ thuê phu phen mang đổ ra sông Hồng. Với các khu nhà lá quanh hồ Hoàn Kiếm thì họ đi ngay xuống hồ.
Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Une campagne au Tonkin), xuất bản tại Paris năm 1896, tác giả là bác sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp mô tả vệ sinh ở Hà Nội năm 1883: “Những túp lều dày đặc bao quanh Hồ Gươm, lối đi xuống hồ là những ngõ nhỏ nồng nặc mùi xú uế và nước tiểu. Thành phố này không có bất cứ nhà vệ sinh công cộng nào”.
Ngày 1.10.1888, vua Đồng Khánh ra chỉ dụ cắt đất Hà Nội cho Pháp và thành phố này thuộc Pháp. Năm 1889, chính quyền thành phố cho lấp khúc sông Tô Lịch và hồ Cổ Ngựa làm chợ Đồng Xuân. Ban đầu họ chỉ bao hàng rào quanh khu đất, rồi tiến tới dựng nhà khung sắt, làm hàng rào. Chợ đông dần, hàng hóa phong phú mang từ Sài Gòn ra, các tỉnh đưa về, nhập từ Hồng Kông, Pháp. Vào phiên chợ đông đúc kẻ bán người mua, rất đông vợ con binh lính, sĩ quan, công chức Pháp ở Hà Nội đi mua sắm. Họ phàn nàn không có chỗ đi vệ sinh nên năm 1891, đốc lý Hà Nội cho xây nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên nhà vệ sinh này chỉ dành cho “Tây đầm” nên dân chúng gọi là “nhà vệ sinh đầm”, và đây là nhà vệ sinh công cộng đầu tiên ở Hà Nội. Người An Nam đi chợ không có chỗ tiểu tiện, họ đành ra phía sau chợ (nay là khu vực chợ Cao Thắng) “tè” sau mấy gốc duối to. Khu vực này đẫm nước tiểu và phân khiến mấy cây duối cổ thụ bị chết héo. Vào hè, gió đông nam thổi, mùi xú uế theo gió lùa vào chợ khiến lúc nào cũng khăn khẳn, những người bán hàng trong chợ làm đơn kêu lên đốc lý Tirant Gilbert và chính quyền buộc phải xây nhà vệ sinh cho người An Nam.
Hà Nội khi đó sống theo luật Pháp quốc và để thành phố này văn minh như nước Pháp, ngày 29.3.1892, đốc lý Tirant Gilbert ra nghị định về vệ sinh công cộng và trật tự lục lộ. Điều 2 của nghị định bắt buộc các nhà mặt phố phải vệ sinh trước cửa nhà, khơi thông cống rãnh cho nước chảy, không được tiểu bậy. Xe ngựa đi trên phố phải có miếng vải đỡ phân phía sau, không được chăn thả gia súc, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt “theo luật Hình sự của nước Pháp”. Hằng ngày, cảnh sát lục lộ đi tuần xử phạt người vi phạm.
“Anh bắt đái” phố tố tịch
Tuy nhiên vì thành phố chưa có nhà vệ sinh công cộng nên lúc “bí” người đi đường vẫn lẻn vào ngõ vắng, các khu đất trống hay vườn cây hai bên phố đi trộm.
Năm 1902, quốc hội Pháp ra quyết định chọn Hà Nội làm thủ đô của liên bang Đông Dương thì Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thông qua quy hoạch thành phố “phía đông nước Pháp”, mở rộng khu phố Pháp ở phía nam hồ Gươm, xây các công trình công cộng trong đó có nhà vệ sinh. Và theo thời gian, nhiều nhà vệ sinh công cộng mọc lên gồm: nhà vệ sinh phố Hàng Khay, Cửa Nam (góc ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thái Học ngày nay), trước ga Hàng Cỏ, đầu phố Phùng Hưng... cho làm bảng chỉ dẫn bằng chữ Việt và chữ Pháp. Hằng ngày nhân viên của các công ty trúng thầu đổ thùng, quét dọn và dội nước. Tuy nhiên, người ở các tỉnh về không phải ai cũng biết chữ để đọc bảng chỉ dẫn nên tại nhiều tuyến phố vẫn diễn ra tình trạng tè bậy. Tố Tịch đầu thập niên 1920 là con phố nhỏ, tập trung thợ làm nghề tiện gỗ, phần tiếp giáp với Hàng Gai còn thưa nhà vì thế dân đi qua “mót” vẫn “tè” trộm. Ngày nắng, mùi xú uế bốc lên khiến các nhà quanh khu vực không chịu nổi, họ đã góp tiền thuê một người chuyên rình bắt kẻ tiểu bậy gọi là “anh bắt đái”. Anh này lảng vảng đầu phố, bắt quả tang ai thì giao cho cảnh sát lục lộ nhưng bắt không xuể. Thấy phương án “anh bắt đái” không hiệu quả, ông Kỳ Dương ở Tố Tịch đã nghĩ ra kế cho xây bệ nhỏ giả làm miếu thờ, hằng ngày hương khói nghi ngút, dân định vào ngõ đi tiểu thấy hương khói sợ bị “vật” lại quay ra, từ đó ngã ba này không còn nạn tiểu bậy.
Tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng lần đầu tiên đăng dài kỳ trên báo năm 1936 có hai nhân vật là Min Đơ, Min Toa, hai ông cảnh sát Pháp này hằng ngày mặc quần soọc đi các phố phạt những người đái bậy là nhân vật có thật. Chính quyền thành phố không tin cảnh sát người Việt vì đã có người nhận hối lộ rồi bỏ qua sai phạm nên cảnh sát hầu hết là người Pháp.
Đi vệ sinh thời bao cấp
Tiếp quản thủ đô năm 1954, dân số Hà Nội là gần 40 vạn, sau mấy năm tăng lên gần 50 vạn người nhưng không có thêm nhà vệ sinh công cộng nào. Năm 1956, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có bài Một ngày chủ nhật đăng trên báo Thời Mới, phàn nàn Hà Nội “nhếch nhác”. Rồi miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh chống lại các cuộc không kích của máy bay Mỹ mà Hà Nội là trọng điểm đánh phá, và từ đây đã diễn ra nạn phóng uế, tiểu tiện sau gốc cây, cột điện, tường cơ quan công sở kéo dài cho đến hết thời bao cấp. Có thể kể ra những phố ở khu vực trung tâm bị ô nhiễm nặng như bên số chẵn đầu phố Tràng Thi, xung quanh Thư viện Quốc gia, khu vực Tòa án nhân dân tối cao, hầm tránh bom ở vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ)...
Ngày hè nóng rát hay tháng hanh khô nhưng các bức tường vẫn thấm đẫm nước tiểu, cột điện sắt ánh lên màu gỉ xanh lét dù có biển “Cấm đái bậy”. Những ngày diễn ra sự kiện lớn ở hồ Gươm, có bắn pháo hoa, đua thuyền, lướt ván thì các gốc cây quanh hồ sũng nước tiểu. Ở vị trí đặt đồng hồ hoa hiện nay (góc Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng bên phía bờ hồ) trước là một cây đa lớn bị chết vì úng nước tiểu.
Có giai thoại về phạt đái bậy. Một ông uống bia hơi xong buồn tè bảo cháu đợi rồi xông vào chỗ có biển “Cấm đái bậy” phóng hết cỡ vào tường. Vừa làm xong cái việc khoan khoái ấy quay ra thì gặp anh làm nhiệm vụ xé vé phạt, ông vui vẻ đưa 5 hào nhưng anh thi hành công vụ không có tiền lẻ trả lại, ông bèn bảo “thôi khỏi trả lại để cháu tôi tè nốt là đủ 5 hào tiền phạt”. Giai thoại hài hước ấy cho thấy quy định về văn minh không được thực hiện nghiêm.
Sau năm 1975, thành phố có xây thêm vài nhà vệ sinh công cộng như trước trụ sở UBND Thành phố song không đáp ứng nhu cầu vì dân số nội đô tăng cao và khách thập phương về Hà Nội ngày càng đông. Nguyên nhân của nạn tiểu bậy thời bao cấp không chỉ do thiếu mà còn vì nhà vệ sinh quá kinh khủng, nhân viên công ty môi trường đô thị hằng ngày dọn qua quýt, nhiều nhà vệ sinh không có nước, chỗ có nước thì gầu cao su thủng đáy. Cho đến nay tôi vẫn rùng mình khi nhớ lại chuyện đi vệ sinh thời bao cấp.
Nguyễn Ngọc Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét