Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Mô hình trang trại làm du lịch



Du khách tham quan trang viên Đồng Gội. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Những năm gần đây, Lương Sơn (Hòa Bình) đã và đang nổi lên là điểm đến của du lịch sinh thái với các mô hình trang trại kết hợp nét văn hóa thôn quê bình dị hòa quyện không gian thiên nhiên tươi đẹp. Trang trại Đồng Gội ở xã Hòa Sơn, cách Hà Nội khoảng 40 km, là một mô hình như vậy.
Nằm trên sườn đồi quanh co được bao quanh bởi những cánh đồng lúa bát ngát, trang viên Đồng Gội ngay từ đầu đã mang đến cảm giác bình yên. Sau cơn mưa rào mùa hạ, mầu xanh của cây cối, mầu vàng của những trái xoài chín mọng lúc lỉu… dường như rực rỡ hơn, hương sen phảng phất trong gió. Nhắm mắt hít một hơi thật sâu để cảm nhận sự khoan khoái tĩnh lặng, tạm quên đi những lo toan bộn bề của cuộc sống, chúng tôi bắt đầu khám phá hành trình một ngày làm nhà nông với các hoạt động thú vị: câu cá, hái rau, trồng hoa, thu hoạch măng tươi, tìm hiểu quy trình nuôi ong lấy mật… Chiều đến, đạp xe băng qua những triền đê lộng gió để thăm bản làng chung quanh, cảm nhận thật rõ nét văn hóa đặc trưng của người Mường quyện trong nếp nhà sàn dựa lưng vào đồi núi. Để rồi, khi màn đêm buông xuống, ở một góc trang viên, chúng tôi lại được quây quần cùng người dân bản Mường đốt lửa trại trong điệu nhảy sạp tươi vui và lời ca rộn rã…
Thật bất ngờ khi biết trang viên là tâm huyết của một “người phố Hàng” Thủ đô. Ông Nguyễn Chí Sỹ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Những năm chiến tranh chống Mỹ, ông rời thành phố đi sơ tán, khi được sống cùng những người nông dân chân lấm tay bùn, ông đã yêu mến sự mộc mạc, chân chất của họ và những công việc ruộng đồng, vườn tược. Đó cũng là lý do sau khi về hưu, ông rời phố lên rừng. Năm 2002, ông tới Hòa Sơn, khi ấy vẫn toàn đồi trọc, đường mòn. Và với niềm đam mê, từng chút, từng chút một, ông đã phủ xanh 3,6 ha đất, qua nhiều năm trở thành trang viên Đồng Gội như ngày nay. Ông Sỹ cho biết, ban đầu, ông tạo dựng nơi đây đơn thuần chỉ để phục vụ bản thân và gia đình. Nhưng sau đó, ông muốn chia sẻ không gian sống xanh với cộng đồng, nhất là với những người dân ở các thành phố lớn vốn luôn ao ước có được những phút thảnh thơi nơi làng quê. Cũng bởi vậy mà khoảng 90% diện tích trang viên ông dành để trồng cây, nuôi cá, gia cầm…; chỉ khoảng 10% được sử dụng để xây những phòng nghỉ theo kiến trúc tân cổ điển.
Ông đã cùng các chuyên gia khai thác mạch nước khoáng tự nhiên thuộc khu vực nguồn khoáng Hòa Bình để sử dụng làm nguồn nước chính trong sinh hoạt, cấp nước cho hồ bơi và dùng công nghệ lọc để tạo thương hiệu nước uống tinh khiết riêng của trang viên Đồng Gội. Không chỉ nước uống, đến cả gạo, rau, thịt, cá trong trang viên cũng đều được nuôi trồng hữu cơ tại chỗ để bảo đảm nguồn thực phẩm ngon, sạch cung cấp vừa đủ cho du khách. Hướng đến tạo dựng một khu nghỉ dưỡng với đầy đủ dịch vụ nhưng vẫn dựa trên nền tảng sinh thái là mục tiêu mà ông và gia đình kiên quyết theo đuổi. Bởi theo ông, chỉ có hướng đi này mới đem lại những giá trị bền vững trong phát triển du lịch cộng đồng mà không ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên.
Dù đã có tuổi, nhưng cảm giác tinh thần khởi nghiệp vẫn hừng hực trong ông. Hằng ngày, ông Sỹ vẫn miệt mài tìm đến những hộ dân trong làng vận động, thuyết phục mọi người tham gia phát triển du lịch cộng đồng để thay da đổi thịt cho mảnh đất Hòa Sơn. Tiến tới có thể cung cấp được nguồn thực phẩm sạch và còn dư để phục vụ nhu cầu mua về làm quà của khách du lịch, ông Sỹ cùng một số hộ dân lân cận triển khai mô hình chăn nuôi vệ tinh với nguồn giống chất lượng cao do ông trực tiếp tuyển lựa và cam kết bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Anh Hoàng Công Thẩm, chủ hộ trồng măng sạch ở thôn cho biết: Trước đây, những nông sản sạch của gia đình không dùng hết thì phải mang ra chợ tiêu thụ. Nay nếu kết hợp làm du lịch, sản phẩm có thể bán ngay cho du khách. Hướng phát triển du lịch của trang viên Đồng Gội vừa giúp bà con làm kinh tế, lại bảo đảm thân thiện với môi trường…
Với những thành công ban đầu, mong rằng mô hình trang trại làm du lịch cộng đồng của ông Sỹ sẽ phát triển và được nhân rộng, để tỉnh Hòa Bình có thêm những sản phẩm du lịch chất lượng mang đến thu nhập cho người dân và phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng.
ĐẮC LINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét