Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018

Đại gia mù lấy 3 vợ, xây biệt thự to nhất phố biển Phan Thiết

Ở Phan Thiết, vào cuối thế kỷ 20, ai cũng biết hoặc nghe nói đến rạp hát Hồng Lợi và ngôi biệt thự mang kiến trúc Pháp rất đẹp tại đường Phan Chu Trinh. Nhưng ít ai biết, chủ nhân của nó là một người đàn ông mù.

Những năm cuối thế kỷ 19, người dân vùng Ngũ Quãng di cư vào phía Nam lập nghiệp nhiều. Trong số đó, chiếc thuyền buồm của một gia đình nhỏ xuất phát từ Quảng Đức (Thừa Thiên - Huế) vượt qua sóng gió trùng khơi, dừng chân tại cửa sông Cà Ty (Phan Thiết).
Từ chiếc thuyền buồm cũ nát
Nhận thấy vùng đất hiền hòa, không khí mát mẻ, con tôm con cá cũng dễ kiếm nên họ quyết định chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình. Những ngày đầu tại nơi ở mới, gia đình nhỏ gặp trăm bề khó khăn. Tài sản không có gì ngoài chiếc thuyền buồm cũ nát theo họ vào Nam.
Đại gia mù lấy 3 vợ, xây biệt thự to nhất phố biển Phan Thiết - Ảnh 1.
Ngôi biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp được xây dựng năm 1928 khi Bá Thiên tròn 30 tuổi. Đây là ngôi nhà to đẹp nhất xứ Phan Thiết thời đó.
Người chồng hằng ngày ra biển, người vợ ở nhà đi gánh cá, làm thuê, kiếm tiền nuôi con. Một buổi chiều từ biển trở về, người cha hay tin đứa con trai của mình đang sốt dữ dội. Quấn vội tấm vải tả tơi, ông ôm con chạy đến ông lang trong làng. Sau khi bắt mạch, cho đứa bé uống chén thuốc, ông lang nhìn người cha, một cái nhìn ánh lên vẻ thương cảm, rồi lắc đầu.
Chỉ bấy nhiêu thôi, người cha  hiểu cơ sự gì  xảy ra cho con mình. Ông ôm con tất tả quay về nhà. Ông nói lại với vợ lời của ông thầy lang: "Do di chứng của cơn sốt, thằng bé vĩnh viễn bị mù".
Cả đêm hôm ấy, người cha ngồi bên con triền miên suy nghĩ, có lúc ông cúi xuống ôm lấy đứa con trong lòng nói thầm: "Cha sẽ làm mọi điều cho con, Bá Thiên của cha mẹ. Nhà mình ăn ở hiền lành, chắc là trời muốn thử thách thôi con!". Năm ấy là năm Canh Tý 1900. Khi đó Phan Bá Thiên tròn 2 tuổi.
Đại gia mù lấy 3 vợ, xây biệt thự to nhất phố biển Phan Thiết - Ảnh 2.
Biệt thự phảng phất nét trầm mặc qua nhiều năm tháng.
Tuy mù nhưng Phan Bá Thiên là một đứa trẻ sáng dạ. Đúng như cái tên của mình, trời đã phú cho Bá Thiên nhiều năng khiếu hơn người. Chỉ cần nghe người lớn kể hoặc tả lại một đồ vật hay một sự việc nào là Bá Thiên nhớ như in. Là một cậu bé mù nhưng đến năm 10 tuổi, cậu bé Thiên có thể đi lại khắp làng Đức Thắng mà không cần người dắt.

Nhiều lần cha mẹ đi làm thuê, đi trông coi cá muối mắm đều dẫn cậu đi theo và  cậu đã làm nhiều người kinh ngạc khi  sờ vào con cá rồi nói tên chính xác của nó, cũng như sờ thùng lều, gõ tay vào gỗ là biết loại thùng lều gì, Và đặc biệt hơn chỉ cần thoáng cảm nhận mùi nước mắm bay trong gió đã biết nó là loại nước mắm gì, chất lượng ra sao.
Năm Bá Thiên 12 tuổi thì cha mất, người mẹ nghèo phải nỗ lực làm việc gấp hai, gấp ba để lo cho tương lai của đứa con mù lòa. Nhưng dù cố gắng đến thế nào bà cũng chỉ để lại được cho con một mái nhà tồi tàn cùng nghề làm nước mắm, cũng như giáo dục cho con một ý chí vươn lên, không lùi bước trước số phận.
Sống trong bóng tối cùng với cái nghèo thiếu trước hụt sau đã hun đúc trong Bá Thiên nghị lực hơn người. Năm 16 tuổi, tuy mù lòa nhưng cậu có thể làm việc như một chàng trai sáng mắt. Ngoài giờ đi làm thuê, cậu về nhà phụ mẹ làm thêm nước mắm để bán. Tiền làm ra hai mẹ con tằn tiện, chỉ tiêu khi thật sự cần.

Sau nhiều năm dành dụm, hai mẹ con có được một số tiền nhỏ, cậu khuyên mẹ cho những người trong làng vay  đóng ghe, xây nhà... Không ai nỡ  gạt  hai mẹ con. Họ đều trả đủ vốn và có đôi chút lãi. Dần dà, số vốn của họ ngày càng tăng, lúc này Bá Thiên nghĩ đến việc mua ghe, phát triển thùng lều…
Như được trời giúp, tiền vào tay Bá Thiên nhanh chóng nảy nở. Năm 20 tuổi Phan Bá Thiên đã là một hàm hộ nước mắm có tiếng ở Phan Thiết.
Khác với những hàm hộ khác, ngoài làm nước mắm, hàm hộ Phan Bá Thiên đã đầu tư, ứng trước tiền cho ghe thuyền của ngư dân ở các làng: Đức Thắng, Phú Hài, Phú Trinh, Tú Luông (Đức Long)… để mua lại toàn bộ hải sản mà họ đánh bắt được. Sau đó ông đó bán lại cho các hàm hộ khác để làm nước mắm.
Đại gia mù lấy 3 vợ, xây biệt thự to nhất phố biển Phan Thiết - Ảnh 3.
Cũng như các hàm hộ thời đó, tiền có được ông dành mua đất đai, nhà cửa, ruộng vườn. Về đất đai, ông có hàng ngàn mẫu đất, ruộng vườn ở vùng ven Phan Thiết và các huyện. Cũng vì có hàng ngàn mẫu đất này mà sau khi được Triều đình Huế ban tặng chức Thất phẩm, người dân Phan Thiết quen gọi ông Phan Bá Thiên là ông Thất Ngàn.

Về nhà cửa, ông cũng sở hữu hàng trăm căn nhà phố dùng để cho thuê trên các con đường: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Khải Định (nay là Nguyễn Văn Cừ), Võ Tánh (nay là Trần Phú)… ở thị xã Phan Thiết.
Trong quá trình tìm hiểu tư liệu về cuộc đời ông Thất Ngàn, chúng tôi nghe các cụ cao niên kể khá nhiều giai thoại về cuộc đời của ông Thất Ngàn như: Từ năm 40 tuổi trở đi, hằng ngày ông Thất Ngàn chỉ có việc đi thu tiền cho thuê đất đai, nhà cửa, thu tiền kinh doanh nước mắm, cá biển, hàng hóa, rạp hát… tối về ông đóng cửa đếm tiền đến khuya.
Tuy mù nhưng chỉ cần chạm tay vào đồng tiền là ông có thể biết chính xác mệnh giá của nó. Hoặc chuyện ông thích nghe hát nên thường bỏ tiền thuê gánh hát cùng nghệ sĩ đó lưu lại Phan Thiết hằng tháng trời và hằng ngày hát cho ông nghe.
Cũng có người nói tuy mù nhưng ông Thất Ngàn có rất nhiều vợ. Họ cũng kể về chuyện 3 người phụ nữ đồng lòng ở cùng ông trong ngôi biệt thự sang trọng bật nhất thời đó.
Chuyện ông là người đầu tiên ở Phan Thiết vào những năm 1940 mua được xe “xít đờ ca”, sau đó là chiếc “trắc xông”( dạng xe mu rùa của Pháp), chuyện trong nhà ông có một hầm nước ngầm khá sâu. Mùa nắng, ông cho  những người  nghèo đến gánh nước về uống, ông cũng sẵn sàng cung cấp nước cho những ghe bầu đi biển mà không đòi hỏi nhiều ở họ…
Trong nhiều câu chuyện nghe được, không biết chuyện nào là thực hư tuy nhiên ít nhiều nó tạo nên hình ảnh một con người kỳ lạ và khả năng trời phú về làm kinh tế ở ông.
Chủ rạp hát Hồng Kim
Bình Thuận là vùng đất quy tụ cư dân nhiều địa phương khác nhau của miền Trung và giáp với Nam kỳ lục tỉnh nên hoạt động nghệ thuật ở Bình Thuận rất phong phú và đa dạng.
Người lao động, dân biển, bất kể là ngày thường, ngày lễ Tết nếu không có đoàn hát bội hay cải lương trình diễn, cũng tụ tập ở ngõ hẻm, góc chợ, trụ đèn để nghe các nghệ nhân gõ sanh, kéo nhị hát bài chòi, cải lương hay hát bội, hát những đoạn tuồng cổ sử.
Đại gia mù lấy 3 vợ, xây biệt thự to nhất phố biển Phan Thiết - Ảnh 4.
Chân dung ông chủ Thất Ngàn.
Tuy không nhìn thấy ánh sáng nhưng từ nhỏ ông Thất Ngàn đã được mẹ dẫn đi nghe hát bài chòi, hồ quảng, cải lương hay tham gia những buổi cúng đình, cúng vạn...

Chính giọng ca, tiếng đàn của các nghệ sĩ đã đưa ông vào một thế giới lung linh, giúp ông khám phá những diệu kỳ của cuộc sống. Vì quá mê ca hát nên sau khi mua được khu đất ở góc đường Trần Hưng Đạo - Ngô Quyền (ngày nay), năm 1943, ông Thất Ngàn đã làm một sạp hát (sân khấu) nhỏ để cho những người mê hát, thích hát đến phô diễn khả năng.

Dĩ nhiên khán giả là ông và bà con trong các làng Đức Thắng, Lạc Đạo, khu xóm chợ Phan Thiết thời ấy. Về sau, do sự phát triển của các gánh hát và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng lớn của người dân, ông Thất Ngàn đã đầu tư nâng cấp sạp hát cũ thành rạp hát và đặt tên là Hồng Kim.

Đây được xem là rạp hát đầu tiên ở Bình Thuận và là một trong những rạp hát lớn ở miền Nam.

Các gánh hát lớn nhỏ ở Sài Gòn hay Nam kỳ lục tỉnh ra đều ghé lưu diễn ở rạp này hàng tháng trời mà vẫn đông khách. Nhiều người dân từ các huyện xa như Phan Rí, Long Hương hay Hàm Tân, La Gi cũng thuê xe về Phan Thiết ở lại hàng tuần để xem các gánh hát nổi tiếng biểu diễn.

Cũng từ rạp hát này, nhiều nghệ sĩ xuất thân từ vùng biển mặn Bình Thuận đã nổi danh khắp cả nước như nghệ sĩ cải lương Sáu Ngọc Sương, nghệ sĩ Năm Nam…
Trong hồi ký "Trôi theo dòng đời" của mình, NSND Bảy Nam viết, năm 1948, ông Nguyễn Phước Cương, chồng của bà, mất vì bệnh lao phổi khi đoàn hát tại rạp Hồng Kim của ông Thất Ngàn - Phan Thiết.
Ông Nguyễn Phước Cương được an táng trong đất ở phía sau của một ngôi chùa ở Phan Thiết (nay là chùa Phật Ân). Đến năm 1990, nữ nghệ sĩ Kim Cương và mẹ là NSND Bảy Nam ra Phan Thiết viếng mộ của ông Nguyễn Phước Cương rồi bốc mộ ông về cải táng tại nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp, TP.HCM.
Từ năm 1945 - 1954, Hồng Kim là rạp hát, nơi biểu diễn nghệ thuật duy nhất tại Bình Thuận. Sau 1954, ông Thất Ngàn giao lại rạp cho người con trai thứ năm là ông Phan Bá Hóa quản lý, nâng cấp mở rộng. Sau đó ông Phan Bá Hóa đổi tên thành rạp Hồng Lợi.
Thời của ông Phan Bá Hóa, rạp Hồng Lợi hoạt động nhộn nhịp và nổi tiếng khắp cả nước. Khi trào lưu phim nhựa phát triển, Hồng Lợi vừa phục vụ nghệ thuật vừa chiếu phim.
Có thể nói mô hình rạp bình dân phục vụ mọi thành phần dân chúng của ông Thất Ngàn đã phục vụ đời sống tinh thần cho người dân nơi xứ biển Phan Thiết và mang lại lợi nhuận không nhỏ cho cha con ông Thất Ngàn trong một thời gian dài.
Món quà tặng mẹ
Năm 1928, Thất Ngàn tròn 30 tuổi, khi ấy tài sản tích góp được cũng khá nhiều, thương mẹ một đời tần tảo lo cho mình, ông muốn xây dựng một ngôi nhà to đẹp nhất xứ Phan Thiết tặng mẹ.
Nói là làm, ông nhờ một công ty Pháp ra bản vẽ kiến trúc và giám sát xây dựng. Toàn bộ thợ xây là người Phan Thiết và người Huế. Ngôi nhà xây gần 2 năm mới hoàn thành. Nhiều  thiết bị nội thất phải đặt mua từ Pháp.

Nhiều bức tường, cột chống của ngôi biệt thự được chạm khắc hoa văn rất đẹp và tinh xảo. Toàn bộ tường của tầng trệt được xây theo quy cách dày 50cm với vật liệu đá ong. Với quy cách xây này, nhà rất chắc và luôn luôn mát về mùa hè, ấm vào mùa đông. Đây cũng là quy cách của nhiều ngôi biệt thự Pháp hiện có tại Việt Nam.

Biệt thự ông Thất Ngàn xây tặng mẹ gồm 3 tầng, có diện tích sàn hơn 700 m2. Phần lớn là bê tông cốt thép kể cả sàn, lan can, cầu thang và mái. Toàn bộ hệ thống cửa gỗ song sắt và ốp kính nhiều màu theo kiến trúc Gothic.
Khi tham quan ngôi nhà, vào bên trong, chúng tôi nhận thấy điều đặc biệt là toàn bộ khu thờ ở tầng 3 mang đậm kiến trúc Huế với 3 gian thờ, trong đó gian thờ phía tả có một bức tượng bằng xi măng của một người phụ nữ.
Người cháu ông Thất Ngàn cho biết đó là tượng người mẹ của ông do ông đặt làm tại Huế. Chi tiết này làm chúng tôi thật sự xúc động trước tình cảm và lòng hiếu thảo của ông.

Ngày nay, ai có dịp đi ngang qua ngôi biệt thự ở số 11 Phan Chu Trinh đều có thể dễ dàng nhận thấy đây là ngôi biệt thự cổ to đẹp và một thời sang trọng nhất xứ Phan. Có thể nói đây là ngôi biệt thự có kiến trúc lạ, đẹp nhất miền Nam vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Cách đây 1 năm, ngôi biệt thự này đã được sơn lại nhưng theo thời gian, nó đang xuống cấp nghiêm trọng do những người quản lý ngôi nhà không có điều kiện về tài chính để sửa chữa, trùng tu.
Theo Lê Huân (VNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét